Lê Ngân Giang, “Nụ tầm xuân”








Tiết văn sáng hôm ấy, bỗng dưng cô giáo cao hứng hát tặng học trò bài Nụ Tầm Xuân của nhạc sĩ Phạm Duy, phổ thơ Lê Luynh. Cô vừa hát dứt lời, nhỏ Hân reo to: “Cô, nhà em có nguyên giàn hoa tầm xuân đó cô”.

Cả lớp nhao nhao; đứa đòi đến nhà Hân xem hoa tầm xuân đẹp cỡ nào; đứa không tin miền Nam cũng có hoa tầm xuân; đứa đã đến nhà Hân rồi thì bảo đó chính là hoa đậu biếc. Nhỏ Hân nói chắc như đinh đóng cột: “Giàn hoa nhà em là hoa tầm xuân vì nó có màu y hệt như câu thơ cô vừa mới ngâm: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em có chồng rồi anh tiếc lắm thay…”. Cô giáo thú thật mình cũng chưa thấy hoa tầm xuân bao giờ nên không dám khẳng định. Thế là suốt buối học hôm đó, nhỏ Hân bị cả lớp trêu đến phát khóc.

Chiều về, nhỏ Hân ôm cặp bước đi mà mặt cứ cúi gằm, buồn thiu, hắn thấy tội tội, liền từ bỏ lời rủ rê đi đá banh bàn của đám bạn quỷ sứ, lò dò đi bên cạnh nhỏ. Hân cảnh giác, không hé răng nói một lời, cũng chẳng thèm nhìn mặt hắn, có lẽ nhỏ sợ sẽ bị chọc quê tiếp. Hắn biết Hân đang nghĩ gì nên vừa buồn cười vừa thấy thích thích, nên cứ im lặng đi bên nhau. Về đến gần nhà, Hân chịu hết nổi, quay qua quát: “Làm gì theo tôi vậy?”. Hắn hết hồn, bối rối nhìn Hân, ấp úng: “Mình… mình… muốn qua nhà Hân xem nụ tầm xuân!”. Hân tức giận: “Vừa phải thôi nha!”. Hắn phân trần: “Không, mình không có ý chọc Hân. Mình tin đó là nụ tầm xuân và muốn xem!”. Hân nhìn hắn dò xét: “Thật không đó!”. Hắn gật đầu lia lịa. Thế là Hân cho phép hắn theo về nhà, dù vẫn còn nghi ngờ, dò xét.

Tới nhà, Hân chỉ lên giàn dây leo xanh um điểm những bông màu tím đậm, mà nhiều người thường gọi là hoa đậu biếc. Quả thực, màu tím của loại hoa này rất lạ, dường như là màu xanh dương đậm pha quyện với màu tím than, hèn chi mà nhỏ Hân cứ khăng khăng bảo đó là màu “xanh biếc”. Nghĩ vậy nhưng hắn vẫn cố nài nỉ xin nhỏ hạt giống về ươm. Nhỏ Hân khoái chí ra mặt vì có người tin mình.

Từ hôm đó, ngày nào vào lớp hắn và Hân cũng nói về nụ tầm xuân. Sáng sáng hắn chăm chỉ tưới tắm giàn đậu biếc, săm soi chờ đợi những dây leo lên giàn, trổ hoa. “Nhưng sao lâu quá…”, hắn than thở và đề nghị vài ngày Hân cho hắn ghé lại nhà ngắm ké giàn hoa “tầm xuân” cho… đỡ ghiền. Nhỏ Hân nghe vậy lại càng vui vẻ, vô tư tiếp hắn.

Tốt nghiệp lớp 12, hắn và Hân ít gặp nhau. Mỗi lần nhớ nhỏ, hắn lại ra thăm giàn tầm xuân giờ đã phủ kín dây leo, từ nách những chiếc lá non xanh đã có vài chiếc nụ he hé. Sắp có hoa rồi, hắn sẽ rủ nhỏ Hân qua nhà cùng ngắm hoa nở, chờ trăng lên… Hắn mong ngày đó mau đến.

Rồi những nụ hoa cũng nở ra tím biếc, hắn vui mừng hớn hở chạy một mạch tới nhà Hân. Trong chiếc váy trắng nhẹ nhàng, Hân đón hắn, mỉm cười; Hân xinh quá! Hắn chưa kịp nói gì thì nghe tiếng xe sau lưng, một người con trai vừa tới. Hân chạy đến nắm tay người ấy giới thiệu: “Đây là chồng sắp cưới của Hân, hai tháng sau tụi này tổ chức cưới. Hân sẽ mời cả lớp, nhớ đi nha!”. Hắn chới với, cố gượng cười với người đó. Hân hỏi: “Tìm Hân có gì không?”. Hắn chết đứng, lắp bắp: “Mình… mình có việc đi ngang qua nên… nên… ghé hỏi Hân ôn bài để thi đại học chưa?”. Hân đỏ mặt: “Hân không thi đại học. Phải lo đám cưới nè!”. Hắn chẳng biết nói gì thêm, đành chào hai người rồi về, lòng buồn rười rượi.

Những năm trọ học ở thành phố, thỉnh thoảng ngang qua nhà ai có giàn hoa đậu biếc, hắn đều dừng lại, nhìn vào hồi lâu, chẳng biết mình tìm ai, tìm gì. Hắn lại nhớ tới câu thơ cô giáo ngâm nga ngày nào: “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc, em có chồng rồi anh tiếc lắm thay…”.


(Trang
baomoi.com)