“Hoàng Hạc lâu”

của Thôi Hiệu




Đây là một trong “tứ đại danh lâu” ở Trung Quốc (ba tòa kia là Đằng Vương các, Nhạc Dương lâu, Bồng Lai các).

Tục truyền xưa có một đạo sĩ tu đắc đạo thành tiên, đã lên trời rồi nhưng vẫn thi thoảng cưỡi hạc vàng về thăm lại cõi trần. Tiên Phí Văn Vi đặc biệt ưa cảnh Trường Giang hùng vĩ ngoạn mục nhìn từ một điểm cao gần bờ sông ở phía tây nam thành Vũ Xương.(1) Năm 223, nơi đây dựng lên một cái lầu đặt tên là Hoàng Hạc lâu.

Trong mười tám thế kỷ từ bấy tới nay, đã xảy ra mười hai lần lầu bị thiêu hủy rồi được phục dựng, thường mỗi lần xây lại, mỗi thêm tầng, cao hơn. Do việc bắc chiếc cầu đầu tiên qua sông Dương Tử năm 1957, Hoàng Hạc lâu hiện nay đứng cách vị trí cũ khoảng một cây số.

*

Xét riêng vị trí trong văn học cổ điển Trung Quốc thì giữa bốn tòa vừa nói, lầu Hoàng Hạc là nổi bật nhất, nhờ đã có không biết bao nhiêu văn thi nhân xưa tới thăm viếng. Trong vô số thơ đề vịnh, phổ biến rộng rãi hơn cả là tác phẩm của Thôi Hiệu (704-754). Lại tục truyền, một bận Lý Bạch (701-762) tới thăm lầu, đã toan sáng tác nhưng đọc bài “Hoàng Hạc lâu” rồi vất bút không làm.(2)

Trong “bức tranh” phong cảnh đặc sắc của Thôi Hiệu có diễn biến thời gian. Lúc thi nhân mới lên lầu, có lẽ đang là buổi trưa, trời xanh mây trắng. Lúc nào đó, trời mưa, rồi mưa tạnh, cây cỏ còn nước đọng rực rỡ hẳn lên dưới nắng xế. Thi nhân ngồi mãi, ngồi đến tận khi nắng tắt, trên mặt nước hoàng hôn dợn sóng đã thấy khói bay… Ngoại cảnh thay đổi đến đâu, tâm trạng người ngắm chuyển theo đến đấy. Thoạt tiên, ngước mắt trông mây nhớ tiên (vào thời điểm ấy tiên coi như đã biệt tích). Rồi hạ tầm mắt ngắm cây bờ cỏ bãi, có lẽ không nhớ gì. Rồi trông sóng khói trên sông, chợt nhớ quê nhà, mắt thịt vẫn mở nhưng bây giờ chính mắt lòng mới đang thấy nhiều hơn!

Nguyên văn

Tích nhân dĩ thừa hoàng hạc khứ
Thử địa không dư Hoàng Hạc lâu
Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản
Bạch vân thiên tải không du du
Tình xuyên lịch lịch Hán Dương thụ
Phương thảo thê thê Anh Vũ châu
Nhật mộ hương quan hà xứ thị
Yên ba giang thượng sử nhân sầu.


Dịch nghĩa

Người xưa cưỡi hạc vàng bay đi rồi
Nơi đây nay chỉ còn tòa lầu Hoàng Hạc
Hạc vàng một bay không trở lại
Nghìn năm mây trắng vẫn lửng lơ giữa trời
Sông tạnh nom rõ hàng cây trên đất Hán Dương
Cỏ thơm xanh tốt trên bãi Anh Vũ
Chiều xuống, quê nhà không biết ở phương nào
Trên sông khói tỏa sóng gợn khiến lòng buồn bã.

Dịch thơ

Bản 1:

Người xưa cưỡi hạc đi rồi
Lầu xưa còn đứng giữa đời, chơ vơ
Hạc về, chăng chỉ trong mơ
Nghìn năm mây trắng xa đưa chốn nào
Mưa ngưng, xinh quá một bầu!
(3)
Kìa cây “thắp nến”, nọ mầu cỏ tươi (4)
Hoàng hôn, lại nhớ quê thôi
Bày chi sóng khói sông ơi, não người!


Bản 2:

Hạc vàng vút tự muôn xưa
Lầu xây đón hạc còn trơ chốn này
Hạc đi, về chẳng hẹn ngày
Nghìn năm mây trắng vẫn đầy bầu không
Tạnh mưa, “thắp nến” cây sông
Bãi xa chen chúc xanh um cỏ tràn
Chiều buông, sông khói mơ màng
Lòng ai chợt thắt, bàng hoàng: quê đâu!


Bản 3:

Lên tiên ai cưỡi hạc vàng
Trần gian để đứng lầu Hoàng Hạc đây
Chẳng về đâu nữa, hạc bay
Bầu không vẫn lửng lơ mây như thời…
Sau mưa cây bến rạng ngời
Bãi xa biếc thắm vun đầy cỏ thơm
Quê hương chạnh nhớ chiều hôm
Sương giăng sóng dợn, sầu lên ngút lòng!


Bản dịch thơ khác

Hạc vàng ai cưỡi đi đâu
Mà nay Hoàng Hạc riêng lầu còn trơ
Hạc vàng đi mất từ xưa
Nghìn năm mây trắng bây giờ còn bay
Hán Dương sông tạnh cây bày
Bãi xa Anh Vũ xanh dày cỏ non
Quê hương khuất bóng hoàng hôn
Trên sông khói sóng cho buồn lòng ai.
(Tản Đà)

Người xưa cưỡi hạc đã lên mây
Lầu hạc còn suông với chốn này
Một vắng hạc vàng xa lánh hẳn
Ngàn năm mây bạc vẩn vơ bay
Vàng gieo bên Hán, ngàn cây hửng
Xanh ngắt châu Anh, lớp cỏ dày
Trời tối quê nhà đâu tá nhỉ?
Đầy sông khói sóng gợi niềm tây!
(Ngô Tất Tố)

Xưa hạc vàng bay vút bóng người
Nay lầu Hoàng Hạc chút thơm rơi.
Vàng tung cánh hạc đi đi mãi
Trắng một màu mây vạn vạn đời
Cây bến Hán Dương còn nắng chiếu
Cỏ bờ Anh Vũ chẳng ai chơi
Gần xa, chiều xuống, đâu quê quán?
Đừng giục cơn sầu nữa sóng ơi!
(Vũ Hoàng Chương)



Thu Tứ



















__________
(1) Thuộc Đông Ngô thời Tam Quốc, nay là một quận trong thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
(2) Tuy không làm thơ vịnh lầu, nhưng không biết vào dịp này hay dịp nào khác, Lý Bạch có sáng tác “Hoàng Hạc lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quản Lăng” là một bài thơ chia tay bạn.
(3)
Bích Câu kỳ ngộ: “Cỏ hoa góp lại một bầu xinh sao!”.
(4) “Nắng thủy tinh” của Trịnh Công Sơn: “Ngàn cây thắp nến lên hai hàng…”.