Đào Duy Anh, “Thành Long Biên ở đâu”




Về vị trí của thành Long Biên nhiều nhà học giả xưa nay vẫn cho là cùng một địa điểm với Thăng Long, tức Hà Nội. Nhưng như chúng ta đã biết, đất huyện Long Biên thì ở phía bắc sông Ðuống mà Hà Nội thì lại ở phía tây nam của sông Ðuống và phía tây sông Hồng ngày nay.

Vả chăng Thủy kinh chú cho biết rằng nhánh sông thứ hai trong năm nhánh của sông Hồng mà sách ấy đã mô tả có khúc đi qua thành cũ Long Biên, như thế thì thành cũ Long Biên, tức thành Long Biên ở đời Hán, không có thể ở phía tây nam sông Ðuống được. Hiện nay chưa có di tích cụ thể nào giúp chúng ta tìm vị trí đích xác của thành Long Biên, chúng ta chỉ có thể bằng vào sự mô tả đường sông của Thủy kinh chú mà thôi.

Nếu nhánh sông thứ hai nói trên đi qua thành cũ Long Biên sau khi đã qua phía bắc huyện Phong Khê và qua Lãng Bạc thì thành cũ Long Biên phải ở vào khoảng phía bắc thị trấn Bắc Ninh hay có thể là ở ngay địa điểm thị trấn Bắc Ninh. Ðặng Xuân Bảng cho rằng quận trị Long Biên đời Hán là ở khoảng các huyện Quế Dương và Võ Giàng, thì cũng có lý.

Thủy Kinh chú nói rằng “Năm Kiến Vũ thứ 23, khi mới lập châu, thấy có giao long (…) ở hai bến nam và bắc, cho nên đổi tên Long Uyên là Long Biên”. Ðặng Xuân Bảng cho rằng bến sông đó là ở trên sông Ðuống. Ðiều ấy hiện nay chúng ta chưa có thể xác minh.

Nhưng tại sao người ta lại cho Long Biên là Thăng Long?

Khi nhà Ngô chia Quảng Châu với Giao Châu mà đặt châu trị Giao Châu ở Long Biên thì huyện Long Biên khi ấy đã không phải là huyện Long Biên đời Hán nữa. Nhà Ngô đã chia quận Giao Chỉ cũ của nhà Hán làm ba quận Giao Chỉ, Tân Hưng và Vũ Bình, mà chỉ riêng quận Giao Chỉ lại chia làm 14 huyện, 4 huyện mới đặt và 10 huyện của đời Hán. Như vậy thì không những huyện của nhà Ngô nhỏ hơn huyện của nhà Hán mà các huyện nhà Ngô dù có mang tên huyện nhà Hán cũng không còn đều đúng với vị trí của những huyện nhà Hán cùng mang tên ấy nữa.

Vì thế huyện Long Biên nhà Hán không phải là huyện Long Biên nhà Ngô. Miền Võ Giàng và Quế Dương tỉnh Hà Bắc là miền trung khu của huyện Long Biên đời Hán, nhà Ngô đã lấy làm huyện Vũ Ninh, như thế thì huyện trị Long Biên cũ đã bị gồm vào huyện Vũ Ninh rồi, cho nên huyện trị Long Biên của nhà Ngô không thể còn ở nơi huyện trị Long Biên của nhà Hán.

Ðến thời Nam Bắc triều, nhà Tống lấy đất Long Biên mà đặt quận Tống Bình, sau lại đổi ba huyện của quận Tống Bình làm hai huyện Tống Bình và Quốc Xương, huyện Tống Bình ở phía nam sông Ðuống, huyện Quốc Xương ở phía bắc sông Ðuống.

Nhà Tùy dời quận trị Giao Chỉ từ Long Biên đến Tống Bình, tức là đến địa điểm Hà Nội ngày nay. Vì quận Tống Bình trong ấy có huyện Tống Bình đã được lập với một phần đất của huyện Long Biên cũ cho nên người ta đã dễ lộn Long Biên với Tống Bình mà cho rằng thành Tống Bình là thành Long Biên cũ.

Ðến năm 622 nhà Ðường đặt Giao Châu trị sở ở huyện Giao Chỉ, thì cũng là ở địa điểm thành Tống Bình, rồi đến năm 627 nhà Ðường mới khôi phục lại tên huyện Tống Bình. Các nhà sử học đời sau vẫn kế tiếp sự sai lầm ấy mà cho rằng thành Thăng Long là thành Long Biên xưa.


(Đào Duy Anh,
Ðất nước Việt Nam qua các đời, viết xong năm 1964, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Thuận Hóa (Huế) tái bản năm 1994. Nhan đề phần trích tạm đặt.)