“Chữ nhàn là chữ làm sao?”(1)

Thiết tưởng là không làm, là chơi.

Thế còn “chữ
nhã là chữ làm sao”? Là không vội vã, không “quần quật”, không chăm chăm chú chú, không “căng”. Ngược với nhã là “tục”.

Ðông, Tây đều có chơi. Ðông chơi nhã. Tây chơi tục.

A, có điều này ngộ. Tuy tiếng Việt hình như không có chữ gì tương đương với chữ “nhàn”, ta lại có một cách dùng chữ “chơi” gồm được cả “nhàn” và “nhã”!

Này nhé: nếu nói “chơi cờ” thì cái chơi có thể theo tinh thần Ðông hay tinh thần Tây, nhưng nếu nói “đánh cờ chơi” thì cái chơi sẽ khoan thai, ung dung, không cầu thắng, nghĩa là theo tinh thần Ðông. Cái chữ “chơi” đứng sau hết sức được việc!

(Thu Tứ)

(1) Câu chót trong bài thơ Chữ Nhàn của Nguyễn Công Trứ.



Võ Phiến, “Nhàn và nhã”




Sau cuộc thế chiến thứ nhất, tại nhiều quốc gia con người được xã hội bảo đảm cái quyền có công ăn việc làm. Sau khi được quyền làm việc, con người đòi quyền ăn chơi. Và xã hội vội soạn luật để công nhận cho con người quyền ăn chơi.

Thật vậy, sau cuộc thế chiến thứ hai, bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền của Liên hiệp quốc, điều 24 có ghi: “Mọi người đều có quyền nghỉ ngơi và nhàn tản...”.

Một cuộc điều tra lý lịch cho thấy quyền hưởng nhàn của nhân loại mới xuất hiện trên hai mươi năm nay. Nghĩa là mới toanh. Vậy trong hàng triệu năm loài người thí thân làm hùng hục? Không! Con người không khờ khạo đến thế: họ đã hưởng nhàn từ lâu trước khi có quyền (...)

Trước kia, các cụ chúng ta (...) thưởng nhàn chu đáo:

“Tháng giêng ăn tết ở nhà,
Tháng hai cờ bạc, tháng ba hội hè”...

Khiếp! Hết phần tư của một năm rồi. Dễ không có luật lao động nào rộng rãi đến thế: một ngày nghỉ, ba ngày làm. Trung bình mỗi tuần lễ hai ngày chủ nhật (...)

Cho nên về cái “quyền” thì có thể hỏi thăm ở thời đại này, nhưng về cái “thuật” nhàn tản thì nên tìm về các thời kỳ trước (...) tìm về Ðông phương.

*

Nhàn không phải là không làm một việc gì (...)

Sự thưởng nhàn ở xã hội Ðông phương ngày xưa cũng không loại trừ hoạt động. Nhưng các cụ chúng ta dường như chưa bao giờ chọn những cách thừa nhàn đến vã mồ hôi.

Cái chơi của Tây phương ngày nay là đá banh, là phóng xe, là bơi thuyền, là ôm nhau nhảy nhót hò hét v.v. Các thú chơi cổ truyền của ta là: chăm nom một cây kiểng (...) nhắp chén trà (...) tìm cách bày một hòn đá cho hợp với cảnh vườn v.v. (...)

Ðố kỵ thứ nhàn quần quật, thứ nhàn đẫm mồ hôi, tiền nhân chúng ta chọn một thứ “nhàn” thế nào cho nó “nhã” (...)

*

Trong lịch sử, đôi bên đã nhiều lần học cách “chơi” của nhau. Tây phương học của chúng ta tục uống trà. Nhưng từ cái trà trong Trà kinh của Lục Vũ, trong Trà thư của Okakura Kakuzo, đến cái trà vắt chanh thêm đường của Âu Tây, sự cách biệt xa như giữa tiếng đàn thánh thót trong phòng với tiếng thanh la của Sơn Ðông mãi võ ngoài chợ. Chúng ta cũng có học của Tây phương tục uống cà-phê. Nhưng khi về với chúng ta thì cà-phê nhẩn nha nhỏ từng giọt trong sự chờ đợi nâng niu, còn ở Hoa Kỳ anh bạn Ký giả Lô Răng ngán ngẩm trước cảnh vặn rô-bi-nê cho cà-phê trong cái lò tổ bố chảy vào ly tồ tồ.

Thành thử mỗi bên đã biểu lộ phong thái riêng của mình trong cái tập tục chung. Một tấm gương in hai khuôn mặt hoàn toàn khác nhau (...)

*

Ðến giai đoạn lịch sử này thì đang xảy ra cái điều tai hại là họ lôi cuốn ta theo họ.

Ở khắp các nước Á Ðông, cuốn sách của Mễ Phí dạy phép ngắm nghía đá đẹp đã thành vô dụng từ lâu. Cuốn Trà kinh của Lục Vũ cũng (thế) (...)

Từ nghìn năm xưa (...) chúng ta phân biệt tiện nghi, dật lạc với an nhàn (...) chúng ta quan niệm ngốn ngấu không phải là nhàn, nhâm nhi mới là nhàn.

Quan niệm ấy, phân biệt ấy, sắp vất đi cả. Vâng, hiện thời chúng ta hãy còn nhấp trà và cà-phê khác Âu Mỹ, nhưng cứ cái đà này thì chẳng mấy chốc sẽ hòa đồng!

Hùng hục đuổi theo chiều hướng văn minh Tây phương, chắc chắn rồi chúng ta cũng sẽ chộp được cái quyền nhàn du. Tha hồ hí hửng. Bấy giờ chỉ thiếu có cái cốt cách thanh nhã để thừa nhàn, thế thôi.


12 - 1969


(Trong
Đất nước quê hương (1973))