Nước mình, mà nó ngang nhiên đưa tàu chiến và lính của nó vào để chuẩn bị đánh mình!

Vua sai quan đi giữ đất, mà quan lo toan đối phó với giặc chực cướp đất thì vua lại quở sao có dàn binh e nó mất lòng!

Nếu vua thấy giặc có vũ khí lợi hại quá, quân ta không tài nào chống nổi, thì vua chịu hàng luôn đi. Bằng không, muốn thử đánh nhau với nó trận nữa, thì phải huy động lực lượng hùng hậu nhất, bố trí quân thế nào cho hay nhất, thậm chí ra tay trước khi nó sẵn sàng chứ! Ðằng này, thật là vua “đem
quan bỏ chợ”, đem cả cái thành Hà Nội ra làm đích cho Tây tha hồ lên đạn, nhắm kỹ, rồi bắn!

Chính khí của Hoàng Diệu là một vết son đỏ thắm trên một trang lịch sử dân tộc rất đen.
(Thu Tứ)



“Di biểu”

Hoàng Diệu









Tôi, học vấn thô sơ, ủy dụng rất lớn. Ðược giao giữ một phương đất nước, gặp phải khi bờ cõi chưa yên. Một kiếp thư sinh, chưa từng quen lo biên sự; mười năm thương ước, thế nào tin được địch tâm.

Tôi từ khi chịu mệnh đến nay, đã được ba năm. Huấn luyện giáp binh, sửa sang thành trại. Ấy chẳng những lo toan củng cố bờ cõi, mà cũng là phòng bị lòng chúng sài lang.

Nào ngờ: tổ chim vừa rào, lòng thú gây biến. Tháng hai năm nay, bốn hỏa thuyền Phú (Pháp) về tụ tập, các đồn binh chúng thêm nhiều quân. Quân kia xa lại, lòng dân nôn nao.

Tôi trộm nghĩ rằng Hà thành là đất cuống họng của Bắc kỳ, lại là khu yếu hại của bản quốc. Nếu một ngày tan tành như đất lở, thì các tỉnh lần lượt mất như ngói bong. Tôi lấy làm lo. Khẩn tư các hạt, tâu lên triều đình. Xin cho thêm binh, may sớm kịp việc.

Thế mà chiếu thư mấy lần ban xuống: Quở tôi việc đem quân dọa dẫm, bắt tôi tội chế ngự thất thời. Kính đọc lời dạy, thấy rất nghiêm khắc. Quan dân thất vọng, tiến thoái lưỡng nan.


Rất hay rằng tự quyết không tài, há giữ nghĩa đại phu ra cõi; đành tự lấy dạy răn làm sợ, từng kính lòng cổ nhân thờ vua. Hàng ngày, với một hai đồng liêu bàn nghị. Kẻ thì bảo nên mở cửa, cho nó mặc ra vào; kẻ thì bàn hãy triệt binh, để nó thôi nghi kỵ. Những việc như thế, thì dẫu phải tan xương nát thịt, tôi không nỡ lòng làm.

Thu xếp chưa quyết, nó đã bội hòa. Ngày mồng bảy tháng này, trước hạ chiến thư, ngày sau đánh gấp.(1) Quân giặc leo như đàn kiến, súng giặc nổ như sấm ran. Ngoài phố cháy lan, trong thành khí mất. Mà tôi, gượng bệnh ra sức đánh, đi đầu trước quân binh. Bắn chết hơn trăm, liều giữ nửa buổi.

Nó đủ, ta kiệt; viện tuyệt, thế cùng. Vũ biền thì sợ giặc mà chạy hàng đàn, văn thần thì ngóng chừng mà tan cả lũ.

Lòng tôi như cắt, một tay khôn cầm. Tướng lược không tài, tự nghĩ sống là vô ích; thành mất chẳng cứu, ví bằng chết cũng chưa đền. Ðem thân định quyên sinh, không thể học Tào Mạt hay dọa địch; treo cổ đền trách nhiệm, chỉ mong theo Trương Tuần chết giữ thành.

Dám đâu trung nghĩa gọi là, chỉ vì sự thể bắt buộc. Ðất trung thổ trở nên địch địa, sống thẹn cùng phường nhân sĩ Bắc hà; lòng cô trung thề với Long thành, chết mong theo Nguyễn Tri Phương dưới đất.

Mấy hàng huyết lệ, muôn dặm quân môn. Nguyện ánh sáng nhật nguyệt soi tỏ tấm lòng son của tôi mà thôi.

Tự Ðức năm thứ 35,
ngày mồng tám tháng ba


(
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam 1858-1920, quyển I, nxb. Văn Học, 1984. In đỏ đậm do người trích.)



















______________
(1) Ri-vi-e (chỉ huy quân Pháp) trong tờ trình gửi cho đô đốc Jauréguiberry báo cáo rằng y gửi tối hậu thư lúc 5 giờ sáng và không đợi trả lời, tiến đánh thành Hà Nội lúc 8 giờ 15 cùng ngày 25-4-1882 (tức ngày 8 tháng 3 năm Nhâm Ngọ).