Nguyễn Đình Thi, Đại đội trưởng Còm (1)




Cả mấy trăm con mắt vòng trong vòng ngoài cùng nhìn lên chăm chú khi anh tiểu đoàn trưởng đứng bên sa bàn, đập đập cái gậy mây vào mũi giầy và nhìn về phía đại đội 112 nói thong thả:

- Bây giờ tôi dặn xung kích một điều cuối cùng.

Nắng chiếu xiên vào đám người cháy sạm, chen chúc nhau trên thửa ruộng khô ở ven rừng. Từ mấy cái nhà sàn mé bờ sông, gió thổi lại ù ù tiếng cối xay thóc: đồng bào trong bản đang làm gạo cho bộ đội.

Anh tiểu đoàn trưởng hơi cười, mấy nếp răn ở đuôi mắt nheo lại. Cằm hơi hất ra phía trước, anh ngừng nói mấy giây, đợi cho tiếng xì xào im hẳn. Dưới vành mũ, những gương mặt gầy và đen nắng của các chiến sĩ nom càng như sắt lại, nghiêm nghị. Ðấy là những người thợ mỏ cũ của Hồng Gai, Ðông Triều, những người dân đánh cá ở một vùng biển đông bắc từ Quảng Yên tới Cửa Ông, Ðầm Hà, Tiên Yên, Hải Ninh.

Trên nét mặt họ còn in rõ dấu vết cuộc đời lầm than bao nhiêu năm trước, nhưng ngày nay trong tay mỗi người đã có khẩu súng hoặc lưỡi mác. Bàn chân rớm máu của họ đã đi khắp từ bờ biển tới núi rừng.

Một ánh kiêu hãnh lấp lánh trong mắt anh tiểu đoàn trưởng. Anh nói to lên rành rọt:

- Nếu 112 không làm xong nhiệm vụ thì lui xuống, tôi sẽ cho pháo bắn đợt thứ hai. Ðợt thứ hai cũng không xong thì cả đại đội lui về nghỉ. Gần sáng tôi sẽ cho súng lớn san phẳng đồn, - tiếng anh tiểu đoàn trưởng vừa giễu cợt vừa gắt gao - rồi các đồng chí xếp hàng một đi lên.

Câu nói dừng lại bất ngờ. Cả tiểu đoàn cùng các đơn vị pháo binh, công binh phối hợp cùng cảm thấy như có một ngọn roi vừa quất vào đại đội 112. Mọi người nhìn đổ dồn cả về phía những chiếc mũ sắt Nhật san sát ở một góc khu sa bàn.

Chiến sĩ 112 ngồi thành mấy vòng nóng hổi hơi mồ hôi. Sau câu nói của anh tiểu đoàn trưởng, họ vẫn ngồi im phắc, không một tiếng xì xào bàn tán. Trên hàng đầu, đại đội phó Ðăng nảy người lên một thoáng, mặt anh nóng lên đỏ bừng. Bên cạnh Ðăng, đại đội trưởng Còm ngồi hút píp liên miên, đôi mắt vàng màu sốt rét nhìn chằm chằm vào cái đồn nhỏ xíu trên sa bàn, nét mặt anh lơ đãng như không để ý gì đến chung quanh.

Phía bên kia, đại đội trưởng trợ chiến Phương đã đứng dậy. Anh vung một cành cây dài, chỉ vào miếng củ chuối hình vuông trên sa bàn, và nói oang oang:

- Tôi thấy pháo phải chú ý nhất cái nhà sơn đỏ khu "Bê" này. Ðằng trước khẩu xăng xanh (1) của nó có cái ụ nhìn ra sông, bắn chéo sườn vào đường xung phong của ta, rất ác. Không cẩn thận vào thì ốm đòn.

Ðại đội trưởng pháo binh Siêu, mắt hấp háy sau cặp kính trắng, có vẻ lo nghĩ. Phương vẫn nói tiếp:

- Cái đồn này rất khó đánh, nó ở vị trí cao, chung quanh toàn đồi cỏ gianh thấp hơn. Pháo ta phải đặt tận đây, cách tám chín trăm thước, khéo không lại thùm thụp đấm lưng mình mất!

