Ðây phác họa chân dung một cô gái Việt Nam trong thời kháng chiến: “Cô cầm trong tay một cuộn dây cháy chậm và một gói kíp nổ, nom dễ dàng như những người con gái ở làng vẫn quen cầm bó rơm khô ra đồng lượm lúa vào những ngày gặt hái (...) vừa nói vừa khoan thai bước lên hè, đứng ngang với tôi (...) Chuyên (...) lúc nào cũng như lúc nào, không gắt, không xẵng, nhưng xin đừng có mà lơ mơ (...) Một người chỉ huy rắn rỏi”.

Chuyên như thế không lạ lùng đâu, bởi văn hóa Việt Nam có truyền thống phụ nữ oai phong (xem bài “Oai như gái Việt”).

Chuyên oai khi làm nhiệm vụ, nhưng khi khác:
“Một cô gái dịu dàng (…) Ở bên em, tôi thấy mình trở nên thuần nhã”. Thì cũng chính là truyền thống Việt.

Chuyên rồi dũng cảm hy sinh. Buổi vĩnh biệt,
“Ráng chiều (...) nhuốm hồng những dải mây đang trôi bảng lảng (…) Trong trí nhớ của những người già, thuở xưa trai tráng trong làng (...) ngồi trên những chiếc dải yếm (...) mà vượt sông đi dẹp giặc (…) Những dải mây đang bay (kia) chính (...) là những dải yếm đào”...



Đỗ Chu, “Ráng đỏ” (6)




Tôi và Chuyên cùng men xuống dưới lòng khe. Nước đang luồn qua các tảng đá nằm ngổn ngang để chảy sang bên kia núi. Tôi nhảy xuống trước, dang hai chân đứng tấn trên một tảng đá đỡ lấy Chuyên, cô đỏ mặt, sợi dây bảo hiểm vướng víu ở sau lưng. Chúng tôi đặt một khối thuốc lớn ở giữa lòng khe, dưới gầm một khối đá to, còn khối kia đặt ở sâu hơn, phía trong khe, nơi mực nước thấp hơn ngoài cửa. Chuyên bện hai đầu sợi dây cháy chậm vào làm một, hai bàn tay làm trông rất khéo léo. Tôi bình tĩnh soát lại mọi việc một lần nữa, sau hết, tôi lại gần Chuyên, sửa lại dây buộc trên người cô và hỏi:

- Tốt chưa?

- Tốt rồi, anh lên đi!

Tôi gật đầu, do dự một lát rồi bám vào vách leo lên, đứng ở một chỗ có thể nhìn rõ Chuyên, rồi hô:

- Tất cả chuẩn bị. Ðốt mìn!

Tôi chồm người nhìn xuống lòng khe, tim đập như muốn nhảy ra khỏi lồng ngực. Ở dưới đó, Chuyên đang lúi húi mở bao diêm quẹt một que, lửa xòe ra rất nhậy, cô nhìn ngọn lửa cháy một lát rồi thổi phụt đi. Sau đó tôi thấy cô ngồi hẳn xuống, kẹp đầu dây cháy chậm vào hai đầu gối, xòe diêm, lại nhìn ngọn lửa cháy một lát rồi mới đưa vào đốt. Một làn khói nhỏ phụt ra trước mặt Chuyên, cô đứng bật dậy nắm lấy sợi dây bảo hiểm:

- Xong!

Dường như cùng lúc đó tôi cũng đập tay hô lên:

- Kéo!

Sau đó gần như tôi không còn thấy gì nữa ngoài hình ảnh một cô gái đang giơ hai tay nắm chặt lấy sợi thừng, người xoay tròn trong không gian và hai chân đạp mạnh mỗi khi bị đu vào vách đá. Chuyên lên gần tới đỉnh thì hai khối thuốc nổ bùng gần như cùng một lúc, làm trái núi rùng mình. Một đám khói đen tỏa ra lấp kín lòng khe, bụi đất và nước bắn tung tóe.

