Cái thời giặc Pháp chiếm nước, hễ nói đến chuyện tìm cách đuổi giặc ra, tất nhiên phải nói quanh co. Chắc chắn trong vô số đồng bào ngâm nga “Anh khóa” chỉ một thiểu số hiểu nội dung thực của thơ. Hẳn cơ bản do lời vợ tiễn chồng động đến một tâm tình phổ biến và do ngâm sa mạc là một lối ngâm phổ thông, mà “Anh khóa” mới vang khắp ba kỳ dễ dàng như vậy.

Cùng nội dung cứu nước, Á Nam còn có bài Hai Chữ Nước Nhà rất hay. Lời là lời Nguyễn Phi Khanh dặn con Nguyễn Trãi về chuyện giặc Minh, nhưng ý hiển nhiên là chuyện thanh niên ta phải lo đánh giặc Pháp bây giờ...

(Thu Tứ)



“Á Nam Trần Tuấn Khải về bài thơ Anh khóa”



- Năm 1921, cụ “Tiễn chân anh khóa”, ba năm sau, cụ “Mong anh khóa”, rồi sau đó cụ lại “Gửi thư cho anh khóa”. Chẳng hay “anh khóa” ấy sau có về lại quê nhà?

- “Anh khóa” có về.

- Thế “anh khóa” còn sống?

- Anh ấy đã chết năm 1945. Bị Pháp thực dân giết.

(Thì ra “anh khóa” có thật. Biết bao người (trong đó có tôi) cứ nghĩ rằng đó là một nhân vật tưởng tượng.

Cụ lại rít một hơi thuốc lào, rồi mơ màng theo khói thuốc.)


Bài thơ “Anh khóa” đầu tiên, tôi làm sau buổi tiễn chân một anh bạn xuống tàu đi ngoại quốc. Cảm hứng đến khi tôi thấy anh buồn ra mặt, vô cùng quyến luyến anh em...

- Hẳn người bạn này ra đi vì việc nước non?

(Cụ cười nhẹ:)

- Nếu anh ấy ra đi về việc riêng, thì làm sao có người làm thơ tiễn chân, rồi làm thơ mong, rồi làm thơ nhắn...

(...) Nhắc đến “Anh khóa”, tôi lại nhớ chuyến đi vào Nam năm ấy, năm 1928, hay 1929. Suốt Bắc, Trung, Nam, nơi nào cũng có bóng anh. Thuở ấy, đường sắt Sài Gòn - Hà Nội chưa thông, phải đi từng chặng. Mà mỗi chặng xuống tàu hỏa, là mỗi lần tôi được dịp cảm động đến muốn rơi nước mắt. Vinh, Ðông Hà, Huế, Ðà Nẵng, Qui Nhơn, Nha Trang rồi Sài Gòn, chỗ nào, tôi cũng nghe người ta ngâm thơ “Anh khóa”. Người hành khách trên toa, chú tài xế xe hàng, người hát dạo ở sân ga, anh em phu phen đang làm đường xe lửa. Sung sướng nhất khi vào Sài Gòn, “đất thuộc địa”, nơi đồn nhiều ông “Annam – Tây”, tôi tình cờ nghe “Anh khóa” được ngâm vang từ lầu thứ ba một nhà lầu nọ. Tôi còn nhớ ở ga Ðà Nẵng, khi mua vé, trình giấy tờ, thầy xếp ga thấy tên tôi, tỏ ra vồn vã, bán vé gấp cho hành khách, rồi mời tôi vào phòng riêng, đãi nước, tỏ lòng ái mộ. Thầy lại đưa tôi ra tận tầu, chúc cuộc Nam du được như nguyện (...)

- Cụ nghĩ vì sao mà “Anh khóa” được truyền tụng nhanh chóng và sâu rộng thế?

(Cụ nghiêng nghiêng cái đầu mới bạc sơ sơ:)

- Tôi thấy có ba lý do. Một là lời dễ hiểu, cảm kích người đọc người ngâm. Hai là điệu du dương, dễ hát. Ba là nó ra đời hợp với thời với thế.

(Rồi cụ như sực nhớ ra:)

- Tôi làm “Anh khóa” vào năm 1919 (...) Ðến năm 1921 nó mới ra mắt đồng bào trong quyển Duyên nợ phù sinh thứ nhất.


(Trích
Sống và viết với..., Nguyễn Ngu Í phỏng vấn một số tác giả, nxb. Ngèi Xanh, Sài Gòn, 1966. Bài phỏng vấn Á Nam Trần Tuấn Khải này thực hiện năm 1964.)