“Nguyễn Công Trứ - Hát hay, hay hát”




Cuộc đời Nguyễn Công Trứ thời chưa đỗ đạt “khó” đến nỗi ông phải ra tay “chém cha cái khó”. Chém bằng chữ nghĩa, tất nhiên, thành “Hàn nho phong vị phú” và rất nhiều “hàn nho phong vị thi”...

Sau khi thi đỗ, ra làm việc nước, Nguyễn Công Trứ lại “lên quan xuống lính liên miên, có lần xuống tận lính thú.

Lúc thất thế là lúc ta thấm thía tình đời. Nguyễn Công Trứ thấm kỹ hiếm ai bằng, và không giữ trong lòng mà nhả ngọc phun châu thành cả một chùm “nhân tình thế thái thi”. Khác với lời than nghèo khi xưa dù sao còn “thanh”, Nguyễn Công Trứ giữa hoạn hải ba đào có lúc không ngại văng hẳn “tục”: “Ð... mẹ nhân tình đã biết rồi / Lạt như nước ốc bạc như vôi”! (Thế kỷ 19 mà đã như thế kỷ 21 nhỉ. Không biết phải ngược về bao xa thì mới gặp được thứ nhân tình ít “lạt, bạc” hơn?)

*

“Ðã biết rồi”, dễ trở nên bi quan, yếm thế. Nhưng Nguyễn Công Trứ thì không. Ðời thế nào ông chém, văng cho xứng, xong tiếp tục vui vẻ sống với đời.

Ðược thế, ấy bởi ông quan niệm là mình mắc “nợ”. Không phải một nợ, mà ít nhất hai, có lẽ ba, thậm chí bốn!

Trước tiên, ai cũng biết, là cái nợ công danh hay nợ tang bồng hay nợ nam nhi hay nợ bút nghiên hay nợ cầm thư. Ðại khái, đã trót sinh ra làm đàn ông con trai thông minh tài giỏi hơn người thì “phải có danh gì với núi sông”, tức làm nên sự nghiệp đáng kể.

Thứ hai, là “nợ phong lưu”. Nợ này không phải ai muốn mắc thì mắc, mà chỉ những bậc “tài tình” (như ông) mới “vướng”. Nợ phong lưu ngược hẳn với nợ công danh, vì một đằng là nợ làm, một đằng là nợ... chơi. Nợ phong lưu cũng chính là nợ nhàn và gồm cơ bản bốn món: “Cầm kỳ thi tửu, đường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay”.

Thứ ba, là nợ văn chương. Tuy “thi” nằm trong nợ phong lưu, nhưng thiết tưởng trường hợp Nguyễn Công Trứ nó có vị trí đặc biệt, đáng được ra đứng riêng. Vì cầm, kỳ, tửu không nghe ông xuất chúng, trong khi ông làm thơ thì khỏi nói.

Sau cùng, là nợ... giăng hoa, nợ “chữ tình”. A, đây cũng là thứ nợ hay chọn mặt. Nó ưa “trói buộc kẻ hào hoa”, người “tài tử”, “trai anh hùng”, chứ không phải bạ ai nó cũng sinh sự. Gặp Nguyễn Công Trứ, nó ra tay lia lịa khiến ông phải thích chí ca rằng “anh hùng hà xứ bất giang sơn”!

Nợ tùm lum, đầy đầu đầy cổ, “như chúa Chổm”, nhưng Nguyễn Công Trứ lại không chịu trả lối lần lượt, hết nợ này xong đến nợ khác. Ðể cho chắc ăn (!), ông trả tất cả cùng một lúc! Tưởng tượng một người vừa xôi kinh nấu sử, vừa thơ phú văn chương, vừa đi hát cô đầu, vừa rượu tì tì, vừa cờ liên miên, vừa làm gì đó “ngoài đồng” khiến “thuyền quyên ứ hự”! Người đó rút cuộc rồi cũng thi đậu, ra làm quan, để vừa cai trị dân hay đánh giặc hay khẩn hoang, vừa tiếp tục cầm kỳ thi tửu... sắc, đến năm 73 tuổi còn cưới hầu non!

