Sau Dương Quảng Hàm đã có nhiều người khác định nghĩa tục ngữ, ca dao.

Về tục ngữ, không ai bất đồng.

Về ca dao, Vũ Ngọc Phan đặt vấn đề ca dao là bài thơ hơn là bài hát.(1) Về phong dao, có ý kiến cho rằng chữ "phong" đây là gió: "lan đi nhanh như gió"...

(Thu Tứ)

(1) Vũ Ngọc Phan,
Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, 1978, tr. 39.



Dương Quảng Hàm, “Tục ngữ, ca dao”




Tục ngữ (...) là những câu nói gọn ghẽ và có ý nghĩa lưu hành tự đời xưa, rồi do cửa miệng người đời truyền đi (...) còn gọi là ngạn ngữ (...) chữ ngạn nghĩa là lời nói của người xưa truyền lại. Còn phương ngôn (...) là tục ngữ chỉ thông dụng trong một vùng (...)

Thành ngữ (...) là những lời nói do nhiều tiếng ghép lại đã lập thành sẵn, ta có thể mượn để diễn đạt một ý tưởng của ta (...) Trong những câu người ta thường gọi là tục ngữ, có rất nhiều câu chỉ là thành ngữ, chứ không phải là tục ngữ thật. Thí dụ: "Dốt đặc cán mai" (...) "Tiền rừng bạc bể".

Sự khác nhau của tục ngữ và thành ngữ là ở chỗ này: một câu tục ngữ tự nó phải có một ý nghĩa đầy đủ (...) còn như thành ngữ chỉ là những lời nói có sẵn để ta tiện dùng mà diễn một ý gì hoặc tả một trạng thái gì cho có màu mè (...)

Ca dao (...) là những bài hát ngắn lưu hành trong dân gian, thường tả tính tình phong tục của người bình dân. Bởi thế ca dao cũng gọi là phong dao (...)


(Dương Quảng Hàm,
Văn học Việt Nam, viết xong năm 1939, không biết in lần đầu năm nào, nxb. Trẻ tái bản năm 2005. Nhan đề phần trích tạm đặt.)