“Về gốm Chu Đậu cổ”




Theo trang dulichthonhiky.com

Câu chuyện bắt đầu từ lá thư của ông Makoto Anabuki, Bí thư Văn hóa Đại sứ quán Nhật Bản gửi cho Bí thư Tỉnh ủy Hải Hưng (cũ) nhờ tìm xuất xứ một chiếc bình gốm. Theo thư của ông Makoto, năm 1980, khi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ, ông được chiêm ngưỡng một bình gốm được coi là quốc bảo tại Bảo tàng Topkapi Saray Istanbul. Chiếc bình được mua bảo hiểm một triệu đô Mỹ. Trên lớp tráng xanh da trời và trắng của bình gốm tinh tế đó có khắc 13 chữ Hán: “Thái Hòa bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi Thị Hý bút” (“Năm Thái Hòa thứ 8 (1450), tại châu Nam Sách, nghệ nhân Bùi Thị Hý viết”).

Năm ấy, nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành đang phụ trách Ban Thông sử của UBND tỉnh Hải Hưng (cũ) đã được đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao trọng trách đi tìm xuất xứ. Khi đó làng Chu Đậu (Thái Tân, Nam Sách, Hải Dương) chỉ được biết đến với nghề dệt chiếu cói (…) Sau hàng chục năm tìm hiểu, nhiều cuộc khai quật xác định Chu Đậu là làng gốm cổ v.v., rút cuộc nhờ tình cờ gặp hậu duệ của dòng họ Bùi với cuốn gia phả, ông Hoành mới xác định được nhân thân chính xác của bà Bùi Thị Hý.

Bà Hý (1420-1499) là cháu ngoại của cụ Bùi Quốc Hưng - khai quốc công thần đời Lê (…) có tài viết chữ và vẽ đồ gốm rất đẹp, từng giả nam đi thi, đến tam trường thì bị phát hiện. Về sau bà lấy ông Đặng Sỹ, là chủ lò gốm Chu Trang (…) Họ Bùi cho ông xem kho đồ gốm tổ tiên truyền lại. Ông Hoành đọc được trên một cái mâm đồng toàn bộ bản sao văn bia mộ chí của bà Bùi Thị Hý (…) gồm 379 chữ (…) Dòng đầu tiên ghi: “Kỳ tài phu nhân Bùi Thị Hý chi mộ”. Nội dung văn bia cho biết chồng bà Hý là Đặng Sỹ trong một lần đi giao hàng trên biển đã bị tai nạn bỏ mạng, bà Hý tái giá với ông Đặng Phúc cũng là một đại gia ở Chu Đậu (...)

Theo trang baomoi.com

Gốm Chu Đậu cổ hiện nay còn lưu truyền chủ yếu gồm chiếc bình ở Thổ Nhĩ Kỳ và những sản phẩm trục vớt lên từ con tàu đắm ở vùng biển Cù Lao Chàm, Hội An (...)

Khoảng năm 1992, ở vùng Hội An bỗng nhiên xuất hiện rất nhiều tay chơi đồ cổ và một số nhà nghiên cứu trong và ngoài nước (...) Đã một thời gian, người ta thấy có rất nhiều đồ gốm ước đoán niên đại khoảng thế kỷ 14, 15, được bày bán ở các chợ đồ cổ. Ban đầu (...) được cho là (...) đồ ăn trộm ở các chùa chiền…(...) Hóa ra, các người bán đã mua lại từ dân chài địa phương (...) Giới thạo (...) đồ cổ (...) xác định (...) đây chính là (...) gốm Chu Đậu cổ.

Ở Chu Đậu vào các thế kỷ 14, 15 đã ra đời và phát triển hết sức rực rỡ nghề làm đồ gốm (...) Trước thời điểm phát hiện được số cổ vật trên, Chu Đậu đã là một di chỉ khảo cổ được nhà nước Việt Nam xếp hạng, bảo vệ (...)

Sau đó ít lâu, người ta tìm ra khu vực nơi đã vớt được những món đồ gốm này. Vị trí đó cách cửa biển Hội An chừng 45km và cách Cù Lao Chàm 20km (…) Sau hai năm khảo sát, người ta phát hiện được một trong những con tàu bị đắm. Đó là tàu đóng bằng gỗ tếch, dài 30m, rộng 7m, có 19 khoang, nằm dưới mặt nước chừng 70m. Đến năm 1997, một công ty của Ma-lai-xi-a tên là Saga đã ký hợp đồng với nhà nước Việt Nam tự bỏ vốn khai quật và hưởng phần trăm từ số cố vật thu được (...) (Điều kiện biển ở chỗ tàu đắm khiến) mỗi năm thợ lặn chỉ có thể làm việc từ tháng 4 đến tháng 6 (…) Tháng 6/1999, việc thu lượm sản phẩm gần xong (...) đưa lên được khoảng 400.000 đồ gốm mà chủ yếu là gốm Chu Đậu thế kỷ thứ 15. Ngoài ra, có năm tấn mảnh vỡ, tương đương khoảng 100.000 hiện vật (…)

