Để độc giả tiện tham khảo, sau đây là hai họa tiết trên trống đồng Ngọc Lũ. Ảnh do doremon360 chụp.








Phan Đăng Nhật, “Về chức năng của trống đồng”



Người Mường gọi trống đồng là khâu, trống là klổng. Vì vậy bên cạnh tên gọi trống đồng tôi có dùng từ khâu. Sẽ xin lý giải kỹ sau.

Về chức năng của khâu / trống đồng, đã có ý kiến của các tác giả sau đây: Nguyễn Vĩnh Cát, Tạ Đức, Vũ Ngọc Khánh, Nguyễn Tá Nhí, Dương Đình Minh Sơn, Cao Khắc Thuỳ, Đôn Truyền, Anh Tú...

Việc tập hợp tài liệu trên chưa được đầy đủ, tuy nhiên có thể khái quát là về vấn đề chức năng của trống đồng có hai luồng ý kiến chính: một là nhạc cụ và hai là vật thiêng.

Vấn đề không chỉ dừng ở lý thuyết mà còn có vai trò chỉ đạo hành động nghi lễ, trong đó có việc mà có tác giả gọi là “giã” trống đồng, tiêu biểu là “giã” ở hội đền Hùng.

Bài này xin góp ý kiến nhỏ về vấn đề vừa nêu.

Phương pháp tiếp cận ở đây là:

- Xét chức năng của trống đồng trong sự biến thiên của lịch sử, gồm ba thời kỳ: thời kỳ Việt - Mường chung, thời kỳ ảnh hưởng văn hoá Hán (tức là đã bắt đầu có quá trình tách riêng Việt và Mường), thời kỳ hậu ảnh hưởng văn hoá Hán cho đến cận đại. Các thời kỳ này không đứt đoạn mà còn có ảnh hưởng kéo dài về sau.

- Chúng tôi không chỉ khảo sát ở người Kinh mà ở cả các dân tộc anh em, đặc biệt là người Mường.

I. Chứng tích ngôn ngữ

1.Tiếng Mường gọi tất cả các thứ trống là klổng, riêng trống đồng là khâu. Sự phân biệt này trong ngôn ngữ bắt nguồn từ thời kỳ Việt - Mường chung, chưa có ảnh hưởng văn hoá Hán. Và như vậy đương nhiên, người Việt thời Việt - Mường chung cũng gọi trống đồng là khâu, phân biệt với klổng (trống).

Người Mường là đồng chủ bản quyền và chủ sở hữu về khâu. Số lượng trống đồng ở vùng Mường khá nhiều. Hơn nữa, nhà dân tộc học (...) Từ Chi (...) đã có công trình nghiên cứu rất công phu và nổi tiếng về cạp váy Mường (...) chứng minh người Mường cận hiện đại là chủ bản quyền (...) hoa văn trên đầu váy, mà đây chính là phiên bản của hoa văn trên trống đồng / khâu (...)

Sử thi - mo Đẻ Đất Đẻ Nước, mà một số nhà khoa học cho là sử thi Việt - Mường, di sản từ thời văn hoá Việt - Mường chung, đã kể về khâu như sau:

Đời vua Dịt Dàng, đã đủ giàu sang và quyền uy nhưng chưa có khâu, vua sai người xuống ông vua nước “Đi mượn khâu đồng”, làm mẫu, đem về tổ chức đúc khâu. Vua sai giã đất làm khuôn, lấy củi nung, rồi đổ đồng ra. Nhưng “Đổ một lần không ra. Đổ ba lần không bén.” Chắc là có ma phá, nên Vua bảo các em Cun Khương, Cun Vống niệm chú, phù phép để trừ ma. Sau đó việc đúc khâu có kết quả:

Đánh bốn buổi đã xong
Đổ đồng đổ khâu đã bén
Đổ một lần đã ra
Đổ ba lần đã được
Đúc nên khâu lớn
Đúc nên khâu nhỏ

Vua Dịt Dàng vui mừng, cho lựa chọn, khâu nào tốt thì cất vào kho, khâu nào xấu đem đi bán.


(...)