*

Nguyễn Công Trứ sống lâu, đến 80 tuổi, và sống khỏe lâu, đến ít nhất 73, nên nợ nào ông cũng trang trải sòng phẳng. Về nợ văn chương, ông trả bằng 1 bài phú, 52 bài thơ Ðường luật, 63 bài hát nói, 21 đôi câu đối và 2 bản tuồng.

Hát nói đã có từ trước, nhưng làm thơ hát nói để diễn nhiều nội dung khác nhau, thì Nguyễn Công Trứ chính là ông tổ. Chẳng những tổ, ông lại còn làm nhiều hơn tất cả các thi nhân khác và làm hay chẳng kém một người nào. Nguyễn Công Trứ mở ra cả một con đường văn chương rực rỡ kéo dài hơn một thế kỷ mà bây giờ nhìn lại, người ta thấy ông “to” nhất và “cao” vào bậc nhất!

Nguyễn Công Trứ làm thơ luật Đường cũng hay lắm. Lúc nào ông “luật” lúc nào ông “hát”? Nói chung, than nghèo vịnh đời thì luật, còn nhắc nợ nọ nợ kia thì hát. “Trầm” luật, “bổng” hát. Cùng một con người, khi trầm khi bổng, trầm nên thơ hay, bổng càng nên thơ hay...

“Hàn nho phong vị phú”

“Chém cha cái khó, chém cha cái khó / Khôn khéo mấy ai, xấu xa một nó / (…) / Kìa ai: bốn vách tường mo, ba gian nhà cỏ / Đầu kèo mọt tạc vẽ sao, trước cửa nhện giăng màn gió / Phên trúc ngăn nửa bếp nửa buồng / Ống nứa đựng đầu kê đầu đỗ / Đầu giường tre, mối dũi quanh co / Góc tường đất, trùn lên lố nhố / Bóng nắng giọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô / Hạt mưa xoi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó / Trong cũi, lợn nằm gặm máng, đói chẳng buồn kêu / Đầu giàn, chuột lóc khua niêu, buồn thôi lại bỏ / Ngày ba bữa, vỗ bụng rau bịch bịch, người quân tử ăn chẳng cầu no / Đêm năm canh, an giấc ngáy kho kho, đời thái bình cửa thường bỏ ngỏ / Ấm trà góp, lá bàng lá gối, pha mùi chát chát chua chua / Miếng trầu têm, vỏ mận vỏ dà, buồn miệng nhai nhai nhổ nhổ / Áo vải thô nặng trịch, lạnh làm mền, nực làm gối, bốn mùa thay đổi bấy nhiêu / Khăn lau giắt đỏ lòm, giải làm chiếu, vận làm quần, một bộ ăn chơi quá thú / Đỡ mồ hôi: võng lác, quạt mo / Chống hơi đất: dép da, guốc gỗ / Miếng ăn sẵn, cà non mướp luộc, ngon khéo là ngon / Đồ chơi nhiều quạt, sậy điếu tre, của đâu những của / Đồ chuyên trà, ấm đất sứt vòi / Cuộc uống rượu, be sành chắp cổ / Đồ cổ khí, bức tranh treo trên vách, khói bay lem luốc, mầu thủy mạc mờ mờ / Của tiểu đồng, pho sách gác đầu giàn, gián nhấm lăm nhăm, dấu thổ châu đo đỏ / Cỗ bài lá ba đời cửa tướng, hàng văn hàng sách lờ mờ / Bàn cờ săng, bảy kiếp nhà ma, chữ nhật chữ điền xiêu xó / Lộc nhĩ điền, lúa chất đầy rương / Phương tịch cốc, khoai vừa một rỏ / Tiêu dụng lấy chi mà phao phóng, thường giữ ba cọc ba đồng / Mùa màng dành để có bao nhiêu, chừng độ một triêng một bó / Mỏng lưng, xem cũng không giầu / Nhiều miệng, lấy chi cho đủ / Đến bữa, chưa sẵn bữa, con trẻ khóc dường ong / Qua kỳ, lại hẹn kỳ, nhà nợ kêu như ó / (…) / Gấp khúc lươn, nên ít kẻ yêu vì / Gương mắt ếch, biết vào đâu mượn mõ / Đến lúc niên chung nguyệt quý, lấy chi tiêu đồng nợ đồng công? / Gặp khi chân sẩy đường cùng, nên phải tới cửa này cửa nọ / Thăn thỉ to to nhỏ nhỏ, ta đã mỏi cẳng ngồi trì / Dần dà nọ nọ kia kia, nó những vuốt râu làm bộ / Thầy tớ sợ men tìm đến cửa, ngảnh mặt cúi đầu / Chị em e vất lấm vào lưng, chìa môi nhọn mỏ / Láng giềng ít kẻ tới nhà / Thân thích chẳng ai nhìn họ / (…) / Cùng con cháu, thuở nói năng chuyện cũ, dường ngâm câu “lạc đạo vong bần” / Gặp anh em, khi bàn bạc sự đời, lại đọc chữ “vi nhân bất phú” / Tất do thiên, âu phận ấy là thường / Hữu kỳ đức, ắt trời kia chẳng phụ / (…) / Mới biết: khó bởi tại trời, giàu là có số / Dầu ai ruộng sâu trâu nái, đụn lúa kho tiền, cũng bất quá thủ tài chi lỗ”.

