Ta có giàu lòng thương người hay không, phải thử mới biết. Chỉ có một cách thử, là gặp những những người khốn khổ.

Trong "Cỏ hoang", "tôi" là một thầy giáo, có lẽ mới ra trường. "Tôi" tìm đến chỗ dạy, sững sờ khi tìm thấy, vì nó tồi tàn quá sức. Gặp trường, bỡ ngỡ, rồi gặp học trò, cũng không kém ngạc nhiên: gần như đứa nào cũng mắc "bệnh văng tục, bệnh ở bẩn".

Trường, trò như thế, hẳn không ít thầy sẽ chán rồi ghét, chỉ muốn bỏ đi. Nhưng "tôi" thì thấy nó "càng ngày càng trở nên dễ thương" và rốt cục những ấn tượng ghê gớm ban đầu lại hóa ra "êm đềm, khó quên" trong trí nhớ của "tôi".

"Tôi" đã qua thử thách, đã được xác nhận là kẻ giàu lòng nhân ái.

Trong văn chương tiền chiến, có một "tôi" khác cũng tự chứng tỏ lòng nhân ái trong hoàn cảnh tương tự. Trong truyện ngắn "Tôi dạy học" của Nguyên Hồng, nhân vật chính gõ đầu trẻ "trong một làn không khí nồng nực mùi hôi thối của rác rưởi và ao lầy", nhưng nhân vật ấy vẫn "sung sướng đến tê tái khi các em biết đọc, biết viết quốc ngữ". Trong ba năm sống giữa rác và lầy, "tôi" của Nguyên Hồng "hưởng (...) thấm thía cái tình quyến luyến trìu mến của bầy chim nhỏ với cái bàn tay thường dịu dàng tung thóc."(1)

Dịu dàng tung cái lòng thương của mình ra khắp những trò đáng thương, làm thầy giáo như tôi Nguyên Hồng, tôi Lê Tất Ðiều, đáng làm quá chứ. Hai thầy giáo yêu trẻ rồi viết truyện, người đọc đọc xong truyện yêu trẻ, thấy yêu cả thầy giáo!

(Thu Tứ)

(1) Trong tập
Những ngày thơ ấu.



Lê Tất Điều, “Cỏ hoang”



Như một con sâu nhỏ bé có thể tự bảo vệ bằng bề ngoài kinh khiếp của nó, như một cô gái, thiếu sắc đẹp, hấp dẫn kẻ khác phái bằng một thứ duyên thầm, bằng chính sự không may của mình, ngôi trường của tôi càng ngày càng trở nên dễ thương đối với những người đã từng chán ghét nó trong buổi gặp gỡ đầu tiên. Tất cả những điều đáng ghét, đáng sợ của ngôi trường này dần dần trở thành những sự khôi hài. Rồi sau này, khi những sự kỳ quái của ngôi trường đã hoàn toàn biến mất thì chúng tôi vẫn muốn nhắc nhở lại chuyện cũ như nói đến những kỷ niệm êm đềm, khó quên.

Hồi mới được xây lên, trường chỉ có hai lớp nhỏ bé, thấp và sơ sài như những căn nhà nghèo. Mái tôn thấp và nung nóng đến nỗi tôi có cảm tưởng thà vứt bỏ mái đi ngồi ngay dưới ánh nắng mặt trời còn thoải mái, dễ chịu hơn. Trong những ngày nắng to, nhìn lũ trẻ vừa vuốt mồ hôi vừa cặm cụi làm toán, thỉnh thoảng lại ngừng bút cầm vở quạt phành phạch, tôi nghĩ rằng nếu nhà trường không cho chúng được một số vốn kiến thức thì ít nhất cũng đã dạy chúng một bài học kiên nhẫn và chịu đựng. Ngày mưa thì còn tệ hơn, nước dội ào ào xuống mái tôn, tôi có gân cổ gào to đến mấy chúng cũng chẳng nghe thấy gì, tốt hơn hết là cho chúng ngồi xúm vào một chỗ không bị dột, để chờ mưa ngớt. Và như thế tôi lại còn có thì giờ để lo bảo vệ sổ sách khỏi bị ướt sũng.

Ngày đầu được gửi đến làm việc ở đây tôi đã đi hàng giờ để kiếm cái bảng tên trường mà mãi ba năm sau mới có. Rồi tôi mất nửa giờ nữa để đứng lặng nhìn ngôi trường, tồi tàn quá sức tưởng tượng, cứ phân vân chẳng hiểu kẻ chỉ đường có chủ tâm chơi xỏ hay đánh lừa mình không.

Một cái hàng rào để định ranh giới của ngôi trường cũng không có. Trường nằm chung trên một phần đất rộng với trạm y tế độc nhất của vùng ngoại ô, và một cái chợ nhỏ. Sân trường đầy cỏ hoang và những cây gai um tùm, đó là nơi tụ họp của các loài ngan, ngỗng, vịt, gà, chó, heo. Người lao công trông coi ở đây già yếu đến nỗi không ai nỡ nặng lời với ông ta. Ông ta chỉ cầm nổi cái chổi khi đã tỉnh rượu, và thường thường ông ta chỉ tỉnh rượu khi đã lên giường ngủ được một vài giờ, thời gian độc nhất có thể khiến ông ta tạm xa chai rượu.

