Không phải cuốc đâu, người đấy. Chẳng người mà lại “sắp thơ với thẩn”!

Trần Huyền Trân trước 1945 có dịp sống gần những văn thi nhân rất nghèo. Thì chính ông là một trường hợp như thế:

“Tôi ở lều gianh Cống Trắng này
Chạnh lòng cá nhảy với chim bay
Ðêm sầu kẽo kẹt ngư bà thức
Giăng phải hồn tôi một lưới đầy”!(1)

Cảnh nghèo được THT “cất” lên thành một số thơ văn giá trị, trong đó có bài văn xuôi thơ thơ sau đây.

(Thu Tứ)

(1) Trong bài Mưa Ðêm Lều Vó.



Trần Huyền Trân, “Một con cuốc chết”



Gia đình con cuốc ấy ở chung với tôi trong cái đầm Liên Hoa này từ ngày mặt đầm mới lác đác dăm cánh sen còn cuộn tổ sâu.

Bầu đoàn thê tử của nó đông lắm: vợ chồng già với bảy tám đứa con thơ.

Con chồng, hằng ngày họa hoằn tôi mới gặp một đôi lần. Chừng đó là một gã thi sĩ phóng khoáng, không chịu được những bịn rịn nheo nhóc của cảnh đèo bòng. Cho nên, cứ mỗi khi mặt đầm rạng sương, gã ta đã đi phiêu lưu ca hát khắp bè rau, búi sậy; đến mãi khi mặt đầm đen sánh lại gã mới dò về. Mà tổ của cái gia đình ấy thì dời đổi luôn, thất thường như mưa nắng. Tảng sáng ở bè rau, tối đã dọn sang ở búi lộc vừng.

Rồi cứ sáng đổi sáng, chiều đổi chiều, từ khóm lộc vừng đến cây và nước, đến bè rau, đến bụi chút chít, hình như đâu đâu cũng là quán trọ mà anh chồng lang bạt sau khi lặn lội về lại tha vợ con đến trú tạm bợ một đêm, rồi mai lại tha đi.

Các bạn giang hồ phải bắt gặp một lần cái gia đình ấy, thì các bạn mới thấy rõ tấm thân câu thúc vì vợ con gần như một đọa đày.

Một đoàn, hai vợ chồng lếch thếch, ríu rít bảy tám con mọn, đi tìm nhanh một chỗ ngủ, đi tìm nhanh một bữa ăn, đi tìm nhanh một nơi kín đáo để lẩn tránh một bóng người. Những khi ấy, xem chừng anh chồng khổ não lắm. Vì, nếu thảnh thơi một mình, anh đã ung dung đứng nghển cổ để ngắm những vẩy chiều gợn mặt hồ, để nghe gió vèo trên bè rau. Hoặc khởi hứng, anh sẽ hát lên một bài ca sóng nước, để lá lộc vừng, lá chút chít lao xao nhịp, trong khi lá và nước như một bầy tiên nhỏ tung hê tà áo, bên những thân lau dài phất lên như một trận xô xát đấu gươm.

Bần thần, cuốc đực vừa toan dừng chân đứng lại, thì chị vợ đã rúc lên mấy tiếng như có ý giày vò:

- Lại sắp thơ với thẩn rồi đấy! Nghe chừng con có đứa kêu mỏi chân, ông liệu mà cõng giùm lấy một vài đứa đi.

Anh chồng, nghĩa là cuốc đực, lại phải còng lưng xuống để đàn con đứng lên trên cánh, trên đuôi, trên cổ. Anh bơi vội như bay qua vùng nước rộng.

Nhưng đàn con nào có để anh cõng đi yên thân. Chúng chen chúc nhau, chúng cãi nhau, xô nhau, kêu rầm rĩ, có con rơi cả xuống đầm.

Cuốc đực hình như bực mình lắm. Anh ta hậm hực quay lại, lấy mỏ cắp lấy chân con, làm cho nó đau kêu thét lên, rồi anh vừa bơi vừa chạy một mạch cho chóng tới bờ.

Có lẽ lúc ấy, trong lòng anh đang xáo động lên những ý nghĩ phóng khoáng của gió sương...

