Chị Lường là người Thái, tức người Âu.

“Âu rừng Lạc biển”, nên tuy anh em với nhau mà ta với họ chẳng mấy khi gặp nhau. Giặc Pháp khiến Lạc lên rừng, khiến anh em sum họp...

“Người trên này xinh quá nhỉ!”. “Hựu” không phải “người dưới kia” đầu tiên buột miệng thế. Dòng dõi mẹ tiên Âu Cơ mà lại.

Em Âu đứng trên đỉnh núi cởi áo vẫy các “eng” Lạc lên đường đánh giặc chung của Âu và Lạc, hình ảnh đẹp quá.

(Thu Tứ)



Nguyễn Đình Thi, Cái áo trắng



Bấy giờ tôi mới ở trường võ bị ra. Lần đầu ra mặt trận, tôi theo tiểu đoàn rời những rừng cọ và những đồi chè bên sông Thao để vào trong Sơn La.

Vừa lên đến nơi, tiểu đoàn được lệnh đi gấp vào đánh mường H...

Hôm ấy nắng gắt, suốt ngày hành quân qua những đồi cỏ gianh nóng như luộc người, đến chiều, tôi vừa đói vừa say nắng lử lả, mắt tối lại, mồ hôi toát ra lạnh rủn cả chân tay. Anh trung đội trưởng bảo: "Cậu nên ngồi nghỉ đợi tiểu đội Quốc, chốc nữa đuổi theo bọn mình cũng được." Tôi tìm một cái hố bên cạnh đường, nhảy xuống ngồi với anh liên lạc Hựu. Anh Hựu cũng say nắng mặt chín dừ, tay khua cái mũ lá quạt lấy quạt để.

Mặt trời gần lặn, tiểu đội anh Quốc mới đến, chúng tôi nhập bọn cùng đi. Trong nắng quái, những bụi lau sáng rực lên một lúc. Nhìn bốn phía chỉ thấy rừng lau là rừng lau. Không một bóng cây, một thửa ruộng, một tiếng chim kêu. Anh Tiễu, đội viên người địa phương, cắm cúi đi trước dẫn đường.

Ði mãi, con đường càng ngày càng rậm, gần như mất hẳn trong cỏ gianh. Anh Tiễu luôn luôn dừng lại nhận phương hướng rồi lại đi vội. Tới một đỉnh đồi, anh đứng lại ngắm bốn phía, bảo chúng tôi đợi, rồi sục vào đám lau tìm. Một lúc, anh trở ra bơ phờ:

- Lạc mất rồi.

Anh em ngẩn người. Tôi bàn:

- Ta cứ đi thẳng lúc nữa xem sao đã.

Sương đang xuống nhanh, đồi núi chung quanh phút chốc mờ mịt. Trong bóng tối chúng tôi rẽ cỏ gianh rào rào, đi theo anh Tiễu. Anh tiểu đội trưởng Quốc lùi lũi đi bên cạnh tôi, cáu lắm tuy không nói gì.

Trời tối hẳn, không nhìn thấy gì nữa. Chúng tôi vừa đi vừa gọi nhau, cứ một quãng lại đâm vào bụi, gai móc vào quần áo, không biết đường nào mà gỡ. Mới đầu còn cười đùa, sau anh nào cũng bị gai rạch mặt mũi, vừa đau vừa cáu, dần dần cứ im lặng mà đi. Bụng đói cồn cào, chúng tôi leo hết đồi này đến đồi khác, nản cả chân, càng đi xa càng thấy cứ hun hút mãi. Anh Chén lên cơn sốt rét rên khừ khừ, Quốc phải vác hộ súng. Về khuya gió nổi lên rất mạnh như đánh vào mặt.

