"Hôm ấy tôi đi nắng ửng vàng
Bời bời ngõ cũ tím hoa xoan..." (Nguyễn Bính)



Nhiều tác giả, “Hoa xoan” (1)





(Ảnh khuyết danh)




Lê Hồng, "Ký ức mùa hoa xoan", trang baobacninh.com.vn

Giản dị như chính cái tên nó vậy, hoa xoan sẽ chẳng thấy gì khi một mình riêng lẻ bởi chúng nhỏ nhoi và mong manh quá! Vậy mà đến hẹn lại lên, khi những giọt mưa xuân dịu nhẹ rơi xuống, đánh thức những chùm hoa nhỏ xòe ra, từng vạt xoan nở rộ, cánh trắng muốt nhỏ li ti, nổi bật nhụy tím biếc… bỗng chợt thấy xốn xang trong lòng. Bây giờ người ta đã chẳng còn thấy nhiều những rặng xoan như thế. Lâu dần, những chùm hoa tím biếc dìu dịu tỏa hương chỉ còn trong ký ức.

Còn nhớ, ngày trước làng tôi trồng nhiều xoan lắm. Từ cổng làng tới cổng chòm (cổng đi vào mỗi xóm, ngõ) đều có một hàng xoan, cây to cây nhỏ chẳng đều nhau nhưng xếp thành một hàng thẳng tắp như duyệt binh vậy. Thường thì chẳng ai để ý đến chúng, chỉ đến khi mùa hoa xoan nở, ngôi làng bỗng thoát ra khỏi vẻ cũ kỹ, trầm mặc vốn có của nó. Trên màu nâu trầm của những mái ngói, vạt xoan nở tím một góc làng, mỗi khi cơn gió lùa qua, những bông hoa xoan bắt đầu rơi rơi… hoa rắc lối người đi, hoa vương lên mái tóc. Trong khi người lớn bắt đầu khó chịu bởi mùi hương hăng hắc của nó cũng như việc hiện diện của hoa xoan là lời mời gọi hấp dẫn cho lũ muỗi kéo về thì lũ trẻ lại thích thú ra mặt. Mặc cho bố mẹ ngăn cấm không cho chơi hoa xoan nhưng chúng tôi vẫn cứ chơi. Có lẽ do bận bịu với việc đồng áng và lo chạy ăn từng bữa nên bố mẹ cũng chẳng có nhiều thời gian để ý chúng tôi làm gì sau lời dặn dò ấy (...)

Tuổi thơ (...) nhớ nhất vẫn là những khi thi đua nhặt hoa xoan. Khi gom hoa thành đống to, chúng tôi ngồi xúm lại khi thì xếp hình, xếp tên rồi lại tỉ mẩn lấy dây chỉ xâu hoa thành từng chuỗi rồi quàng vào cổ, đội lên đầu. Khi ấy, chẳng đứa nào tranh cãi nhau bao giờ. Chúng tôi đều tưởng mình là những chàng hoàng tử, nàng công chúa trong chuyện cổ tích (...)

Bây giờ chẳng mấy ai xây nhà gỗ nữa, rặng xoan cứ bị chặt dần, đường bê-tông mở rộng hơn ra (...) cứ mỗi dịp giao mùa dưới lớp mưa xuân nhè nhẹ, tôi vẫn mong được nhìn thấy những vạt hoa xoan tím biếc (...)

Chu Mạnh Cường, trang thiennhien.net

Trong những loài hoa quen thuộc làm nên biểu tượng và vẻ đẹp trữ tình của vùng quê, đáng kể tới hoa xoan: "Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay / Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy / Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ / Mẹ bảo Thôn Đoài hát tối nay" (Mưa xuân - Nguyễn Bính). Xoan là loài hoa xuân gắn liền với những ngày hội trong tiếng trống làng rục rã và điệu hát xao xuyến. Hoa nở báo hiệu sự chuyển mình sinh sôi của vạn vật trong những cơn mưa phùn lất phất. Tháng ba là lúc xoan nở rộ nhất. Các ngả đường đều ngập trong hoa: "Tháng ba rồi em nhớ hay không? / Hoa xoan tím làm khung trời cũng tím / Mưa bụi vương để mắt nhìn lúng liếng / Rét nàng Bân muộn quá khúc giao mùa" (Hoa xoan - Khải Nguyên).

Nhà quê, ai cũng trồng dăm ba cây xoan lấy bóng mát, gỗ và làm rào chắn. Thời nay, người dân đua nhau xây nhà cao cửa rộng nên xoan chỉ còn ở các miền xa xôi, ven đường làng, đồng bãi và gò đất. "Riêng ở quê nhà mới gặp / Mùa hoa xoan nở ngát đường / Ngàn ngàn cánh tím lả lướt / Dịu dàng gió thoảng làn hương" (Hoa xoan - Nguyễn Hồng Hải).

