Những đặc tính của sân khấu chèo (6)




Hình thức biểu hiện (tiếp theo)

3. Dàn nhạc

Về dàn nhạc, giáo sư Vũ Huy Chấn trong phần giới thiệu vở chèo Lưu Bình Dương Lễ có viết như sau: “Người đi coi hát, cả hát bộ lẫn hát chèo, nếu để ý, sẽ thấy hát bộ có loại nhạc khí gì thì hát chèo cũng có loại nhạc khí ấy, chỉ khác một điều là nhạc khí của chèo hơi nhỏ hơn mà thôi. Hát bộ có trống ban, loại trống khá lớn, âm thanh dồn dập như tiếng thác đổ, tiếng muôn quân reo hò, thì hát chèo có trống đế, nhỏ, âm thanh nhẹ và trong, nghe xa như tiếng gió vi vút trong ngàn thông. Hát bộ có phá la âm thanh loảng xoảng như tiếng đổ vỡ, thì hát chèo có tiểu la âm thanh giòn tan và vui như tiếng reo mừng. Hát bộ có một chiếc líu và một chiếc hồ thuộc loại huyền cầm, âm thanh the thé như tiếng rú, tiếng rít, thì hát chèo có một chiếc nhị huyền và một chiếc hồ gáo, âm thanh ngọt và dịu dàng. Hát bộ có chiếc kèn âm thanh không khác gì tiếng gào, tiếng thét, tiếng quát tháo, thì hát chèo có sáo hay ống tiêu âm thanh réo rắt và thanh tao. Cho nên có người cho là chèo mượn sân khấu của hát bộ, mượn tích của hát bộ, rồi mượn luôn cả nhạc khí của hát bộ, đem sửa đổi đi, kể cũng không phải hoàn toàn vô lý.”

Theo ý chúng tôi, căn cứ vào hiện tượng giao lưu văn hóa giữa những nền văn hóa lân cận như Việt Nam, Chiêm Thành, Trung Hoa, sân khấu chèo không thể không chịu ảnh hưởng của sân khấu Trung Hoa và về nhạc, ảnh hưởng của nhạc Chàm - chính Lê Tắc trong cuốn An Nam chí lược cũng công nhận nguồn gốc Chàm của chiếc trống cơm (phạn sĩ), một trong những nhạc khí thuộc về bộ đập của dàn nhạc chèo. Không những thế, sự giống nhau giữa bất kỳ những dàn nhạc nào cũng là một lẽ tự nhiên bởi bất kỳ một dàn nhạc nào được tổ chức hoàn bị cũng phải gồm đầy đủ những bộ cố hữu như đập (trống), gảy (đàn), kéo (nhị, hồ) và thổi (kèn, sáo, tiêu...).

Tuy nhiên, trong một dàn nhạc chèo, bên cạnh những nhạc khí vay mượn của nước ngoài và đã được chèo hóa (nghĩa là Việt hóa) tất phải hiện diện những nhạc khí đặc biệt của sân khấu chèo. Về điểm này giáo sư Vũ Huy Chấn cũng trong tác phẩm trên, đã viết: “Trong các nhạc khí của chèo, quan hệ hơn cả là chiếc trống đế và chiếc tiểu la. Một ban chèo lưu động có thể không có huyền cầm, không có mõ, không có trống cơm, nhưng không thể không có trống đế và tiểu la. Tiếng nhị huyền cầm và tiếng hồ gáo chỉ có công dụng đỡ giọng cho người hát chèo, và làm cho điệu hát du dương thánh thót. Còn tiếng trống đế và tiếng tiểu la phải đi kèm hòa hẳn với tiếng hát chèo. Chính nhạc công phụ trách trống đế đã giữ nhịp cho diễn viên khi hát cũng như khi múa (...) Không có tiếng trống đế và tiếng tiểu la, tiếng hát chèo không còn là chèo nữa. Nhiều diễn viên chèo không có tiếng trống đế và tiểu la không hát được chèo.”

Liệt kê một cách tổng quát, một dàn nhạc chèo đầy đủ phải gồm có:

- Bộ đập: trống đế, tiểu la, trống cơm.

- Bộ thổi: sáo.

- Bộ gảy: đờn nguyệt, đờn tam.

- Bộ kéo: nhị, hồ.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 147-149)