Theo Nguyễn Xuân Kính, “ở đồng bằng Bắc bộ (...) chưa tìm thấy hoa tầm xuân màu xanh (...) nếu (...) có (...) cũng không (...) phổ biến (...) hoa tầm xuân (thường) màu đào hay trắng nhạt”. Ông bảo bài ca dao rất nổi tiếng này “có nhiều khả năng ra đời (...) ở đồng bằng Bắc bộ”, rồi bàn: “đây màu hoa xanh biếc hàm nghĩa là nó không có trong thực tế, là ngang trái, là trớ trêu giống như cảnh ngộ chàng trai”.(3) Cái ý kể cũng hay. Sực nhớ một bài ca dao cũng rất nổi tiếng khác: “Trên trời có đám mây xanh, ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng...”. Mây ba màu “không có trong thực tế”, vậy “Ước gì anh lấy được nàng / Để anh mua gạch Bát Tràng về xây” cũng là ước hão huyền chăng? Tưởng trong cả hai trường hợp, hoặc là thế, hoặc những màu sắc lạ lùng kia thực ra không có ý nghĩa gì đặc biệt cả mà chẳng qua thuộc vào một cái lối mở đầu thơ bằng vài câu bâng quơ, ngộ nghĩnh... Đã tạm nghĩ vậy, nhưng rồi một hôm đọc thấy ở Thanh Hóa có một thứ hoa cũng tên là tầm xuân và hoa này thì xanh biếc.(4) Hay là, rút cuộc, ai đó xưa kia đã “trèo lên (một) cây bưởi” ở Thanh Hóa chứ không phải ở đồng bằng Bắc bộ? (Thu Tứ)



Ca dao, “Trèo lên cây bưởi...”




Tầm xuân là đây:







hay là đây:






Trèo lên cây bưởi hái hoa,
Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân.
Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc,
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
- Ba đồng một mớ trầu cay,
Sao anh không hỏi những ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng,
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu, biết đâu mà gỡ;
Chim vào lồng, biết thuở nào ra!