Trong số nho nghèo có văn tài xuất chúng, chắc chắn Nguyễn Công Trứ hay kể lể, than thở nhất: nào “Phận anh nghèo”, “Vịnh cảnh nghèo”, “Than cảnh nghèo”, “Tết nhà nghèo”, “Vui cảnh nghèo” v.v. Sợ thơ vắn tắt, không kể đủ được “phong vị” của “nó”, ông làm hẳn phú để tả cho kỹ. Bài phú về nghèo, chữ nghĩa mới giàu sao! Bị “chém cha” ác đến mức này, trách nào “cái khó” rồi giẫy đành đạch, lăn quay ra cho Nguyễn Công Trứ tha hồ “ngất ngưởng” (nhưng nó sẽ hồi sinh, rồi lại chết v.v.!). Chao ơi, từng khó ơi là khó như ông, cái lúc “dễ” thấm thía nói sao cho xiết.

“Nợ phong lưu”

“Suy mới biết ở đời ai cũng hớ / Vì tài tình nên vướng nợ phong lưu / Kho trời chung tiêu phí thấm vào đâu / Chơi là lãi dẫu chưa giầu nhưng chẳng kiết / Giả giả vay vay lâu cũng hết / Ky ky cóp cóp chắc hơn ai / Chỉ chịu thua tay chú thợ trời / Khéo tỉ mỉ nặn ra người làm múa rối / Nào nhục nào vinh nào hiển hối / Mặt ra hề thay đổi mấy mươi phen / Chẳng gì hơn rượu thánh thơ tiên / Trời đất ghét ghen chi với hắn / Thế sự phù vân hà túc vấn / Thiên kim táng tận hoàn phục lai / Hay chơi trời cũng chiều người”.

“Chơi là lãi”. Nhưng chơi thì tốn. Tốn mà không sẵn, thì phải vay. Tức vay để lấy lãi! Vay trả “nợ phong lưu” không nhất thiết là vay tiền bạc của ai. Nguyễn Công Trứ hẳn chủ yếu vay vào cái vốn thời gian của chính mình. Nghĩa là ông vừa làm vừa chơi chứ không “ky ky cóp cóp” làm. Cớ sao Nguyễn Công Trứ bị lãi “ám”? Chắc do ông sớm thấm cái nghịch ngợm oái ăm của “tay chú thợ trời”. Biết chú ấy hay dở trò, hễ có được tí “mặt” là ông chơi, sợ nhỡ “ra hề” không kịp chơi... “Suy mới biết ở đời…”, trừ ông!

