Tác giả chưa cho biết tuổi của cái ông khách “ăn mặc thì nhũn nhặn mà vẻ mặt rất lanh lợi” này, nhưng ý chừng ông ấy cũng chưa tuổi tác gì đâu, giá sánh đôi với Vân Anh thì cũng là vừa lứa lắm. Con người đời sống thế nào mà lại cứ tìm nhà cô đầu “bần tiện” mà vào, để đòi ăn cháo rồi lăn quay ra ngủ? Chưa rõ, chỉ mới hay là người trí thức và tử tế, thấy hoàn cảnh Vân Anh biết lấy làm “ngậm ngùi (...) thương tiếc vô hạn”. “Người đâu gặp gỡ làm chi”...

(Thu Tứ)



Tản Đà, “Thề non nước” (1)



Vân Anh, một mình đứng giữa sân, nhìn lên trăng mà xem, thấy những đám mây bay tán loạn thường che mờ cả mặt trăng. Cái cảm hoài vô hạn, bị cảnh đó khêu động, vụt nghĩ thân thế con người ta, nhiều người bổn lĩnh thật là quang sáng mà phải những cảnh ngộ ác nghiệp làm cho đến u âm sầu thảm, phải luồn những đám mây vô lại kia, bỗng lại nghĩ thân thế của người ra có khi thật như đám mây bay tán loạn, bầu trời vô hạn biết đâu là chỗ về. Ðương nhàn tưởng bồi hồi, chợt nghe đồng hồ nhà bên cạnh đã đánh mười một tiếng, trong nhà, mẹ già gọi vào để bóp trán. Vừa quay mình vào thời thấy một người khách đến chơi. Vân Anh mời vào. Uống nước xong, khách bảo làm cháo ăn và nói không phải gọi ai cả. Vân Anh khi ấy xuống bếp mổ gà với đứa ở. Khách ngồi một mình, trong nhà có hai gian bằng tre, chỗ ngồi uống nước đó kê một đôi trường kỷ tre, một cái án thư, bên trong còn một cái tủ chè bằng gỗ tạp; một gian bên thời có hai cái giường kê liền nhau, cũng có hai cái chiếu cạp đỏ đã cũ, bên giường trong có mắc một cái màn trắng cũ và vá. Cách một bức phên chắn, còn một gian nhà nữa thời nghe có tiếng bà cụ già thường ho hắng, như có ý mệt. Khách ngồi buồn, tự nghĩ một mình rằng: Vào chơi nhà cô đầu, quang cảnh thế này nghĩ thật buồn song cũng tiện cho mình được ngủ qua một tối rồi mai đi; lại nghĩ như người ả đào đó, trông cũng xinh xắn và cũng phong cách, sao không có được đông khách hát mà ăn ở bần tiện đến như thế. Một lúc đã thấy bưng cháo lên thời một con ở ăn mặc cũng rách rưới. Vân Anh lên lấy rượu, ngồi rót mời khách uống. Khách hỏi bên gian buồng trong có tiếng bà cụ già là ai? Vân Anh nói là mẹ đẻ, mấy hôm vẫn nhọc mệt. Khách giục Vân Anh vào xem bà cụ có bảo gì, mặc mình tự uống rượu không cần phải ngồi tiếp. Vân Anh chạy vào qua rồi lại ra, lên ngồi kề gần khách, múc thìa rượu, vừa cười vừa mời khách uống. Khách lấy tay gạt đi, rồi cứ cầm chén uống tự nhiên như quên mình là ngồi ở nhà cô đầu vậy. Vân Anh nghĩ cũng lấy làm lạ, ngồi có ý muốn ngắm nhận người khách, ăn mặc thì nhũn nhặn mà vẻ mặt rất lanh lợi, ngồi uống rượu mà vừa như có nghĩ ngợi điều riêng gì. Suốt bữa rượu ấy, ngoài sự ăn uống không có câu chuyện gì cả. Rượu xong khách đi ngủ, đến sáng dậy chi tiền rồi đi.

