Lạ. Nếu quả thực các nhà nho đã “sáng tạo ra những mẫu người phụ nữ” trong chèo, thì tưởng những “mẫu” ấy phải ăn ở theo lối phụ nữ bên Tàu chứ. Nghĩa là “cấm cung”, nghĩa là “nam nữ thụ thụ bất thân” chứ. Theo những tiêu chuẩn của văn hóa Trung Quốc, cái việc mà Châu Long đã làm trong Lưu Bình Dương Lễ là tuyệt đối không thể nào chấp nhận được, nói chi đáng đề cao! Châu Long không Tàu, Châu Long rất Việt! Nếu nho “nặn” ra Châu Long, thì nho đã nặn theo tinh thần của cái văn hóa ngay xung quanh mình, chứ không phải theo “đạo” của thánh hiền đâu đâu. Còn như Thị Kính trong Quan Âm Thị Kính, thì dĩ nhiên chẳng dính líu gì đến Khổng Tử... (Thu Tứ)



Những đặc tính của sân khấu chèo (2)




Bản chất (tiếp theo)

Ðặc tính thứ nhì là hài hước.

Có thể nói rằng tiếng cười là phương tiện truyền thông chính yếu của sân khấu chèo.

Tiếng cười có thể dễ dãi hồn nhiên, cười chỉ để mà cười. Tiếng cười cũng có thể có ngụ ý châm biếm, khi thì dí dỏm, nhiều khi trở nên ác liệt nhất là lúc nhằm vào mục đích chế giễu những thói rởm, tật xấu, những kẻ đạo đức giả, những tên cường hào ác bá, tham quan nhũng lại, mà viên lý trưởng trong vở Quan Âm Thị Kính là một nhân vật điển hình. Hắn tự giới thiệu:

“Tại dân vị tổng lý
Quốc pháp vị công hầu (1)
Ơn dân xã thuận bầu
Tôi đứng đầu hàng xã
Việc binh lương thuế lệ nay đà thanh thỏa
Tính tôi hay trịch thượng ở trong làng
Chẳng ai dám bàn ngang
Xoay chúng dưới kiếm ăn cũng khá.”


Hài hước như vậy là một đặc tính rõ rệt của sân khấu chèo. Ðặc tính này gần như là một điều kiện cần thiết. Ðến nỗi có nhiều tích truyện mang rõ tính chất bi đát - như tích Quan Âm Thị Kính chẳng hạn - khi xuất hiện trên sân khấu chèo đã được “chèo hóa”, pha trộn quá nhiều yếu tố trào phúng đến độ tính chất bi đát của tích truyện đã bị lu mờ. Cũng như đặc tính tự sự, đặc tính hài hước đã ảnh hưởng trực tiếp vào sự cấu tạo vở chèo. Một vở chèo bắt buộc phải có những đoạn hài hước và những nhân vật hài hước. Những nhân vật mang tính cách hài hước này hoặc là những nhân vật mà tác giả đã cố ý làm thành lố bịch (như vai lý trưởng, vai Sùng ông, vai phú ông, và cả cái hội đồng kỳ mục trong làng mà thành phần chỉ gồm những ông đồ điếc, hương câm và thầy bói mù) hoặc là những vai hề mà tác giả trao cho cái nhiệm vụ tích cực chế giễu. Loại nhân vật sau, những vai hề, thường là những nhân vật phụ - tiểu đồng, người làm, lính hầu, tên mõ trong làng... - nhưng lại vô cùng quan trọng, không thể vắng mặt trên sân khấu chèo: một gánh chèo không thể đứng vững nếu không có một vài diễn viên có khả năng thủ vai hề.

Trong vở Quan Âm Thị Kính, cái nhiệm vụ khó khăn và phức tạp mà soạn giả đã trao cho vai mẹ Ðốp - vợ một tên mõ - đã nêu rõ tầm quan trọng của vai hề. Một mặt mẹ Ðốp phải bằng điệu bộ, giọng nói, giọng hát, nét mặt, nghĩa là phải sử dụng mọi yếu tố của nghệ thuật diễn xuất với mọi sắc thái dí dỏm, chua ngoa, đanh đá, gây được tiếng cười trong đám khán giả; mặt khác nhân vật này lại còn phải một mình đương đầu, đối phó với tất cả uy quyền của làng mà viên lý trưởng và toàn thể hội đồng kỳ mục là những nhân vật đại diện, đương đầu và đối phó để rút cuộc vẫn phải thủ thắng: rút cuộc những nhân vật trên mặc dầu là hàng chức sắc trong làng đã bị một nhân vật tiêu biểu cho “chúng dưới”, vợ một tên mõ - nghĩa là vợ một tên cùng đinh trong làng - chế giễu, khóa miệng, đến trở thành thụ động, lố bịch.

Thêm vào đó là cái khung cảnh nông thôn nhỏ bé của tích truyện - nơi sân đình, quán trọ, một căn nhà lá ba gian hoặc sang trọng nhất là công đường của một tri huyện... - những nhân vật phần đông thuộc giới trung lưu hay bình dân - ông đồ, học trò nghèo, ông sư, chú tiểu, lính lệ, tên mõ (2), thêm vào đó là cái chung cuộc diễn biến của tích chèo bao giờ cũng phải phù hợp với ước vọng tha thiết luôn luôn tiềm tàng trong tâm thức của người khán giả bình dân là ác giả ác báo và ở hiền gặp lành, chung cuộc bao giờ cũng là lối kết có hậu, những yếu tố trên quy tụ quanh đặc tính hài hước đã dẫn đến một kết luận: những vở chèo là những vở hài kịch - mặc dầu trong nhiều vở không thiếu những cảnh bi thảm đau thương, và có những tích chèo ở nguyên tích đã mang rõ ràng tính chất bi đát.

Ðặc tính cuối cùng thật ra chỉ là một điểm thuộc về phần nội dung của những vở chèo. Nhưng bởi có hiện diện trong hầu hết những vở chèo lớn nên cũng có thể coi như một đặc tính của bản chất của chèo. Ðặc tính này là giáo dục phụ nữ. Chúng ta đã nêu rõ nguyên nhân phát sinh ra điểm giáo lý này, đó là sự tham gia của các nhà nho vào sinh hoạt sân khấu chèo. Nhân vật chính trong những vở chèo lớn - thường được sáng tác bởi các nhà nho - là người phụ nữ. Quan niệm văn dĩ tải đạo của các nhà nho đã là quan niệm chỉ đạo cho họ sáng tạo ra những mẫu người phụ nữ với những đức tính tốt đáng noi theo: Châu Long trong Lưu Bình Dương Lễ, Thị Kính trong Quan Âm Thị Kính, Thị Phương trong Trương Viên, người vợ kế trong Tôn Trọng Tôn Mạnh, Cúc Hoa trong Tống Trân Cúc Hoa và những mẫu người phụ nữ với những nết xấu phải diệt trừ, phỉ nhổ: Thị Mầu trong Quan Âm Thị Kính, người vợ của Chu Mãi Thần, Thúy Vân trong Kim Nham v.v.

____________
(1) Trong dân thì trọng tổng lý, phép nước trọng công hầu.
(2) Hầu như không bao giờ có vai vua xuất hiện trên sân khấu chèo. Giới thượng lưu nếu có mặt thì chỉ là những nhân vật phụ.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 133-137)