Vũ Thị Tuệ là vợ nhà văn Nguyễn Tuân.



Vũ Thị Tuệ, “Tình nghĩa kháng chiến”




Chúng tôi (...) về đến Thanh Hóa (...)

Không biết cô có nhờ cái hồi ấy không, chứ chúng tôi lúc đó cứ nghĩ rằng tản cư ra vùng tự do cũng xem như là đi kháng chiến và nhà nào đón người tản cư về ở cùng, cũng lấy làm vinh hạnh như là mình đã tham gia vào công cuộc kháng chiến cứu nước (...)

Chúng tôi được nhà chủ cho ở chỗ tốt nhất trong nhà. Hồi này chúng tôi vừa về đến Thanh là đúng dịp giáp Tết. Chủ nhà không cho chúng tôi bày ra nấu nướng gì hết. Họ làm cỗ, nấu bánh chưng và mời cả nhà tôi ăn uống suốt mấy ngày Tết. Ðến giao thừa gia đình còn sắp một mâm cỗ, bày bàn thờ riêng để chúng tôi thắp hương cúng mẹ tôi, vì mẹ tôi mới mất, gia đình chưa đoạn tang (...)

Sau Tết, nhà tôi từ Huế ra, sợ Tây ném bom Thanh Hóa, nên bàn đưa gia đình về Nông Cống. Nông Cống hồi này quần tụ nhiều cơ quan. Các gia đình văn nghệ sĩ ra kháng chiến tập trung ở Quần Tín đông lắm. Nhưng gia đình tôi và gia đình anh Chu Ngọc lại rủ nhau về ở Hà Lũng chứ không ở Quần Tín (...)

Hồi đầu ngâm giá bán (...) Tôi làm như vậy được chín tháng. Sau đó anh Chu Ngọc mới bàn với tôi, chung nhau định mua một miếng đất để mở quán điểm tâm giải khát. Khi nói chuyện mua đất, thì chủ đất gật ngay và bảo chúng tôi: đối với gia đình tản cư, ông bà cần thì lấy đất mà mở quán, chứ mua bán gì! Ông ta nói, rồi bắt tay vào bàn bạc và giúp chúng tôi cất quán, chúng tôi chỉ bỏ tiền ra mua ít tranh tre còn công xá ông ta làm giúp hết (...)

Chẳng bao lâu, quán Giang Quyên của tôi rất đắt hàng. Tôi bán cháo chân giò, bánh cuốn nhân thịt, bánh chưng nóng v.v. (...)

Dần dần bộ đội biến quán Giang Quyên thành như câu lạc bộ của trại an dưỡng, các anh không chỉ đến ăn cháo, ăn bánh, mà khi cần hộp sữa, gói thuốc hay những lúc có khách quan trọng (...) các anh lại nhờ tôi mua bán nấu thêm thứ này thứ nọ (...) Tết đến anh em (...) đặt tôi gói bánh chưng (...)

Không hiểu sao hồi ấy tôi khỏe thế. Cứ gà gáy canh hai, gia đình tôi đã trở dậy. Bà cụ giúp tôi đặt nồi cháo chân giò. Tôi khua gậy đi đến hàng bánh cuốn. Người ta tráng bánh sẵn, mình làm nhân rồi đến cuốn vào bánh. Khi cuốn đủ 500 bánh, thì vừa tảng sáng, đưa bánh về đến quán thì bắt đầu mở hàng. Các cháu cũng giúp đỡ tôi mỗi đứa một việc. Cái Hương Cảng hồi ấy đã gánh được đến 50, 60 cân. Tôi làm vất vả nhưng rất vui vì được anh em bộ đội yêu mến, các con tôi cũng được trưởng thành trong kháng chiến (...)

Ông nhà tôi lúc đi, lúc về (...) Sau đó lên Việt Bắc, có lúc cả năm trời chẳng có tin tức gì. Mấy mẹ con, ông cháu chúng tôi sống với nhau lo làm lo ăn để ông ấy yên tâm mà đi kháng chiến (...)

Hồi ấy ông Ðặng Thai Mai coi như người lãnh đạo to nhất ở khu IV rồi, theo tôi hiểu là như thế. Ông biết là kháng chiến còn lâu dài nên có gợi ý với các gia đình văn nghệ sĩ là mỗi nhà nên kiếm lấy một nghề hoặc mua một ít ruộng đất tăng gia, tự túc lương thực mà sống cho đến cùng (...)

Hồi tôi sống ở Hà Lũng phải nói là vui nhất. Vì mình sống giữa đồng bào rất tốt bụng, lại có bạn bè của chồng, của gia đình nhà chồng. Phải nói là cái hồi kháng chiến ấ, người ta sống với nhau thật tình nghĩa đôn hậu. Cái bà chủ nhà tôi ở nhờ cũng rất lạ. Bà vốn là bà đồng bà cốt, xưa nay rất khó tính, tưởng không ai sống được với bà, vậy mà gia đình tôi về ở đây với bà đến ba, bốn năm; đến khi đi khỏi nhà bà rồi, thỉnh thoảng về Hà Lũng mua gạo, mua đỗ mà không đến thăm là bà giận, mỗi lần đến, thế nào bà cũng giữ lại ăn cơm và khi đi còn làm gà, nấu xôi gói gửi cho bọn trẻ nhà tôi (...)

Sau này, bộ đội rút đi, Hà Lũng trở nên vắng vẻ, quán hàng của tôi không tiếp tục được nữa, tôi lại chuyển ra Cầu Thiều (...) Tôi lại làm giá bán (...) Mãi đến năm 1954, nhà tôi mới về đón mẹ con tôi lên Việt Bắc.


(Trích
Nguyễn Tuân - người đi tìm cái đẹp, nxb. Văn Học, 1997. Nhan đề phần trích tạm đặt.)