Cách chừng một tuần lễ, nhà Vân Anh lại có khách uống rượu, tức là người khách uống rượu cách một tuần lễ trước, mà bận này đến lại mang một cái va-li. Hôm ấy giời hơi mưa, trong lúc uống rượu, khách lại tự uống một mình mà uống tất bằng chén. Vân Anh nghĩ lại lấy làm buồn cười. Một lúc có người nhà cô đầu khác đến gọi Vân Anh đi mời rượu, Vân Anh xin phép đi. Khách để tự nhiên mặc lòng. Hôm ấy bà cụ đã khỏi mệt, sau lúc Vân Anh đi mời rượu, ra ngồi chơi ở trường kỷ uống nước. Khách nhân hỏi chuyện về Vân Anh. Bà cụ nói: “Con bé nhà tôi, tên nó là Vân Anh, vẫn gọi là cái Vân. Từ bé cháu có học chữ nho, cũng đã biết làm thơ”. Bà cụ ngồi chơi một lát, rồi vào buồng nằm nghỉ. Khách lại tự uống rượu một mình.

Khoảng hơn mười hai giờ, trời mưa to. Vân Anh về, đã loáng choáng say rượu. Khách ở nhà, uống cũng đã say. Vân Anh lại ngồi bên rót rượu mời uống. Khách cười nói rằng:

- Mời rượu thời phải có hãm chứ?

Vân Anh:

- Hãm câu gì?

- Chỉ muốn nghe câu hãm bằng chữ nho.

- Ai biết chữ nho mà hãm, cũng chẳng thấy ai hãm bằng chữ nho bao giờ.

- Không ai hãm bao giờ mà bây giờ hãm thế nó mới “mới”!

- Khốn nhưng tôi không biết.

- Tôi biết rằng chị biết.

- Ô hay, cứ buộc vào người ta.

- Thôi, hãm đi.

- Thế ông đặt cho tôi một câu.

- Ai hãm thời người ấy phải đặt lấy, nhờ người đặt hộ còn có thú gì nữa!

- Tôi đặt lấy thời không biết có nghe được không?

- Hãy cứ hãm đi, nghe được hay không, mặc người ta.

Vân Anh vừa mỉm cười, vừa nghĩ. Khách cũng cười mà cất chén uống rượu để đợi nghe.

Vân Anh nghĩ đã xong, rót chén rượu mời hãm rằng:

“Kê minh, phong vũ tiêu tiêu
Thiên nhai du tử, Lam Kiều thần tiên
Hảo, ác nhân duyên”.


Khách nghe, thần hồn như phiêu động, cạn chén, hỏi Vân Anh rằng:

- Thế trước chị học chữ nho được bao nhiêu?

- Tôi học từ năm lên sáu, đến năm mười sáu tuổi thời thôi.

- Chị học ra làm sao?

- Cũng ra thầy đấy thôi, chẳng biết nó làm sao cả.

- Trong lúc học, chị có tập làm văn, làm thơ gì không?

- Cũng có làm thơ cùng những câu đề vịnh lảm nhảm.

- Các bài của chị làm ra trước, bây giờ có bài nào còn giữ lại hay còn nhớ không?

- Kể mất đi nhiều, nhưng tôi cũng giữ được một ít, vẫn cuộn để ở trong hòm, những lúc nào buồn quá thời lại giở ra xem chơi một mình.

- Bây giờ chị thử lấy ra đây xem.

Vân Anh đi mở hòm, lấy cuốn văn ra. Ông khách giở xem, thấy cũng có nhiều bài thông lắm. Xem đến bài vịnh lĩnh mai có hai câu rằng:

“Hàm tinh bất hướng đông phong tiếu
Ðộc bạn thanh tùng đạp tuyết du”.


Nghĩ như hai câu này thời thật có phong điếu cốt, mà tự người làm thơ cũng không đáng trụy thân vào trong đám bình khang. Khách xem hết các bài văn thơ chữ nho, lại hỏi về văn quốc âm. Vân Anh đọc một bài “Vịnh sen hồ Hoàn Kiếm” rằng:

“Hồ Gươm sen mới ra hoa
Cả hương, cả sắc, ai mà không chơi
Sen tàn lá rách tả tơi
Quanh hồ lai vãng ai người tiếc thương?
Nước hồ sen đứng soi gương
Còn đâu là sắc là hương với đời
Tủi thân sen lại giận trời
Cho chi hương sắc, cho người trọng khinh”.