“Cầm kỳ thi tửu” (2)

“Cầm kỳ thi tửu / Ðường ăn chơi mỗi vẻ mỗi hay / Ðàn năm cung réo rắt tính tình đây / Cờ đôi nước rập rình xe ngựa đó / Thơ một túi phẩm đề câu nguyệt lộ / Rượu ba chung tiêu sái cuộc yên hà / Thú xuất trần tiên vẫn là ta / Sánh Hoàng Thạch, Xích Tùng, ờ cũng đáng! / Thơ rằng: Cầm tứ tiêu nhiên, kỳ tứ sảng / Thi hoài lạc hỹ, tửu hoài nồng / Một chữ nhàn giá lại đáng muôn chung / Người ở thế dẫu trăm năm là mấy! / Sách có chữ “Nhân sinh thích chí” / Ðem ngàn vàng chác lấy cuộc chơi / Chơi cho lịch mới là chơi / Chơi cho đài các cho người biết tay / Tài tình dễ mấy xưa nay!”.

“Thơ hát nói”, cái tên thể thơ mới ngộ làm sao. Tên ngộ mà nên tên đáng lắm. Rõ ràng, trong cùng một bài thơ hát nói có những chỗ du dương như hát, có những chỗ dõng dạc như nói! Chợt nghĩ, khi mềm mại khi rắn rỏi, tuy vướng đến ba thứ “nợ chơi” mà vẫn trả đủ “nợ làm”, cũng chính là nét độc đáo nơi con người Nguyễn Công Trứ. Thể thơ gặp đúng người thơ bèn “thích chí” sinh thật nhiều thơ hay. Một cái “duyên gặp gỡ” có ích!

“Chơi xuân kẻo hết xuân đi”

“Gẫm cho kỹ đến bất nhân là tạo vật / Ðã sinh người lại hạn lấy năm / Kể chi thằng lên bảy đứa lên năm / Dẫu ba vạn sáu nghìn ngày là mấy chốc! / Lại mang lấy lợi danh vinh nhục / Cuộc đời kia lắm lúc bi hoan / E đến khi hoa rữa trăng tàn / Xuân một khắc dễ nghìn vàng đổi chác! / Tế suy vật lý tu hành lạc / An dụng phù danh bạn thử thân / Song bất nhân mà lại chí nhân / Hạn lấy tuổi để mà chơi lấy / Cuộc hành lạc bao nhiêu là lãi đấy / Nếu không chơi thiệt ấy ai bù! / Nghề chơi cũng lắm công phu”.

Ai biết tuổi ca dao. Nhưng chắc cái câu “Chơi xuân kẻo hết xuân đi / Cái già xồng xộc nó thì tới nơi” đã ra đời trước khi Nguyễn Công Trứ hát nói như trên. Chắc cụ “chịu” nó quá nên dùng luôn một nửa làm tên bài thơ của mình... “Lãi” mỗi người lấy một cách. Những cách “lắm công phu” của Uy Viễn tướng công, có phải cứ ai muốn bắt chước là bắt chước được đâu.

“Duyên gặp gỡ”

“Minh quân lương tướng tao phùng dị / Tài tử giai nhân tế ngộ nan / Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên / Trong nhất kiến tiền duyên như đã / Tỳ bà hữu hạnh phùng Tư mã / Quân tử đa tình cánh khả lân / Nọ mấy người tài tử giai nhân / Duyên chỉ thắm bỗng dần dần đưa lại / Dầu nghìn dặm băng sơn quế hải / Ðã tình duyên xe lại cũng nên gần / Liễu hoa vừa gặp chúa xuân / Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn / Anh hùng hà xứ bất giang sơn!”.

