Nguyễn rất tài tình với chữ nghĩa. Rồi có những người rất tài tình với Nguyễn, làm cho Nguyễn đổi từ “chướng” thành ngoan... Nếu không có Cách mạng, bà Ch, ả Phiền, chao ơi! (TT)



“Tôi theo kháng chiến”




Ngọc Trai: Anh đi vào cách mạng như thế nào? Có được tuyên truyền, giới thiệu Việt Minh từ trước không?

Nguyễn Tuân: Nhật đảo chính Pháp, không khí khắp nơi sục sôi chuẩn bị khởi nghĩa, tôi vẫn không hề hay biết gì. Chiều 9-3-1945, tôi còn nằm bẹp tại nhà một cô đầu ở Khâm Thiên (...) Ðêm, Nhật nổ súng (...) Tôi vẫn nằm ở nhà hát bà Chu. Sáng ra, sau khi ngớt tiếng súng, tôi mới khăn đóng áo the ra đường về nhà ở phố Cầu Mới. Cả đêm, nghe tiếng súng, gia đình rất lo cho tôi, thấy tôi về cả nhà rất mừng, muốn giữ tôi ở nhà lâu lâu, chờ cho tình hình yên ổn. Nhưng chỉ được mấy hôm, tôi lại lặng lẽ xuống phố, lại vào nhà cô đầu. Hồi đó, tôi chưa có quan hệ gì với tổ chức cách mạng.

Ngày Cách Mạng Tháng Tám, Việt Minh chiếm phủ Thống sứ (về sau là Bắc bộ phủ), tôi cũng lại khăn đóng áo dài “đi xem” - đúng, chỉ là một người quan sát thế thôi. Tôi thấy Việt Minh hạ cờ quẻ ly xuống, rồi treo cờ đỏ sao vàng lên. Tôi nhận ra có sự thay đổi, sự chuyển biến lớn lao thực sự. Tôi cũng bị thu hút, thế là vào hiệu cắt tóc, cạo râu. Thấy con người mình như sáng sủa lên. Tôi còn cởi bỏ bộ quần áo dài ta, mặc quần soóc, sơ-mi vải cứt ngựa, nhập vào dòng biểu tình chào mừng cách mạng. Khi trở về nhà hát, bà Chu - chủ nhà hát và là nhân tình của tôi -, la lên: “Ông định làm cách mạng đấy à? Ðừng có mà đi theo họ!”. (Nguyễn Tuân cười) Thế có chết tôi không chứ! (Anh hạ giọng và nói cách dí dỏm) Nếu không có cách mạng thì tôi sẽ gay go to, có thể lấy bà ta làm vợ lẽ, cho nên vợ tôi phải cảm ơn cách mạng nhiều lắm!

Ngọc Trai: Nhưng anh vẫn không “đừng” mà vẫn “đi theo” cách mạng?

Nguyễn Tuân: Cũng không đơn giản như thế. Hồi đó, bọn Việt quốc, Việt cách cứ làm rối cả lên (...) tôi (...) hoang mang (...) Vả lại con người tôi nó cũng phức tạp lắm, tôi thấy trong hàng ngũ cách mạng có một vài nhà văn kém tài mà trước đây mình không thích, cái tính khinh bạc của tôi nó lại nổi lên, tôi đâm ra hờ hững, chưa thật dứt khoát đi với Cách mạng.

Ngọc Trai: Sau này, vì sao anh tham gia kháng chiến?

Nguyễn Tuân: À, đến Kháng chiến thì lại khác rồi, đánh nhau với thằng Tây thì phải tin vào ai chứ, thế là tôi dứt khoát theo cộng sản. Ðầu tiên là do cuộc Nam tiến. Hội Văn hóa Cứu quốc tổ chức cho nhiều văn nghệ sĩ theo bộ đội vào mặt trận phía nam. Anh Trần Huy Liệu giới thiệu tôi vào một đoàn gồm có Nguyên Hồng, Nguyễn Ðình Lạp, Sỹ Ngọc, Nguyễn Văn Tỵ... đi vào chiến trường khu V. Trước khi đi, anh Trần Huy Liệu đưa cho mỗi người một nghìn tiền cụ Hồ. Khi cầm tiền, tôi hỏi anh Liệu: Như thế này là tôi phải viết mấy bài? Ấy cái tính của tôi cứ hay sục sặc như vậy! Thế là mình cà khịa với cách mạng chứ gì nữa? May sao, anh Trần Huy Liệu lại tỏ ra rất thoải mái. Anh cười và bảo tôi: Anh cứ cầm lấy mà đi đường, còn viết hay không là tùy, thích thì viết, không viết cũng chẳng sao.

