Những đặc tính của sân khấu chèo (4)




Hình thức biểu hiện (tiếp theo)

1. Ca (tiếp theo)

Nói lối

Có lẽ vì nhận thấy tính cách của sử cũng vẫn còn hạn định đối với nhu cầu biểu hiện mỗi lúc một trở nên phức tạp nên người ta phải đặt thêm ra “nói lối”.

Nói lối cũng giống như sử nhưng về mặt giai điệu thì lại còn buông thả hơn là sử, người diễn viên do vậy có nhiều tự do hơn để có thể biểu hiện nhiều sắc thái phức tạp hơn. Dàn nhạc khi diễn viên nói lối, không những không cần theo sát lời, mà đôi khi cũng không cần phải hỗ trợ bằng toàn thể nhạc khí mà chỉ cần sử dụng có tiếng trống để giữ đúng nhịp câu.

Vì khả năng biểu hiện đa dạng nên nói lối được sử dụng nhiều nhất ở sân khấu chèo. Có thể coi nói lối là yếu tố quan trọng bực nhất trong thành phần lới của sân khấu chèo. Do vậy có nhiều loại nói lối, nhưng thường được sử dụng nhiều là những loại sau đây:

- “Nói kẻ” còn gọi là “nói đếm”, là nói dằn và rõ ràng từng tiếng một (như đếm). Trong các loại nói lối, nói kẻ được sử dụng nhiều hơn cả một phần vì do đặc tính tự sự, người diễn viên dùng loại này để người khán giả nghe rõ được tích chèo, phần khác cũng bởi nói kẽ gần với nói thường nhất, người nói kẻ biểu hiện dễ dàng sắc thái của câu văn hơn các loại nói lối khác.

- “Nói lẳng”, hay “nói lệch”, mang tính cách đùa bỡn, giễu cợt, lẳng lơ, thường để cho những nhân vật không đứng đắn sử dụng, như Thị Mầu, Mẹ Ðốp trong vở Quan Âm Thị Kính, Tú Bà trong tích Kim Vân Kiều v.v.

Thị Mầu đã sử dụng loại nói lẳng ngay khi xưng danh:

“Tôi Thị Mầu con gái Phú ông”.

Mẹ Ðốp cũng sử dụng lối nói lẳng khi gián tiếp đề cập tới vụ Thị Mầu chửa hoang:

“Lẳng lơ chẳng một mình tôi
Thanh Lâm, Ðồng Sớm cũng đôi ba người”.

- “Nói hạnh”: đây là loại nói lối trang nghiêm, đĩnh đạc, thường để dành cho những nhân vật tu hành sử dụng: như vai sư cụ trong tích Quan Âm Thị Kính, vai sư bà trong tích Phan Trần.

Về mặt văn chương thì văn sử dụng trong lối sử cũng như nói lối đều là văn vần, nhưng cũng như giai điệu, thể văn rất tự do, số câu và số chữ không hạn định.

Ngâm thơ

Tùy theo tích chèo, nhân vật có thể ngâm thơ. Lối ngâm là lối ngâm thường, không theo một giai điệu nào nhất định. Thể thơ thông dụng trong chèo là thể bảy chữ. Ngâm thơ thường để dành cho những nhân vật ít nhiều đều có tính cách trí thức: học trò, thầy đồ, lão say v.v.

Nói thường

Nhằm đáp ứng đúng mức nhu cầu biểu hiện càng ngày càng phức tạp của một sân khấu mà đặc tính hài hước càng lúc càng ăn sâu vào bản chất, mà tuồng tích phải luôn luôn đổi mới, chứa đựng thêm nhiều đột biến ly kỳ, kịch tính càng lúc càng phải gay go, những hình thức biểu hiện bằng lời vừa kể trên như hát, sử, ngâm thơ, nói lối đã phải hội nhập thêm cả hình thức “nói thường”. Nói thường là nói tự nhiên như ở cuộc đời hàng ngày, không vần, không điệu, không cần cả nhạc đệm, dầu chỉ là những tiếng trống để giữ nhịp. Nói thường được sử dụng trong những trường hợp tích chèo phải đề cập tới những chi tiết mang rõ ràng tính cách thực tế, hoặc khi diễn biến của tích chèo đi đến chỗ gấp rút, hoặc khi hoàn cảnh đòi hỏi những lời đối thoại mau lẹ, nhất là những đoạn hài hước.

Trong vở Quan Âm Thị Kính, lối nói thường được sử dụng nhiều nhất trong những đoạn mang tính cách hài hước. Ðoạn “ông Sùng ông Mãng cãi nhau”, đoạn “Phú ông bắt quả tang Thị Mầu và Nô”, đoạn “làng họp xử vụ Thị Mầu”.

Cuối cùng thì thành phần ca không chỉ đơn thuần là những làn điệu lớn mà còn gồm cả những biến thái do sự phân hóa của ca mà thành và do vậy, mà trở nên đa dạng và đa năng.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 141-144)