Có tài có tật. Có thể yêu tài, mà không yêu tật. Ngô Tất Tố viết văn quốc ngữ giọng điềm đạm như người xưa mà lời gọn gàng chẳng kém người nay. (Thu Tứ)



“Tản Đà qua Ngô Tất Tố”




Từ khi Tao Ðàn ra số đặc biệt về Giấc mộng lớn của ông Tản Ðà, các ông tòa soạn có bảo tôi viết một bài, đầu đề mặc tôi lựa chọn.

Cái đó là lẽ tất nhiên.

Ðem cái giao tình của tôi với ông Tản Ðà đặt trước cảnh kẻ còn người khuất, nghĩa vụ của tôi đã buộc tôi không thể khiết nhiên với số tạp chí có ý nghĩa ấy. Huống chi lại thêm có lời yêu cầu của anh em.

Chỉ tiếc lâu nay tôi ít gần ông Tản Ðà. Từ ngày ở Nam ra Bắc, thấm thoát đã đúng mười năm, tôi chỉ gặp ông độ bốn, năm lần, mỗi lần chừng nửa giờ hay một giờ. Trong khoảng đó, tính tình tư tưởng của ông ra sao, tôi không được rõ. Và tôi biết ông cũng lại khí muộn. Cái năm 1925, tôi dịch cuốn Cẩm hương đình bán cho Tản Ðà thư điếm, bấy giờ mới giáp ông một lần đầu tiên. Trước đó, thân thế ông thế nào tôi cũng không được biết kỹ.

Vậy thì, về ông Tản Ðà, tôi sẽ viết gì? Phê bình văn nghiệp hay tán dương nhân phẩm của ông, hẳn là những việc mà một người đã thân với ông như tôi không được phép làm.

Tôi đã nghĩ đi nghĩ lại. Trong cái trang thi sĩ của cuốn Việt Nam văn học sử này, dầu sao mặc lòng, ông Tản Ðà vẫn là một người đứng đầu của thời đại này. Thế thì bao nhiêu dật sự của ông, có lẽ đều là tài liệu để cho người sau khảo cứu về ông. Nhưng những dật sự của ông ở Bắc, bà con chắc đã nhiều người biết cả rồi. Cái mà, ngoài tôi, trong các bạn thân của ông ở đây, ít ai hiểu rõ, có lẽ chỉ là thời kỳ ông ở Nam.

Vì vậy, tôi mới chọn cái đầu đề trên kia. Và tôi sở dĩ phải nói ra ngoài lề nhiều thế, chỉ cốt để khỏi có ai phải hỏi tại sao tôi viết về ông Tản Ðà có vậy.

Ông Tản Ðà vào Nam tất cả ba lần. Lần cuối cùng tôi không được biết. Lần thứ nhất, cái cớ đã đưa ông đi chỉ là sự thất bại của An Nam tạp chí.

Khi ấy, An Nam tạp chí ra ở Hàng Lọng. Trong tòa soạn có ông và tôi. Cái tài viết báo của ông thế nào chắc ai cũng đều rõ cả. Còn tôi, thì mới bắt đầu bước vào làng báo, sức lực hãy còn non nớt, nhiều bài đến nay nhớ lại mà xấu hổ mướt mồ hôi. Ấy vậy mà An Nam tạp chí vẫn được độc giả hoan nghênh, nhất là độc giả trong Nam. Cái đó hoặc giả cũng là dư trách của “Giấc mộng con”, “Khối tình con” để lại.

Nguyên nhân làm cho tờ tạp chí ấy phải chết là rượu. Ðành rằng nếu không có rượu, thì ông Tản Ðà sẽ không phải là ông Tản Ðà, nhưng trong khi nó làm cho ông Tản Ðà thành ông Tản Ðà, chính nó cũng là thủ phạm làm cho An Nam tạp chí không có bài đưa nhà in.

Bấy giờ An Nam tạp chí xuất bản mỗi tháng hai kỳ nhưng mấy tháng sau nó đã đảo lại: mỗi kỳ hai tháng.

Trong lúc chiếc “Thuyền nan” đã bị hết sức chèo chở, thì ông Tản Ðà tiếp được bức thư đầy những hứa hẹn của một bạn đọc trong Nam, ký tên là Nguyễn Thành Úc. Ðặt hy vọng chứa chan vào bức thư ấy, ông Tản Ðà mới quyết đi Nam. Khi tới Sài Gòn, cái hy vọng ấy đã bị tiêu tan trong lúc giáp mặt người viết thư, thì ông Tản Ðà lại gặp ông Diệp Văn Kỳ.

Với một nghìn đồng bạc của ông Diệp Văn Kỳ đưa tặng, ông Tản Ðà lại trở về Bắc để trang cái nợ của An Nam tạp chí. Rồi ông lại vào Nam khi số tiền đó không còn đồng nào trong túi. Ðó là lần thứ hai.

Lần này ông có ý muốn “đóng đô” ở Nam, cho nên tới nơi ít lâu, thì ông có thư ra gọi gia quyến và bảo tôi vào để viết An Nam tạp chí.

Chẳng ngờ khi tôi vào đến Sài Gòn, ty kiểm duyệt trong ấy không nhận duyệt bài của một tờ báo ngoài Bắc. An Nam tạp chí không thể ngụ cư ở đó, ông Tản Ðà mới giới thiệu tôi vào viết với ông cái trang văn chương trong Ðông Pháp thời báo của ông Diệp Văn Kỳ.

Ở chỗ này hình như cần phải nói đến tiền. Là vì trong những cái khác người của ông Tản Ðà, đức tiêu tiền cũng nên để ngang với tài thơ và tài rượu.