Trước lúc lên đường, ông Tố Hữu lại đưa cho một nghìn nữa. Tôi từ chối và nói: “Anh Liệu đưa cho rồi”. Anh Lành trả lời: “Số tiền này anh đưa về cho chị và các cháu để nhỡ đi lâu cũng đỡ lo chuyện nhà”. Tôi cầm tiền, nhưng đã không đưa đồng nào về cho vợ con, mà mang theo cả vào mặt trận Phú Yên - Khánh Hòa. Một vài chi tiết nho nhỏ ấy, nhưng đối với tôi nó trở thành ấn tượng. Chính những thái độ ưu ái, cởi mở ấy của anh Tố Hữu và anh Trần Huy Liệu là những yếu tố thêm vào cho mình dứt khoát đi với cách mạng và chuyển hẳn sang quan điểm vị nhân sinh. Cái tính của tôi nó chướng thế. Giá lúc ấy anh Liệu bảo tôi là anh phải cố viết lấy một hai bài thì có khi tôi lại từ chối hoặc là cứ đi mà không viết gì cả. Nhưng sự cởi mở, cảm thông của anh Liệu làm cho tôi phải suy nghĩ. Tôi nhớ đợt đi ấy về, tôi không những đã nói chuyện ở nhiều nơi, nhiều cuộc mà còn viết một số bài cho tờ Chống Giặc ở khu IV (...)

Ðánh lại thằng Pháp định biến ta thành nô lệ lần nữa là điều không phải bàn cãi gì cả. Tôi đi kháng chiến với tâm hồn thanh thản, hào hứng.

Cũng làm được khối việc ra đấy. Lúc đầu tôi theo đoàn kịch Tiền Tuyến lưu diễn khắp khu IV (...) Tôi vừa làm trưởng đoàn, vừa viết vở tập thể vừa làm diễn viên (...) Ðoàn (...) lưu động được 6 tháng (...) khắp 3 tỉnh khu IV. Mỗi tháng diễn đến 15 đêm, ở 15 địa điểm khác nhau. Tất cả hàng trang, phông màn đeo cả lên đôi vai các diễn viên. Tôi đóng cả vai chính, vai phụ trong các vở. Ðược phân vai nào, đóng vai ấy với tất cả nhiệt tình của mình (...)

Hồi này, anh em văn nghệ sĩ Hà Nội tản cư ra Kháng chiến rất đông, có cả Vũ Hoàng Chương, Ðinh Hùng, Vũ Bằng... Về sau, các vị này, người thì không chịu được gian khổ, có người vì nghiện thuốc phiện mà phải dinh tê.

Ngọc Trai: Ðọc Chiếc lư đồng mắt cuaTàn đèn dầu lạc, tôi nghĩ là anh cũng nghiện nặng lắm. Vì sao anh bỏ được?

Nguyễn Tuân: Hình như, đối với tôi, cái việc hút hay bỏ hút nó cũng giản đơn thôi. Trước đây chán đời thì hút cho quên đời đi, cũng là một cách để tự hủy hoại mình cho bõ tức với đời. Ðến hồi đầu Cách mạng, mình cũng nghĩ đơn giản là Cách mạng không thích bợm nghiện. Ðã đi theo Cách mạng thì phải bỏ thuốc phiện thôi (...) Tôi bỏ thuốc phiện cũng không gay go gì. Khoảng gần một tháng. Sáng, đạp xe từ Hà Nội xuống Văn Ðiển, nhà một người bạn, uống rượu rồi lăn ra ngủ một giấc, dậy đạp xe về. Chiều lại uống nửa lít rượu và lại ngủ. Thế là nó quen đi. Lấy độc trị độc mà lại! Tôi cũng không thấy vật vã ghê gớm như người ta nói (...)


(Trong
Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nxb. Văn Học, 1997)