Những đặc tính của sân khấu chèo (3)




Hình thức biểu hiện

(...) sự nghiên cứu hình thức biểu hiện của sân khấu chèo sẽ đặt căn bản trên những thành phần cơ bản của nó là ca và vũ (...)

1. Ca

Tuy ở gốc, thành phần này chỉ là những bài vãn ca hát trong những dịp tang lễ (...) nhưng lần lần, do nhu cầu biểu hiện càng ngày càng thêm phần phức tạp, thành phần ca một mặt phải tiếp thu thêm những làn điệu mới của dân gian với những sắc thái phong phú hơn, mặt khác phải tự phân hóa tùy theo diễn biến của tích truyện thành những hình thức mới mà giai điệu càng lúc càng trở nên linh động, tự do, đến độ nhiều khi trở nên lối nói thường như lối nói trong đời sống hàng ngày. Sự phát triển và phân hóa ở đây rõ ràng chịu ảnh hưởng của nhịp độ diễn biến của tích chèo khi thì trầm lặng đều đều, khi thì trở nên éo le ly kỳ, khi thì gấp rút, dồn dập, nhộn nhịp, tưng bừng, có khi như ngưng hẳn lại như người nghe chuyện ngưng thở đợi chờ biến cố...

Theo trình tự phân hóa bắt đầu tự ca, với những làn điệu lớn có giai điệu cố định, chúng ta nhận thấy những hình thức biến thái dưới đây.

Những làn điệu lớn

Dĩ nhiên ở sân khấu chèo, ca vẫn là phần chính. Người không có giọng tốt không thể trở thành một diễn viên chèo. Thành ngữ “nhất thanh nhì sắc” (nhất là giọng, sau mới đến sắc đẹp) trong tiêu chuẩn chọn lựa diễn viên sân khấu là một dẫn chứng cho nhận xét trên.

(...) những làn điệu lớn (...) bị đóng khung chặt chẽ trong những giai điệu cố định nhằm diễn tả rõ rệt từng trạng thái nhất định của nội tâm con người nên (...) thường không để cho diễn viên được tự do trong sự diễn xuất vai trò. Do vậy khi chèo đã thực sự trở thành một nghệ thuật sân khấu bắt buộc phải diễn tả đủ mọi sắc thái tâm trạng tế nhị của con người trong nhiều thế kịch phức tạp, thì những làn điệu lớn (...) thường chỉ được sử dụng trong những trường hợp trữ tình rõ rệt: hoặc vui hoặc buồn. Trong những trường hợp này, lời ca được coi như lời kể lể tâm sự mang tính cách độc thoại.

Trước kia mỗi điệu hát đều được bắt đầu bằng một phần nhỏ dẫn nhập gọi là vỉa, gồm một câu lục và một câu bát. Mỗi điệu hát có một phần vỉa riêng biệt với một giai điệu đặc biệt dành riêng cho điệu hát.(1)

Do vậy, theo dõi một buổi diễn chèo, chúng ta có cảm tưởng được nghe rất nhiều điệu hát.

Thật ra ở sân khấu chèo (số) những làn điệu lớn với giai điệu cố định cũng có hạn và có thể được phân ra làm hai loại chính là Xuân (vui) và Nam (buồn).

Trong loại Xuân (...) những làn điệu quan trọng, thường được sử dụng (...) (là) Hát Cách, Sa Lệch, Ðường Trường, Tam Tầng, Luyện Tam Tầng, Cắm Giá, Luyện Cắm Giá, Nhịp Một, Nhịp Ðuổi, Nhịp Chờ, Nhịp Dắt, Hát Sắp, Tiều Phu, Nồi Niêu...

Loại Nam tương đối ít hơn loại Xuân - do đặc tính hài hước của sân khấu chèo - có những làn điệu quan trọng được sử dụng nhiều như: Trần Tình, Làn Thảm, Ba Than, Ba Vãn, Thiết Tha...

Vì giai điệu có tính cách cố định nên những làn điệu lớn khi được hát lên thì dàn nhạc bắt buộc phải theo sát từng cung bực của giai điệu mà không chỉ giữ vai trò nhạc đệm hỗ trợ.

Văn sử dụng để cấu tạo lời ca là văn vần. Về thể thì ngoại trừ một vài trường hợp đặc biệt như trong điệu Chức Cẩm Hồi Văn, Cầm Thư Hạ Vị... số câu trong bài, số chữ trong câu đồng thời thanh của chữ, tất cả phải ăn khớp với giai điệu, còn thì trong đa số các làn điệu khác, thể văn sử dụng đều là thể lục bát hoặc chính thức hoặc biến thể.

Như đã trình bày ở trên, thành phần ca đơn thuần với những làn điệu lớn không thể đáp ứng được nhu cầu biểu hiện mỗi ngày một phức tạp. Nhịp độ uyển chuyển của diễn biến tích truyện buộc ca phải phân hóa và tùy theo trường hợp sẽ trở thành sử, nói lối, ngâm thơ, hoặc nói thường.

Sử

Có thể coi sử như là một lối hát nhưng giai điệu không mang tính cách cố định rõ ràng như trong những làn điệu lớn, người diễn viên khi sử dụng lối sử được tự do hơn là hát. Dàn nhạc không theo sát lời sử, âm nhạc lúc này chỉ là âm nhạc đệm, có tính cách hỗ trợ. Thường thường diễn viên dùng lối sử trước khi bắt đầu một làn điệu lớn. Do vậy sử có ba lối: sử Xuân mang tính cách vui vẻ, sử Nam mang tính cách buồn, và nếu phải hát những bài mang tính cách bi thảm thì người diễn viên thường bắt đầu bằng lối sử Rầu...

Trong vở Quan Âm Thị Kính khi bị nghi oan mưu sát chồng và bị đuổi ra khỏi nhà chồng, Thị Kính đã sử dụng lối sử Rầu trước khi hát bài Ba Vãn mang rõ tính cách bi thảm để kể lể tâm sự. Cũng trong đoạn đó, cuối cùng Thị Kính quyết định giả dạng làm con trai để đi tu. Tâm sự này cũng được diễn tả bằng một làn điệu mang tính cách bi thảm là bài Ba Vãn và trước khi hát bài này, Thị Kính cũng đã sử dụng lối sử Rầu.

___________
(1) Với phong trào “chèo cải lương”, vì chủ trương kịch hóa chèo cổ, Nguyễn Ðình Nghị đã bỏ hết những câu vỉa để cố gắng đem tính cách đối thoại vào những lời ca. Do vậy, lâu ngày người ta cũng đã quên hết những câu vỉa.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 137-141)