Ðọc mãi những bài viết trầm trồ tác phẩm hay tán dương nhân phẩm, bất kể người được “trồ” được “tán” là ai và bất kể người viết là ai, ta dễ thấy chán.

Cái bài Vũ Bằng “vẽ” Nguyễn Tuân sau đây tưởng không gây buồn ngủ. Ơ này, sao ngắm chân dung một người, ta lại không khỏi nghĩ đến một người khác nhỉ. Về tuổi, giữa Nguyễn Tuân và người bạn lớn Tản Đà có độ chênh đến hai mươi năm, nhưng về tính tình thì lại chẳng có độ chênh nào: trẻ cũng “có tật” ngang với già...

Vũ Bằng “không thể nào thương nổi” “nhiều điểm” nơi con người Nguyễn Tuân, y như Ngô Tất Tố không thể nào thưởng thức nổi một số nét nơi con người Tản Ðà.

“Có tài có tật”. Nhưng có tài có khi không có tật. Vì Ngô Tất Tố và Vũ Bằng tất nhiên cũng đều có tài...
(Thu Tứ)



“Người chẳng giống ai”




Cá nhân Tuân, bao giờ cũng như bây giờ, tôi vẫn nói công khai giữa thanh thiên bạch nhật là tôi yêu mến anh thật, nhưng có nhiều điểm “tôi không thể nào thương nổi”. Chắc tôi cũng có nhiều điểm để cho anh không ngửi được, nhưng anh em cứ là anh em, lâu lâu không gặp nhau thì nhớ, mà gặp nhau thì hôm trước hôm sau có chuyện “tẩy” lẫn nhau... gia rít.

Tôi còn nhớ hồi làm Trung Bắc, tôi về Thanh Hóa thăm anh. Ði tầu hỏa đã mệt, tôi đến nhà anh chuyện trò một lát sau đi ngủ liền. Tuân nhè đúng lúc tôi đang ngon giấc, lay dậy, bảo mặc quần áo đi có việc cần. Trời thì rét mà ở ngoài còn tối om, tôi không muốn đi nhưng không được. Tôi đành phải chiều anh bạn “lọ”. Dậy để đi đâu? Anh bắt tôi đi bộ, vòng hết đường này sang đường khác, rồi rủ ăn bánh ướt ở một căn nhà lá, mà anh bảo là ngon nhất Thang Mộc Ấp. Riêng một cái việc ngồi chờ cho bà cụ bán hàng thắp đèn lên, tráng bánh và rán đậu cũng đã mất hai tiếng đồng hồ.

Những hành động lẩm cẩm và dớ dẩn, lộn ruột như thế không thể nào kể xiết. Trong khi người ta mặc quần áo Tây, anh mặc gấm huyền, đội khăn; mùa nực, cầm cái quạt đánh chó phải chết để phe phẩy, nói thì rấm rẳn, đang vui câu chuyện ngừng phắt lại, nhăn cái mũi cười rồi thôi, không nói nữa; đi ăn thì lè khè nhấm nháp, lấy hai ngón tay nhón cái chân chim bồ câu bỏ lò, ăn chậm như rùa - mà chỉ ăn có hai cái chân thôi - còn cả con chim thì lấy tay ngoắt phổ ky lại (chớ không gọi) bảo đem “cất giùm” vào bếp. Cái nếp sống hàng ngày của Tuân (...) Khó chịu lạ lùng làm cho người mới quen bực muốn chết; nhưng các bạn đã biết, thì mặc cho anh muốn giở trò trống gì ra tùy ý (...) (một số người) cho anh là một “quái thai” và đả kích kịch liệt, nhưng muốn “tẩy” cách nào, Nguyễn Tuân cứ lập dị nguyên như thế, không thay đổi, và kỳ cục nhất là một số người đả kích tính lập dị của Tuân, về sau, lại nói giọng lè nhè, ăn uống kiểu cách, bắt chước như Tuân.

(...) Một đêm kia, chúng tôi đi hát ở Khâm Thiên, bắt được Tuân ở giữa đường, rủ cùng đi đập trống. Tôi nhớ ngoài các anh em quen biết ra, có ông Mai Lĩnh, ông Ba, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân và tôi, mỗi người ngồi xếp bằng tròn dưới đất, ở một góc nhà cô đầu, tu mỗi người một chai Văn Ðiển (mà cấm không cho đưa cay một thứ gì, dù là củ lạc). Ðã đành tu như thế xong thì Lý Bạch, Lưu Linh cũng gãy. Ấy thế mà Nguyễn Tuân sau đó lại còn đi lờ khờ hết nhà này sang nhà khác uống nữa, và đến khoảng ba giờ sáng thì cả phố Khâm Thiên nhao lên như có loạn: ở trên nóc nhà, trên một cái gờ bằng gạch nối liền một dẫy với nhau, Tuân đi lại như một anh hát xiếc, giơ hai tay ra lấy thăng bằng, nhón nhảy trên một chân, thỉnh thoảng lại quay ngoắt người trở lại. Bao nhiêu hồn vía cô đầu và quan viên đều lên mây. Thật là kỳ lạ mà Tuân xuống được, nhưng chuyện đến đây chưa hết.

Thấy Tuân say quá, anh em bắt cô đầu phải chăn cho anh đi ngủ. Cuộc vui tạm đình. Ðến sáng mọi người đang ngon giấc ở trong chăn, cả nhà lại loạn lên như thể bị mất trộm. Hỏi ra thì lại mất Nguyễn Tuân: không hiểu anh ta biến đâu rồi. Mỗi người mỗi ngả đi tìm. Thôi thì chẳng còn thiếu nơi nào không lục soát: dưới gầm giường, trong tủ áo, trong bể nước, trên bàn thờ ông vải của bà chủ cô đầu. Vẫn chẳng thấy “Tuân mũi to” đâu hết. Vũ Trọng Phụng đoán: “Hay là nó về nhà rồi?”. Anh em định cử một người đến nhà Nguyễn Tuân, thì có tiếng gõ cửa rất gấp. Mở ra, lù lù một người cảnh sát. Té ra khoảng năm giờ sáng hôm đó, vào lúc gà cõng con đi đái, Nguyễn Tuân đi xe đến Cẩm Hàng Ðậu bấm chuông xin vào thăm chánh cẩm Arnaud (ở trên lầu sở cẩm) để nói vài câu chuyện cần. Cẩm Arnaud bình thường gắt như mắm tôm, lúc ấy đương ngủ ngon với vợ, mà trời lại rét, bỗng nhiên bị người ta đến phá, uất không thể nào chịu được, chửi nhân viên trực đêm cứ oang lên và bảo mời ông khách bất nhã vào ngồi phòng khách cho đến sáng mới tiếp. Do đó, viên cẩm mới biết Tuân hát ở nhà nào và cho người đến báo để anh em đến “bưng” Tuân về (...)

Tuân viết ít và chỉ viết khi nào thích chí thôi, túng thì đến “gõ” anh em chớ nhất định không chịu viết như công chức, để cuối tháng lấy tiền...


(Trong hồi ký
Bốn mươi năm nói láo. Nhan đề phần trích tạm đặt.)