(Lời bàn sẽ viết)



Võ Phiến, “Thơ dịch”




- Bạn nghĩ thế nào về thơ dịch?

- Tôi nghĩ: Thơ dịch không phải là thơ, dịch thơ không phải là dịch.

(...)

- Thế nó là cái gì?

- Là ý thơ. Ý thơ đâu phải là tất cả bài thơ? Cũng không phải là phần quan trọng của bài thơ. Không quan trọng chút xíu nào.

- (...) Xem nào: Bạn bảo thơ dịch là ý thơ?

- Vâng. Thì chỉ là cái ý, cái nghĩa của bài thơ gốc thôi. Bạn còn đòi dịch được cái gì nữa?

- Thế ngoài cái ý ra, bài thơ còn có những gì?

- Ngoài cái ý ra, còn lại bài thơ. Nói cách khác, khi bạn vất cái nghĩa bài thơ đi rồi thì cái còn lại là phần cốt tủy của bài thơ.

- (...) cụ thể (...) ?

- (...) Bạn nhớ bài Tống Biệt Hành của Thâm Tâm chứ? Hãy ví dụ bây giờ ta “dịch” bài ấy ra... lục bát. Vẫn là một bài thơ bằng tiếng Việt, nhưng theo thể lục bát. Thế thôi. Như vậy ta tránh cho nó sự chuyển biến từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Ta hạn chế bớt sự thay đổi, mất mát. Chỉ có đổi từ thể thơ này sang thể thơ kia mà thôi (...)

Tôi đố bạn dịch thế nào cho thành một bài Tống Biệt lục bát có khả năng truyền đúng những xúc cảm chứa đựng trong bài hành của Thâm Tâm (...) Tôi cam đoan không một ai trên đời này có thể dùng thể lục bát để truyền lại đúng cái xúc cảm của một bài hành cả. Mỗi thể thơ có cái phong thái của nó (...) Dịch thế quái nào được?

Mỗi bài thơ làm ra nhằm gây một tác động xúc cảm nhất định đối với độc giả. Khi bài gốc gây xúc động này bài dịch gây xúc động khác thì thay thế nhau thế nào được? (...)

Nào xem:

“Ðưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Ðưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...”

Lục bát (...) không có được cái rắn rỏi ấy.

Còn nữa, bạn ơi!

“Ly khách! Ly khách! con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không”

Lục bát có chuyển được giọng ấy không?

“Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
(...)
Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay:
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
(...)
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.”

Ðó, bạn dịch xem! “Người đi! ừ nhỉ, người đi thực!” Bạn dịch đi (...) Tôi không đòi bạn dịch ra tiếng Mỹ, tiếng Nga, tiếng Mông Cổ, tiếng Lèo... gì ráo. Chỉ nhờ bạn dịch hộ ra thơ lục bát thôi (...)

- Quả thực có một cái gì dính liền với thể thơ cổ phong Tàu, không truyền sang thơ ta được.

- Thế bạn không nghĩ có một cốt cách riêng dính liền với thể thơ haiku của Nhật sao? không có một cái gì dính liền với thể song thất lục bát của ta sao? với mỗi thể thơ của Nga, của Pháp, của Thổ-nhĩ-kỳ, của Ai-cập v.v... sao? (...) Chắc chắn phải trải qua nhiều đắn đo trăn trở, phải có lý do đích đáng, rốt cuộc bài tanka năm câu nó mới quyết định rụng đi hai câu để thành bài haiku ba câu mười bảy âm chứ? Sự hi sinh hai câu với mười bốn âm, hi sinh ngót nửa bài thơ, một hi sinh lớn lao như thế tất nhằm một cái gì chứ? Tác dụng gì? Hiệu lực gì? Bạn đếch cần! Gặp năm câu bạn phụt ra năm câu, gặp ba câu bạn phết cho ba câu, hoặc lục bát, hoặc ngũ ngôn, hoặc thất ngôn, tiện đâu bạn xài đó. Bạn dịch thế có chết thơ người ta không?

