Công của miệng đối với ẩm thực Việt thật là to. Nhưng chẳng qua công ấy hiển nhiên, chứ công của miệng đối với tiếng Việt cũng to không kém. Thứ tiếng nói gợi cảm vô song của dân tộc là thành tích chung của không biết bao nhiêu đời, mà xưa kia nhân dân đâu có biết viết. Đã chỉ có nhờ được miệng thốt ra mà tiếng Việt trưởng thành cho thi nhân tha hồ dùng làm thơ!

Có phải ta nói không dân tộc bằng ta ăn? Nếu xét đến cả chi tiết, thì do sự có mặt của những từ Hán Việt, đúng thế. Mặt khác, nếu chỉ căn cứ vào tinh thần, thì do những từ ấy đã được Việt hóa, ta nói cũng dân tộc chẳng kém gì ăn.

(Thu Tứ)



Tomita Kenji, “Cái miệng người Việt”




Giáo sư Tomita Kenji của Ðại học Ngoại ngữ Osaka, khi giới thiệu về Việt Nam đã có một nhận định khá độc đáo và ngộ nghĩnh. Ông cho rằng vũ khí lợi hại nhất của người Việt Nam là cái miệng (…) Với cái miệng, qua những câu chuyện kể, những khúc dân ca v.v., ý chí của các thế hệ trước đã được truyền xuống những lớp sau, liên tục động viên dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ nước (…) Và cũng với cái miệng, người Việt Nam lại có một lối ăn riêng. Ðó là sợi dây ràng buộc nhau, nuôi dưỡng ý thức cộng đồng cho nhau. Ông cho rằng phong cách ăn của người Việt Nam đôi khi còn mang tính dân tộc hơn cả ngôn ngữ.


(Nguyễn Xuân Hoa, “Thực phổ bách thiên và 100 món ăn nấu theo lối Huế”, trong
Sông Hương dòng chảy văn hóa - tuyển chọn 1983-2003, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 2003. NXH cho biết phát biểu trên của Kenji là từ một tài liệu phổ biến ở Diễn đàn Nghệ thuật Châu Á và Thái bình dương tổ chức ở Hyogo, Nhật, tháng 11-1996.)