Những ngày làm việc sau đó tôi phải đối phó với đủ thứ chuyện bất ngờ. Có nhiều lúc tôi ngẩn ra không biết phải phản ứng như thế nào cho hợp. Trong tất cả những sách vở viết về khoa sư phạm mà tôi đã được đọc, tôi chưa thấy một tác giả nào nêu ra trường hợp một ông thầy đang hăng hái giảng bài phải giật mình vì thấy một con heo đùng đùng chạy vào lớp mình. Con heo to lớn, dẫn theo một bầy con lít nhít, kêu eng éc, chẳng coi ai ra gì. Lớp tôi có hai cửa nên đã trở thành con đường giao thông ngắn nhất từ sân trường về chuồng của lũ heo, ở trong một căn nhà hàng xóm của nhà trường. Thấy tôi vô tình đứng cản đường đi của mẹ con nó, con heo đứng lại kêu to phản đối, mấy con heo con nhân dịp đó, bỏ hàng ngũ chạy đại vào những khoảng trống giữa hai dãy ghế học trò ngồi. Ấy thế là cái trật tự của lớp mà tôi đã mất bao công lao mới tạo được đột nhiên bị phá vỡ. Lũ trẻ nhao nhao nhảy ra khỏi chỗ để chống lại sự xâm lăng của bầy heo, dĩ nhiên, tôi cũng phải ngừng giảng bài để hợp tác với lũ học trò. Lớp học tràn đầy một không khí kỳ quái với tiếng trẻ la hét, dậm dọa, xen lẫn tiếng heo kêu. Mấy con chó cũng thi nhau chạy vùn vụt qua lớp luôn luôn. Về sau tôi không dám mở to cửa lớp ra nữa và lúc nào cũng phải để ý canh chừng để xua đuổi kịp thời những sự bất ngờ này.

Cái chợ ở ven trường thì lúc nào cũng ồn ào và có nhiều vụ cãi nhau hơn cả các chợ khác. Khi có vài bà bán tôm bán cá đùng đùng nổi giận mà chia làm hai phe đấu khẩu, chửi rủa nhau thì khó mà ngăn những câu nói của họ khỏi bay vào lớp học, dù tôi có đóng hết các cửa lại. Tôi bắt lũ học trò ngồi thật nghiêm trang, và cố gắng giảng cho chúng nghe những điều thật đặc biệt, nhưng vô ích, một vài câu chửi gợi lên những hình ảnh quá tục tĩu vẫn làm cho vài đứa bật ra khúc khích cười.

Phải mất hàng hai ba tháng trời tôi mới triệt được cái bệnh văng tục, bệnh ở bẩn của lũ học trò. Nhưng đó chỉ là những điều vụn vặt, khiến tôi bực mình, không gây nên sự chán nản.

Cái việc gây nhiều khó khăn, cản trở cho công việc của tôi, chính là đời sống của người dân ở đây. Ngoài một số rất hiếm người khá giả, thì người dân ở đây đều nghèo khổ. Họ không có một cơ sở hay việc làm vững chắc như người thành phố hay có một việc làm hiền lành như người miền quê. Họ như từ bốn phương tụ lại, đại diện cho khắp nơi và sống bằng đủ các thứ nghề, lương thiện có mà không lương thiện cũng có. Như những cây cối mọc chen chúc trong một khu vườn hoang họ vươn lên, tìm sống bằng các phương tiện hợp với khả năng họ, trong tầm tay họ. Và họ đã tạo nên được cái vẻ muôn mặt, hỗn độn, bí mật của một vùng ngoại ô cằn cỗi.

Vì thế, tôi không thể giảng một bài đức dục nào mà lại hoàn toàn không động chạm đến nghề nghiệp, tật xấu, hay quá khứ của một ông chủ gia đình. Khi tôi nêu ra một điều tệ hại cần tránh và thấy lũ học trò quay cả về phía một đứa đang cúi đầu ngượng nghịu thì tôi biết ngay rằng ba thằng bé này làm nghề gì. Có lần, sau một hồi hăng hái giảng về sự tai hại của tính mê tín dị đoan và sự láo khoét của mấy ông thầy pháp, tôi phải ngẩn người vì một thằng học trò bỗng đứng bật dậy, chỉ vào một đứa khác tố cáo:

- Thưa thầy, tía anh nầy cũng là thầy pháp, tối nào tía anh ấy cũng đi cúng.