Ði đến gần nửa đêm, chúng tôi đang tính rúc vào cỏ mà ngủ thì bỗng nghe văng vẳng ục... ào... tiếng cối nước giã gạo. Chúng tôi tỉnh hẳn người, theo tiếng nước lần đến. Lội qua một con suối chảy im lặng, thấy bóng một cái nhà sàn con, bên trong leo lét ánh lửa. Tôi ra hiệu cho anh em bố trí chung quanh, rồi cùng anh Quốc bước nhẹ vào sân, lên cầu thang. Quốc gõ mấy tiếng vào cánh cửa gỗ. Trong nhà vẫn im lìm. Một lúc có tiếng người khàn khàn hỏi ra:

- Phừ đê?(1)

Quốc nói mấy câu tiếng Thái. Người trong nhà dậy, nhóm to lửa, rồi ra lạch cạch mở then cửa. Tiếng thở nặng nhọc. Cửa mở, một ông già cao lớn nheo mắt nhìn chúng tôi bước vào.

Tôi chào, ông không trả lời. Quốc ngồi xuống bên bếp hơ tay nói:

- Chúng tôi là bộ đội đi qua đây...

Anh nhanh nhẩu nói mấy câu tiếng Thái. Ông già vào góc nhà lấy ấm chén, rồi tới bắc cái ấm siêu nhỏ đun nước.

*

Anh tiểu đội trưởng ra gọi anh em. Gian nhà chật hẹp ồn lên. Anh em xúm vào đống lửa. Hựu cởi súng nhìn chung quanh một lượt: "Ủa, nhà mới quá. Sao cái chảo mẻ mất miếng to quá rõ hoài." Rồi sà ngay xuống cạnh ông già, anh giơ tay chân ra hiệu: "Chúng cháu đói bụng lắm, cụ cho chúng cháu mượn cái nồi, cái chảo thổi cơm." Chén thì nằm vật ra sàn, trùm chăn kín mít vật vã. Ông già nhìn hết người này đến người khác rồi chậm rãi bảo:

- Các đồng chí để tôi nấu cơm cho được đấy.

Ông nói tiếng xuôi khá sõi. Quay vào mé trong ông gọi:

- Me Lường ơi!

Một người con gái từ trong phòng nhỏ ngăn liếp ở cuối nhà đi ra. Cô quấn tóc, hơi bẽn lẽn kéo lại cái áo trắng, và ra góc cầu thang đổ bẳng nước rửa chảo.(2)

Ông già vẫn lẳng lặng pha nước chè. Hựu đã nằm co bên cạnh bếp ngáy khò khò. Chén cũng ngủ rồi, cái chăn của anh phập phồng đều đều, thỉnh thoảng lọt ra một tiếng rên. Anh em mỗi người một góc ngủ thiếp cả.

Ngồi uống nước với ông cụ, tôi hỏi:

- Cụ ở đây có một mình thôi à?

Ông già gật đầu. Trong đôi mắt quắc thước của ông bỗng thoáng một ánh giễu cợt.

- Các đồng chí đi lạc đường phải không?

Tôi hỏi:

- Sao cụ biết?

Ông già cười, nhìn tôi:

- Mặt đồng chí chảy máu nhiều đấy, phải bôi thuốc đi.

Thảo nào lúc mở cửa ông cụ cứ nhìn mình mãi! Tôi bật cười vỗ vai ông cụ:

- Phải rồi, cụ đoán tài lắm.

Ông già đắc chí vỗ đùi cười ha hả. Người con gái đang dội nước ở góc nhà ngửng đầu lên không hiểu chuyện gì, lại vo gạo xoàn xoạt.

Thế là chúng tôi thân mật hẳn, lại thêm anh Quốc đến góp chuyện nên càng vui. Ông già luôn luôn rít điếu cày, nhiều lúc tay cầm cái đóm cháy gần hết vẫn mải nói chưa châm được điếu thuốc lào. Ông kể chuyện hai bố con lên trên này phá nương mới được hơn ba tháng. Nhà ở xa, cách hơn bốn ngày đường. Tây nó về, không ở bản được nữa.

Người con gái tới bắc nồi cơm lên bếp. Chị ngồi nép bên cạnh bố, thỉnh thoảng lại ghé lên đẩy củi, hai má đỏ ửng. Ông già trợn mắt kể chuyện Tây về làng ông:

- Nó bắt dân dỡ nhà, bỏ ruộng về ở bản tập trung bên cạnh đồn. Nó rào làng không cho dân đi làm cái nương, cái rẫy ở xa. Ðói lắm các đồng chí à. Nhà nào cho đàn bà con gái lên đồn mới được mua muối. Thằng con trai tôi đi theo du kích huyện, vợ nó ở nhà nuôi con khổ quá không có muối ăn, ốm phù cả người lên rồi chết cả hai mẹ con. Một hôm thằng phìa dẫn đội Tây đến nhà tôi, nó đạp tôi một cái: Sao mày không cho con gái lên xòe cho quan lớn? Hai bố con tôi đem nhau đi lên đây.