Ðặt chân xuống đất, Chuyên thoáng nhìn tôi rồi im lặng cởi sợi dây buộc quanh tấm thân gọn gàng của mình. Huân lại gần trầm trồ:

- Cừ thật, chị có thể trở thành một nhà thám hiểm được đấy!

Dưới chân chúng tôi, khói vẫn còn đang phủ kín nhưng tất cả những âm thanh của một thác nước đã vang lên. Ngoài xa, những con xoáy lớn đang lao tới cửa khe, những đám củi khô và lá mục cũng đang lềnh bềnh trôi theo...

*

Nước đã rút nhưng rải rác còn để lại những vũng bùn lỏng trộn lẫn với lá cây, xác thú vật. Chúng tôi lo sửa sang lán trại, nhà kho, và quan trọng hơn cả là tập trung sức người vào việc sửa đoạn đường qua Khe Cạn để xe có thể chạy được.

Ngày đi của cánh lái xe chúng tôi đã đến. Chiều hôm ấy, sau khi chuẩn bị đâu vào đấy rồi, tôi nằm khểnh trong buồng lái bồn chồn nghĩ đến Chuyên. Hôm qua gặp nhau ở trong kho cô ấy đã hẹn hôm nay nhất định sẽ ra bãi xe trước khi chúng tôi lên đường, vậy mà đến bây giờ vẫn chưa thấy tăm hơi đâu. Tôi túm lấy con Láu đang nhảy nhót ở bên cạnh, hỏi nó:

- Láu ơi, mày thử đoán xem cô ấy có ra với tao không?

Con Láu nhăn mặt nhìn tôi rồi nhảy tót lên vòng tay lái. Tôi lục dưới đệm xe lôi ra một chiếc mũ vải màu xanh mà Chuyên đã khâu tặng tôi, đường khâu rất khéo chỉ hiềm hơi chật một chút. Chợt nảy ra một cách đùa, tôi kéo con Láu xuống, chụp chiếc mũ vào đầu nó, lấy thêm một miếng vải dù bịt kín mắt rồi thả nó ra. Nó không nhìn thấy gì liền hét tướng lên, vừa chạy lung tung vừa lấy tay xé miếng vải bịt mắt. Tôi nằm bò ra mà cười. Vừa lúc đó, Chuyên xuất hiện ngoài cửa xe:

- Anh cười gì thế?

- Anh đùa với con Láu.

- Lại con Láu, bao nhiêu lần em đã bảo anh tống nó đi!

- Thôi em, nó cũng là một đứa mồ côi mồ cút.

- Nhưng nó đã lớn rồi, thả nó lên núi cũng được chứ sao?

- Nào nó có chịu đi cho.

- Gớm chưa - Chuyên bỗng đỏ mặt tức giận - Lại còn nhường cả mũ cho nó đội nữa kìa!

Tôi vội túm lấy con Láu, tước chiếc mũ rồi nhảy ra khỏi xe đuổi theo Chuyên. Cô nghe thấy tôi gọi ở phía sau nhưng vẫn không thèm quay lại. Ðuổi kịp Chuyên, tôi nói khẩn khoản:

- Ðừng giận anh, lát nữa anh sẽ để nó lại, ai muốn nuôi thì nuôi. Cái con khỉ ấy nó cũng láu tôm láu cá lắm, nhiều lúc đến là bực.

- Anh mà cũng bực à - Chuyên phì cười - Người đâu có người chơi với khỉ, ở ngoài nhìn chướng lắm. Anh có biết mọi người vẫn kể với nhau thế nào không, họ bảo cái con khỉ của ông Hàm!

- Kệ họ, anh nuôi nó thì họ gọi thế cũng được chứ sao. Ðược rồi, anh sẽ mang cho thằng Huân, cậu ấy hỏi xin mấy lần mà anh chưa cho.

- Em cấm đấy, đừng có tha cái của ấy về kho!

