Cái việc không đánh thử trống mới đúc thật đáng chú ý. Nhưng không phải trống thì tại sao gọi là? Ờ, nhưng gọi đó là người Tàu, chứ biết chủ “trống” đã đặt cái tên gì cho nó. (TT)



Dương Ðình Minh Sơn, “Trống đồng không phải là nhạc cụ” (2)




Quảng Châu ký của Bùi Thị xuất hiện vào khoảng năm 420-487 ghi lại hiện tượng người Lý, Lão sử dụng trống đồng ở thế kỷ thứ III sau Công nguyên. Sách đã thất truyền, chỉ còn lại những đoạn dẫn để chú giải cho Hậu Hán thư (...) Ðoạn văn đó như sau: “Lý Lão trù đồng vi cổ duy cao đại vi quý diện khoát trượng dư sơ thành huyền ư đình khắc thần trí tửu chiêu chí đồng loại lai giả doanh môn hào phú tử nữ dĩ kim ngân vi đại thoa chấp dĩ khấu cổ khấu cánh lưu dĩ chủ nhân dã”, nghĩa là: “Người Lý người Lão đúc đồng làm trống. Trống lấy cao lớn làm quý, mặt trống rộng hơn một trượng. Lúc mới đúc xong, treo trống ở sân, buổi sáng bày rượu mời đồng loại đến. Người đến đầy cửa. Con trai con gái nhà hào phú lấy vàng bạc làm thoa lớn, cầm thoa gõ trống, gõ xong để thoa lại cho nhà chủ”. Người Lý người Lão chỉ cư dân phi Hán ở Quảng Châu (...) nay có người coi là tổ tiên người Choang (…)

Chi tiết cực kỳ quan trọng ở đây là trống đồng mới đúc xong mà không đánh thử, chỉ dùng thoa gõ vào trống. Ðó là hiện tượng không bình thường. Ngày nay ở nhà chùa khi đúc chuông xong người ta làm lễ thử chuông trang nghiêm cẩn trọng (...) Chứng tỏ việc đúc trống đồng của người Lý Lão không phải nhằm lấy tiếng vang của loại “cổ” này, mà hẳn là dùng làm vật linh biểu tượng quyền uy (...)

Tấn thư (...) ra đời vào thế kỷ thứ VII ghi lại việc năm 378 người Di ở Quảng Châu phá tiền đúc trống đồng (...) Trần thư cũng là tác phẩm ra đời ở thế kỷ thứ VII ghi lại việc khoảng năm 551 Âu Dương Ngỗi đánh Trần Văn Triệt ở Quảng Châu, lấy được nhiều chiến lợi phẩm dâng lên vua, trong đó có một chiếc trống đồng lớn chưa từng thấy. Nhưng những sách này đều chỉ mới nói việc đúc trống đồng và cầm thoa gõ vào trống, chứ chưa có sách nào nói việc dùng dùi đánh trống đồng (…)

Cựu Ðường thư (...) năm 937 - 946 (dẫn) sách địa phương (...) “Linh biểu lục dị” của Lưu Tuân làm quan ở Quảng Châu vào khoảng năm 889 - 903 (…) “Nhạc của người Man Di có trống đồng, hình dáng như yêu cổ (trống có thân eo lại) nhưng chỉ một đầu có mặt. Mặt liền với thân. Ðúc toàn bằng đồng. Thân trống đầy hình côn trùng (?): cá, hoa, cỏ. Toàn thân đều đặn dày hơn hai phân. Ðúc rất giỏi. Trống đánh tiếng vang trong trẻo không kém tiếng mai rùa (...)”.

Nói ngoa (...) Tiếng mai rùa (…) làm gì (…) trong trẻo! (…) Thực chất đánh trống đồng nghe tiếng bịch bịch mà thôi (…)


(Dương Ðình Minh Sơn,
Văn hóa nõ nường, nxb. Khoa Học Xã Hội, 2008. Nhan đề phần trích tạm đặt.)