Ðứa học trò có người cha bị tố cáo ngượng ngùng lấm lét nhìn tôi, miệng cười gượng, tay cấu mãi vào một góc vở, đôi mắt nó nhìn tôi để lộ những tia sợ hãi, tuyệt vọng, khổ sở. Thì ra ba nó chính là cái ông thầy pháp đã từng làm tôi mất ngủ, khó chịu. Ðêm đêm, khi cúng bái cho một nhà nào ông ta thường mặc bộ quần áo màu sặc sỡ, khua chiêng đánh mõ om sòm và thỉnh thoảng lại thổi một tiếng kèn ngắn ngủi, quái đản, nghe thật ghê sợ. Tôi vội vàng mắng át đứa kia và quả thực, sau đó, phải chật vật lắm tôi mới có thể làm cho lũ học trò, vừa biết rõ sự bịp bợm của mấy ông thầy pháp, lại vừa tin rằng ba của đứa học trò kia, dù thế nào cũng vẫn phải được kính yêu. Chúng chưa đủ trí khôn để tìm thấy sự mâu thuẫn trong cách giải thích của tôi. Nhưng thế nào mà chả có đứa phân vân. Thành ra tôi đã mở mắt cho chúng để chúng nhìn thấy những sai lầm trên các người sinh thành ra chúng.

Lũ trẻ thường bị rơi vào giữa gọng kìm của một cuộc đời thực tế và một cuộc đời tốt đẹp trong sách vở. Chúng trở nên hiền lành, sợ hãi một cách thật đáng thương.

Nhưng càng mến yêu lũ học trò thì tôi càng tỏ ra nghiêm khắc với chúng. Tôi đã làm ngược lại những điều mà lớp người trước căn dặn tôi: phải tạo một không khí thân mật giữa thầy và trò, phải cho học trò thấy rõ là mình rất thương mến chúng. Nếu tôi cố gắng tạo cho lớp học một không khí quá vui tươi, cởi mở thì sẽ có nhiều đứa học trò của tôi nhìn thấy gia đình chúng là một nơi thật đáng ghét, đáng sợ, đôi khi mang dấu vết xấu xa, tối tăm của địa ngục. Có đứa coi những giờ đến trường là những giờ được nghỉ ngơi sung sướng nhất, bởi vì khi trở về nhà nó phải làm việc quần quật suốt ngày. Khi được giao công việc nhẹ nhàng nhất là việc bế em thì lập tức chúng lại tìm đến sân trường, chơi đùa với lũ học trò ở đây, sung sướng như đang sống trong một thiên đường nhỏ. Tôi cố giả vờ tạo một bộ mặt nghiêm khắc đến thế nào thì cũng không thể làm cho chúng sợ hãi bằng nét mặt cau có của một người cha say rượu khi ông ta cầm trong tay một thanh củi lớn và hung hăng đập lên người chúng như đập lên một kẻ tử thù. Phải thấy cha mẹ mình lầm lỗi và bị hàng xóm khinh ghét một đứa học trò cảm thấy đau đớn, tủi hổ gấp trăm, ngàn lần những khi nó bị phạt ở nhà trường. Có những đứa trẻ quen chịu đựng sự cực khổ đến nỗi lúc nào nó cũng giữ được vẻ thản nhiên, ấy thế mà khi bị ốm nằm nhà, thấy thầy và bạn đến thăm nó lại đâm sững sờ rồi bật khóc nức nở. Tình thương, sự săn sóc đến bất ngờ quá khiến nó ngẩn ngơ, kinh ngạc.

Ðối với những đứa trẻ không được đi học tới năm năm trời thì sự sung sướng của thế giới học trò thường làm chúng khổ sở khi phải rời khỏi học đường. Trường hợp của trò Dũng đã khiến tôi thấy rõ điều này. Ðã có nhiều đứa đang học thình lình phải bỏ ngang để đi học nghề. Nhưng chỉ có cái buồn rầu của trò Dũng trong lần cuối cùng nó rời khỏi lớp học là được ghi đậm trong ký ức tôi.

Cho đến bây giờ, ngôi trường đã được kiến thiết đẹp đẽ, sân trường không còn một sợi cỏ, thế mà mỗi lần nhìn thấy những luồng gió lốc tung cát, chạy quanh trong sân trường, tôi tưởng như vẫn thấy bóng trò Dũng ngập ngừng bước bên đám cỏ hoang, đôi bàn chân đen đủi của nó còn ghi vết trên con đường nhỏ.

Trong buổi học của ngày đầu niên học tôi đã chú ý ngay đến nó. Ngồi ở dãy bàn cuối lớp, Dũng cao hơn các bạn nó hẳn một đầu. Nét mặt nó lúc nào cũng tươi tỉnh, làn da đen xám khiến nó càng có vẻ láu lỉnh, khôn ngoan. Nó quay sang bên phải nhe răng cười rồi lại quay sang bên trái nháy mắt như có điều gì thú vị lắm. Ðầu tiên tôi tưởng nó thuộc loại những đứa trẻ lớn đầu và ngỗ nghịch. Nhưng khi tôi gọi đến nó thì nó lại tỏ ra là một đứa trẻ hết sức lễ phép và ngoan ngoãn. Tôi chưa thấy đứa trẻ nào tha thiết, sốt sắng với công việc của lớp học như trò Dũng. Tính sốt sắng ấy nhiều khi trở nên quá đáng. Tôi vừa hỏi có trò nào viết trên bảng được không thì lập tức Dũng nhỏm ngay dậy. Ngoài cánh tay giơ cao nhất lớp nó còn át các bạn của nó bằng cách nói lia lịa:
- Con viết được, con viết được, thầy cho con viết.

