A, cái “ông chủ tòa báo ngoài phố (…) làm việc phúc đức”, ông ấy không phải đang tiền đầy túi đâu nhé. Thực ra, An Nam tạp chí vừa phải tự đóng cửa vì nợ ngập tòa soạn: “... ngày 11 tháng ba ta (12-4-1927), tính toán các công nợ lớn bé, chỗ trả chỗ khất (...) số tiền tối hậu còn mười bốn đồng bạc, chia làm hai, một nửa giao cho người cháu thân chu trí vợ con để đợi có ngoại gia ra đón, một nửa là số tiền hành phí cầm đi”. Tản Ðà từ Hà Nội ra đi, trong tay chỉ có bảy đồng bạc, mà mới đến Hà Tĩnh đã đem làm phúc mất ba!

Ấy, gặp “đồng chủng đồng bào” hãy cứ vui đã, tiền hết ắt tiền lại có, thế mới là “Thề Non Nước” chứ.

Dĩ nhiên những đồng bào rất cần được “ôm lấy” ở ngay Hà Nội lúc nào cũng nhiều vô số. Nhưng Tản Ðà làm gì có “tài (chính)” để làm nhà từ thiện chuyên nghiệp. Cái tài mà ông có chỉ tiện dùng để bồi đắp cho sự nghiệp tinh thần chung của quốc dân.

(Thu Tứ)



Tản Đà, “Ôm chầm lấy quốc dân”




Cách tỉnh lỵ Hà Tĩnh chừng 15 cây số, có cảnh núi Sót. Núi ở ra ngoài bể, tức là một cái cù lao con, có đất có đá, có mạch nước hằng tuôn. Dân cư ở gần đấy bắc ống bương lấy nước ăn cũng như các mỏ nước ở trên mạn ngược ngoài Bắc. Tỉnh thành Hà Tĩnh cũng ăn nước ở núi ấy, có đường sông vận tải về. Hôm đi chơi núi là ngày 14 tháng 2 ta (15-4-1927), trời mưa dầm, đường khó đi, phải thuê một cái xe hai người vừa đẩy vừa kéo...

Qua sở muối Hộ Ðộ, vào thăm xem, nhưng hôm ấy vì trời mưa nên không có phu làm muối, rồi đi luôn ra bãi bể. Ðể xe ở trên bãi, thuê một chiếc thuyền con bơi ra. Gió to bay cả phên thuyền đưa xuống nước. Nghĩ đến câu: “Cơn giông biển lớn, mái chèo thuyền nan”, mới hay thân thế con người ta vần chuyển ra sao, quả nhiên có tiền định. Sang tới núi, trèo lên uống chơi mấy khẩu nước rồi đứng xem phong cảnh. Trời lại mưa to dữ, bất đắc dĩ phải xuống thuyền quay về.

Khi đó ngồi trong thuyền uống rượu, trông lên trên dệ núi, thấy những đứa trẻ giai, gái trạc mười hai mười ba tuổi, lánh mưa gió núp ở dưới cạnh hòn đá to. Hỏi người bơi đò thời đấy là những đứa trẻ con bên hàng xóm sang hái củi.(1) Thuyền đã về tới bến, vào nghỉ chơi nhà người lái đò là ở trong một cái thuyền lớn, uống nước ăn thuốc lào. Nhân nói chuyện với chủ nhân, chồng người lái đò.

- Muốn cúng ba đồng bạc để nhờ chủ nhà làm một cái lều gianh con phòng cho những trẻ con sang hái củi có chỗ núp mưa nắng. Người chủ thuyền, trạc chưa tới bốn mươi tuổi, không dám nhận hay không thế nào, chỉ xin mời ông cụ trưởng trong xóm sang nói chuyện. Một lát, thấy ông cụ đầu bạc phơ, trông đến tám mươi tuổi giở lên, lại một bà cụ đầu bạc cũng vào tuổi ấy, thời là vợ chồng ông cụ trưởng trong xóm, cùng sang để nghe chuyện. Ông cụ bà cụ đã cùng ngổi trong khoang, lại thấy đàn ông đàn bà, trẻ con, kéo đến thật đông, đứng chen chặt ngoài cửa thuyền, thời cũng là để đến nghe chuyện. Ðợi đã yên tĩnh, mình mới thưa chuyện với ông bà cụ cũng như ý nói với người chủ thuyền. Ông cụ khi mới nghe nói cũng đáp lại không dám nhận, cho là: một thời sợ rồi quan hỏi đến có lỗi; hai nữa là hoặc có những đứa xấu bụng giỡ trộm làm củi thời cũng không thể giữ được. Nghe ông cụ nói như thế, mình phải nói kỹ rõ lại để mọi người cùng nghe rằng: về việc quan thì không lo, mình là một ông chủ tòa báo ngoài phố, nhân đi qua chơi xem phong cảnh mà cúng ba đồng bạc để làm việc phúc đức, như thế thời người nhận tiền có gì mà ngại. Nhân đưa ông cụ một cái danh thiếp để có ai hỏi đến thời đưa ra và nói là của người này cúng. Còn như sợ đứa nào ăn trộm, thời dẫu có như thế cũng thôi không làm gì; nhưng ông cụ cũng nên nói chuyện qua để người trong xóm biết là của một người khách đi qua cúng như thế, thời có lẽ cũng không ai nỡ lấy trộm nào. Câu chuyện nói đến thế rồi ông lão mới vui vẻ mà nhận lời cầm tiền, rồi bà lão cùng mọi người cũng mới đều vui vẻ, các trẻ con rất vui vẻ. Khi ấy, trước chỗ mình ngồi chừng có một hào tiền xu, là tiền trả tiền đò còn thừa. Các trẻ con nhà lái đò đến xin, cho mỗi đứa một xu. Rồi còn lại xu nào, các trẻ tự do tranh lấy. Những ông già người lớn thấy vậy, ai nấy đều quở mắng trẻ con. Mình bảo cứ mặc trẻ cho vui, nhân nói chuyện vui rằng: “Tôi năm nay ba mươi chín tuổi, ở nhà tôi cũng được hai đứa cháu trai tuổi nó suýt soát như thế này. Nay tôi đi chơi xa mà trông thấy những đứa trẻ đây, cũng coi như những đứa con của tôi ở nhà.” Nói đến đấy rồi mình ôm lấy một đứa trẻ vào trong lòng, những đứa khác lại cũng tranh nhau sán đến để ngồi vào lòng mình, có đứa quần áo mũi rãi rất bẩn thỉu mà trong khi đó cũng không kể sạch hay bẩn, mà yêu thời cứ yêu.

Cơn vui đồng chủng đồng bào, tưởng như ngũ phủ - đào nguyên chưa hẳn có thú vui như thế vậy! Tan một cuộc vui đó rồi đứng dậy từ biệt. Ðầy thuyền tống tiễn con cháu tiên rồng, hả cho ai tấm lòng xã hội đã bao lâu; buồn cho ai vô trạng với quốc dân, chỉ đoái trông con cháu rồng tiên gió mưa trên mặt nước.


(Trích
Giấc mộng lớn, in lại trong Tuyển tập Tản Ðà, nxb. Hội Nhà Văn, 2002, tr. 305-308. Nhan đề phần trích tạm đặt.)





________________
(1) Tản Ðà chú: Xóm làm nghề chài lưới, tức ở Bắc gọi là xóm vạn.