- Ơ hay (...)

- (...) Bây giờ, chúng ta hãy bước sang một cái gì dịu dàng, thoải mái hơn (...)

“Nhà em có một giàn trầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Ðoài thì nhớ thôn Ðông
Cau thôn Ðoài nhớ trầu không thôn nào?”

(...) Ở đây không phải chỉ có cái mộc mạc. Chàng trai này mộc mạc mà lại ỡm ờ (...)

Bạn nghe thêm một chút giọng nữ nhé:

“Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình... với nhau
Ai làm cả gió, đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non?”

(...) Bạn dịch ra bài thơ tiếng Mỹ nhé.

- (...)

- Thông cảm thì Ðông với Ðoài cau với trầu là tình tứ, mà không thông cảm thì tai nghe lòng cứ dửng dưng, không chút rung động. Muốn có những xúc động giống nhau không phải chỉ cần nghe hai câu thơ có nghĩa giống nhau; mà phải cùng chung sống một phong tục, cùng thấm sâu một không khí sinh hoạt chung (...) (Lại còn) cái giọng (...) giọng của anh chàng thôn Ðoài nghe mộc mạc mà lại ỡm ờ. Còn cô gái “chúng mình với nhau” thì cả thẹn, thì chất phác, mà lại đong đưa (...) bạn dịch hộ mấy câu ấy ra thơ Mỹ được không?

- Ơ hay!

- (...) Giọng thơ (...) nó là một phần phong cách của người thơ. Mỗi người một giọng, một phong cách. Mỗi thời một giọng, một phong cách. Mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa, một phong cách (...) Lấy cái phong cách của người này, thời này, dân tộc này, “dịch” cái phong cách của người khác, của thời khác, của dân tộc khác (mà được sao)?!

- Tôi hiểu. Cũng như mỗi thể thơ có một phong cách, không thay thế nhau được, không “dịch” nhau được.

- (...) trở lại chỗ giọng thơ một chút (...) Tôi muốn bạn nghĩ giùm tôi đến cái liếc mắt mỗi khi bạn tiếp xúc với một giọng thơ.

- (...)

- Hai món không khác nhau. Cất lên mấy câu ân tình cũng như liếc nhau, cùng một ý nghĩa: là tán tỉnh cả. Hoặc tán tỉnh bằng lời, hoặc tán tỉnh bằng mắt. Mỗi người một cách tán tỉnh, mỗi người một cách liếc. Có cách tán tỉnh mộc mạc, chất phát, có câu tán tỉnh láu lỉnh, trai lơ. Có cái liếc rụt rè e ấp, có cái liếc lẳng lơ, có cái liếc sắc như dao, có cái liếc kín đáo ngại ngùng v.v. Thử tưởng tượng: Một đám trai tài gái sắc, anh hùng hào kiệt, sắc nước hương trời, cùng ngồi bên nhau, “tình trong như đã”. Chợt hô “Liếc!” một cái, thôi thì mạnh ai nấy liếc, người nào liếc cách nấy.

“Con dao vàng rọc lá trầu vàng,
Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa”,

đố ai lấy cái liếc của người này “dịch” cái liếc của người kia được. Mặc dù ý nghĩa không có gì khác nhau...

- (...)

- Thơ là nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ. Thi sĩ khai thác đến tận cùng cái tinh vi của ngôn ngữ (...) ngôn ngữ dân tộc (...)

- (...) nghe bạn nói riết một hồi, tưởng chừng thơ không cần ý. Không có ý thơ, tứ thơ, làm sao có thơ? Cái nảy ra trước tiên trong đầu thi nhân (...) là một tứ thơ chứ đâu phải là chữ nọ lời kia, giọng này giọng khác? Cái chủ trì toàn bài thơ, làm nòng cốt cho bài thơ (...) là một ý tưởng, đâu phải là những “đặc điểm ngôn ngữ” (...)