Những tiếng cười nói lào xào chạy dào lên trong các đại đội, mũ sắt, súng, bi-đông đủ các kiểu chạm vào nhau lách cách. Phương vẫn vung tay nói:

- Tôi đề nghị đem hai khẩu tám mươi mốt lên đây, gần hơn, để giọt vào cái ụ khu "Bê" này...

Cuộc thảo luận dần dần càng náo nhiệt. Khu sa bàn trở thành ồn ào, đôi lúc một tiếng cười ồ làm cho tất cả nhộn hẳn lên. Ðăng nói rất hăng về vấn đề đánh hầm ngầm. Mùa hè vừa qua, trong chiến dịch Sông Thao, nhiều đơn vị bạn đã vấp hầm ngầm, phải đánh kéo dài, tổn thất nhiều. Còm vẫn ngồi ung dung hút píp, nghe chăm chú.

Thật ra, anh đại đội trưởng đang lo - Trận này đánh gấp quá, chưa kịp điều nghiên cái đồn cẩn thận, chưa ai biết rõ bên trong nó tổ chức thế nào. Ngay đến lực lượng địch cũng chưa nắm vững là một đại đội lê-dương hay là nhiều hơn. Còm nhìn vào những mai nhà, lô-cốt tí hon trên sa bàn, những lớp hàng rào làm bằng que tăm buộc chỉ trắng, những lá cờ giấy vẽ bút chì xanh đỏ cắm la liệt, chỉ những nơi đặt hỏa lực của địch và của ta. Trước mắt anh đại đội trưởng lại xuất hiện lên khum khum cái ụ súng ác hiểm che cho khẩu xăng-xanh và án ngữ bên sườn con đường mòn từ dưới chân đồi lên, cái ụ xây bằng xi-măng thấp lè tè, chung quanh chằng chịt dây thép gai. Không tiêu diệt được nó từ đầu thì bao nhiêu chiến sĩ sẽ ngã xuống ở cái khoảng sườn đồi trơ trụi và dốc ngược này! Nghĩ tới đó, Còm bổi hổi trong người. Lúc này anh thấy ước gì có Hòa để bàn bạc. Không biết vết thương của anh chính trị viên đến đâu rồi. Còm lấy ngón tay cái dập tắt píp và đứng dậy.

Cuộc phổ biến kế hoạch của tiểu đoàn đã xong. Sau tiếng thét giải tán của trực tinh (?), mấy đại đội ùa cả ra như một đàn ong. Những mũi súng ngoái rối rít trên các vai áo trấn thủ. Giữa đám ồn ào, mấy anh cán bộ đại đội tụm lại thành một đám gần sa bàn. Ðăng vỗ vai Siêu:

- Cậu cứ bắn trúng lấy hai mươi phát thôi, còn sống sót thằng nào chúng tớ nuốt tươi.

Siêu ngồi xổm, tay giữ cái gọng kính chực tụt xuống mũi.

- Ðược rồi, được rồi. Cậu Phương đừng có giã moóc-chi-ê vào khẩu xăng-xanh này của nó nhé. Hễ cậu Ðăng vào đồn là tớ lên khiêng nó về ngay!

Siêu cười ha hả rất hồn nhiên, đứng dậy phủi quần áo. Thấy chung quanh đã vắng, Siêu rủ Ðăng về.

Ðại đội trưởng Còm vẫn còn đứng lại nói chuyện với chú liên lạc Tịnh. Ðăng gọi:

- Anh Còm, tôi về đây.

Siêu quay lại nhìn Còm nói khẽ:

- Cậu ấy nói ít nhỉ.

Ðăng cũng ngoái cổ nhìn lại:

- Tính anh ấy thế.