Nguyễn Công Trứ nói vậy, chứ cứ lấy ngay ông mà xét thì “tướng giỏi” gặp “vua sáng” có phải chuyện dễ đâu. Có vua đã không sáng mà lại còn hay nghi nghi ngờ ngờ khiến tướng phải lên voi xuống chó vô cùng mệt mỏi. Còn tài tử với giai nhân, chuyện “tế ngộ” cũng khó lắm vì giai nhân thường có lối đòi đến “thiên kim” khiến tài tử thiếu “tài” đành ôm hận. Có giai thoại rằng Nguyễn Công Trứ thời còn trẻ còn nghèo có dạo tình cờ được gần một “liễu hoa”, “chúa xuân” sợ ông tơ bà nguyệt làm ăn đủng đỉnh, bèn tạo dịp để chỉ có đôi bên ở nơi vắng vẻ mà tự mình ra tay hỏa tốc xe duyên cho mình. Không biết “anh hùng” đã “xe” lối nào mà về sau khi ngẫu nhiên gặp lại quan lớn Nguyễn, “thuyền quyên” xưa khẽ nhắc: “Giang sơn một gánh giữa đồng / Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?”. Cái nào đây trong bao nhiêu “duyên gặp gỡ”?... À, nhớ rồi, xin mời bạn gái hàn vi chia sẻ phú quý cùng “tôi”!

“Vịnh chữ tình”

“Cái tình là cái chi chi / Dẫu chi chi cũng chi chi với tình / Ða tình là dở / Đã mắc vào đố gỡ cho ra / Khéo quấy người một cái tinh ma / Trói buộc kẻ hào hoa biết mấy! / Ðã gọi người nằm thiên cổ dậy / Lại đưa hồn lúc ngũ canh đi / Nực cười thay lúc phân kỳ / Trong chẳng nói biết bao nhiêu biệt lệ / Tình huống ấy dẫu bút thần khôn vẽ / Càng tài tình càng ngốc càng si / Cái tình là cái chi chi”.

Nhà nho tối ngày tụng “nam nữ thụ thụ bất thân” mà cũng “chi chi với tình” sao? Ấy, nho Tàu chính cống còn tình túi bụi dưới “Mái tây”, nữa là nho ta! Văn hóa truyền thống của ta vốn thoải mái về quan hệ nam nữ hơn Nho giáo nhiều. Nhà nho Việt sống ở làng Việt, lúc nào xôi kinh để đi thi thì xôi, còn hễ hết xôi, buông kinh bước ra ngoài thì tha hồ mắc vào lưới tình của cô hàng xóm, cô cấy lúa, cô tát nước, cô hàng nước, cô bán chiếu, cô dệt vải v.v. Dĩ nhiên nhà nho chưa làm quan thì có dễ quan hệ lăng nhăng hơn nhà nho đã làm quan. Hơn bốn mươi tuổi Nguyễn Công Trứ mới xuất chính, hẳn nhờ thế mà cuộc đời tình ái của ông vô số kỷ niệm...

“Thú thanh nhàn”

“Nhàn trung thụy giác tam can nhật / Vắt chân ngồi bạn với khách cầm ca / Cuộc tỉnh say bầu rượu chén trà / Cơn đắc ý thùng thùng đôi tiếng trống / Bạch tuyết thanh cao, oanh yến lộng / Quân thiều hưởng triệt, cổ chung minh / Này tiếng đàn tinh tính tính tình tinh / Thú vui thú ném ngang vành tráng sĩ / Cõi nhân sinh thích chí / Lúc thái bình hà nhật bất xuân phong / Của trần hoàn không có có không / Kho vô tận không không rồi lại có / Chữ tài ấy ăn chơi, ở đủ! / Xôi kinh rồi đánh miếng đỉnh chung / Một mai bẻ quế thiềm cung / Trăng đưa đàn nguyệt, sấm rầm trống lôi / Trăm năm đài các lạ đời!”.

“Thùng thùng…”. Ơ, cái trống chầu bé tí teo chứ có phải trống cái trống trận đâu mà kêu to thế?! Ờ, có lẽ tiếng trống bé nó hóa to nhờ “cơn đắc ý” đang nổi như bão trong lòng người. “Nhân sinh quý thích chí”. Nay cứ hãy “tom chát” lấy lãi, còn “một mai” có “bẻ quế thiềm cung”, “đánh (được) miếng đỉnh chung” nào chăng, hậu tính!

