Sao lại “đồng đỏ”?! Hầu hết trống đồng Ðông Sơn đúc bằng đồng thau cơ mà.

Ðồng đỏ mềm, đúc trống rồi đem ra “giã” thì bằng phá của!

Muốn biết trống đồng Ðông Sơn có phải trống không, phải đúc trống mới y hệt như trống xưa, xong mới giã...

Hay là tìm xem có cái trống xưa nào mặt đã hỏng nặng, mà giã thử xem...
(Thu Tứ)



Vi Quang Thọ, “Lại chuyện giã trống đồng”



Chúng tôi có dịp “trở về cội nguồn” tham quan Lễ hội đền Hùng mồng 10 tháng 3 năm Tân Mão (2011) và tham dự hội thảo khoa học quốc tế: “Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội hiện đại - Nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ vua Hùng ở Việt Nam” do Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, Uỷ ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ và UNESCO Việt Nam đồng tổ chức. Tham gia hội thảo có đại diện nhiều cơ quan, sứ quán và đoàn ngoại giao tại Việt Nam cùng các nhà khoa học đến từ nhiều nước: Úc, Ca-na-đa, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Nam Phi, Đan-mạch, và gần 100 nhà khoa học Việt Nam. Theo chúng tôi được biết, từ khi lễ hội đền Hùng trở thành quốc lễ, thì mỗi lần tổ chức được tiến hành quy mô hơn, hoành tráng hơn và trong một không gian rộng lớn hơn... Đó là điều mừng (...)

Du khách thấy tâm hồn thư giãn khi nghe, nhìn các cô, các chị múa hát điệu dân gian “hát xoan”, gợi nhớ cảnh sinh hoạt nông thôn yên bình, êm ả trong mỗi xóm làng, trong mái nhà tranh giản dị, đơn sơ thuở nào với “những ngọn khói lam chiều” thơm mùi rơm mới sau mùa lúa chín bội thu.

Du khách tham quan nhà sàn được dựng lên trong khuôn viên lễ hội (...) - kiểu nhà đặc trưng của đồng bào Mường và nhiều dân tộc thiểu số sinh sống ở miền núi Việt Nam. Ngồi quây quần bên chiếc bàn tre mỏng manh cùng nhau nhâm nhi chén rượu quê thơm mùi nếp mới, chúc nhau những điều tốt lành... (...) tiếng đâm đuống “thập thình...” dưới mái hiên nhà vọng lên làm du khách thêm thích thú (...) Đuống là một nhạc cụ thô sơ được làm bằng khúc gỗ to, phơi khô, dài khoảng 2m, được khoét rộng, dài và sâu xuống tạo thành khoảng trống cộng hưởng âm thanh mỗi khi gõ chày vào hai bên cạnh sườn hoặc đâm xuống lòng gỗ sâu. Chày đâm là đoạn tre hoặc gỗ dài khoảng 2m, to bằng cổ tay người lớn.

Nhưng “ấn tượng” hơn cả là (...) chiếc trống đồng còn tươi màu đồng đỏ (được đúc theo mẫu trống đồng Đông Sơn) đang được một tốp nam nữ diễn viên trẻ (mỗi người cầm một đoạn tre dài khoảng 2m, to bằng cổ tay người lớn) thi nhau giã xuống mặt trống đồng. Nghe nói, đây là một trong 100 chiếc trống mới được đúc bởi các nghệ nhân tỉnh Thanh Hoá để vào dịp Lễ Kỷ Niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội. Sau lễ, một số chiếc được tặng cho Khu Di tích đền Hùng. Nhân lễ hội mồng 10 tháng 3, người ta mang trống đồng ra “giã”, “hoà tấu giao hưởng” với tiếng đâm đuống “thập thình...” bên cạnh. Một du khách nước ngoài hỏi chúng tôi: “Đây có phải là trống đồng Ngọc Lũ của Việt Nam không?” Chúng tôi trả lời: “Phải!”. Họ tỏ vẻ ngạc nhiên và hỏi tiếp: “Trống đồng đẹp thế! Sao lại mang giã cho nó bẹp đi?”. Chúng tôi thoáng vẻ ngỡ ngàng và nhìn vào mặt trống đồng gần hơn (vì có đông người xem vây quanh), thì ôi thôi, núm giữa của mặt trống đồng (...) đã bị bẹp dúm, lõm sâu (...) Những hoa văn (...) bí hiểm trên mặt trống đồng cũng bị méo mó và lõm xuống như hình mặt trời ở giữa. Chúng tôi chạnh lòng, xót xa..., và trả lời vị khách nước ngoài rằng: “Vì trống đồng được coi là một nhạc khí, nên phải đem gõ, đem giã”. Những tưởng câu trả lời ấy là thoả đáng, nhưng vị khách lại hỏi một câu: “Thế thời các vua Hùng, người ta có làm thế này không (tức giã trống đồng)?”. Chúng tôi trả lời: “Không biết! Chỉ thấy rằng, trên trống đồng có khắc hình người cầm gậy giơ lên cao như đang giã xuống”...

Chúng tôi tiếp tục quan sát màn biểu diễn giã trống đồng, thì thấy một vài diễn viên giơ gậy lên cao, giã mạnh xuống để âm thanh “bịch, bịch...” vang lên to hơn, xa hơn. Một số diễn viên khác cũng giơ gậy cao lên, nhưng khi hạ xuống lại cố nhẹ nhàng để đầu gậy chỉ tiếp xúc với mặt trống đồng, không phát ra âm thanh gì cả. Chúng tôi hỏi họ vì sao không làm đều giống như những diễn viên khác? Một diễn viên trả lời: “Cháu sợ làm bẹp mặt trống đồng!”. Câu trả lời đó cứ ám ảnh trong tâm trí chúng tôi...


(Trích Vi Quang Thọ, “Trống đồng Đông Sơn - quốc bảo của dân tộc Việt Nam”, trang
vssr.org.vn. Nhan đề phần trích tạm đặt.)