Tản Đà, “Thăm di tích Tây Sơn”











Ngày 14 tháng 2 năm 1928, tức là 23 tháng Giêng năm Mậu Thìn, lên tòa báo Ðông Pháp có lời nói với chủ nhân xin thôi. Ngày 18 tháng 2 (...) ra Bắc (...)

Qua Nha Trang (...) ra Bình Ðịnh (...) Ngày mồng tám tháng hai ta, chơi huyện Phú Phong (...) đền thờ làng Kiên Mỹ, nghe nói là rất thiêng (...) trong đền có ba ngôi khám, khám không có bài vị; mỗi ngày tế lễ, tế không có văn, chỉ người chủ tế đứng đọc miệng (...) biện vàng nhang vào làm lễ (...) Tới đền, chừng đã năm giờ chiều. Ðền lợp bằng gianh, không có ngói. Trước sau sân vườn cỏ mọc rất là hoang vu. Nghe xã trưởng và người thủ từ nói, trừ phi dân có đại tiệc, không dám mở cửa đền. Vàng sáp đã mua, bất đắc dĩ đặt nhang án ở ngoài thềm làm lễ, thảo thảo khấn rằng (lời dịch):

“Người dân tỉnh Sơn Tây xứ Bắc kỳ là Nguyễn Khắc Hiếu, nhân qua đất này, kính chiêm ngưỡng thánh linh, mong được chứng giám cho, cẩn cáo.”(1)

(...) Buổi sáng ngày mồng 9 tháng 2, đi chơi Chinh Tường, là xem mả phát tích của nhà Tây Sơn cách đấy ít nhiều ki-lô-mét (...) quan quách đã đều bị quật bỏ (...) Hôm ấy đi chơi, cùng một người bạn hành (...) thuê hai xe (...) Tới đó gọi là núi Long Cương (...) Bên trước, giữa chỗ núi Long Cương ấy xa trông có một chòm cây rậm, còn chung quanh là cánh đồng cao (...) nguyên xưa đây là rừng rậm cả đến sau dân cư phá dần làm ruộng nay duy còn chỗ chòm cây ấy chính là mả nhà Tây Sơn. Ai có qua xem, thường chỉ đứng như đây xa trông, không mấy người dám tới. Nghe nói xong mình tự xuất chúng cùng tới (...) cắt dây dẹp gai vào tới tận chỗ mả. Thấy hai cái huyệt không còn đó, cái trước cái sau đá xây thật cổ, cỏ rác lấp đầy (...) Xem xong, cùng nhau trở ra (...) đứng ở trước chòm cây, trông ra mặt bể thời đồng rộng bao la, cận sơn viễn sơn, trùng trùng mặn nhạt. Nghĩ cho sự địa lý không đáng tin là có mà cũng chưa hẳn nên vội bảo là không vậy.


(Trích
Giấc mộng lớn, in lại trong Tuyển tập Tản Ðà, nxb. Hội Nhà Văn, 2002, tr. 320-322. Nhan đề phần trích tạm đặt.)


________________
(1) Về việc thăm đền thờ và thăm mộ nhà Tây Sơn, Tản Ðà (...) lời văn kín đáo (...) Chúng tôi dẫn Quách Tấn viết về sự việc này để bạn đọc tham khảo: “(...) Nhà Tây Sơn trước ở Phú Lạc, sau dời xuống Kiên Mỹ. Khi nhà Nguyễn Gia Miêu lên thay nhà Tây Sơn thì đình làng Yên Mỹ xây cất ngay trên nền nhà cũ của ba vua Tây Sơn lúc tiềm để. Ðình tiếng là thờ thành hoàng song sắc thần để nơi khác, còn đình bí mật thờ ba vua Tây Sơn (...) Nhân cuộc nam du (...) đi ngang qua Bình Ðịnh, Tản Ðà tiên sinh ghé lại thăm đình. Viên lý trưởng là Mạc Viên, tục gọi Xã Suyền, không chịu mở cửa cho tiên sinh vào làm lễ. Tiên sinh đành phải thắp nhang đèn khấn lạy ở trước thềm. Ðoạn lững thững đi xem phong cảnh (...) bốn phía. Xã Suyền ngờ rằng tiên sinh có dị ý, liền mật báo cùng quan huyện sở tại. Quan tức tốc cùng lính lệ kéo xuống Kiên Mỹ. Quan huyện tên Trịnh Bưu có tiếng hay chữ và đã từng nghe danh Tản Ðà tiên sinh. Khi đến nơi biết rõ lai lịch của con người bị tình nghi có dị ý thì hết sức mừng rỡ, liền rước về huyện đường (...) Sáng hôm sau, tiên sinh thuê người đưa đi thăm phần mộ của Nguyễn Phi Phúc (...) Di tích của nhà Tây Sơn thời bấy giờ thuộc vào loại “cấm kỵ”, không ai dám nhắc đến tên chớ đừng nói chuyện đến thăm viếng. Cho nên những hành động của tiên sinh (...) khiến kẻ này người kia bàn tán, câu chuyện không mấy lúc mà bay xa” (Quách Tấn, “Kỷ niệm về Tản Ðà”, báo
Văn (SG), số đặc biệt về Tản Ðà, tháng 4-1971) (Chú thích của nhà xuất bản).