Và tôi vừa gật đầu là nó đã hấp tấp chạy lên bảng để rồi viết ra những hàng chữ ngả nghiêng, leo dốc xuống đèo làm cho cả lớp kêu ầm ĩ vì không đọc nổi. Trong những ngày sau đó Dũng trở thành nguồn vui của lớp học. Trước câu hỏi của tôi, dù khó khăn đến đâu nó cũng giơ tay xin trả lời, và trả lời mười lần sai hết chín. Dũng viết những chữ rất xấu, nhưng nó có tài giữ gìn sách vở. Nó thường chỉ nổi giận khi có một đứa bạn làm dây mực vào sách vở của nó. Thỉnh thoảng nó lại đem tặng lớp học một món quà nhỏ. Và lớp học dần dần có vẻ tươi mát với những cây leo trồng trong một cái bóng đèn điện chứa đầy nước, hay trong một con ốc nhiều màu.

Thỉnh thoảng Dũng lại đem đến lớp một cái búa và mấy cái đinh để sửa lại những bàn ghế quá ọp ẹp, mà bọn học trò nhỏ của tôi thường vin vào đó để lấy cớ cãi nhau.

Dần dần bọn học trò tôi cũng khám phá ra cái tính sốt sắng của Dũng và bắt đầu lợi dụng nó. Chúng giao cho thằng Dũng đủ các việc lặt vặt, nhất là những việc có liên can đến mục vệ sinh của lớp. Dũng nhận làm hết. Ðứa nào có đồ chơi hay một vật dụng gì hư hỏng đều có thể nhờ đến bàn tay sửa sang của thằng Dũng. Có lần nó sửa được cả bộ máy của một chiếc xe hơi nhỏ chạy dây cót, khá rắc rối mà nó mới được mở xem lần đầu. Chủ nhân của chiếc xe khoái quá thưởng công Dũng bằng cách cho nó mượn về chơi hẳn một ngày.

Nhờ cái tài khéo tay này mà Dũng vẫn đứng đầu về môn thủ công. Trong kỳ chấm bài lũ trẻ thường hồi hộp chờ xem tác phẩm của nó. Ðể cho những món nó làm ra thêm phần giá trị, Dũng thường có một lối giấu giếm và pha trò rất khôn khéo. Một lần nó nặn được một quả chuối, tô màu giống hệt như quả chuối thật, nó gói kỹ trong một tờ giấy, và mặc cho mấy đứa trẻ khác chạy theo gạ gẫm, năn nỉ, nó không cho đứa nào xem cả. Gần tới giờ thủ công Dũng mới giở quả chuối ra giơ lên rồi, miệng há tròn, nó giả vờ như sắp đớp quả chuối làm cho những đứa khác cùng ồ lên, phục lăn.

Vì học hành thất thường nên Dũng chỉ đứng hạng trung bình trong lớp, nhưng nó khá thông minh và chăm nên không mấy khi tôi phải trách nó về tội lười. Vẻ tha thiết với việc học của nó hiện rõ nhất khi nó làm một bài làm chậm hơn các bạn, nó cuống quít lên và dù hay dù dở nó cũng cố gắng xin tôi cho điểm. Nếu chỉ vì chậm chân mà nó không được phê điểm thì nó tỏ ra khổ sở, bực bội lắm. Vào những ngày trả bài luận, Dũng có vẻ hồi hộp, lo lắng của một con bạc trước khi biết kết quả tiếng bạc của mình. Cầm cuốn vở luận trong tay, Dũng ngửa mặt lên, đôi mắt nhắm nghiền, miệng lẩm bẩm như khấn khứa, rồi thình lình nó mở bung quyển vở ra để xem điểm. Nếu thấy được điểm khá nụ cười liền cũng bật tung ra, tràn lan trên khuôn mặt đen xạm của nó, làm cho đôi mắt long lanh sáng. Nhấp nhổm trên chỗ ngồi, hai tay nó hích phải hích trái, nó có vẻ muốn cười phá lên, vỗ tay mà rồi không dám. Nó cười với đứa bên phải, khẽ "hì hì" vào tận tai đứa bên trái, và kéo cả cổ áo của đứa ngồi trước mặt để cho thằng kia rõ sự thành công của nó. Có lần tôi phải mắng nó về cái tội đã dám đóng khung, tô màu và vẽ hoa lá xung quanh con số mười điểm mà nó kiếm được nhờ một bài chính tả không có lỗi.

Ðiều đáng tiếc nhất là Dũng làm luận rất dở, bao giờ nó cũng ba hoa đến độ thành lạc đề và chẳng mấy khi được điểm cao. Trong suốt năm học nó chỉ có mỗi một bài thật khá mà lại không được điểm, đó là bài tả một đám cãi nhau. Nó viết kín ba trang giấy, nhắc lại rất trung thành lời nói của hai địch thủ tặng cho nhau. Tuy nó cũng biết loại bỏ những câu quá đáng, nhưng bài ấy vẫn bị tôi kiểm duyệt, giống như những bài văn tả chân thường gặp bước không may.