“Tự thuật” (1)

“Chưa chán ru mà quấy mãi đây / Nợ nần dan díu mấy lâu nay / Mang danh tài sắc cho nên nợ / Quen thói phong lưu hóa phải vay / Quân tử lúc cùng thêm thẹn mặt / Anh hùng khi gấp cũng khoanh tay / Còn trời còn đất còn non nước / Có lẽ ta đâu mãi thế này?”.

Nguyễn Công Trứ có lúc “thế này” nhưng rồi có lúc “thế khác”, đặc biệt về cuối đời đã được hưởng cùng lúc đến hai thứ vinh dự: vừa vua quý, vừa dân (Tiền Hải) thờ sống! Thế là “ta” tốt số hơn bao nhiêu quân tử, anh hùng khác.

“Đời người thấm thoắt”

“Nhân sinh ba vạn sáu nghìn thôi / Vạn sáu tiêu nhăng đã hết rồi! Nhắn con tạo hóa xoay thời lại / Ðể khách tang bồng rộng đất chơi!”.

Trong chưa đến ba vạn sáu nghìn ngày, Nguyễn Công Trứ đã sắm lắm vai: khi nhà nho “chém cha cái khó”, khi nhà quan “nên tay ngất ngưởng”, chưa kể nhà thơ, nhà rượu, nhà cờ, nhà cô đầu, nhà “tuổi già lấy vợ hầu (trẻ ơi là trẻ)”!... Con tạo mà cho thêm “đất”, biết ông còn “chơi” đến những trò gì.

“Chí khí anh hùng”

“Vòng trời đất dọc ngang ngang dọc / Nợ tang bồng vay trả trả vay / Chí làm trai nam bắc đông tây / Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể / Nhân sinh thế thượng thùy vô nghệ / Lưu đắc đan tâm chiếu hãn thanh / Ðã chắc rằng ai nhục ai vinh / Mấy kẻ biết anh hùng thời vị ngộ / Cũng có lúc mây tuôn sóng vỗ / Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong / Chí những toan xẻ núi lấp sông / Làm nên đấng anh hùng đâu đấy tỏ / Ðường mây rộng thênh thênh cử bộ / Nợ tang bồng trang trắng vỗ tay reo / Thảnh thơi thơ túi rượu bầu!”.

Thôi đến đây thì “đã chắc rồi”, mọi người đều “biết” rồi. Tưởng tượng một “đấng anh hùng” “thênh thênh cử bộ” trên quãng “đường mây” rộng rãi (vì ít ai đi tới), vừa “cử” vừa “vỗ tay reo”… Cả một sự cực kỳ đắc ý hiện hình! Kể, đường mây thì có những người đi xa hơn Nguyễn Công Trứ nữa kia, nhưng ông nhờ có những lần đang đi tới ngon lành bỗng bị tai họa nhấc lên, đặt xuống ở chỗ tụt lại rất xa (chẳng hạn, năm 1843 đang từ Binh bộ Tham tri bị giáng xuống làm lính!), nên tận “thấm” được cái sướng của việc lần này chắc chắn sẽ ổn định ở vị trí đạt tới (vì đã nghỉ hưu).

“Vịnh đồng tiền”

“Hôi tanh chẳng thú vị gì / Thế mà ai cũng kẻ vì người yêu / Tạo vật bất thị vô để sự / Bòn chài ra một thứ quấy chơi! / Đủ vuông, tròn, tượng đất, tượng trời / Khẳm họa phúc, yên nguy, tử hoạt / Chốn kim môn, nơi tử thất / Mặc phao tuồng, không kẻ phòng nhàn / Ðương om sòm, chớp giật sấm ran / Nghe xóc xách, lại gió hòa mưa ngọt / Kẻ tài bộ đã vào phường vận đạt / Không ngươi, cũng nát với cỏ cây / Người yêm yêm đành một phận trầm mai / Có gã, lại trở ra sừng gạc / Dốc đáy túi, mặt Nguyễn lang ngơ ngác / Trổng đầu giường, gan tráng sĩ bàu nhàu / Ðể đoàn ấm á càu ràu, khiến lũ tài danh vơ vẩn / Khả quái tầm thường a đổ vật / Khước giao đáo để đại thần linh / Đương đồ, ai chẳng chuộng gia huynh / Thù thế, kể lấy làm đệ nhất / Tiếng xỏng xảnh đầy trong trời đất / Thần cũng thông huống nữa là ai / Long đồ nghĩ cũng nực cười!”.

