“Chiếc thuyền nan” chèo chở ở “đô thành” Hà Nội, chẳng bao lâu đắm vì... rượu, chủ nó lên xe hỏa tìm vào đô thành Sài Gòn.(1) Vào, ra, vào, ra, vào, ra, được ba lần thì “khách” “chán lòng tha hương”, chán luôn đô với thành, lên đường về quê Sơn Tây. Quê tuy cảnh hữu tình:

“Mạch nước sông Ðà tim róc rách
Ngàn mây non Tản mắt lơ mơ”,

lại có “thứ ngon”:

“Nay về Bất Bạt quê nhà
Sông to cá lớn lại là thứ ngon”,

nhưng với “người nhà quê” đã trót quen Hà Nội băm sáu phố phường, “sương thu bốn giậu, trăng tà nửa hiên”, chao ơi, buồn quá. “Tóc bạc” ở “rừng xanh” ít lâu, dĩ nhiên lại ra “đô thành”, dù lần này là chỉ ngoại thành...

(Thu Tứ)

(1) Xem bài Tản Đà Ở Nam Kỳ của Ngô Tất Tố.



Tản Đà, “Một bức thư của người nhà quê”




Bốn phương bay mỏi cánh hồng
Ðường mây bãi tuyết chán lòng tha hương
Tản Viên bóng gác tà dương
Gió thu giục khách lên đường về quê
Trùng dương rót chén hoàng huê
Năm đi tính lại năm về ba ba
Bắc, Nam bao độ vào ra
Tình duyên gặp gỡ này là những ai
(...)
Quản chi sông rộng doành khơi
Buồm không thuận gió ai ơi cũng đành
Bẽ bàng tóc bạc rừng xanh
Thôn quê nay với đô thành khác xa
Phòng văn ai kẻ vào ra
Sương thu bốn giậu, trăng tà nửa hiên...


1933