Ở lại bên sa bàn, đại đội trưởng Còm tiếp tục nói chuyện với chú Tịnh:

- Chú có thực nhớ rõ con đường ấy không?

- Em nhớ. Năm ngoái em đã đưa anh Hòa đi đường ấy bốn năm lần. Ra đồn gần lắm.

Còm suy nghĩ, rồi lại hỏi thong thả:

- Anh Hòa thế nào?

- Thưa anh, y sĩ vẫn không cho dậy.

- Mua được mật ong cho anh ấy chưa?

- Em đã đem vào hai bi-đông.

Còm vịn tay lên vai chú bé:

- Chú về bảo anh Ban cố kiếm một cái gì nấu cháo cho tôi và anh Ðăng tối hôm nay.

Tịnh giơ tay lên vành mũ sắt chào rồi chạy biến.

Nắng đã tắt hẳn. Khu sa bàn không còn tiếng người. Ðồng chí cảnh giới vác súng đi đi lại lại im lặng. Ruộng lúa vàng tươi từng bậc trải từ chân núi xuống bờ sông. Khói bay trên các đỉnh đồi. Bộ đội đang thổi cơm. Buổi chiều tháng mười êm đềm, những tiếng xôn xao của các đại đội đóng rải rác hơn hai cây số dọc theo bờ con sông Kỳ Cùng như loãng ra trong không gian.

Những đàn trâu từ trên rừng bắt đầu về. Mõ trâu đập lốc cốc, thong thả. Một em bé Tày cầm cái cành tre đuổi mấy con trâu to lớn thở phì phò đi qua. Còm chào đồng chí cảnh giới rồi rời khu sa bàn. Ðứa bé nhìn thấy anh, dừng lại, nâng vành nón lên và nhoẻn miệng cười mà gọi to:

- Anh Còm chưa về kia à? Anh về với em đi.

Anh Còm tới bên, vuốt má nó:

- Ừ, chú Quân về trước, tí nữa anh về. Chị Lưu đâu?

- Chị Lưu lên Nà Ngượm từ sáng. Thế chốc anh về nhớ!

Còm tươi hẳn nét mặt nhìn theo em bé rồi đi vội về mé bờ sông, nơi mấy cái nhà sàn của ban chỉ huy tiểu đoàn.

*

Về khuya, sương nổi đầy mặt sông. Mái nhà sàn nhỏ lập lòe ánh lửa dưới bóng cây đa. Còm vẫn chưa về. Ðăng ngồi cạnh bếp, luôn luôn xem đồng hồ tay:

- Gần chín giờ rồi, bố ấy còn đi đâu!

Anh chính trị viên Hòa bị thương, Ðăng phải kiêm việc thay, vừa bận bù đầu, vừa rối ruột vì chưa quen. Anh bực bội, không hiểu Còm bận gì mãi không về để bàn công việc chuẩn bị ngày mai. Trên bếp, nồi cháo sôi đều đều. Ðăng vùng dậy ra góc nhà, nơi kê tạm mấy tấm ván thành một cái bàn dài, và giở bản đồ xem lại, dưới ánh ngọn đèn dầu hỏa làm bằng lọ mực bút máy Mỹ. Anh cấp dưỡng Ban ngồi nhai ngô rang với chú Tịnh và chú bé Quân. Vắng ông Còm, anh Ban ít dám bắt chuyện với ông đại đội phó. Tính ông Ðăng cũng tốt, nhưng không được dễ dàng. Vả lại ông ấy cũng mới về đại đội ít lâu, chưa quen lắm.

Có tiếng người nói chuyện vui vẻ bên ngoài. Tiếng chân lên thang. Còm bước vào với chị Lưu, câu chuyện giữa hai người đang còn chưa xong. Còm vừa cười vừa nói:

- Ấy anh em gọi mãi là Còm, rồi sau thành tên chứ sao.

Chị Lưu nhanh nhẹn bước đến cạnh bếp, tay xách miếng gan bò lủng lẳng:

- Anh Ðăng không ra mà xem sương mù. Hôm nay thì tha hồ mà xem, nhiều lắm. Tôi mua cho anh Ban miếng gan đây này.