Khách nói:

- Văn cũng hay, nhưng sao đặt đến buồn quá thế?

Vân Anh:

- Bài này tôi mới làm. Trong lúc buồn cố làm ra vui thế nào được.

Khách ngậm ngùi một lúc rồi nói rằng:

- Nghĩ như chị, người như thế, tài hoa như thế, mà sao không thấy nổi tiếng. Chắc lại cũng không được đông khách hát, cho nên trong nhà cũng có ý cẩu thả.

Vân Anh đến lúc ấy lại buồn lắm, giả lời khách rằng:

- Ông nghĩ cho như vậy, chớ như tôi thời còn có gì nổi tiếng. Cứ về bên chữ nho bây giờ, đến như ông nghè ông cử cũng còn nhiều ông chẳng có vinh hiển gì, huống hồ là một người cô đầu biết hai ba câu thơ, còn lấy gì làm có giá được. Từ khi tôi ra hát đến nay, hôm nay mới có thấy ông hỏi đến là một. Những cái sự bây giờ đã không ai coi ra gì, nhà ở lại lụp sụp rơm rác, cũng chẳng có mấy người buồn đến, thỉnh thoảng mới có một vài ông khách đến ăn cháo, còn thời chỉ là đi hát mảnh, lại cũng không khéo chiều quan viên, như thế tài nào mà không phải chịu bần tiện.

Lúc ấy đã đến hơn bốn giờ sáng, khách bảo xếp bỏ rượu để đi ngủ. Vân Anh buông màn cho khách ngủ, rồi vào trong nhà với mẹ.

Ngày mai, trời mưa dầm mãi từ sáng cho đến chiều. Lúc người khách ngủ dậy thời vào khoảng chín, mười giờ. Nguyên ý người khách đến uống rượu bận ấy, hoặc định ngủ một tối rồi sáng hôm sau đi đâu thời không biết; nhân có một đêm nói chuyện, cái cảm tình đối với Vân Anh thực thương tiếc vô hạn. Lại nhân hôm ấy trời mưa dầm, thành ra lại giữ khách ở lại. Mười giờ hơn, Vân Anh nói cùng khách xin để làm cơm sáng ăn, khách cũng ừ nhưng không đưa tiền. Trong nhà Vân Anh từ tối hôm trước chỉ còn có một con gà thời đã làm để khách uống rượu rồi; đến lúc ấy không biết làm thế nào, nghĩ người khách đi lại chưa thân, cũng không tiện ra hỏi. Hai mẹ con ra vào, thì thầm bàn cùng nhau, khách cũng hiểu tình ý, nhưng cứ tự nhiên như không biết, chỉ nằm xem những bài thơ văn của Vân Anh, rồi lại mở va-li, lấy giấy bút để viết. Ðộ 12 giờ hơn, thấy có cơm bưng lên, cũng lịch sự. Khách bảo Vân Anh mời cả bà cụ ra cùng ăn cơm, nhưng bà cụ xin từ chối. Bữa ấy hai người cùng ngồi uống rượu; ngoài bức mành thưa, trời vừa mưa vừa gió, những người đi ngoài đường thật là lặn lội mà trong chỗ mâm rượu thời một người du tử ngồi đối với một mỹ nhân cùng thù tạc, đàm đạo những nhân tình thế thái cùng là sự làm văn thơ. Khách tuy không phải là người say đắm ở nơi bình khang nhưng lúc ấy bất giác cũng cao hứng. Ðương trong lúc tửu hứng, Vân Anh nói rằng:

- Tôi có một bức tranh sơn thủy là của gia bảo, vẫn cuộn để trong hòm, thường muốn đề một bài quốc văn mà nghĩ lại mình không xứng, nay không mấy khi được gặp cao nhân, xin hạ bút đề cho một bài, thực là quý hóa quá.

Khách nói:

- Sự đề vịnh đã không dễ, lại đề vào một bức họa trân trọng thời thực không dám nhận, nhưng chị thử lấy cho xem thời hay lắm.


(Trích truyện dài
Thề non nước (1932))