Quả thực, chưa bao giờ tôi thấy trò Dũng nói chuyện trong lúc tôi giảng bài. Mỗi lần tôi lên tiếng là nó khoanh tay, chăm chú ngước nhìn, chờ đợi. Những lần có một con heo hay con chó nhào vào phá đám giữa lúc tôi đang nói thì Dũng thường nổi giận, nó kêu với vẻ vừa thất vọng vừa tức tối:

- Trời đất ơi!...

Và nó tự động nhảy ra khỏi chỗ, vừa hò hét vừa đuổi theo con vật cho đến cuối sân trường.

Vì là đứa lớn tuổi nhất lớp nên nó cũng thường tỏ ra khôn ngoan, dễ biết ý tôi hơn các trẻ khác. Khi ở các nhà bên cạnh trường có những vụ cãi vả, những vụ đánh nhau, trong lúc những đứa khác đứng dậy, nhìn qua cửa sổ thì thằng Dũng cau có xin phép tôi cho đóng các cửa sổ lại. Nó đã biết những lời thô tục làm vẩn đục cả không khí của học đường. Nó mến thầy, mến bạn, mến lớp học và lúc nào cũng chỉ muốn bảo vệ, che chở cho cái lớp học của nó.

Nhưng học đều đặn được chừng ba tháng thì thằng Dũng bắt đầu đến lớp thất thường, bỏ bê việc học hành. Tôi đã quen với những vụ nghỉ học trường kỳ của lũ học trò. Vào những ngày cuối năm, khi một người Tàu già đội chiếc mũ cói rộng vành bắt đầu bón nhiều phân lên một vườn rau cải nhỏ của ông ta ở gần trường, thì lớp học của tôi bắt đầu thưa thớt. Chẳng phải lũ trẻ không chịu đựng nổi mùi phân bón bốc lên nồng nặc, làm chúng phải vừa bịt mũi vừa học, mà chính vì trong thời gian này, chúng phải đem cái sức nhỏ bé ra để giúp đỡ cha mẹ chúng. Có đứa vừa phải coi nhà vừa giữ em cho cha chúng đem hoa đi bán. Có đứa phải phụ với cha mẹ trong công việc gánh hàng ra chợ. Có đứa phải gạt hết sách vở để suốt ngày cưa sừng làm lược, hay cặm cụi đánh từng con suốt chỉ cho bà mẹ dệt vải. Buổi tối, trong lúc ngồi hóng gió trước nhà, tôi thường thấy hai đứa học trò ngoan nhất của tôi đi bán bánh trên con đường dài, không có ánh đèn, dẫn vào các xóm nhà nghèo. Chúng là con một người đàn bà gốc Trung Hoa sống bằng nghề bán hoa quả lặt vặt. Ðồ đạc của hai đứa trẻ này là một cái thúng có đựng những miếng bánh bò màu trắng, hoặc vàng úa đã cắt sẵn, để thành từng lớp có thứ tự. Mỗi đứa khiêng một đầu đòn gánh, lồng qua quang gánh mang cái thúng. Thằng em đi trước cầm chiếc đèn bão soi đường thỉnh thoảng lại cất tiếng rao. Thằng anh đi sau giữ tiền. Hai đứa giống nhau từ mái tóc, nét mặt đến bộ quần áo. Khi có người gọi lại, chúng vội vàng đặt gánh xuống. Thằng em nhấc ngay cái lồng bàn che bánh lên, thằng anh ngồi thụp xuống, dùng một cái xiên sắt lấy bánh ra, gói vào giấy, trao hàng và nhận tiền. Chúng đã chia nhau từng cử chỉ lặt vặt ấy. Ánh đèn bão mập mờ soi hai nét mặt trẻ lúc nào cũng bình thản, không còn dấu vết tinh quái, nghịch ngợm của những đứa trẻ bình thường.

Có khi lên giường nằm rồi tôi còn nghe tiếng rao của chúng vang lên đột ngột, cô đơn như một tiếng động vừa rơi lơ lửng vào giữa bầu trời mênh mông của miền ngoại ô. Ánh đèn của chúng hắt qua khe cửa nhà tôi tạo thành những vệt sáng dài, vừa run rẩy vừa di chuyển chậm chạp trên tường. Nếu trong buổi học ngày hôm sau đó chúng có không thuộc bài tôi cũng gắng cho chúng điểm trung bình.

Nhưng bọn trẻ này nghỉ học bận việc có định kỳ, một năm chúng chỉ nghỉ một lần thật lâu rồi lại đi học đều đặn. Trái lại, trò Dũng nghỉ vài ngày rồi lại đi, rồi lại nghỉ vài ngày. Mỗi lần đến trường nó vẫn tỏ ra sung sướng, vui vẻ say mê với việc học. Cuối buổi học, trong giờ hoạt động thanh niên nó vẫn hăng hái cộng tác với các bạn để làm vui cho cả lớp. Hoặc nó ca vài câu, kể một câu chuyện, hoặc nó xắn quần ống cao ống thấp, bôi phấn vào mặt, vẽ râu để làm anh hề trong một kịch vui, làm cho cả lớp cười bò. Từ sau bảng bước ra, nó mới nheo mắt, nhe răng, đi khệnh khạng, chưa kịp nói câu gì, là lũ bạn nhỏ của nó đã không nín cười được. Thành ra, những hôm vắng thằng Dũng tự nhiên lũ trẻ mất vui, cảm thấy nhớ. Có đứa tức quá đứng lên tố cáo:

- Thưa thầy, anh Dũng bỏ học đi chơi đấy ạ.