Vào thời Nguyễn Công Trứ mà đồng tiền cũng to nhỉ. Tất nhiên to sao bằng bây giờ, khi con người ta hình như không còn biết đến bất cứ thứ giá trị tinh thần nào. Ðọc thơ tiền, thú nhất câu “Dốc đáy túi…”.

“Thích chí ngao du”

“Ngâm cùng trăng gió vài câu kiểng / Tính với giang sơn mấy chuyện đời / Thú gì hơn nữa, thú ăn chơi? / Chi giàu có sang hèn là phận cả / Ðủ lếu láo với người thiên hạ / Tính đã quen đài các mấy lâu / Ðàn một cung, cờ một cuộc, thơ một túi, rượu một bầu / Khi đắc chí ngao du, ờ cũng phải! / Thơ rằng: Ðạo thông thiên địa hữu hình ngoại / Tứ nhập phong vân biến thái trung / Hỏi giang sơn mấy mặt anh hùng? / Tri ngã giả, bất tri ngã giả / Người có biết ta hay thì chớ / Chẳng biết ta, ta vẫn là ta / Linh khâm bảo hợp thái hòa / Sạch không trần lụy ấy là thần tiên / Ngang tàng lạc ngã tính thiên”.

“Người có biết...”. Hai câu thơ nói lên được nhiều quá. Ngang tàng xót xa, “là ta” đó, ai ơi.

“Chữ nhàn”

“Thị tại môn tiền náo / Nguyệt lai môn hạ nhàn / So lao tâm lao lực cũng một đàn / Người nhân thế muốn nhàn sao được! / Nên phải giữ lấy nhàn làm chước / Dẫu trời cho, có tiếc, cũng xin nài / Cuộc nhân sinh chừng bảy tám chín mười mươi / Mười lăm trẻ, năm mươi già không kể / Thoắt sinh ra thì đà khóc choé / Trần có vui, sao chẳng cười khì? / Khi hỉ nộ, khi ai lạc, khi ái ố, lúc sầu bi / Chứa chi lắm một bầu nhân dục! / Tri túc tiện túc, đãi túc hà thì túc / Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn hà thì nhàn? / Cầm kỳ thi tửu với giang san / Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế? / Ngã kim nhật tại tọa chi địa / Cổ chi nhân tằng tiên ngã tọa chi / Ngàn muôn năm âu cũng thế ni / Ai hay hát mà ai hay nghe hát / Sông Xích Bích buông thuyền năm Nhâm Tuất / Ðể ông Tô riêng một thú thanh tao / Chữ nhàn là chữ làm sao?”.

Bài thơ này khiến nhớ vài văn thi nhân Việt Nam trước và sau Nguyễn Công Trứ. Câu “Thoắt sinh ra…” nhắc “Ðã mang tiếng khóc bưng đầu mà ra” của tiền nhân Nguyễn Gia Thiều. Cái khổ áp chót nhắc “Trăm năm thơ túi rượu vò / Nghìn năm thi sĩ tửu đồ là ai” của hậu sinh Nguyễn Khắc Hiếu. Rồi cái câu chót của khổ ấy lại được kẻ sinh sau nữa là Nguyễn Tuân chọn đặt ở đầu thiên truyện đắc ý của mình là “Chùa Ðàn”. “Ai hay (…) ai hay (…)”... “Ngàn muôn năm” sau, Nguyễn này Nguyễn kia Nguyễn kìa Nguyễn nọ, ai, ai, ai, ai?!

