Dưới đây Vương Trí Nhàn bảo vì Ngọn đèn dầu lạc gồm "những đoạn ghi chép tùy hứng", chứ không có "một đường dây liên tục", nên nó "khá gần gũi với Vang bóng một thời".

Bảo thế tưởng rất xác đáng. Cái người tài tử Nguyễn Tuân ấy có bao giờ chịu kể một câu chuyện cho ra chuyện đâu. Lúc nào cũng chỉ là một cảnh, một dịp, một cuộc... Xong, lại là một cảnh, một dịp, một cuộc khác! Cứ thế.

Vương Trí Nhàn so
Ngọn đèn dầu lạc với một tập ảnh. Không khỏi nhớ Vũ Ngọc Phan từng so Vang bóng một thời với một tập tranh.

Ông Vương nói
ảnh, tưởng không phải vì ngại lặp lại lời ông Vũ. Mà vì mỗi bài văn trong NÐDL là một bức ảnh, do Nguyễn Tuân đã thực sự có mặt bên ngọn đèn dầu lạc (như một dân làng bẹp chánh hiệu!). Trong khi mỗi bài văn trong VBMT là một bức tranh, vì Nguyễn Tuân làm sao có mặt ở chỗ nọ chỗ kia được vào cái thời mà ông chưa sinh ra hoặc mới chỉ là một đứa trẻ!

Ðằng ảnh, đằng tranh, nhưng đằng nào cũng thật hấp dẫn vì đều có chứa đầy ắp những cảm xúc độc đáo của Nguyễn...

(Thu Tứ)



Vương Trí Nhàn, “Ghi chép tùy hứng”




Theo ý chúng tôi, đây không phải là thứ phóng sự chúng ta quen đọc (chẳng hạn, các phóng sự của Vũ Trọng Phụng: Cơm thày cơm cô, Lục xì...), thứ phóng sự có một đường dây liên tục, theo đó, ta cùng với tác giả nhìn sâu vào một hiện tượng xã hội. Mà đây có vẻ như những đoạn ghi chép tùy hứng của một người trong cuộc đã từng là dân làng bẹp. Hiện lên qua những trang sách có đủ loại chuyện, cảnh người kéo nhau đi hút, cảnh đặt bàn tĩnh hút ở nhà. Những dịp sa đà. Những câu chuyện tán nhảm khi đang say đắm. Và cả "chân dung" của các loại... giọc tẩu. Trên nét lớn, tác phẩm giống như một tập ảnh và do đó, nó khá gần gũi với Vang bóng một thời.


(Vương Trí Nhàn, “Lời dẫn”,
Ngọn đèn dầu lạc của Nguyễn Tuân, nxb. Hải Phòng tái bản năm 1999. Nhan đề phần trích tạm đặt.)