Vài đứa khác lại nhao lên bênh vực:

- Thưa thầy anh ấy ở nhà bế em cho má anh ấy đi chợ.

- Anh ấy phải trông nhà.

Dũng cũng nêu những lý do đó để xin nghỉ học. Tôi đành phải tin nó vì cha mẹ nó chẳng bao giờ chịu đến trường xin phép nghỉ cho con. Một lần gặp thằng Dũng đang loay hoay phụ giúp với một người đàn ông sửa một chiếc xe trong một căn nhà nhỏ, mái tranh, lập chênh vênh ven bờ ruộng, trên con đường vào thành phố, tôi mới biết người đàn ông đó chính là cha Dũng. Ông ta làm nghề sửa xe đạp, xe gắn máy chứ không phải "buôn bán" như ông ta đã ghi trong lý lịch của con. Hai cha con đều mặc những bộ quần áo ka-ki đen đặc dầu mỡ, chắc trước kia màu vàng. Thấy tôi, thằng Dũng vội vàng vứt cả kìm, búa đứng dậy khoanh tay chào, nét mặt hân hoan. Cha Dũng cũng gật đầu chào tôi, mấy sợi tóc uốn quăn xõa xuống cái trán cao có một vết sẹo ngang của ông ta làm cho khuôn mặt ông ta vừa có vẻ dày dạn lại vừa có vẻ phong lưu của một công tử giàu tiền. Ông ta trẻ hơn tôi tưởng. Ông nói với tôi:

- Nhà tôi độ này bận quá, thành ra phải xin thầy cho cháu Dũng nghỉ ít bữa.

Tôi chỉ gặp ông ta một lần ấy thôi. Từ đấy về sau mỗi lần đi qua đây tôi chỉ thấy một mình thằng Dũng đang loay hoay làm việc. Thằng bé khéo léo này đã có thể thay thế cha nó trong công việc sửa xe, vá những lỗ thủng trên ruột xe. Hỏi thăm về cha nó thì nó cho tôi biết là ông ta đi vắng.

Càng ngày nó càng đến trường ít hơn, và mỗi lần đến là một lần nó cuống quít đi mượn vở chép bài. Sách vở của nó bắt đầu mất cả sự sạch sẽ, quần áo của nó cũng không còn gọn gàng như trước. Nhưng nó vẫn vui vẻ, sốt sắng, vẫn ca hát và làm hề cho cả lớp cười, vẫn nhảy nhót khi được điểm cao. Ngoài giờ học, nó lại mặc bộ quần áo đầy dầu mỡ, làm bạn với kìm, búa, với những chiếc xe hỏng.

Buổi trưa, thỉnh thoảng có dịp đi qua căn lều nhỏ của gia đình Dũng, tôi thường thấy nó ngồi trên chiếc chiếu nhỏ, dựa lưng vào một chân cột, dáng điệu nửa thức nửa ngủ. Ðồ đạc, dụng cụ sửa xe xếp ngổn ngang quanh nó. Nó không nhìn thấy tôi vì ngồi quay lưng về phía con đường nhựa mềm ánh nắng buổi trưa, có lẽ nó đang thả tầm mắt mơ hồ qua cánh đồng không, tới những ống khói cao ngất trong thành phố. Những luồng gió nóng như hơi nước trong một nồi nước sôi thổi phần phật vào mái lá, hoặc xoay tròn, bốc cát bụi mù trên con đường đất đỏ chạy ngang cánh đồng. Tôi tưởng như thằng bé ngồi bất động, cô đơn kia không thể nào là thằng Dũng, một đứa trẻ láu táu, vui tính nhất lớp tôi. Bầu không khí, phong cảnh cằn cỗi ở vùng ngoại ô này có thể nung khô tất cả những tâm hồn dịu dàng, vui tươi, và đốt cháy những nguồn hy vọng nhỏ bé. Quả thực tôi không như những người dạy học khác, mong mỏi nhìn thấy sự thành công trong tương lai của đám học trò mình, tôi chỉ muốn lũ trẻ được ngồi học yên ổn và đều đặn trong lớp tôi cho đến cuối năm.

Tôi không đoán nổi trong lúc ngồi cô đơn như thế bé Dũng đã nghĩ gì, mơ đến những điều gì. Nhưng một trong những sự mơ ước của nó, đột nhiên hiện ra trước mắt tôi vào một buổi học, khi nó bị tôi phạt về tội nói chuyện trong lớp. Và ngay sau đó tôi nhìn thấy tất cả nỗi tuyệt vọng của nó. Sự vùng vẫy, phấn đấu, để thoát ra khỏi ngõ bí của nó đầy tính cách mong manh, khờ dại khiến ta xúc động, xao xuyến như khi ta nhìn thấy một con chim non lạc tổ sắp chết vì một trận mưa.