- (...) Thơ cần có ý: đúng. Ý thơ là nòng cốt: đúng nữa. Cái ý đối với bài thơ cũng như bộ xương đối với con người. Người cần có bộ xương, bộ xương là nòng cốt con người. Khởi đầu, thi nhân nảy ra một cái ý. Khởi đầu, Thượng Ðế lấy một cái xương (...)

Gầy xong cái nòng cốt, nhìn lại bộ xương, Thượng Ðế rụng rời khiếp hãi vì sự xấu xí của tác phẩm mình. Người lấy làm xấu hổ, Người vội vã lấy đất sét đắp lên, bao bọc kín cả xương.

Thơ cũng như người: đẹp vì thịt, không đẹp vì xương. Khi chỉ còn là hai bộ xương xếp nằm cạnh nhau, Tây Thi và Chung Vô Diệm trông như nhau. Thơ cũng như người: sống nhờ thịt, không sống nhờ xương. Khi thịt rữa nát rồi, chỉ còn lại bộ xương, chỉ còn lại cái nòng cốt, thì không còn sự sống nữa.

Thơ cũng như người: mọi biểu hiện phong cách đều ở thịt, không ở xương. Làn thu thủy nét xuân sơn, bộ dạng ranh mãnh, vẻ phúc hậu, nỗi buồn phiền, ưu tư, hân hoan, tha thiết v.v. đều là thịt cả. Xương, không có bộ xương buồn. Không có bộ xương nhí nhảnh. Bộ xương không có cá tính, bản sắc, không có phong cách. Cái nòng cốt không có phong cách (...)

- (...) cứ đà này không khéo dần dần bạn tiến đến những bài thơ không có ý!

- Rất có thể. Có thể lắm. Xưa nay vẫn có những bài thơ vô đề, không từng có bài thơ nào vô ngôn. Thơ là lời, là chữ, là nhịp điệu (...) là thể xác. Mất thể xác đi là mất tất cả (...)

- (...)

- (...) Hãy nghe một người tiền chiến sành thơ nói về một bài thơ tiền chiến, tức Hoài Thanh nói về Tống Biệt Hành: “Ðiệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc.” (...) Ông ta chỉ nói đến điệu thơ, lời thơ, câu thơ (...) không hề nói đến ý thơ.

Trở lại chuyện dịch. Ý “tống biệt”, bạn dịch được. Toàn bài có bao nhiêu ý lớn ý nhỏ, chịu khó mằn mò bạn có thể dịch được tuốt hết. Nhưng như vậy là bạn chưa hề động chạm gì đến cái hay (...) của bài thơ (...) cái không nằm trong ý thơ mà trong xác thơ (...) Tôi nghĩ đến (...) ngày (...) Truyện Kiều được dịch sang đủ 160 thứ tiếng của các nước trong Liên Hiệp Quốc (...) ngày xương cốt Kiều tung tóe đó đây (...)

- (...)

- (...) Khi bạn sống giữa một thời đại mà các đại danh gia quốc tế (...) các thi hào thi bá tiền tiến nhất của thế kỷ đều trao gửi đến ta toàn (...) xương cả thì ai còn lòng nào ngó ngàng tới chất thịt của thơ nữa (...)

- Tôi không nghĩ có thể giải thích xu hướng thơ trí tuệ (...)

- Bạn có lý. Chúng ta đang nói chuyện thơ dịch, chúng ta không có chủ đích đi giải thích thơ trí tuệ. Thơ trí tuệ có thể phát sinh do năm chục nguyên nhân chính đáng. Tìm tòi cho đầy đủ những nguyên nhân ấy là công việc của người giải thích thơ trí tuệ. Tôi chỉ xin phép bạn giành lấy một chỗ nhỏ xíu cho thơ dịch thôi. Bạn nghiệm xem: nó có phần đóng góp đấy, không sao?(*)


Tháng 11–1990