- Ừ thì thôi vậy, Chuyên nhìn anh đội mũ này.

Cô giận dỗi bỏ đi. Tôi đứng tưng hửng nhìn theo một lát rồi quay lại xe, khi đó anh em cũng đang gọi tôi. Gửi con Láu lại cho một người khác nuôi, tôi đánh xe đi. Chúng tôi phải mất một thời gian gấp đôi mọi lần mới chui ra khỏi dãy núi đá vì đường đất sau trận mưa rất tồi.

Nửa tháng sau, chúng tôi trở về Khe Cạn vào một đêm tạnh ráo. Bầu trời càng gần về sáng càng cao. Ẩn hiện sau những đám mây mỏng là vài ngôi sao nhấp nháy như bị ướt. Ðoạn đường chạy trong lòng khe đá đã khô hơn, những vách đá cao ngất đứng lặng im ở hai bên đường. Tôi muốn nói kỹ về lúc đó một chút. Trước khi vượt Khe Cạn chúng tôi đã cho xe dừng lại ở trạm gác đường đặt trong một cánh rừng già. Ðó là một cái hầm có cửa ra vào uốn theo đường cong của một rễ cây rất lớn. Chiếc xe của tôi đi đầu, đỗ ngay ở trước cửa hầm. Ánh đèn trong hầm hắt ra nom mờ mờ tỏ tỏ, nhưng tiếng chuông điện thoại thì nghe rất rõ. Có tiếng người phụ trách trạm gác đang nói chuyện với người ở đầu bên kia:

"Tôi bắt đầu thả "lưỡi cày" phải không, "lưỡi cày" bên ấy sẽ thả sau phải không... đúng, đúng, đúng".

Lúc lâu, một cái đầu trong cửa hầm ló ra:

- Ði được rồi, cố gắng chạy nhanh, nó vừa đến ném bom tọa độ ban nãy đấy!

- Ði nhé!

Tôi quay lại nói truyền xuống các xe sau, rồi bật đèn gầm tiến lên. Ðoàn xe bò vào con đường hẹp gồ ghề, những hòm đạn trên xe lắc mạnh, đôi khi qua chỗ đường gấp khúc, thùng xe uốn vẹo đi như người mang nặng bị vấp. Tới giữa Khe Cạn, nơi con đường chạy qua một vùng đất rộng, lửa vẫn còn đang cháy rừng rực trên những thân cây bên đường, tôi bỗng nghe có tiếng máy bay địch. Chúng từ bóng tối ập đến, thả pháo sáng rồi lao xuống bắn bừa bãi. Chúng tôi cứ cho xe chạy, biết mình đang lâm vào một tình thế rất khó xử. Một quả bom nổ tung ở phía trước, lửa bén lên mặt đường. Chúng vẫn chưa đánh trúng được đội hình của chúng tôi. Chiếc xe của tôi vừa lướt qua đám lửa thì một phát rốc-két nổ ngay trên đỉnh núi làm một tảng đá lớn đổ xuống cản mất đường đi của những chiếc xe sau. Tôi vừa cho xe chạy vừa nghĩ, thế là chuyến này mất không với chúng nó mấy xe đạn rồi. Bỗng tôi thấy hình như có chiếc xe nào ở phía trước bị lộ. Bọn địch đang gầm rú ở trên đầu, vội bỏ chúng tôi bay về phía đó. Ánh đèn pha quét lên trong đêm tối, ở xa nhìn xanh biếc. Tôi phanh xe kít lại, trố mắt nhìn. Giữa ánh chớp của bom và những vệt tên lửa đỏ lòe, ánh đèn đang di động mau lẹ, lúc sáng lúc tắt.

- Dũng cảm quá!

Tôi thầm kêu lên và vững tâm cho xe đi men qua một khúc đường nằm trên miệng vực. Ðoàn xe chúng tôi đã được cứu thoát trở về kho, khi trời sáng. Tôi thấy ruột gan sôi lên. Gặp một người trong kho ra, tôi hỏi ngay:

- Cô Chuyên có trong ấy không?