Ông già nói xong ngồi im. Mấy sợi râu bạc dưới cằm như còn rung rung.

Quốc chửi:

- Mẹ cha thằng Tây, sao nó ác thế. Bây giờ nó sắp chết đấy cụ ạ.

Ông già gật đầu, trên khuôn mặt nhăn nheo như day dứt một nỗi buồn đau đớn.

- Nói cái khổ không hết được, các cháu ơi! Người già nghĩ năm phần mười phần, chỉ nói ra được một phần. Bao giờ trông thấy cái suối, cái nhà cũ! Ngày nào tàu bay của nó cũng đi bắn hết, một nóc nhà, hai nóc nhà nó cũng bắn!

Ông cụ không nói nữa. Tôi cũng ngồi im, không biết nói gì. Từ hôm xuất quân, suốt dọc đường qua bản nào chúng tôi cũng thấy quang cảnh tàn phá lạnh lẽo. Ban ngày nhân dân phải vào lán ở trong rừng kín. Cứ buổi tối, các nhà sàn mới lại có bóng người, bóng lửa. Nhiều nơi đã bỏ hoang hẳn, những nhà sàn hoặc cháy dở, hoặc đổ xiêu vẹo, cỏ mọc kín ngoài sân, và mọc cả dưới gầm sàn. Nơi nào cũng mong bộ đội quá! Từ ngày giặc nhảy dù chiếm Sơn La, có lẽ lần này mới lại có bộ đội chủ lực tiến vào đây.

Cơm đã chín. Quốc gọi anh em dậy. Món ăn có muối trắng, một bát rêu đá nguội, một chảo canh lõng bõng nấu rau thuốc phiện với thịt chuột rừng. Rêu đá khác nào món cà của đồng bào Thái vùng này, tôi ăn vẫn không quen, cứ dệu dạo trong miệng. Tuy vậy cơm canh cũng hết veo cả.

Cơm xong ồn ào mấy phút, anh em xếp đặt lại chỗ ngủ. Tôi cuộn tròn trong chăn. Nhìn về mé bếp, cái áo cánh trắng của người con gái lúi húi bên ngọn lửa cứ mờ dần. Tôi ngủ ngay.

... Đang mơ màng bỗng nghe động trên đầu, tôi mở choàng mắt thò đầu ra ngoài chăn. Nhà tối om. Bóng anh Hựu lồm cồm trên gác xép bò xuống sàn rồi chạy vèo ra ngoài. Một lát anh ta rón rén vào. Tôi hỏi khẽ:

- Đi đâu đấy?

Hựu thì thào:

- Không hiểu sao em buồn nôn quá. Mửa ra hai con giun anh ạ.

Quốc nằm cạnh, giọng lúng búng ngái ngủ:

- Rau thuốc phiện đấy... không quen nó say...

- À hay nhỉ...

Hựu lại leo lên cái gác xép hong thóc. Tôi ngửng đầu:

- Nhà còn chỗ mà sao cậu lại leo lên trên ấy ngủ.

- À, đề phòng nó vào sục sạo biết đâu. Có gì em ở trên này, thằng nào vào là em bắn phọt óc chết ngay. Súng vẫn nạp đạn sẵn đây.

Câu nói của Hựu làm cho tôi bâng khuâng. Anh em sống chết nhiều lần cũng có khác thật! Tôi nằm nghe gió thổi vi vút từng cơn bên ngoài. Sương rơi trên mái gianh như mưa... Người con giai ông cụ chắc bây giờ cũng đang ở một đơn vị bộ đội địa phương nào rồi. Không hiểu anh ta có biết chuyện vợ con ở nhà chết thảm như vậy không... Vừa rét vừa bồn chồn không ngủ được nữa, tôi vùng dậy, khoác chăn đến ngồi cạnh bếp thổi lửa, rồi đem bản đồ ra tính đường. Tôi lấy bút chì khoanh cái khoảng mà tôi đoán chừng là chỗ chúng tôi bị lạc. Từ đấy đến chỗ tập trung ngày mai, nhìn trên bản đồ, chỉ mươi mười lăm cây. Nhưng cốt sao phải tìm cho ra đường. Sáng mai tôi sẽ hỏi ông cụ.

