“Trong những ngôi mộ trước Tần ở Quảng Ðông, hiện vật Hán đã khá nhiều”. Tần rồi mới đến Hán, vậy “Hán” đây thực ra là “Hoa”, là tên của cái chủng tộc đã bành trướng xuống phía nam từ địa bàn gốc cơ bản ở phía bắc sông Hoàng Hà. “Cuộc khai quật (...) cho ta thấy tầng lớp quý tộc Triệu đã ưa chuộng đồ Hán đến mức nào”. Triệu Ðà là người Hoa, quý tộc Triệu ưa chuộng văn hóa phẩm Hoa tộc là dĩ nhiên. Trong mộ Nam Việt vương có cả đồ Đông Sơn là do họ Triệu xuống ở phương nam lâu ngày đã sinh lòng mến văn hóa Việt tộc. Xét ảnh hưởng của văn hóa Hoa trên đất Việt, phải căn cứ vào đồ tùy táng trong những ngôi mộ mà chủ nhân là người Việt. Tức hiện vật trong mộ thuyền Việt Khê rất ý nghĩa, mà hiện vật trong mộ Nam Việt vương thì không. (Thu Tứ)



“Ðông Sơn và quan hệ khu vực” (4)

Hà Văn Tấn




Bây giờ, chúng ta thử xem xét quan hệ giữa văn hóa Ðông Sơn với miền đông nam Trung Quốc, qua các tỉnh Quảng Tây, Quảng Ðông, cho đến miền nam sông Dương Tử, một vùng được coi là một trung tâm của “Bách Việt” xưa. Thực ra, vùng này từ thời đá mới đã có một truyền thống riêng - truyền thống gốm văn in - rất khác với khu vực Việt Nam. Còn khi bắt đầu thời đại kim khí thì vùng này lại chịu ảnh hưởng mạnh của văn hóa Hán, cho dù là có pha trộn với truyền thống bản địa. Vì vậy, xét ảnh hưởng qua lại của văn hóa Ðông Sơn với khu vực này, ta thấy ngay sự khác biệt với khu vực tây nam Trung Quốc.

Ta có thể thấy rõ mối ảnh hưởng đó qua những hiện vật chôn trong những ngôi mộ Việt Khê (Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam 1965). Ở đây, giữa các đồ đồng Ðông Sơn như rìu, dao găm, mũi giáo, thố, thạp, trống v.v., chúng ta đã gặp các đồ đồng Hán như kiếm, dao có vòng ở chuôi, bình, âu, đỉnh v.v. Ðỉnh, dầu là “Việt thức” đi nữa, thì cũng rõ ràng là thuộc văn hóa Hán. Tất nhiên trong những đồ Hán này, chúng ta cũng nhìn thấy những vật được trang trí văn hóa Ðông Sơn. Chẳng hạn như chiếc “hồ” trong mộ Việt Khê. Một chiếc hồ gần giống như vậy đã tìm được trong mộ Lý Gia ở Hoa Kiều Tân Thôn ở Quảng Châu. Một chiếc hồ khác, tuy dưới vành chân đế không đục thủng những hình tam giác nữa, nhưng trên mình thì còn giữ nguyên những vành hoa văn Ðông Sơn, cũng tìm được ở Quảng Châu, hiện được cất giữ tại Bảo tàng Nghệ thuật Hương Cảng (Hương Cảng Trung văn Ðại học văn vật quán 1984:154-155).

Ngược lại, trong những ngôi mộ trước Tần ở Quảng Ðông, hiện vật Hán đã khá nhiều (Từ Hằng Bân 1984). Tuy nhiên, cũng có trường hợp chúng ta còn thấy được hiện vật Ðông Sơn. Chẳng hạn như trong ngôi mộ Tùng Sơn ở Triệu Khánh, giữa những đồ Hán như bình đồng, đỉnh đồng, mâm ba chân v.v. có một chiếc thạp đồng với những vành hoa văn hình học kiểu Ðông Sơn. Ðó là một hiện vật Ðông Sơn không còn nghi ngờ gì nữa (Quảng Ðông tỉnh Bác vật quán 1974; Quảng Ðông xuất thổ Tiền Tần văn vật 1984: ảnh 86).

Quảng Châu tức đất Phiên Ngung, thủ đô nước Nam Việt của Triệu Ðà. Triệu Ðà đã xâm chiếm quốc gia Âu Lạc của An Dương Vương, sáp nhập vào đất Nam Việt. Cuộc khai quật ngôi mộ của Nam Việt vương Triệu Muội, hay Triệu Hồ, cháu Triệu Ðà gần đây, đã cho ta thấy tầng lớp quý tộc Triệu đã ưa chuộng đồ Hán đến mức nào. Tất cả của cải trong ngôi mộ đều là sản phẩm văn hóa Hán. Tuy nhiên, ta vẫn còn tìm thấy một số thạp đồng và thạp gốm. Những chiếc thạp đồng này rõ ràng là sản phẩm của văn hóa Ðông Sơn (như những chiếc B57, B58, B59, E78), đặc biệt là chiếc B59 có hình thuyền với những người hóa trang lông chim rất đẹp (Tây Hán Nam Việt vương mộ, thượng, hình 34, 35, 36, 37, 147; hạ, bản ảnh màu 25). Nhưng cũng có chiếc thạp (C61) thì đã được làm thêm quai đồng để đeo, tuy ngôi sao trên nắp còn giữ nguyên, vành trang trí phía dưới là vòng tròn đồng tâm có tiếp tuyến, nhưng vành trang trí phía trên thì đã không còn là của Ðông Sơn. Những chiếc thạp gốm thì chắc là phỏng chế theo thạp đồng, theo kỹ thuật làm gốm tại chỗ.