Theo trang vi.hoianfestival.com

Sau cuộc trục vớt (…) hiện vật chủ yếu là gốm Chu Đậu được chia cho năm bảo tàng trong nước: Bảo tàng Lịch sử Việt Nam, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Bảo tàng Cách mạng TP Hồ Chí Minh, Bảo tàng Hải Dương và Bảo tàng Quảng Nam (…)

Trong số 340 nghìn cổ vật, có 250 nghìn còn nguyên vẹn với trên bốn mươi loại hình khác nhau, chủ yếu là gốm Chu Đậu (…) Bát chân cao, bát chân thấp, đĩa lớn nhỏ các loại, chén, bình, nậm, lọ, hũ, tước, bình vôi, nghiên mực, bình tỳ bà, tượng người và một số loài động vật… (…) men trắng hoa lam, men nâu, men tam thái, ngũ thái… (…) Đề tài trang trí (…) chim, cá, vịt, dê, long, lân, quy, phụng, long mã (…) hoa văn hình học, mây, nước, cánh sen… (…) được ưa chuộng nhất (…) là bình gốm hoa lam (còn gọi là bình củ tỏi) và bình tỳ bà.

Bảo tàng Lịch sử Việt Nam lưu giữ hầu hết các hiện vật độc bản có giá trị như ấm đầu phượng, ấm đầu gà, đĩa lớn trang trí hoa văn tam thái, hũ lớn trang trí hoa văn màu lam, tượng phụ nữ quí tộc… (…) Trong con tàu đắm Cù Lao Chàm không chỉ có gốm Chu Đậu mà có cả gốm Thăng Long (chẳng hạn) một số đĩa lớn trang trí hoa văn hình rồng màu lam (…) là đồ gốm sứ ngự dụng và để xuất khẩu (...) Về sau, khi khai quật Hoàng thành Thăng Long, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được loại đồ gốm này (…)

Gốm Chu Đậu từng là một thứ hàng hiệu cao cấp (...) quốc tế (...) có mặt khắp nơi (...) từ Đông Nam Á, Đông Á đến Trung Cận Đông (Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập); đặc biệt, rất nhiều ở Nhật Bản. Hiện nay trên thế giới có 46 bảo tàng trưng bày hiện vật gốm Chu Đậu, riêng tại Nhật Bản có 20 bảo tàng sưu tập đồ gốm Việt Nam, đa số những món quý nhất thuộc về Bảo tàng Mỹ thuật Fukuoka và Bảo tàng Gốm sứ Kyushu (...)

Theo trang vietbao.vn

Gốm Chu Đậu (huyện Nam Sách, Hải Dương) phát triển rực rỡ vào giai đoạn thế kỷ 14 đến thế kỷ 17 (…)

Làng gốm cổ Chu Đậu được phát hiện một cách hết sức tình cờ (…) Năn 1980, ông Makato Anabuki, nguyên là Bí thư đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam, trong một chuyến đi công tác ở Thổ Nhĩ Kỳ đã trông thấy một chiếc bình gốm hoa lam cao 54cm được trưng bày trong Viện Bảo tàng Takapisaray (thủ đô Istanbul). Trên bình có ghi dòng chữ Hán (…) Ông Makato Anabuki bèn viết thư cho đồng chí Ngô Duy Đông, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương lúc bấy giờ (…)

Tháng 4/1986, Sở Văn hóa - Thông tin Hải Dương cho tiến hành khai quật khảo cổ vùng Chu Đậu. Từ đó đến nay, qua tám lần đào tìm ở tầng sâu 2m trên diện tích 70 nghìn m2 tại hai xã Thái Tân và Minh Tân (…) đã phát hiện được rất nhiều hiện vật của một trung tâm gốm mỹ nghệ cao cấp (…) tìm thấy hơn 100 đáy lò gốm (…)

Kết quả (…) không chỉ làm giới chuyên môn kinh ngạc, mà còn giúp người dân địa phương khám phá quá khứ lẫy lừng của tổ tiên mình. Trước đây, khi đào ao, xây nhà, họ hay bắt gặp những chiếc mâm bồng, con kê vành khăn (những công cụ chống dính của một lò gốm), nhưng không ai biết những thứ đó dùng để làm gì, nên thường cho trẻ nhỏ chơi.

Sau đó, sản phẩm gốm Chu Đậu còn được tìm thấy ở những con tàu đắm trong vùng biển Pandanan (Phi-líp-pin) và Cù Lao Chàm (Việt Nam) vào năm 1993 và 1997 (…)

Theo các nhà nghiên cứu, vào thời chiến tranh Trịnh - Mạc, vùng Nam Sách đã bị tàn phá. Các nghệ nhân Chu Đậu phiêu bạt đến một số nơi khác, lập làng nghề gốm mới.