"Giao Chỉ" vốn được một số người hiểu là "hai ngón chân cái giao nhau". Tức những người ấy xem "Giao" là "giao", là tiếng Tàu.

Dưới đây Nguyễn Văn Lợi cho biết thực ra Giao là tên tự xưng của một khối đông đảo cư dân trên vùng đất nay là Hoa Nam và Việt Nam.

Chữ "Chỉ" có lẽ là tiếng Tàu, nghĩa là đất.(1)

Vậy Giao Chỉ là từ người Tàu đặt ra để gọi đất của người Giao...
(Thu Tứ)

(1) Ðào Duy Anh,
Lịch sử cổ đại Việt Nam, 1956.



Nguyễn Văn Lợi, “Giao là tộc danh”



Khảo sát tộc danh, phục nguyên dạng cổ của các tộc danh của một số dân tộc ở nam Trung Quốc và Việt Nam dẫn chúng ta đến nhận định rằng, các dân tộc nói ngôn ngữ Thái - Ðồng, Nam Á, Mèo - Dao ở khu vực này có một tộc danh chung (...) tộc danh này có âm đầu là tổ hợp phụ âm trong đó yếu tố thứ nhất là phụ âm tắt, yếu tố thứ hai là âm r hoặc l; vần có hình thức - aw.

(...) Những tộc danh hiện nay vẫn được các dân tộc khu vực này sử dụng như Thu Lao, Mu Lao, Cơ Lao, Kabjaw, Keo, Dao, Bjew, Dzaw, Chraw, Jrau v.v.; những tộc danh đã từng xuất hiện trong lịch sử như Giao (trong Giao Chỉ), Lao, Lão, Ai Lao v.v. là những biến dạng trong không gian (...) trong thời gian (...) của tộc danh chung này (...) tộc danh này có thể có nguồn gốc là từ "người". Trong các ngôn ngữ Ka Ðai họ Thái - Ðồng, ngôn ngữ nhóm Bahnar Nam, tiếng Arem nhóm Việt - Mường họ Nam Á, hình thức ngữ âm của từ "người" gần với dạng cổ của tộc danh này.


(Nguyễn Văn Lợi, "Tộc danh của một số dân tộc ở nam Trung Quốc và Việt Nam, vấn đề tên gọi Giao Chỉ", trong
Chín mươi năm nghiên cứu về văn hóa và lịch sử Việt Nam, nhiều tác giả, nxb. Khoa Học Xã Hội, VN, 1995, tr. 253-254)





__________________
Nhan đề do người chọn tạm đặt.