Nếu chúng ta lần theo những hiện vật văn hóa Ðông Sơn thì hẳn là có thể đi xa hơn nữa. Chẳng hạn, năm 1974, ở tỉnh Hồ Nam, trong ngôi mộ Chiến Quốc ở Thụ Mộc Lĩnh, Trường Sa, đã tìm được một con dao găm Ðông Sơn. Dao dài 12,8cm, lưỡi rộng 3,5cm, cán dao là hình người đóng khố, có bím tóc thắt đằng sau, giống như kiểu dao đã gặp ở địa điểm Ðông Sơn (Hồ Nam tỉnh Bác vật quán 1984).

Rồi nữa, ở tỉnh Chiết Giang, tại Huyện Cẩn, giữa các đồ đồng thời Xuân Thu, người ta đã tìm thấy một lưỡi rìu, trên đó khắc bốn người chèo một chiếc thuyền, còn bên trên, là hình hai con “cá sấu” giao nhau, như hình ta đã gặp trên chiếc rìu ở Ðông Sơn (Tào Cẩm Viêm, Chu Sinh Vọng 1984). Nếu chiếc rìu Huyện Cẩn không phải là di vật Ðông Sơn thì cũng là vật phỏng chế di vật văn hóa này.

Ðiều quan trọng là từ Quảng Tây (Quảng Tây Tráng tộc khu Bác vật quán 1984) lên tận Hồ Nam (Cao Chí Hỷ 1980), người ta thường gặp một loại công cụ (rìu hoặc rìu lưỡi xéo) thường được coi là của “Việt tộc”. Xét hình dạng của chúng, đặc biệt là những chiếc rìu xéo gót vuông, thì mặc dầu không phải là di vật của Ðông Sơn, một ảnh hưởng của văn hóa Ðông Sơn đã tác động đến là khá rõ ràng.

Nhưng ngược lại, trong khu vực này cũng hình thành những loại công cụ có đặc điểm riêng và không phải là không có ảnh hưởng đến văn hóa Ðông Sơn. Chẳng hạn, đó là trường hợp chiếc dao găm mà L. Pajot đã đào được trong di chỉ Ðông Sơn, mà V. Goloubew có nhắc đến. Ðây là chiếc dao găm mang số hiệu I-24.890, dài 27,7cm, khá đặc biệt vì chỗ chắn tay hơi cong lên, chứ không uốn cong xuống như những chiếc dao găm khác và vì có hình trang trí trên mặt dao kỳ dị, nhất là có một khuôn mặt người nhỏ, không gặp trong trang trí Ðông Sơn.

Mãi đến gần đây, năm 1990, người ta mới gặp một con dao có trang trí gần giống thế ở Mộc La Thôn, huyện Liễu Thành, tỉnh Quảng Tây (Lưu Văn, Uông Toại Tiên, Hùng Khải Hiệu 1990). Thực ra sớm hơn, người ta đã gặp con dao găm có trang trí tương tự, nhưng cán dao có phần khác, ở Tô Nguyên Sơn, Tiêm Cương, tỉnh Quảng Ðông (Mạch Anh Hào 1977). Rồi đến con dao găm tìm thấy ở Thạch Bích, Hương Cảng, trên hai mặt có hoa văn hơi khác nhưng vẫn có hình mặt người nhỏ như dao găm Ðông Sơn (Ðặng Thông 1993).

Tất cả những hiện vật đó làm ta nghĩ rằng con dao găm được nhắc đến ở Ðông Sơn vốn không phải là một thành phần của văn hóa Ðông Sơn, mà được đưa từ vùng đông nam Trung Quốc đến, nơi đây đã hình thành nên một truyền thống văn hóa riêng, vừa có những yếu tố Trung Nguyên lại vừa có những yếu tố bản địa.

Nhìn chung, văn hóa Ðông Sơn ảnh hưởng tới đông nam Trung Quốc cũng có nhiều mức độ khác nhau. Có sự lan truyền trực tiếp nhưng cũng có sự pha lẫn với các truyền thống địa phương. Ngược lại, ảnh hưởng của văn hóa Hán đến văn hóa Ðông Sơn cũng qua nhiều tầng bậc. Có ảnh hưởng trực tiếp, có ảnh hưởng qua các văn hóa khu vực và cũng có sự hòa nhập, pha trộn với văn hóa Ðông Sơn.

*

Như vậy, như là một thực thể văn hóa độc lập, mạnh mẽ và năng động, văn hóa Ðông Sơn đã tỏa ánh sáng của nó đi khắp các vùng chung quanh, và ngược lại, đã thu nhận nhiều yếu tố bên ngoài vào mình. Nhưng mỗi vùng mà nó ảnh hưởng tới, cũng như tiếp thu các yếu tố, đều tùy theo các môi trường văn hóa cụ thể mà mối quan hệ không giống nhau.

Tất nhiên là những vấn đề như thế này, không phải một lúc mà chúng ta có thể nhận ra tất cả.


(Hà Văn Tấn, “Văn hóa Ðông Sơn và mối quan hệ trong khu vực”, tức chương XI trong
Văn hóa Ðông Sơn ở Việt Nam, Viện Khảo cổ học, Hà Văn Tấn chủ biên, nxb. Khoa Học Xã Hội, Hà Nội, 1994)