Ánh lửa chập chờn soi rõ nét mặt anh em đang châu đầu ngủ quanh bếp. Chén nằm trật đầu về một bên, thở mệt nhọc. Quốc ngủ, tay vẫn ôm súng, sườn vẹo đi vì vướng bao đạn.

Tôi đang loay hoay tính đi tính lại kế hoạch ngày mai thì nghe có tiếng người đi khẽ đằng sau. Ngoảnh lại thấy chị Lường đang lễ mễ bê cái chõ xôi. Tôi gấp bản đồ định tránh sang một bên, nhưng chị lắc đầu ra hiệu là không cần, và tới cạnh tôi bắc chõ lên bếp. Người chị như còn ấm hơi chăn, hai cánh tay tròn chật trong ống tay áo rất xinh. Tôi hỏi:

- Chị thổi xôi sớm thế?

- Em nấu cho các eng thôi.

- ... Sắp sáng đấy chị nhỉ.

- Chốc nứa thôi.

Giọng chị nói lơ lớ nghe thật ngộ. Chị Lường nhanh nhẹn đẩy củi, đặt siêu nước cạnh bếp và bảo:

- Nhà em nghèo lắm, không có cái gì ủng hộ bộ đội. Các eng đánh Tây đi, rồi về bản em nhiều cá lắm. Tháng tư nước lũ về, cá nó quẫy nhau như trâu đằm ấy, tha hồ đâm mỏi tay không hết được cá.

- Ồ, lại thế à?

Chị Lường nói nhanh, mặt hồng hào, hai con mắt lấp lánh ánh lửa:

- Bản em có bốn cái suối chảy vào, mùa này thì cạn thôi, làm ruộng được. Mùa lũ, bốn cái suối đổ nước về ngập hết. Cứ đốt đuốc đi đâm cá suốt đêm, mê lắm không về được. Cá gáy vẩy bằng cái chén một, cái buồng trứng của nó đầy một nồi to, ăn không hết, không biết đem cho ai, cả làng nhà nào cũng lủng lẳng cá treo trên bếp rồi.

- Thế thì tháng tư chúng tôi phải về ăn cá ở nhà chị mới được.

- Các eng chả về đâu.

Chị Lường cười mủm mỉm.

- Eng có bài hát nào chép cho em xin...

Tôi buột miệng:

- Chị biết chữ à?

- Biết chứ. Ở đây có lớp bình dân đấy.

Tôi nóng ran cả mặt ngượng quá. Chị Lường nhìn tôi chế giễu:

- Eng không muốn cho em xin bài hát rồi.

- Không phải đâu. Tôi biếu chị quyển sổ chép bài hát của tôi nhé, chị có bằng lòng không?

- À lúi...

Chị Lường chùi tay vào váy, đỡ lấy quyển sổ tôi đưa cho chị, giở mấy trang đầu, rồi cẩn thận gấp lại, gài vào trong áo.

- Chốc nữa, em cất đi, mối ngày học một bài, không có quên mất chữ rồi. Ở làng thằng Tây nó không cho học.

Siêu nước đã bốc hơi. Chị Lường rót nước mời tôi:

- Eng uống nước đi. Ngày trước ở bản các eng về, vui nhiều lắm. Từ ngày lên đây, các eng không đi con đường này, chả gặp ai.

Tôi uống nước xong, xếp bản đồ vào xắc-cốt. Bên ngoài trời đã mờ mờ. Nghe suối reo đã khẽ đi, tiếng cối nước rì rào cũng lẫn vào muôn ngàn tiếng động nhỏ của buổi sáng. Mấy tiếng chim kêu chiêm chiếp. Tôi xuống sân. Sương mù dày đặc rơi như mưa bụi.

