Nguyễn Xuân Khoát, “Hát ả đào” (1)




Trống chầu

“Trống chầu” (...) cao khoảng 15 phân, mặt rộng 15 phân (...)

Tuy ở người cầm trống, tiếng trống có khi nghiêm chỉnh, có khi cợt nhả (...) nhưng bao giờ cũng có một công dụng rõ rệt (...) (là) cho ta cảm thấy rõ ràng sự hết đoạn sự hết câu (...)

Biết được công dụng của chiếc cột trong gian nhà gỗ (...) thì không có nhẽ nào lại không biết sự ích lợi của tiếng trống (trong lối hát ả đào) (...) nghe âm nhạc bằng con mắt nhà kiến trúc (...) (thì thấy) lối hát Việt Nam này như một gian nhà gỗ mà điệu phách là xà ngang và tiếng trống (...) (là những chiếc cột) (...)

Đọc tới đây, chắc các bạn thạo âm nhạc Âu Tây thấy rằng tiếng trống của mình có công dụng như những tiếng trầm (basses) trong âm nhạc Âu Tây, chỉ khác là đằng này là một viên đá to và nặng dùng làm nền móng. Những tiếng bổng, chìm cùng một hợp âm trong một bản nhạc Âu Tây xếp đặt lên nhau, hoà hợp vào với nhau như gạch, đá, vôi cát của một bức tường (...) Âm nhạc Âu Tây là chiếc nhà gạch, âm nhạc Đông Phương là gian nhà gỗ (...)

bào gọt chiếc cột sao cho tròn cho ngay ngắn, đặt cột sao cho thoáng cho cân đối (...) là (...) phận sự của người cầm trống.

Đàn đáy

Cây đàn đáy (...) thùng đàn (...) một bề 30 phân, một bề 18 phân, dày 9 phân (...) mặt hậu không có, dây bằng tơ, nên âm thanh nghe không vang và không trong (...) (mà) dìu dịu, đùng đục.

Nghe tiếng đàn đáy ta có cảm giác đứng trong một cung điện âm u, hay trước một phong cảnh bị phủ dưới một làn sương mù.

Lúc hoà nhạc thanh âm đàn đáy lại yếu, nên thường thường thấy lẫn vào với phách với giọng hát như, đã hiểu nghĩa đoàn thể, không cần ai biết tới, dù mình đã làm được việc. Chỉ thỉnh thoảng, khi trường hợp bắt buộc, mới chịu xuất đầu lộ diện mà vẫn nhũn nhặn khiêm tốn.

(...) cây đàn đáy tuy chỉ có ba dây lên cách nhau bốn bậc (...) chỉ có mười hai phím mà có thể nảy ra được bao nhiêu tiếng (3 octaves, ba cung tám bậc) có thể biến được sang bao âm thể.

Đấy là (nhờ) (...) cách “nhấn” (...) nghĩa là (nhờ) (...) cái cán đàn dài tới một thước hai (1m20) và cỗ phím cao chừng hai ba phân.

Khi đàn, người kép có phải chỉ “bấm” vào phím đàn không thôi đâu (...) (mà) có khi lại nhấn sâu xuống (vì phím cao) cho căng dây ra, cho tiếng lên (...) (có khi) nhấn cho chùng dây (?) thấp tiếng xuống (...)

Nhấn rồi mới gẩy, đang nhấn thì gẩy, hay là gẩy rồi mới nhấn, đấy là (...) cái bí thuật của nhạc công dùng để khiến cho (...) một tiếng tầm thường trở nên một tiếng huyền ảo: một thứ tiếng mà hình như có ít nhiều tiếng rất mỏng bao phủ xung quanh.

Một tiếng chỉ bấm không thôi mà nảy ra nó trơ trẽn bao nhiêu thì một tiếng nhấn ra nó có duyên bấy nhiêu.

Nhấn ra, tiếng đàn trở nên mềm, dẻo như tiếng hát (nhất là tiếng hát Việt Nam), đi được đến chỗ hết sức tỉ mỉ của âm thanh và tả được những nỗi rất lắt léo của tâm hồn.

Lời bàn của Nicolas Obaow muốn cho thêm dây thêm phím vào cây đàn piano, có phải là để đi tới chỗ mà cây đàn đáy của ta đã đến từ bao giờ rồi không? (...)


(Trích bài đăng trên báo
Thanh Nghị, số 17, 16-6-1942, như đăng lại trên trang catruthanglong.com)