Dũng để một vật gì dưới ngăn bàn, hai đứa bên cạnh nó cùng chụm đầu lại để nhìn. Vừa nói, Dũng vừa cười có vẻ thích thú và hai đứa bên cạnh nó cũng cười theo. Bị gọi tên thình lình, Dũng giật mình đứng dậy, luống cuống khoanh tay. Nó chưa kịp trả lời câu hỏi của tôi thì một trong hai đứa bên cạnh nó đã nói:

- Thưa thầy, anh Dũng khoe cái xổ số anh ấy mới mua.

Rồi nó cố nín cười để giữ giọng tự nhiên:

- Anh ấy nói nếu trúng độc đắc anh ấy sẽ mua cái xe hơi chở cả thầy và hết cả lớp đi chơi và đi coi hát bóng.

Cả lớp cười, vài đứa xì xào:

- Xe hơi nào mà chở được cả lớp...

Dũng có vẻ ngượng, nó mỉm cười và cúi đầu. Nhìn vẻ tiều tụy của nó tôi không nỡ mắng, bao giờ cũng thế, khi biết sắp bị mắng nó thường buồn rầu và lo sợ. Tôi bảo:

- Thôi cất xổ số đi... bao giờ trúng hãy đem khoe.

Dũng tươi tỉnh hẳn lại, đôi mắt nó long lanh tin tưởng, nó đã trở lại vẻ nhanh nhẩu bình thường:

- Thưa thầy, mấy người nghèo hết tiền mua giấy số hay trúng lắm thầy.

- Vậy hả. Ờ, thầy cũng hy vọng sẽ được đi xe hơi của trò Dũng. Bao giờ mở số đấy?

- Chiều nay ạ.

Nó ngồi xuống, trịnh trọng nhét tấm xổ số vào cặp. Tôi vội giảng bài tiếp để chặn đứng cuộc bàn về xổ số đang lan tràn trong lớp. Hình như có tấm vé xổ số trong cặp, Dũng vững tin ở cuộc đời hơn. Suốt giờ học tôi không nhận thấy vẻ buồn rầu thoáng qua mặt nó như mấy buổi học trước. Nó chịu đặt cả hai tay lên bàn nhưng không ngồi yên, thỉnh thoảng lại quay nhìn phải, nhìn trái, môi lúc nào cũng hé như sẵn sàng cười thật to. Cuối giờ, trước khi về học nó còn đi quanh lớp để ngắt lá úa trên những dây vạn niên thanh và siết lại những đầu dây thép gắn vài con ốc vào đầu đinh trên tường. Niềm vui, sự hân hoan của trẻ con thường tràn ra thành các cử chỉ như thế.

Buổi chiều, khi nghe máy thu thanh, tôi nhớ đến tấm xổ số của trò Dũng và ý nghĩ của tôi, tôi mỉm cười như những lần tôi nhớ đến một kỷ niệm ngộ nghĩnh về đám học trò.

Sáng hôm sau, bầu không khí có vẻ oi bức khiến tôi cảm thấy khó chịu. Những đám mây đen mờ che khuất mặt trời báo hiệu một ngày không có nắng. Vùng ngoại ô quá rộng để ta có thể cảm thấy tất cả sự khó chịu của một bầu trời nặng nề. Sức nóng không tỏa từ ánh nắng một cách tự nhiên mà như xuất hiện bất cứ chỗ nào. Sự bình thản, vui vẻ trong tâm hồn tôi hình như bị sự oi bức làm rạn nứt và đã trở thành một cái gì mong manh dễ vỡ.

Buổi học lại bắt đầu bằng vài chuyện lộn xộn. Hai đứa nhỏ ở cạnh nhau, đến lớp còn cãi vả om sòm vì một chuyện đã xảy ra giữa hai gia đình trong ngày hôm trước. Ðứa này bảo bố đứa kia là đồ ăn cắp gỗ và đứa kia tố cáo việc anh đứa này bị người ta đánh vì dám cướp tiền một đám bạc. Một thằng học trò khác thì đem lên bàn tôi một quyển vở chỉ còn độ bốn năm tờ giấy trắng, nó kêu rằng nó không hề xé vở mà chính ba nó đã lấy giấy gói hàng. Tôi không thể nén sự bực mình, tôi đã gửi một bức thư cho ông ta về việc này và ông ta chưa trả lời. Tôi thở dài nhìn đứa trẻ, nó chớp mắt sợ hãi, cả nó và tôi đều lọt vào cái thế đáng chán. Tôi vừa lấy giấy ra định biên thêm cho ba đứa trẻ mấy dòng thì cuối lớp, một đứa đứng dậy báo cáo:

- Thưa thầy, hôm nay anh Dũng lại nghỉ.

- Lại nghỉ. Nó học hành thế thì còn ra làm sao...

Ðứa bé cọ bàn tay phải vào cạnh bàn rồi nói rất nhanh, có vẻ kiêu hãnh vì những điều nó biết:

- Con thấy mấy người lối xóm nói: ba trò Dũng bị tù rồi. Hồi trước ổng mua vỏ ruột xe hơi của mấy người ăn cắp, bị tù mười lăm ngày mới được tha ra. Giờ không biết sao lại bị bắt nữa...

