Khuyết danh, “Xanh biếc giậu tầm xuân”








(...) có một lần, cách đây gần 20 năm tôi đến một vườn hoa kiểng ở ngoại ô thị xã Long Khánh (Đồng Nai). Trong lúc rảo tìm một gốc mai, tôi đã bắt gặp một cây hoa cao chừng 2 tấc, lá hao hao như lá cây đậu phộng, đang nở một hoa với màu xanh tím thẫm rất đẹp, nhưng lại bị vứt ngả nghiêng sát bờ rào. Hỏi là hoa gì, chị chủ vườn cười nửa môi: “Đó là hoa dại mà anh, làm gì có tên. Nó dính trong chậu mai nhập về, mấy đứa nhỏ móc ra vứt đấy”. Tôi nói đùa: “Nếu được về vườn nhà tôi, chắc nó sẽ có một cái tên như mọi loài hoa khác”. Chị chủ vườn hỏi nhanh: “Anh sẽ gọi tên là gì?”. Tôi lại trả lời nửa đùa, nửa thực sau phút giây lén nhìn sâu hơn đôi mắt của người phụ nữ đứng trước mình: “Nó sẽ được gọi là hoa Hất Hủi”. Chị chủ lườm, làm ra vẻ không vừa lòng: “Như thế thì em không cho anh mang về”.

Lúc đầu “Hất Hủi” được trồng trong một chậu đất nung, nhưng càng về sau thấy nó càng ra nhiều hoa, hạt già rớt tới đâu mọc tới đấy, lại là loài dây leo nên tôi chuyển dần ra bờ rào. Thế rồi một hôm, cách đây ít cũng 14-15 năm, một chị bạn quê Thanh Hóa đang công tác tại Hà Nội ghé thăm vườn nhà tôi. Vừa thấy bờ rào xanh tím thẫm hoa Hất Hủi, chị bạn nói như reo: “Anh có giậu tầm xuân đẹp quá!”.

Làm sao tôi có thể nói hết niềm hạnh phúc khi bất ngờ được nghe câu nói ấy. Hạnh phúc không vì được khen có giậu hoa đẹp mà vì được nghe hai tiếng tầm xuân. Trong câu chuyện về tầm xuân ở quê mình, chị bạn nói: "Ngày xưa ở Thanh Hóa rất nhiều nhà có giậu tầm xuân. Không được trồng cũng chẳng tưới tẩm gì, mùa nắng hạt tầm xuân khô, rơi xuống bờ giậu, mùa mưa cây mọc lên và cho hoa. Cứ như vậy. Ở đồng bằng sông Hồng cũng có tầm xuân, nhiều nơi ngoài ấy tầm xuân còn được gọi là hoa đậu biếc”.

Những thực tế từ chị bạn đã làm thay đổi nhiều điều mà tôi đã nghe, đã đọc. Rất có thể tầm xuân thuộc họ hàng nhà đậu (Fabaceae) chứ không phải nhà hồng (Rosaceae) như nhiều người đã khẳng định xưa nay. Là loại dây leo còn nguyên chất hoang dã, tầm xuân rất dễ ra hoa và cho hoa quanh năm, sáng nở trưa tàn. Quả tầm xuân tựa như đậu cô-ve nhưng dẹp vì hạt mỏng.

Xin cám ơn chị chủ vườn hoa kiểng ở Long Khánh và chị bạn ở Hà Nội. Một người đã cho tôi gặp Hất Hủi và một người đã khẳng định Hất Hủi chính là Tầm Xuân. Như thế là từ mười mấy hai chục năm trước, vườn nhà tôi đã có cả một giậu xanh biếc loài hoa mà mình đã viết và gọi tên rất nhiều lần vào cái thuở mới biết nói hai tiếng yêu em (...)


(Trích bài đăng trên trang
laodong.com.vn ngày 6 tháng 2-2011. Bài ký tên Ba Thợ Tiện.)