“Thoát vòng danh lợi”

“Chen chúc lợi danh đà chán ngắt / Cúc tùng phong nguyệt mới vui sao! / Ðám phồn hoa trót bước chân vào / Sực nghĩ lại giật mình bao kể xiết! / Quá giả, vãng nhi bất thuyết / Cái hình hài làm thiệt cái thân chi! / Cuộc đời thử gẫm mà suy / Bạn tùng cúc xưa kia là cố cựu / Hẹn với lợi danh ba chén rượu / Vui cùng phong nguyệt một bầu thơ / Cuộc cổ kim so sánh tựa bàn cờ / Riêng vui thú giang sơn phong nguyệt / Mặc xa mã thị thành không dám biết / Thú yên hà trời đất để riêng ta / Nào ai ai biết chăng là!”.

Khi “hát nói” bài này, Nguyễn Công Trứ “trót bước chân vào” hẳn không phải mới một lần. Vào, ra, vào, ra... Lên, xuống, lên, xuống... Có lần xuống đến mức suýt mất chỗ đội nón! (án “trảm giam hậu” do vụ Trấn Tây thành). Năm 65 tuổi, còn bị cách chức và bắt đi làm lính ở Quảng Ngãi! “Sực nghĩ lại…”, hú ba hồn bảy vía, “thân” hỡi “thân” ơi!

“Tuổi già cưới vợ hầu”

“Trẻ tạo hóa ngẩn ngơ lắm việc / Già nguyệt ông cắc cớ trêu nhau! / Kìa những người mái tuyết đã phau phau / Run rẩy kẻ đào thơ còn mảnh mảnh / Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh / Nhất tọa lê hoa áp hải đường / Từ đây đà tạc đá ghi vàng / Bởi đâu trước lựa tơ chắp chỉ / Tân nhân dục vấn lang niên kỷ / Ngũ thập niên tiền nhị thập tam / Tình đã chung, lứa cũng phải vam / Suốt kim cổ lấy làm vận sự / Trong trần thế duyên duyên nợ nợ / Duyên cũng đành mà nợ cũng đành / Xưa nay mấy kẻ đa tình / Lão Trần là một với mình là hai! / Càng già càng dẻo càng dai!”.

“Năm mươi năm trước xuân chừng hai ba”! Xuân, hạ, thu qua tuốt rồi, giờ đã 73 tuổi... đông, “mái tuyết đã phau phau”, mà đi cưới “kẻ đào thơ (...) mảnh mảnh”. Cô dâu trẻ đến nỗi còn... run! Thì sao chớ. “Cụ” rể là Nguyễn Công Trứ, nào phải... Việt kiều. Già, nhưng “còn dẻo còn dai”, xin tân nhân chớ ngại!

“Kiếp sau xin chớ...”

“Ngồi buồn mà trách ông xanh / Khi vui muốn khóc buồn tênh lại cười / Kiếp sau xin chớ làm người / Làm cây thông đứng giữa trời mà reo / Giữa trời vách đá cheo leo / Ai mà chịu rét thì trèo với thông”.

Bài lục bát không tên này lạc lõng giữa đám đông thơ hát nói và thơ Ðường luật của Nguyễn Công Trứ. Có thực ông là tác giả nó chăng? Mặt khác, cái tâm trạng vui khóc buồn cười của một người rất trải đời, tâm trạng ấy mà đem gán cho ông thì hợp quá. Dù sao, dù đích thị Nguyễn Công Trứ đã trứ tác “sáu câu” này, tưởng cũng không nên vin vào đó mà bắt ông đầu thai làm cây thông. Vì ông chán đấy, rồi yêu đời đấy. Kiếp sau, kiếp sau nữa, ông còn cứ muốn làm người để tiếp tục “hành lạc” kiếm “lãi”, tiếp tục “chơi cho lịch (…) cho đài các cho đời biết tay”!



Thu Tứ
Viết năm 2012
Sửa tháng 5-2018