Ta từng chiếm được Chân Lạp, gọi Chân Lạp là Trấn Tây thành!(1)

Thì sao! Lấn chiếm đất của người khác để “mở” đất mình là chuyện nhân loại nơi nơi đều làm.

Làm cái chuyện ấy, làm to nhất là người da trắng; thứ nhì, là người Tàu. Người Việt Nam ta, về thành tích bành trướng, đứng vào hạng bét!

Chẳng thấy Tây Tàu ăn năn hối lỗi chút nào, việc gì ta đi áy náy!!!

Cái đất Chân Lạp, tức Cao Miên, tức Cam-bốt, tức Khơ-me, tức Cam-pu-chia ấy, khó nuốt lắm. Vì dân bản xứ có tinh thần yêu nước rất mạnh mẽ.

Vua Minh Mạng muốn giữ Trấn Tây thành là hết sức bình thường. Nguyễn Công Trứ khuyên vua thôi, chắc chắn chỉ vì ông thấy chuyện không thực tế. Vua hăm chém ông, là hăm cho phải phép. Có thế thôi.

(Thu Tứ)

(1) Thành đây là một đơn vị hành chính rất lớn, tương đương với “kỳ” hay “bộ” về sau. Như Gia Ðịnh thành đại khái là Nam kỳ hay Nam bộ, Bắc thành đại khái là Bắc kỳ hay Bắc bộ.



“Nguyễn Công Trứ suýt bị chém đầu!”



Thời Minh Mạng, vào khoảng những năm 1834-1835, sau khi quan quân phá được giặc Tiêm, thì nhà vua sai tướng Trương Minh Giảng lập đồn ở Nam Vang, bảo hộ Chân Lạp, đổi nước này thành Trấn Tây thành. Nhân dân ở đó nhiều lần nổi lên đánh phá, đâu đâu cũng có giặc. Năm 1840, Nguyễn Công Trứ được phái sang làm tán lý cơ vụ ở Trấn Tây thành, ông xem xét tình hình, rồi dâng sớ về triều đình xin rút quân (1841). Ông nói: “Sự thể bây giờ khác hẳn năm trước, bởi vì năm trước chúng nghi kỵ mà khởi biến, còn nay đã có người Nặc Ông Ðôn làm tù trưởng, nên họ chỉ cốt phục quốc, ai nấy có bụng liều chết, nếu không dùng đại binh thì không thể dẹp yên được. Ôi, quân lính nhiều thì tiêu phí rộng, chỉ thêm hao công tốn của mà thôi, dẫu lấy được đất cũng không có thể ở được, lấy được dân cũng không thể sai khiến được.” (1841). Minh Mạng không nghe, bắt ông phải đưa quân đi dẹp. Trước nay, ra trận mạc, Nguyễn Công Trứ lúc nào cũng lấy thế tiến công làm chủ, ấy thế mà lần này, ông nhất định án binh bất động, đắp thành lũy cho kiên cố mà phòng thủ. Nhà vua quở mắng nặng lời, ông bị tuyên án “trảm giam hậu”. Sau thấy vô lý, chỉ giáng làm quyền tuần vũ tỉnh An Giang. Ðến khi Minh Mạng chết, Thiệu Trị lên ngôi, quan quân mới được rút về nước.


(
Thơ văn Nguyễn Công Trứ, nxb. Văn Học, Hà Nội, VN, 1983, tr. 21. Ðoạn trích nằm trong lời giới thiệu của Trương Chính. Nhan đề tạm đặt.)