Bài thơ này làm sau khi Pháp hạ thành Hà Nội lần thứ hai. Nội dung ca ngợi Hoàng Diệu và phê phán một số văn quan võ tướng đã uống rượu hòa máu thề cùng Hoàng Diệu sống chết với thành mà “nhà” vừa cháy đã hóa “chuột” chạy mất tăm, có “con” chạy luôn qua phía giặc! Ngay bên mình hóa ra đầy “chuột”, mà ở chót vót trên đầu mình là một “đấng” khi giặc chuẩn bị tiến công đã hạ chiếu quở trách mình sao có điều binh đối phó! “Một vầng chính khí”, thương ơi. (Thu Tứ)



Khuyết danh, “Hà thành chính khí ca”




Một vừng chánh khí lưu hình,
Khoảng trong trời đất: nhật, tinh, sơn, hà.
Hạo nhiên ở tại lòng ta,
Tấc vuông son sắt hiện ra khi cùng.
Hơn thua theo vận truân phong,
Ngàn thu rạng tiếng anh hùng sử xanh.
Có quan tổng đốc Hà Ninh
Hiệu là Quang Viễn, trung trinh ai bằng.
Lâm nguy lý hiểm đã từng,
Vâng ra trọng trấn mới chừng ba năm.
Thôn Hồ dạ vẫn nhăm nhăm,
Ngoài tuy giao thiệp, trong chăm những là.
Vừa năm Nhâm Ngọ tháng ba,
Sang mai mồng tám, mới qua giờ thìn,
Biết cơ trước đã giữ gìn,
Hơn trăm vũ sĩ, vài nghìn tinh binh.
Tiên nghiêm sai đóng trên thành,
Thệ sư rót chén rượu quỳnh đầy vơi.
Văn quan vũ tướng nghe lời,
Ai ai xin quyết một bài tận trung.
Ra uy xuống lệnh vừa xong,
Bỗng nghe ngoài đã đùng đùng pháo ran.
Tiêm cừu nổi giận xung quan,
Quyết rằng chẳng để chi đàn chó dê.
Lửa phun súng phát bốn bề,
Khiến loài bạch quỷ hồn lìa phách xiêu.
Bắn ra nghe chết cũng nhiều,
Phố phường nghe thấy, tiếng reo ầm ầm!
Quan quân đắc chí bình tâm,
Cửa Ðông Cửa Bắc vẫn cầm vững binh.
Chém cha cái lũ hôi tanh,
Phen này quét sạch sành sanh mới là!
Không ngờ thất ý tại ta,
Rõ ràng thắng trạng thế mà thua cơ!
Nội công rắp những bao giờ,
Thấy kho thuốc cháy, ngọn cờ ngả theo.
Quan quân sợ chết thảy đều,
Cửa Tây, bạch quỷ đánh liều trèo lên.
Nào ai sức khỏe gan liền?
Nào ai gìn giữ vững bền ba quân?
Nào ai còn có kinh luân?
Nào ai nghĩ đến thánh quân trên đầu?
Một cơn gió thảm mưa sầu,
Nấu nung gan sắt, dãi dầu lòng son.
Chữ trung còn chút con con,
Quyết đem gửi cái tàn hồn gốc cây.
Trời cao biển rộng đất dày,
Núi Nùng sông Nhị chốn này làm ghi.
Thương thay trong buổi truân nguy,
Lòng riêng ai chẳng thương vì người trung.
Rủ nhau tiền góp của chung,
Rước người ra táng ở trong học đường.
Đau đớn nhẽ, ngẩn ngơ dường!
Tả tơi thành quách tồi tàn cỏ hoa
(...)


(Tục truyền của Nguyễn Văn Giai, tức Ba Giai)