- Không thấy, tôi vừa mới ở Núi Khỉ sang.

Tôi vội vã cho xe lùi ra cửa kho, những người trong nhà im lặng đổ xô ra bốc hàng. Tôi không thấy có cái cảnh náo nức như những lần trước, khi chúng tôi đi xa về. Tôi còn đang đứng ngơ ngác thì một bàn tay nắm chặt lấy cánh tay tôi.

- Huân! - Tôi giật mình ngoảnh lại.

- Anh ra ngoài bãi xe ngay, chị Chuyên chị ấy đang chờ.

- Ở chỗ nào? - Tôi cuống lên.

- Ðể tôi dẫn anh đi - Huân dắt tay tôi, vừa chạy vừa kể - Ðúng vào lúc chúng tôi gác thì các anh vượt Khe Cạn. Thấy bọn địch đến chị ấy tức run lên, bảo tôi xem có cách nào cứu được hàng không. Tôi liền quả quyết là tôi biết lái xe, mà ở gần kho lúc ấy đang có một cái xe không, lại còn đủ cả hai pha. Thế là chúng tôi chạy về phía xe, tôi loay hoay một lúc mới cho máy nổ được. Tôi bảo chị ấy xuống nhưng chị ấy một mực không nghe, cứ đứng trên bậc cửa đòi chỉ đường cho tôi. Khi chạy đã xa kho, chị ấy giục tôi bật pha lên, ánh đèn làm tôi lóa mắt, tôi cứ theo con đường mọi khi cho xe lao ra ngoài bãi.

- Cô ấy bị thương à?

- Bị đạn hai mươi ly!

Tôi chạy muốn đứt hơi, trên đường gặp những ai và họ đã nói với tôi những gì tôi không còn nhớ nữa. Mọi người đã mang Chuyên vào trong hang. Thấy tôi, cô ấy nhận ra ngay:

- Anh Hàm, không ai chịu cho em uống nước.

- Em phải chịu khó nhịn, bị thương ai mà chẳng khát - Tôi ngồi xuống dỗ dành.

- Anh đừng buồn nhé, em không sống được nữa đâu.

- Sao em nói dại thế.

- Em vẫn đang tỉnh mà!

Ðôi mắt Chuyên sáng lên lần cuối rồi xỉu dần. Tôi nhẹ nhàng nâng cái đầu quấn đầy băng với mớ tóc dài lên tay, ngồi ngây ra đó, nghẹn ngào tự hỏi: những lời cuối cùng của em nói với tôi lại chỉ có thế thôi ư? Không, tôi biết em nói với tôi nhiều lắm, có điều tôi chưa thể nào hiểu hết ngay trong một lúc đấy thôi. Ngoài xa vẳng đến nhịp hò dô của một đám đông đang kéo gỗ bắc cầu, gió thổi xôn xao trong rừng, những cành cây đập lá vào nhau, đâu đây thoảng lên mùi nhựa cây thơm đắng, vị chua thanh khiết của trái nang rơi dưới gốc. Cửa hang sáng lên trong ánh nắng ban trưa và tiếng chân người, tiếng chân người bước đi âm vang trên vòm đá. Tôi vẫn im lặng nắm tay em, cổ tay em vẫn còn đang ấm. Chiều hôm đó, anh em lái xe và mọi người trong kho đều ra vĩnh biệt em. Tôi muốn nói, em hãy yên lòng, không có một ai là người xa lạ, không có giọng nói nào mà em không quen, không có đôi mắt nào khiến em phải ngỡ ngàng. Bấy giờ trên mặt đất, ráng chiều như một nỗi nhớ, lóe lên lấp lánh nơi đầu núi, nhuốm hồng những dải mây đang trôi bảng lảng và làm ửng lên khuôn mặt của mỗi người. Một đoàn xe đang từ trong rừng chạy tới, những tàu lá cọ cắm trên nóc xe xòe ra như những bàn tay vẫy chào. Ðấy là anh em chạy ở tuyến đường trong.