Ðăng rời bàn chạy lại góp chuyện:

- Cháo tối hôm nay thì tuyệt.

Ðồng chí Ban nói:

- Báo cáo ban chỉ huy ăn tạm ít cơm, đợi tôi đi nấu cháo.

- Tôi vẫn còn nhọc lắm. Cho tôi ăn cháo là được. Ðăng ăn cơm chưa?

- Rồi. Có gì mới không?

- Cũng có vài thay đổi. À Ðăng có thư "hậu phương".

Ðăng tươi tỉnh nét mặt khi đọc mấy dòng chữ trên tấm phong bì. Còm thân mật hỏi đùa:

- Thư của đồng chí em phải không?

Ðăng hơi đỏ mặt, ấp úng. Còm ngồi xuống bên cạnh, giơ tay hơ lửa, như không chú ý tới vẻ lúng túng của Ðăng:

- Chị ấy nói gì thế?

- À... lăng quăng. Bích nói hỏi thăm anh đấy.

- Thế à. Chị ấy đã gặp tôi lần nào đâu.

- Tôi có viết thư nói chuyện anh nên Bích nó biết.

Chị Lưu ngồi ăn cơm với chú bé Quân cạnh bếp, mủm mỉm cười nghe câu chuyện giữa hai anh bộ đội. Chị nhìn hai anh so sánh thầm: anh Còm hơn anh Ðăng đến mười tuổi. Y như một người anh với một người em. Người con gái nhìn nét mặt xương xương của anh Còm bỗng ái ngại. Lần này trông anh ấy lại còn còm hơn năm ngoái, ngày bộ đội đánh trận bản Trại. Sao anh ấy chóng già thế. Anh Còm vẫn ít nói cười, vẫn mặc cái áo trấn thủ cũ, chưa có áo mới. Mà cũng chẳng biết thêm được câu tiếng Tày nào. Chỉ kin bố kin, nòn bố nòn. Chị Lưu nghĩ đến giọng anh Còm mà buồn cười. Hôm nay chị mới biết loáng thoáng anh là người Hải Phòng ở xa tận ngoài cửa bể, có cái bến tàu Sáu Kho. Lúc cùng đi về dọc đường bờ sông, anh Còm bảo: "Kháng chiến thành công, tôi sẽ mời chị Lưu về chơi Hải Phòng, xem bến tàu Sáu Kho."

Anh Ban cúi mình trên chảo mỡ, xào miếng gan xèo xèo. Mùi hành bốc lên đầy gian nhà. Chú Quân thấy chị ngồi ngây ra, lên tiếng nhắc:

- Chị có ăn nữa không?

Chị Lưu cười, giơ đũa dọa đứa em.

Hai anh cán bộ đã đem nhau lại cái bàn giấy "lâm thời" và chụm đầu bàn với nhau trên tấm bản đồ. Tiếng Còm nói thì thầm rất nhỏ. Ðăng chăm chú nhìn theo ngón tay của người đại đội trưởng, thỉnh thoảng lại hỏi mấy tiếng hoặc gật đầu ra vẻ tán thành. Chị Lưu dọn mâm xong ngồi nướng mấy củ khoai, tai vẫn lắng nghe. Còm nói khẽ lắm. Chị nghe lõm bõm: "Ðừng tưởng, tôi thấy khó đấy... có lệnh ở trên cho hoãn một ngày, may quá... Mình phải có hai khẩu ba-dô-ca mới chắc thịt ngay cái ụ khu "Bê" ấy được. Vả lại nhỡ pháo không ăn thua, biết đâu... đề nghị rồi thế nào cũng phải có ba-dô-ca... Lúc về đi đường này kín hơn." Ðến lúc đồng chí Ban mang cháo lên, anh Còm vẫn vừa húp vừa thì thầm với anh Ðăng.

