Nguyễn Du, “Long thành cầm giả ca”




Nguyên tác

(Hán văn)

Dịch nghĩa (*)

Bài Ca Về Người Gảy Ðàn Ðất Long Thành

Tiểu dẫn

Người gảy đàn đất Long Thành ấy, tên họ gì không rõ. Nghe nói lúc nhỏ nàng học đàn Nguyễn (1) nơi đội nữ nhạc trong cung vua Lê. Tây Sơn dấy lên, các đội nhạc cũ lớp chết lớp bỏ đi. Nàng lưu lạc ở các chợ, ôm đàn gảy dạo. Những bản đàn nàng gảy là những khúc trong cung phụng gảy cho vua nghe, người ngoài không ai biết. Cho nên tài danh nàng lừng lẫy một thời.

Buổi thiếu niên, đến kinh đô thăm anh, tôi trọ gần hồ Giám.(2) Cạnh đó các quan Tây Sơn tập hội nữ nhạc, danh cơ không dưới vài chục. Nàng ăn đứt mọi người với cây đàn Nguyễn, lại hát hay và khéo nói khôi hài. Cử tọa đều say mê điên đảo đua nhau ban thưởng. Những chén rượu thưởng to lớn, nàng nhận uống cạn. Tiền thưởng nhiều vô số. Vàng lụa chồng chất đầy cả đất. Lúc bấy giờ tôi núp trong bóng tối, trông thấy nàng không rõ lắm. Sau gặp lại ở nhà anh tôi. Nàng người thấp má bầu, trán dô, mặt gẫy. Không đẹp lắm, nhưng da trắng trẻo, khéo trang điểm, mày thanh, má phấn, áo màu hồng, quần sắc túy, hớn hớn có bề phong tao. Tính lại hay rượu, ưa hý hước. Ðôi mắt long lanh không để một ai vào tròng. Khi ở nhà anh tôi, mỗi lần uống rượu, nàng uống say vùi, nôn mửa bừa bãi, nằm lăn trên đất, bạn bè chê trách, không lấy làm điều.

Sau đó, tôi dời nhà vào Nam, nhiều năm liền không trở lại Long Thành. Mùa xuân năm nay, phụng mệnh đi sứ Trung Quốc, tôi đi ngang qua Long Thành. Các bạn mở tiệc tiễn tôi tại dinh tuyên phủ, có gọi vài chục nữ nhạc, tôi đều không quen mặt biết tên. Tiệc khởi múa hát. Kế tiếng đàn trổi lên, nghe trong trẻo khác thường không chút giống thời khúc. Lòng tôi kinh dị. Nhìn người gảy đàn, thì thấy thân gầy khô, mặt đen, sắc trông như quỷ, áo quần toàn vải thô, bạc màu lại vá nhiều mảnh trắng, ngồi lầm lì ở cuối chiếu, không nói cũng không cười, hình trạng thật khó coi. Tôi không biết là ai, nhưng nghe tiếng đàn thì dường như có quen, nên động lòng trắc ẩn. Tiệc tan, hỏi thăm thì ra là người trước kia đã gặp.

Than ôi! Người ấy sao đến nỗi thế này! Cúi ngửa bồi hồi, nghĩ đến cảnh cổ kim, lòng tôi cảm kích vô hạn. Ðời người trăm năm, những cảnh vinh nhục buồn vui thật không sao lường được! Sau khi từ biệt, trên đường đi, cảm thương khôn nén, nên soạn bài ca để gửi hứng:

Người Ðẹp Ðất Long Thành

Không nghe gọi tên họ
Riêng thạo đàn Nguyễn
Người trong thành bèn lấy chữ Cầm mà đặt tên
Nàng học được khúc Cung Phụng trong cung tiền triều (3)
Ðó là những khúc đàn hay nhất trời đất.

Tôi nhớ lúc thiếu thời đã gặp một lần
Bên bờ hồ Giám trong một cuộc dạ yến
Lúc đó nàng khoảng hai mươi mốt tuổi
Áo hồng ánh lên mặt hoa đào
Má hừng rượu, vẻ ngây thơ, rất dễ thương
Năm cung réo rắt theo ngón tay mà thay đổi điệu
Tiếng khoan như gió thoảng qua rừng thông
Tiếng trong như đôi hạc kêu trên cao thẳm
Tiếng mạnh như sét đánh tan bia Tiến Phúc (4)
Tiếng buồn như Trang Tịch ngâm tiếng Việt lúc bệnh (5)
Người nghe say sưa không biết mỏi
Ðó là những khúc đàn trong đại nội Trung Hòa (6)
Các quan Tây Sơn trong tiệc đều say mê điên đảo
Mãi vui suốt đêm không biết chán
Bên tả bên hữu tranh nhau vãi thưởng
Tiền bạc coi rẻ như đất bùn
Ý khí hào hoa át cả các bậc vương hầu
Ðám thiếu niên đất Ngũ Lăng không đáng kể (7)
Tưởng chừng ba mươi sáu cung xuân (8)
Chung đúc một vật báu vô giá đất Trường An.

Nhớ lại từ bữa tiệc ấy đến nay đã hai mươi năm
Sau khi Tây Sơn bại vong, tôi vào Nam (9)
Long Thành trong gang tấc không được thấy lại
Huống hồ tiệc múa hát ở trong thành
Quan tuyên phủ vì tôi bày cuộc mua cười (10)
Trong tiệc đám ca kỹ đều trẻ tuổi
Duy ở cuối chiếu có một nàng tóc đã hoa râm
Mặt gầy thần khô thân hình bé nhỏ
Ðôi mày phờ phạc không điểm tô
Ai biết đó là người nổi danh tài hoa đệ nhất nơi đây một thời
Khúc xưa đàn lên, tôi tuôn nước mắt ngầm theo từng tiếng
Tai lắng nghe mà lòng chua xót
Bỗng nhớ lại chuyện hai mươi năm xưa
Ðã từng thấy trong chiếu tiệc bên hồ Giám
Thành quách suy dời, việc người đổi
Bao nương dâu đã biến thành bể xanh
Cơ nghiệp Tây Sơn tiêu tan sạch
Trong làng múa hát còn sót lại một người!