Trong nhà anh em cũng lục đục dậy. Tiếng anh Quốc dõng dạc:

- Báo cáo anh, cụ mời ăn xôi rồi hãy đi.

Chúng tôi ăn rất nhanh. Anh em tập họp dưới sân, trời mới tang tảng. Tôi toan gọi anh Quốc bàn chuyện hỏi đường thì đã thấy anh trên sàn bước xuống cùng ông cụ. Chị Lường đi sau, ngang lưng thắt con dao rừng. Quốc nói to với tôi:

- Cụ cho chị Lường đi đưa đường hộ đấy anh ạ.

Tôi cảm động tới bắt tay từ biệt ông cụ. Anh em chào, ông cụ đáp lễ, cúi rạp người, hai tay vẫn nắm tay tôi.

Cỏ sớm ướt đẫm sương, đi một lúc quần áo chúng tôi ướt dính. Chị Lường đi trước, dáng cao dong dỏng. Sáng rõ dần, mặt trời lù mù như một đĩa tiết đỏ, chúng tôi tới một quả núi cao. Đường lởm chởm đá, ngược lên mãi. Tới đỉnh núi, phải ngồi lại thở. Sương bắt đầu tan, những chỏm đồi hiện lên dần vàng hoe. Chị Lường chỉ tay nói:

- Kia kìa.

Dưới xa bỗng rõ bật lên con đường ngoằn ngoèo như một sợi dây đỏ vắt lên vắt xuống theo dãy đồi. Hựu đứng nhỏm dậy:

- Ái chà, gớm thật, hôm qua mày biến đâu mất.

Nửa giờ sau đến chân núi, chúng tôi chạy ùa xuống con đường. Anh này bỏ mũ lau mồ hôi, anh kia buộc lại dây lưng. Chị Lường đứng nhìn chúng tôi, ngực chị thở mạnh, mồ hôi rỏ giọt trên trán, trên cổ.

Tôi chìa tay, chị hơi thẹn nhưng cũng vui vẻ bắt tay tôi:

- Em chúc các eng đi mạnh khoẻ.

Chúng tôi vẫy tay. Chị cúi chào lần nữa rồi quay trở lên.

Đường rộng thênh thang, vui chân đi như bay. Tiễu thủ thỉ:

- Thật may quá, không có thì hôm nay tôi chẳng biết đưa các anh đi lối nào.

Quốc cười oang oang:

- Bận sau thì anh phải nhớ cho kỹ, tí tẹo nữa anh cho chúng tôi ngủ với cọp đấy.

Hựu ngoái cổ lại, thốt ra:

- Người trên này xinh quá nhỉ!

Cả tiểu đội bật cười. Hựu ta đỏ mặt tía tai.

Đến một ngã ba, chúng tôi cùng ngoái đầu nhìn lại quả núi. Cái áo trắng của chị Lường đang len lỏi đi lên giữa cỏ lau. Tôi chụm tay vào miệng làm loa gọi. Các anh em cũng hết sức gọi theo. Tới gần đỉnh núi, cái áo trắng dừng lại. Chúng tôi giơ khăn mặt lên đầu vẫy cuống quít. Cái áo trắng vẫn đứng im. Quốc che mắt nhìn:

- Hình như chị ấy vẫy tay.

- Chịu, không thấy gì cả!

- Tức quá không có cái ống nhòm!

Chúng tôi lại vẫy khăn vẫy mũ.

Cái áo trắng bỗng bay tung ra phất phất. Chúng tôi reo ầm lên.

Tiễu trố mắt:

- Chị ấy phất áo kìa!

Chúng tôi đi nhanh, vừa đi vừa nhìn lại. Cái áo trắng vẫn phất theo. Một lúc không thấy phất nữa. Chúng tôi đứng cả lại. Cái chấm trắng bé dần trên đỉnh núi rồi biến hẳn.

Lúc ấy, mặt trời đã lên cao, sương đã tan. Chúng tôi đi miết đến quá trưa thì đuổi kịp bộ đội. Đến tối, tiểu đoàn tiêu diệt đồn mường H...


1948





______________
(1) Tiếng Thái: Ai đó?
(2) Ống tre đựng nước ở Tây Bắc.