2. Tiếng Việt trong quá trình tách riêng tiếng Mường, chịu ảnh hưởng tiếng Hán đã chuyển sang gọi khâu là trống đồng, chắc hẳn từ này được dịch từ tiếng Hán “đồng cổ” sang. Và trong vốn từ vị Việt từ bấy giờ, mất từ khâu.

3. Đến thời kỳ hậu ảnh hưởng Hán, người Mường chịu ảnh hưởng tiếng Việt nên vừa có “khâu” vừa có “trống đồng”. “Khâu” chỉ có trong lớp già, còn người trẻ không biết nó.

Tóm lại về mặt ngôn ngữ, chúng ta vốn không có từ “trống đồng”, một danh từ xếp trống đồng vào loại khí cụ để đánh, từ này có thể bắt nguồn từ “đồng cổ”, đến với sự ảnh hưởng văn hoá Hán. Trước đó chúng ta có khâu, khác với trống, không giống như trống, không hàm nghĩa khí cụ để đánh.

II.Chứng tích ở các lĩnh vực văn hoá khác

1.Chứng tích vào thời kỳ đúc trống đồng, tức là hoa văn hoạ tiết, hiện thấy trên trống đồng cổ loại Hêgơ I.

Có người cho rằng trên trống đồng cổ có hoạ tiết người đánh trống đồng. Người đánh dùng một thứ gậy / que to và dài, đâm, chọc thẳng vào mặt trống (đề nghị xem hình (...) tr.168 và tr.176 sách Những trống đồng Đông Sơn đã phát hiện ở Việt Nam của Nguyễn Văn Huyên và Hoàng Vinh, Viện Bảo tàng Lịch sử Việt Nam xuất bản năm 1975) (...)

Có mấy điều cần xem xét về các hình trên:

- Bốn vật giống hình hũ úp xuống đã hẳn là trống đồng chưa? (...)

- Động tác của bốn người ngồi đã là đánh chưa?

- Họ có đánh vào trống không?

- Ở người thứ hai, hình 4, hình như có một cái cây, không phải gậy, người thứ tư, cũng gần giống như thế, phải chăng là hai người trèo cây?

- Không gian của bốn người ở phía trên và không gian của bốn vật ở phía dưới có phải là một không, hay là hai khoảng không gian riêng biệt?

Nếu các câu hỏi trên không được trả lời theo chiều thuận thì, vào thời kỳ khởi nguyên, sinh hoạt đánh trống đồng và đánh theo kiểu đâm / chọc vào mặt trống, chưa được chứng minh .

2. Thời kỳ ảnh hưởng văn hoá Hán, tách riêng Việt và Mường, trống đồng chuyển thành một nhạc khí gõ, tiêu biểu nhất là trường hợp (đánh trống vào dịp tiếp sứ Tàu) Trần Phu, đồng thời nó cũng là một vật linh được thờ cúng, tiêu biểu là (việc thờ) thần Đồng Cổ.(1).

Ở người Mường trống đồng / khâu cũng được thờ cúng. Theo J.Cuisinier, trong sách Người Mường (bản gốc in năm 1946) (...) trống đồng là một vật thiêng được cất dấu kín, khi có đám ma của lang đạo mới được đưa ra dùng. Khi đưa ra phải có mâm cỗ cúng thần.(2)

3. Thời cận hiện đại, Bùi Thiện viết, khi múa, họ dùng que bằng cây sậy thả sức đâm chọc theo nhịp múa “phải chăng là sự bực tức, uất hận của con người đối với mặt trời nên diễn tả như thế” (Bùi Thiện: bản thảo, lưu ở hồ sơ Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam, chưa xuất bản)

Tác giả Cao Khắc Thuỳ có kể về đánh trống đồng ở hội Đền Hùng. Sau đây là ý kiến của ông : “Về cách đánh của đội đánh trống đồng huyện Thanh Sơn, theo tôi biết, đây là nhịp điệu của chàm đuống (giã gạo), đâm ống trong sinh hoạt xã hội của dân tộc Mường, đem áp dụng vào đánh trống đồng mà thôi. Đó không phải là cách đánh trống đồng truyền thống. Đánh theo kiểu ấy đúng là “giã” trống đồng... Nếu nơi nào có trống đồng cũng đem ra “giã” kiểu này thì chẳng bao lâu sẽ phá hết di sản quý báu đó”.(3)