Bấy giờ ở Ðông Pháp thời báo, lương của tôi là 80 đồng, của ông Tản Ðà một trăm, và ngoài ra, mỗi tháng ông còn vay riêng của ông Diệp Văn Kỳ thêm một trăm nữa. Vậy là hàng tháng, chúng tôi có tới 280 đồng. Nhưng không tháng nào ông Tản Ðà không phải lật đật về chạy tiền nhà.

Cái nhà của chúng tôi ở kề tiếp với Xóm Cà, nó là một nơi nhà quê thuộc làng Bình Hòa, cách Bà Chiểu độ bốn cây số và cách Sài Gòn độ 10 cây số. Nhà có bốn gian: một gian làm buồng ngủ, một gian làm buồng giấy, một gian làm buồng ăn, còn một gian nữa thì để mắc một cái võng đem ở Bắc vào.

Theo sự xếp đặt ấy, sau khi nhà đã thuê xong, ông Tản Ðà liền đi mượn người phá mấy bức tường ở giữa để lấy đường thông gian nọ sang gian kia và lấy gạch xây cái bể cạn.

Giá nhà này cũng không lấy gì làm đắt. Tất cả bốn gian, có 28 đồng. Với số lương của chúng tôi, nó chỉ là một phần mười chứ gì. Thế mà tháng nào cũng phải khất độ vài bốn hẹn.

Tôi còn nhớ, một hôn chủ nhà thúc giục riết quá, ông Tản Ðà, sau khi đã ăn cơm tối, phải thân hành lên tận Sài Gòn xoay tiền... Vào khoảng 11 giờ đêm, thì thấy ông về với chai rượu rhum, con vịt quay và vài món khác. Mới thoạt vào cửa, ông liền nói với tôi bằng giọng ngạc nhiên:

- Hỏng cả ông ạ!

Tôi hỏi cái gì thì ông thản nhiên cắt nghĩa:

- Chỉ vay được hai chục đồng, trả tiền nhà cũng thiếu tám đồng; tôi mua ít đồ đánh chén, tất cả hết hơn mười đồng...

Rồi ông gọi cu Vang, - một đứa đầy tớ tâm phúc của ông, lúc ấy cũng gần ba mươi tuổi - sắp sửa mâm bát và đem con vịt quay ra chặt.

- Chén đã! Tiền nhà rồi lại xoay!

Dưới ánh trăng vằng vặc của tiết cuối năm, chúng tôi ngất nghểu trên chiếc chõng tre kê ở giữa sân với chai rượu rhum và cái ngông của ông Tản Ðà, tưởng như vũ trụ không lấy gì làm lớn.

Anh em trong Nam hồi ấy hình như đều coi cái ngông của ông là sự đương nhiên, nên không ai cưỡng lại.

Có lần ông cử Tùng Lâm đã bị mắng oan vì nó.

Bấy giờ ông Tản Ðà tuy coi phụ trương văn chương của Ðông Pháp thời báo, nhưng công việc xếp đặt trang báo ấy thì ở ông cử Tùng Lâm. Một hôm vì thiếu bài, ông Tùng Lâm mới phải thêm vào một bài thơ lá cải. Khi báo ra, ông Tản Ðà hạch ông Tùng Lâm về sự chuyên quyền ấy. Ông này cãi rằng: Bài thiếu, báo cần lên khuôn, tôi không thể xuống tận Xóm Cà để hỏi bài của ông; ông Tản Ðà lấy làm tức giận và mắng thêm:

- Nếu thiếu bài thì bỏ trắng đấy cho tôi. Không xin phép tôi mà cho bài thơ kia vào đấy, thế là ông hỗn.

Ông Tùng Lâm chỉ cười.

Lại một lần, nhằm ngày mồng một Tết âm lịch, anh em tòa soạn Ðông Pháp thời báo đến thăm ông Diệp Văn Kỳ. Ông Kỳ mở các thứ rượu ra uống, ai nấy đều say choáng choáng, cố nhiên say nhất thì ông Tản Ðà. Ông Bùi Thế Mỹ đến sau, liền bị ông Tản Ðà đùa giỡn đuổi bắt. Cái gác mà chúng tôi ngồi tuy rộng, nhưng những thống, chóe và các đồ đạc bầy ra gần chật. Trong lúc ông Tản Ðà đuổi theo ông Mỹ, ba, bốn anh người nhà ông Kỳ cứ phải chạy miết theo chân hai ông để giữ những thứ đồ kia, vì sợ các ông ấy va vào nó. Bà Diệp Văn Kỳ ngồi trong vỗ tay cười reo. Ông Ðào Trinh Nhất thì mủm mỉm cười nụ.

Nóng máu nhất là ông Trần Quỳ, thấy ông Tản Ðà diễn mãi trò ấy, ông Quỳ cau mày và gắt:

- Làm cái gì thế? Người ta coi như xi-nê-ma kia kìa.

Ông Tản Ðà vẫn không tha ông Mỹ và trả lời ông Quỳ thế này:

- Ông phải biết cái thằng trong xi-nê-ma nó không biết người ngoài là ai.

Nhất sinh tư tưởng của ông Tản Ðà có thể thu vào câu đó. Chính ông đã tự coi ông là một người bóng trong phim xi-nê-ma, quốc dân, xã hội, mà đến cả thế giới nữa, đều là những người ngoài. Như thế, đối với ông, sự yêu ghét chê khen chỉ là sự thừa. Vì vậy, tôi cũng không muốn nói nhiều về ông.


(Ðăng lần đầu trong tạp chí
Tao Ðàn, 1939, in lại trong Chén rượu vĩnh biệt (nhiều tác giả), nxb. Văn Hóa, Hà Nội, 1989)