Trăm năm thấm thoắt trong một hơi thở một nháy mắt
Cảm thương việc cũ lệ thấm áo
Từ Nam trở về, đầu tôi bạc trắng
Không trách người đẹp nhan sắc suy tàn
Hai mắt trừng trừng luống tưởng lại chuyện cũ
Khá thương giáp mặt nhau mà không nhận được nhau!

Dịch thơ (**)

Long Thành có cô nàng mỹ lệ,
Tên họ chi? Ai kể? Ai hay?
Ðàn cầm riêng có hoa tay,
Trong thành quen miệng gọi ngay cô Cầm.
Khúc cung phụng, điệu âm triều trước,
Ấy nhạc trời, nàng thuộc làu làu...

Ta thuở ấy, xanh đầu, trẻ tuổi,
Ðêm Giám hồ nhớ buổi tiệc chơi:
Bấy giờ nàng ngoại đôi mươi,
Áo hồng lấp lánh, mặt tươi hoa đào.
Vẻ chếnh choáng, đẹp sao đẹp lạ,
Dáng ngây thơ càng tả càng yêu.
Năm cung tay khéo lựa đều,
Tiếng đàn réo rắt như trêu cợt người.
Khoan như rừng thông hơi gió thoảng,
Trong như tiếng hạc khoảng âm u,
Mạnh như sét đánh bia to,
Buồn như Trang Tích ốm hò Việt âm.
Người nghe khoái, chăm chăm, quên mỏi,
Ấy nhạc xưa trong nội Trung Hòa.
Tây Sơn quan khách đầy tòa,
Say mê, nghiêng ngả, la đà thâu đêm...
Quanh tiệc rượu kẻ khen, người thưởng,
Tiền bạc quăng coi tưởng như bùn!
Hào hoa khí át hầu môn,
Ngũ Lăng chàng trẻ, coi còn ra chi?
Băm sáu cung mê ly xuân ấy,
Báu Tràng An càng thấy giá cao...

Từ bữa ấy vắng về sau,
Hai mươi năm chẵn biết bao nhiêu tình.
Khi Tây Sơn sạch sanh thất bại,
Giã Long Thành, tôi lại về Nam.(11)
Tấc gang thành chẳng được thăm,
Huống chi ca vũ còn lăm mua cười.
Quan tuyên phủ vì tôi mở tiệc,
Ðám ca nhi toàn lượt trẻ măng.
Riêng ngồi cuối, tóc hoa râm,
Vóc gầy, mặt võ, âm thầm hình dung.
Lười xười biếng tô hồng chuốt lục,
Ấy người xưa tiếng nức Long Thành.
Dạo khúc cũ, lệ chạy quanh...
Lắng nghe, luống những tâm tình xót xa.
Hai chục năm, nay đà nhớ lại:
Tiệc Giám hồ, chuyện hãy chưa phai.
Việc người thành quách đổi dời,
Tranh kia bao độ vẽ đời tang thương.
Tây Sơn, nghiệp đế vương đã hỏng,
Ca vũ còn một mống người đây!

Trăm năm thấm thoắt bao ngày,
Ðau lòng chuyện cũ, lệ đầy áo ta.
Ta về Nam, chóng già, đầu bạc,
Thảo nào ai tàn rạc phấn son.
Mắt giương, tưởng lại nguồn cơn,
Thương thay giáp mặt, mà còn lạ nhau!









___________
(*) Trong
Tố Như thi, Quách Tấn trích dịch, nxb. An Tiêm, Pháp, 1995.
(**) Người dịch khuyết danh.
Chú thích từ 1 đến 10 là theo Quách Tấn:
(1) Tức đàn nguyệt. Gọi như vậy là vì đàn nguyệt do Nguyễn Hàm, một trong thất hiền vườn trúc đời Tấn, sáng chế.
(2) Hồ Hoàn Kiếm.
(3) Tức triều Lê.
(4) Bia dựng ở Nhiêu Châu, tỉnh Giang Tây, chữ rất đẹp. Ðời nhà Tống có một người học trò nghèo dâng lên Phạm Trọng Yêm một bài thơ. Ðể giúp đỡ, Phạm cho phép người học trò rập một nghìn bản chữ bia để bán lấy tiền. Người học trò vừa đến nơi thì bia bị trời đánh vỡ tan...
(5) Trang Tịch là người nước Việt, làm quan nước Sở. Ngày thường nói tiếng Sở, nhưng lúc bệnh nặng thường ngâm thơ bằng tiếng nước Việt.
(6) Cung nhà Lê.
(7) Ngũ Lăng là nơi có năm lăng tẩm của các vua nhà Hán. Nơi đây bọn hào hoa phú quý thường tụ hội.
(8) Trong cung vua ngày xưa bên Tàu có 36 cung chứa đầy mỹ nữ.
(9) Trong bài tiểu dẫn, “tôi vào Nam” là Nguyễn Du từ giã Thăng Long về Hà Tĩnh. Còn trong bài ca thì “tôi vào Nam” là Nguyễn Du từ giã Bắc hà vào làm quan ở Huế.
(10) Quan tuyên phủ: quan trấn thủ.
(11) Nguyên văn chỉ nói “Nam thiên” chứ không cho biết là từ đâu mà Nam thiên, từ Thăng Long hay nơi nào khác ngoài Bắc.