Tác giả Anh Tú cho biết thêm một hình thức đánh trống đồng hiện đại nữa: “Đêm qua, tại Nhà hát Lớn thành phố có chương trình “Tuần lễ văn hoá ASEAN”, khi đến tiết mục của đoàn Việt Nam, tôi thấy hình ảnh trống đồng với một đội diễn viên nam tay cầm gậy đỏ với động tác, không phải là giã, mà là động tác như trong tiết mục múa đâm trâu khi đi vòng quanh trống đồng, đã làm tôi chạnh lòng xót xa”.(4)

Tóm lại, vào thời khởi nguyên, khi đúc trống đồng Hê-gơ I, hoạ tiết trên trống đồng chưa đủ thuyết phục là trống đồng được dùng để đâm, chọc. Đến thời kỳ ảnh hưởng Hán có chứng tích chứng tỏ trống đồng là vật thiêng, được thờ cúng, đồng thời là một khí cụ để đánh. Hiện tượng này có liên quan đến việc xuất hiện từ đồng cổ (trống đồng) thay từ khâu trong tiếng Việt - Mường chung.

Như vậy, việc giã trống đồng từ xưa không có, mới phát sinh từ một số năm gần đây, “là nhịp điệu của chàm đuống (giã gạo), đâm ống trong sinh hoạt xã hội của dân tộc Mường, đem áp dụng vào đánh trống đồng mà thôi. Đó không phải là cách đánh Trống Đồng truyền thống.”

Kết luận và kiến nghị

Xét theo lịch sử, tên gọi của khâu / trống đồng và việc sử dụng nó có những biến thiên:

1. Thời kỳ Việt - Mường chung, đối tượng đang bàn đến có tên là khâu, không được xếp vào loại trống, về quan niệm, không phải là dụng cụ để đánh như trống (trống là klổng). Sau khi ảnh hưởng văn hoá Hán, khâu được chuyển thành trống đồng, có lẽ từ danh từ Hán - Việt “đồng cổ” sang.

2. Về việc sử dụng, có một hoa văn trên khâu / trống đồng, (thường) được (các nhà khảo cổ) ghi là đánh trống đồng (..) gợi ý (...) người ta đâm / chọc trống đồng. Điều này chưa được chứng minh (...)

3. Đến thời hiện đại, xẩy ra việc giã trống đồng, đâm trâu trống đồng. Việc làm này không có căn cứ lịch sử, mà (hình như chỉ) là sự (bắt chước động tác) chàm đuống, đâm trâu của người Mường (...)


(Theo trang
vanhien.vn. Nhan đề đầy đủ của bài này là "Bàn góp về chức năng của trống đồng Đông Sơn")





_____________
(1) Có tác giả cho rằng tiếng trống mà Trần Phu hoảng sợ là trống đồng ngũ liên mặt chữ nhật, khác với trống Đông Sơn. Tác giả tả trống ngũ liên như sau: “Trống ngũ liên có mặt hình chữ nhật, dưới mặt trống này là hình máng nước, thủng hai đầu, có năm mặt tròn liền nhau, mỗi mặt trống có mặt tròn ở giữa, to nhỏ khác nhau mà âm thanh phát ra cũng khác nhau. Trống này dùng cho quân đội lúc xung trận, còn trong nhân dân cũng dùng loại trống này để tập hợp lực lượng chống giặc cướp, cứu hoả, hộ đê và những tình huống khẩn cấp khác” (Nguyễn Văn Tằng, "Một số loại trống đồng của dân tộc Việt Nam", tr.113).
(2) J.Cuisinier:
Người Mường, bản dịch, nxb Lao Động, VN, 1995, tr. 157-159.
(3) Cao Khắc Thuỳ: "Đánh Trống Đồng ở hội Đền Hùng", tr.79.
(4) Anh Tú: "Cảm nhận sau khi đọc “Hình ảnh giã trống đồng không có trong sử sách” của Dương Đình Minh Sơn",
Người Hà Nội Mới, số 33, ngày 13-8-2004.