Nguyễn Công Trứ nói vậy, chứ cứ lấy ngay ông mà xét thì “tướng giỏi” gặp “vua sáng” có phải chuyện dễ đâu. Mà gặp chăng nữa, vua cũng hay nghi nghi ngờ ngờ khiến tướng phải lên voi xuống chó vô cùng mệt mỏi. Còn tài tử với giai nhân, chuyện “tế ngộ” cũng khó lắm vì giai nhân thường có lối đòi đến “thiên kim” khiến tài tử thiếu “tài” đành ôm hận. Có giai thoại rằng Nguyễn Công Trứ thời còn trẻ còn nghèo có dạo tình cờ được gần một “liễu hoa”, “chúa xuân” sợ ông tơ bà nguyệt làm ăn đủng đỉnh, bèn tạo dịp để chỉ có đôi bên ở nơi vắng vẻ mà tự mình ra tay hỏa tốc xe duyên cho mình. Không biết “anh hùng” đã “xe” lối nào mà về sau khi ngẫu nhiên gặp lại quan lớn Nguyễn, “thuyền quyên” xưa khẽ nhắc: “Giang sơn một gánh giữa đồng / Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng?”. Cái nào đây trong bao nhiêu “duyên gặp gỡ”?... À, nhớ rồi, xin mời bạn gái hàn vi chia sẻ phú quý cùng “tôi”!

(Thu Tứ)



Nguyễn Công Trứ, “Duyên gặp gỡ”



Minh quân lương tướng tao phùng dị,
Tài tử giai nhân tế ngộ nan.
(1)
Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên,
Trong nhất kiến tiền duyên như đã.

Tỳ bà hữu hạnh phùng Tư mã,
Quân tử đa tình cánh khả lân
.(2)
Nọ mấy người tài tử giai nhân,
Duyên chỉ thắm bỗng dần dần đưa lại.

Dầu nghìn dặm băng sơn quế hải,(3)
Ðã tình duyên xe lại cũng nên gần.
Liễu hoa vừa gặp chúa xuân,
Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn.(4)

Anh hùng hà xứ bất giang sơn!(5)






____________
Theo
Thơ văn Nguyễn Công Trứ, nxb. Văn Học, Hà Nội, 1983:
(1) Vua giỏi và tướng tài gặp nhau dễ, trai tài và gái sắc gặp nhau khó.
(2) Người gẩy đàn tỳ bà may mắn mới gặp ông Tư mã Giang Châu (xem bài Tỳ Bà Hành của Bạch Cư Dị). Quân tử là người đa tình nên lòng thương xót càng sâu sắc.
(3) Những chỗ xa xôi.
(4) Châu Trần: tên một thôn ở Trung Quốc ngày trước ở đó có hai họ Châu, Trần đời đời làm thông gia với nhau. Thường dùng để chỉ việc kết hôn xứng đôi đẹp lứa. “Thực là tài tử giai nhân, Châu Trần còn có Châu Trần nào hơn” (
Kiều).
(5) Ðối với người anh hùng ở đâu cũng là giang sơn.