Chị Lưu ngồi bên bếp, mắt đã buồn ngủ lơ mơ. Ngày hôm nay chị đi mỏi nhừ cả chân, khai hội từ sáng đến tối với chị em các bản. Vận tải, tiếp tế, ủy lạo, tải thương, bao nhiêu công việc. Mai lại còn vấn đề chở bè cho bộ đội. Ít nhất cũng mười chị vào đấy với các cụ phụ lão. Xem chừng chỉ ngày kia là đánh. Cái đồn bản Bắc năm ngoái đã đánh một lần không được. Ca-nông của nó thỉnh thoảng vẫn rót về bản. Nó như con diều hâu đậu trên núi cao nhìn ra khắp chung quanh, đánh nó làm sao! Tự nhiên chị Lưu nhìn về mé anh Còm, trong lòng nôn nao. Nhà đã đi ngủ cả, cả chú Tịnh láu lỉnh, cả anh Ban. Chị Lưu duỗi hai tay, vươn vai khẽ ngáp. Chị gọi:

- Hai anh ra ăn khoai.

Hai anh cán bộ vừa bàn nốt với nhau, vừa đi tới bên bếp. Chị Lưu bỏ mặc hai anh với mấy củ khoai, vào gian phòng nhỏ ngăn liếp đi ngủ. Chú Quân ôm chặt bà Ké, quấn chăn bông kín mít. Ngoài bếp tiếng hai người vẫn xì xào. Chị Lưu khoan khoái kéo chăn đắp. Trong óc chị nhiều ý nghĩ bay qua. Bên ngoài Ðăng nói rồi cười. Anh Còm nói gì, rồi tiếng Ðăng lại rì rầm:

- Thế anh lại đi luôn bây giờ à?

- Không, mình ngủ một tí đã. Mười hai giờ rưỡi thì đi, tôi đã hẹn với các cậu ấy rồi, tí nữa sẽ đến đây cả. Xem lại cái ụ ấy cho chính xác là chắc được một nửa rồi. Và cũng phải xem lại con đường xung phong nữa.

Im lặng một lúc, rồi lại nghe Ðăng nói:

- Lúc chiều ở sa bàn, tôi ức quá anh ạ.

- Việc quái gì. Phải lì đi chứ. Rồi Ðăng sẽ quen đi. Ở tiểu đoàn này mỗi lần ông ấy nói khích, anh em chỉ bảo nhau: Gớm ông ấy lại đốt cho nhau vài câu rồi đấy!

Hai anh cán bộ cười khúc khích rồi ngả lưng nằm cạnh nhau bên bếp đỏ rực. Chị Lưu nghe tiếng hai người trở mình bên kia bức phên. Giọng Ðăng vui vui:

- Bích nó vừa chụp cái ảnh ngộ lắm.

- Sao nãy cậu không cho tôi xem?

- Thôi để mai.

Im lặng một lúc. Ðăng như náo nức:

- Anh cho có đến một giờ không?

- Trôi chảy thì cũng chỉ khoảng ấy.

Than nổ lép bép. Hai anh như đã nằm yên. Ðăng lại nói như không muốn ngủ:

- Hôm nào anh phải kể chuyện đời anh cho tôi nghe mới được. Họ đồn ly kỳ lắm. À Bích nó viết thư hỏi anh có cái ảnh nào của chị với các cháu không?

Chị Lưu đang díu mắt sắp ngủ cũng lắng tai. Không thấy Còm trả lời. Một lúc, tiếng anh Còm như đổi khác:

- Ðời mình không vui lắm. Vợ con mất cả từ ngày đói bốn nhăm. Hồi ấy mình lang thang ở mỏ. Lúc khởi nghĩa xong, vào bộ đội, đánh Tây liên miên. Bây giờ quãng đời cũ đã xa rồi, mình chẳng hay nghĩ lôi thôi. Chắc Ðăng thấy tôi khô khan lắm phải không? Thôi ngủ.




____________
(1) Tức đại bác 105 ly.