Nhưng đã ba ngày nay, cái vũng ao con ở cạnh đầm Liên Hoa có tiếng guồng nước đạp đều đều vang lên trong đêm khuya. Chừng trong tiếng nước róc rách ấy có lẫn tiếng than thở ai oán của từng đàn con tôm cái tép.

Nên hôm đầu, tôi thấy cuốc cái ở bên đầm, chốc chốc lại ngẩng mặt lắng nghe, rồi khẽ rúc lên giữa những tiếng ríu rít của đàn con bu quanh như thì thầm, bàn tán. Mà phải là một chuyện gì quan trọng bí mật, cho nên hễ khi anh chồng dò về thăm lại nước non thì mẹ con nhà cuốc lại im bặt, và bồng bế nhau lẳng lặng như bất đắc dĩ mà phải theo con người lang bạt ấy.

Sáng hôm thứ hai, mới mờ sáng, tôi đã thấy lẫn trong vài chú cò hương, vài chị bói cá lao nhao có cuốc mẹ với đàn cuốc con. Rồi hôm thứ ba, cả cái bầu đoàn ấy không trở về đầm cũ nữa.

Chao ôi! Tiếng guồng nước từ đấy dấy lên thành hình tượng ám ảnh đời tôi. Tôi tưởng đến một cái bàn đạp bất diệt, làm xê dịch nguồn sống, làm thay đổi bản tính muôn loài. Và tiếng kẽo kẹt rít lên trong đêm khuya ấy, có lẽ chỉ là tiếng lăn chuyển của khối nước mắt trần gian.

... Ðêm ấy, rượu rồi tôi say ngủ dưới bóng trăng mờ. Nửa đêm, tôi chợt thức giấc và nghe có tiếng rúc dài, rên như tiếng khóc.

Tôi để ý nhìn thì thấy bóng một con cuốc lò dò đi tha thẩn men bờ đầm rộng mang mang. Nó hết quanh quẩn ở khóm lộc vừng, lại đến cây và nước, đến bụi chút chít, đến bè rau, hỏi thăm những lá gió cành sương, như than thở với lời cây bóng nước.

Cứ như thế ngót một trống canh.

Trăng đã tà tà, buồn như lòng giang hồ tỉnh rượu. Ðầm nước rì rào như đang giẫy giụa, đang bay lên không gian những lời than vãn vì mưa nắng giày vò, vì sớm chiều thay sương đổi gió.

Rồi một lúc lâu, tôi thấy con cuốc đó lủi thủi đến bụi tre ở cạnh lều tôi. Nó uể oải trèo lên một ngọn tre già cao vót, và đứng chon von như một kẻ bị thương ở chiến địa, trước khi chết, cố nghển cổ ngó ra bốn phương trời. Rồi nó lại xuống, lại lên, cứ dò lại những bước đi ban nãy, và cứ mỗi lần về miệng lại ngậm nhiều rơm rác, lá cây.

- À! Ra nó đi xây lại một cái tổ cô đơn bằng những rơm rác ngày xưa, những rơm rác đã ủ chút hơi nồng của thịt con, và da vợ.

Sau đêm ấy, bẵng đi luôn mấy ngày, đầm nước cứ dằn dọc dưới gió kép mưa đơn. Tiếng cuốc khắc khoải với khi tôi ngâm thơ không còn thấy nữa.

Luôn mấy đêm, tự dưng thấy lòng buồn lặng đi như có cái gì mất mát. Tôi muốn than thở với thiên nhiên, nhưng thiên nhiên càng như xa tôi, và cơ hồ muốn phụ cả tôi nữa. Ngoài lều, gió đổi mùa lộng lên hun hút. Bên song, mưa rào trái tiết cứ xô xát vào lòng. Ðầm nước cũng cứ như lòng tôi, từng cơn thổn thức.

Cả đến những khóm lộc vừng, những cây và nước, những bụi chút chít, cũng ủ rũ, sướt mướt, trông lềnh bềnh như những nấm mộ của hương sắc hoa sen chết tự những mùa nào.

Rồi đến hôm qua lòng tôi tự dưng se lại khi nghe đứa con của bà lão chài bỗng nhiên hỏi mẹ:

- Mẹ ơi! Con cuốc già đi đâu mất rồi ấy mẹ ạ?