Người thường chỉ là hạt sỏi đáy sông trong một lúc. Phật lúc nào cũng là hạt sỏi đáy sông. (Thu Tứ)



Thích Nhất Hạnh, “Hạt sỏi đáy sông”




Thế nào là hạt sỏi rơi trong dòng sông. Hành giả ngồi xuống trong tư thế tiện nghi nhất, bán già hay kiết già, lưng thẳng. Miệng giữ nụ cười hàm tiếu. Hành giả thở chậm và sâu, theo dõi hơi thở, đồng nhất mình với hơi thở. Thế rồi hành giả tự để mình buông thả hoàn toàn như một hạt sỏi trắng được thả xuống dòng sông trong vắt.

Hạt sỏi thả xuống dòng sông không hề tự ý chuyển động, nó rơi xuống từ từ trong dòng sông bằng con đường ngắn nhất và cuối cùng tìm tới đáy sông. Xuống tới đáy sông rồi là nó được chỗ an nghỉ, không còn rơi nữa. Hành giả tự thấy mình như một hạt sỏi, tự để rơi mình trong một dòng sông, buông thả hoàn toàn. Trọng tâm của hành giả là hơi thở. Thời gian buông thả để rơi, để tìm tới nơi an nghỉ trên cát mịn dưới đáy sông không cần thiết là dài bao lâu. Khi mà hành giả thấy mình ngồi an lạc, khỏe khoắn như một hạt sỏi trên cát mịn dưới đáy sông là khi ấy bắt đầu có sự nghỉ ngơi trọn vẹn. Hành giả không bị quá khứ níu kéo, không bị vị lai thâu hút. Hành giả biết rằng nếu mình không có khả năng thọ hưởng sự an lạc trong giờ phút thiền toạ hiện tại, thì tương lai cũng sẽ trôi qua những kẽ tay mình, và mình cũng sẽ không bao giờ thực sống khi tương lai biến thành hiện tại. An lạc là an lạc trong giờ thiền tọa đây. Nếu không tìm được an lạc lúc này thì sẽ không tìm dược an lạc ở bất cứ lúc nào khác. Đừng đuổi theo vị lai như người bị thu hồn chạy theo bùa phép. Dừng lại và tìm sự an lạc trong giờ phút hiện tại. Hành giả thấy rằng thời gian này là thời gian của mình, chỗ ngồi này là chỗ ngồi của mình. Chính ở chỗ ngồi này và trong giờ phút này mà mình có thể thành Phật chứ không phải dưới một cây bồ đề nào trong một kiếp vị lai xa xôi nào.


(Trích
Phép lạ của sự tỉnh thức)