Cây xoan rất cao, có thể tới dăm mét, bao trùm một tòa nhà như một thanh niên cường tráng song hoa lại giống một tố nữ yêu kiều khiến ai nấy ngây ngất. Vào đông, cây rụng lá trơ cành song đến xuân lộc biếc, và từ nách lá nảy lên những chùm hoa lớn. Lá xòe ra như chiếc quạt trên một cuống dài chẽ thành nhiều nhánh, khía răng cưa tuyệt đẹp. Hoa kết từng tán hàng trăm bông tí xíu, như những vì sao tim tím. Quả đương chín hồng rồi bạc trắng. Cả quả xanh lẫn đỏ đều chát, độc không ăn được song lôi cuốn vì sự lủng lẳng trĩu chịt, hương hăng hắc.

Điều lạ là hoa bao giờ cũng sũng nước, khi có gió đổ ào ào. Bên hoa xoan, bầu trời như tím hơn bởi sắc hoa lai láng, mặt đất cũng ngan ngát trong những cánh hoa rụng, không gian mê ly, thời gian lầm lỳ (?) "Quán tranh đứng im lìm trong vắng lặng / Bên chòm xoan hoa tím rụng tơi bời" (Chiều xuân - Anh Thơ).

Xoan luôn gắn cùng đời sống quê mộc mạc. Trẻ em thường nhặt hoa đong đầy những chiếc rổ đồ hàng, lấy chùm quả nâu đỏ bắn bi và khấc lá làm que tính: "Tháng ba hoa xoan nở / Những chùm tím xinh xinh / Hoa tươi cười rạng rỡ / Trong nắng trời lung linh / Ôi những ngày thơ ấu / Cùng chơi trò đếm sao / Đếm từng bông hoa rụng / Lòng tràn đầy xôn xao" (Hoa xoan - Trần Vương Việt). Các em hay bị cha mẹ mắng vì tội trèo cây ngã bầm tím, tội để nhựa dính vào áo không giặt nổi và tội bỏ việc nhà đi trảy xoan… Học sinh trường làng thường trốn học trèo cây đùa nghịch. Những buổi đón đưa, trai gái dừng chân bên vòm cổng, dưới gốc xoan già trao lời hẹn ước.

Hoa xoan nở đúng mùa hội với nhiều trò chơi khiến tâm hồn phơi phới. Ai đó đều chờ đến mùa hoa để gặp gỡ và thực hiện những mơ ước. Cũng có người ngắm hoa lòng buồn nhớ về tuổi xuân - tình yêu: "Cái tuổi biết mùa xuân sang / Mơ màng như hoa xoan ấy / Phía cuối bờ dâu xóm bãi / Mắt ai biêng biếc mong chờ" (Hoa xoan - Nguyễn Hồng Hải); "Ngỡ ngàng lối cũ tìm em / Hoa xoan đã rụng tím thềm xưa xanh / Chim tươi giọng hót xao cành / Gió chiều đông buốt tê lòng cố nhân" (Hoa xoan thềm cũ - Nguyễn Nguyên Phượng). Hoa xoan như hồn quê đã đi vào hoài cảm nhiều người với gió mưa, rơi rụng, nhàu nát, u buồn: "Gió thổi hoa xoan lan tan đầy tóc / Màu hoa nát nhàu / Đưa tay hứng hoa nghiêng chiều tím / Mắt rưng rưng buồn / Vạn cánh hoa tìm theo khói sương…"

Tận dụng bóng mát, buổi trưa nồng, người dân nằm mắc võng giữa hai gốc cây giấc ngủ thật êm. Nhờ lá, vỏ, rễ xoan có tính sát khuẩn dân gian thường nấu loãng chúng tắm rửa cho người và vật.

Đầu hè, xoan chỉ còn lưa thưa vài chùm nở muộn, song hoa vẫn mãnh liệt: "Trong tiếng cuốc kêu xuân đã muộn / Đầy sân mưa bụi nở hoa xoan" (Cuối xuân tức sự - Nguyễn Trãi). Và khắc vào tâm nét quê bình dị: "Đường thơm hoa bưởi trắng ngần / Hoa xoan tím nhạt vân vân rụng đều / Làng quê dìu dịu sương chiều / Tưởng đâu khói pháo hạ nêu hôm nào" (Tiếng trống đêm xuân - Nguyễn Bính).