Một đứa khác đứng phắt dậy, vừa xếch lại quần vừa nói như sợ đứa khác nói tranh mất:

- Ba trò Dũng ăn cắp xe gắn máy, thầy. Cả những người khác cũng bị bắt hết, mấy bữa nay rồi thầy.

Sự bất ngờ làm tôi bất động, chỉ biết chăm nhìn vào mắt những đứa trẻ vừa đứng lên nói, những lời nói vừa mở tung bức màn che giấu một thảm kịch. Lớp học hình như không bị xao động một chút nào. Vài đứa định đứng lên nói thêm nhưng tôi ra hiệu bắt chúng ngồi xuống. Chúng yên lặng, khoanh tay, mở mắt chăm chú nhìn tôi, hình như chờ đợi tôi nói một điều gì về việc ba trò Dũng. Tôi nói gì được? Cái sự làm tôi khó chịu, bực bội nhất là nét thản nhiên trên mặt lũ học trò. Chúng đã quen với những sự này đến thế cơ ư?

Ðưa tờ giấy viết thư lên ngang tầm mắt, tôi nhìn chăm chú vào đó để tránh những đôi mắt ngây thơ, khờ dại và bình thản. Tờ giấy chưa có một chữ nào, đang mở dần thành một khoảng trời trắng, rỗng và xa vời. Tôi lấy lại sự thản nhiên bằng một ý nghĩ tàn nhẫn.

Giữa buổi học thì trò Dũng đến. Nó lững thững đi qua cổng trường, hai vai co lên một chút như bị lạnh. Nó không đá chân vào đám cỏ hoang cho những con châu chấu bay vụt lên như mọi lần, trong bộ quần áo đẹp nhất của nó, Dũng có vẻ trịnh trọng. Nó bước vào lớp và nói với tôi:

- Thưa thầy, con xin thôi học.

Dũng đưa ra một cái đơn, chữ viết nghiêng ngả.

- Con phải về tỉnh ở với bà nội.

- Ở đó có trường công không mà về?

- Dạ, thưa thầy, khỏi cần. Con không đi học nữa. Bà nội con ở làng, trồng khoai với bắp.

Tôi cúi xuống đọc lại tờ đơn, phân vân. Dũng nhìn tôi thật lâu rồi chợt quay xuống với các bạn nó, nó đi qua các dãy bàn để thanh toán mọi việc. Trả đứa này món nợ một đồng, cho đứa kia mấy viên bi, trao lại đứa khác chiếc xe hơi hỏng nhờ nó chữa. Công việc đó diễn ra không gây một tiếng ồn nhỏ nào. Lũ trẻ đã giữ được một sự yên lặng lạ lùng.

Dũng trở lại bàn cúi đầu thật thấp chào tôi rồi đi ra, lên phòng hiệu trưởng. Suýt nữa thì tôi mở miệng khuyên nó nên cố gắng chăm học.

Mười phút sau nó trở lại đứng ở cửa lớp học, hai tay nắm vào một bên khung cửa, tần ngần nhìn lũ bạn đang ngồi học, những ngón tay nhỏ của nó cong lại, vuốt nhẹ lên mặt gỗ.

Tôi hỏi:

- Lấy hồ sơ rồi chưa?

- Thưa thầy, lấy rồi, con chờ thầy trả bài thi.

- Bài thi?... à, bài thi toán ấy hả.

Tôi ra hiệu cho nó vào lớp và giở tập bài thi ra. Dũng hớn hở đứng cạnh tôi, chăm chú chờ đợi.

- Thưa thầy, hôm đó con làm đúng hết...

Và chợt nó reo khẽ:

- Ðây rồi... trời! mười tám điểm!

Bài thi nó làm hoàn toàn, chỉ hơi bẩn một chút.

Dũng nắm tờ giấy trong hai tay, nhìn chăm chú vào con số mười tám màu đỏ. Miệng nó, đôi má nó, đôi mắt nó đều chan hòa một nụ cười. Nó giương đôi mắt long lanh nhìn tôi rồi lại nhìn vào bài thi của mình. Rồi chợt nó nghiêng tờ giấy và nháy mắt với mấy đứa bạn ngồi ở bàn cuối cùng, kiêu hãnh mỉm cười với chúng. Nó cứ đứng lặng như thế để tỏ lộ tất cả sự hân hoan của mình. Tôi buột miệng nói:

- Bài này trò làm khá lắm.

Có lẽ chính câu khen của tôi đã làm cho trò Dũng phập phồng muốn khóc khi nó chậm chạp để bài thi xuống bàn. Tôi không đủ can đảm để nói một lời thân mến với nó.

Khi chào tôi lần cuối, Dũng cúi đầu thật thấp như muốn giấu tất cả sự thê thảm trên mặt nó vào đôi tay khoanh lại. Nó trở ra rất nhanh, đá bung mấy viên gạch trên sân trường, nhìn mấy cây nhỏ, mới được trồng ở đầu sân để cho lũ trẻ có bóng mát sau này. Rồi nó cúi đầu, ra khỏi cổng trường.

Dũng là đứa học trò độc nhất mà tôi mong cho nó chóng quên thầy, quên bạn...