*

Nắng trưa xuyên qua lùm cây chiếu xuống bãi cỏ chúng tôi nằm. Bên con đường mòn chạy dưới bìa rừng, giữa những bụi tầm xuân mọc rải rác, một đàn chim liếu điếu vừa đỗ xuống kéo lê những cái đuôi dài trên cỏ và hót líu lo. Chợt xuất hiện sau bụi lồ ô chỗ chúng tôi đã giấu xe, một đoàn người, họ là những người lính bộ binh, đeo ba-lô, súng đạn, và hình như ai cũng gồng gánh trên vai. Một tiếng cười đang lan ra trong hàng quân kéo dài đó. Chúng tôi cùng nhỏm dậy nhìn họ. Tôi nói với Hàm:

- Mình sẽ viết lại câu chuyện này, tất nhiên, nhưng nếu không kịp thì mình sẽ kể lại cho những người đầu tiên mà mình gặp ngoài mặt trận. Còn xa nữa không nhỉ?

- Mặt trận à, không còn xa nữa đâu. Này, anh hãy nằm hẳn xuống. Và chúng tôi cùng dán mình xuống cỏ, áp tai lắng nghe. Dưới lớp cỏ mượt mà, đất đang rung lên từng hồi giận dữ. Mắt chúng tôi gặp nhau:

- Bom?

- Không, pháo đấy, anh chưa biết à, những khẩu pháo lúc cần có thể bắn thẳng, mai anh sẽ thấy.

Có tiếng một chiếc cánh quạt bay vo vo trên đầu. Hàm không thèm nhìn lên, anh vặt một nắm cỏ, giọng điềm tĩnh:

- Tụi nó đi thám thính đấy.

Huân cũng đã tỉnh ngủ từ lúc nào mà tôi không biết, cậu ta vùng dậy, hai mắt đỏ ngầu:

- Oi quá, tôi xuống suối tắm đây, anh cùng đi với tôi chứ?

- Tôi muốn nằm thêm một lát nữa.

Huân vơ chiếc khăn mặt rơi trên cỏ, nhét vội vào túi rồi vừa đi vừa huýt sáo. Tôi thấy nhạt miệng vì thiếu một điếu thuốc. Nhấm một sợi cỏ đắng, tôi miên man theo đuổi những ý nghĩ riêng của mình. Ðúng ra thì phải nói là tôi đang đợi chiều đến.

Câu chuyện về cái ráng đỏ ấy là như thế nào nhỉ? Nó là một truyền thuyết hay là một câu chuyện thần thoại nào ai đã biết.

Tôi nghĩ đến một miền đồng bằng vào mùa gặt hái, từng thảm lúa được cuốn dần về phía chân trời, để phô ra những cánh đồng đất nâu và những đống rạ thoạt trông có dáng như đám người đang ngồi thu lu bên nhau. Những chiếc nón lấp loáng trong nắng chiều và một bến sông ồn ã tiếng gọi nhau, tiếng cười, tiếng sóng vỗ. Trong trí nhớ của những người già, thuở xưa trai tráng trong làng đã từng ngồi trên những chiếc dải yếm và những chiếc nón như thế mà vượt sông đi dẹp giặc. Nhìn những dải mây đang bay đấy, chính nó là những dải yếm đào, chính nó là những mê nón. Các bà cụ làng ta xem ráng của mỗi buổi chiều để đoán hướng đi của người thân và đoán tin vui mà họ nhắn về.

Nhưng thôi, hãy khoan nói đến những chuyện đó, giờ đây sự kỳ diệu là cái ráng đỏ ấy vẫn đang hiện ra với những người chiến sĩ chúng tôi trong mỗi buổi lên đường.


Tháng 1 năm 1969