Một “Tây du ký thi” độc đáo! “Hắn” dám động đến những Bà-la-môn với Sa-môn. Nhưng may họ không hề hay biết. Ngoài ra, có phải ở đây có thấp thoáng một cái cười, như ta vẫn thấy trên vài tấm ảnh chân dung phổ biến? Một niềm tin rất vững cộng chút khôi hài cộng năng khiếu thơ, thành... Varanasi! (Thu Tứ)



“Varanasi”

Nghiêm Xuân Hồng




hắn đứng trơ đây, lặng nhìn thiên đường vỡ lở
những mảnh thiên đường tan tác giữa trần gian...
đất của Maya, của những lingams sừng sững
Của Shiva ôm nghẹt nữ thần Shakti...

đất của những kẻ đạo sĩ trần truồng như nhộng
ngạo nghễ đứng trên kè đá dọc sông Hằng,
soi mình xuống dòng sông như ngắm nhìn cửa âm môn
mở rộng của những loài nữ quái trùng điệp sóng Ganga...

của những ni kiền bốc bã rượu trong chiếc sọ người
để nhắm đưa cay miếng thịt rữa của thây ma
hoặc ăn phân mình, uống nước tiểu chính mình
bài bác nhân quả, tự cho là la-hán hiện thân...

hoặc của những đạo sĩ khá cao siêu như Uất-đầu-lam-phất
triền miên trong cơn định Phi Tưởng, tự cho là niết-bàn tịch tĩnh
của những bầy ăn mày đui mù què cụt đông như bầy ruồi
và của những “ngõ hẻm không cùng” trùng điệp của vọng thức chúng sanh

nơi đây, nơi đây... từng nổi lên trong giấc mơ của hắn
từ những trang kinh huyền hoặc khôn dò...
nơi đây hình như là điểm của đất trời giao hợp
để các tiểu thần linh lởn vởn ve vãn gái trần gian...

nơi đây, nơi đây vừa mịt mùng cát bụi
vừa êm ả như cửa ngõ nước Nhược non Bồng...
nên hắn lê gót tới đây, để đứng trơ bàng hoàng ngơ ngẩn
chẳng hiểu mình ở thiên đường hay cửa địa ngục trần gian...?

nơi đây từ lúc rạng đông đã văng vẳng tiếng sáo Krishna
và giữa đêm trường tịch mịch, vẫn có tiếng hát nghêu ngao tán thán thần Shiva
nơi đây có mặt trăng lưỡi liềm ẩn hiện,
như tranh tối sáng với mặt trời lúc sắp rạng đông...

nơi đây có những đàn quạ lúc bay cao rợp bóng tầng mây
lúc sa xuống những “ngõ hẻm không cùng” tranh nhau mấy miếng ruột hôi thúi...
có những thây ma cháy dở vang mùi khét lẹt,
và những đám người cùi hủi há hốc chiếc miệng không môi...

có những người đàn bà gầy guộc vú nheo chẳng khác con la con ngựa
nhưng cũng có những người con gái mặc sarees nhiều màu như chiếc cầu vồng
mắt biếc như hồ phương Tây
và nụ cười huyền hoặc như tượng nữ thần Durga...

nơi đây có những bầy khỉ trầm tư giấc mộng tiền thân
những bầy trâu đen bóng loáng, những con thằn lằn óng ánh đổi màu
có những đống phân trâu bò cao như gò nống
và những giàn hoa vàng gầy phủ kín mái tranh...

nơi đây có những buổi chiều êm ả như lướt đi trong mộng
hang cùng ngõ hẻm đều bảng lảng các thứ mùi hương
mùi hương trầm, hương chiên đàn cùng hoa cỏ
xen lẫn với mùi cống rãnh cùng các thứ mùi phân...

nhưng bao trùm trên hết vẫn là Ganga Goddess
khởi đầu từ miền Tuyết Sơn đất trời giao hợp
mỗi năm lại dâng những ngọn sóng trùng điệp đục ngầu
để phủ kín thành phố Kashi như ôm lấy người tình muôn thuở...

cũng vì nơi đây nửa thiên cung nửa tiền-địa-ngục
nên bậc Tĩnh Mặc Vô Thượng đã lựa chọn để xuất hiện với trần gian...
vì cạnh nơi đây là khu rừng Sarnath
bát ngát những tàng cây xanh mướt như mặt biển Tâm...

chính vì nơi đây là thành trì của mọi tà kiến trùng điệp
của những kẻ Hư Vô ngông cuồng thách đố
của những đạo sĩ đắm chìm trong niềm thiền-lạc thiên cung
nên bậc Tuệ Giác Vô Thượng đã đặt bước chân thiên-bức-luân đầu tiên
tới nơi, gõ cửa thành trì
và dạy rằng:
tất cả mọi lòng mong cầu, hoài vọng, xoay vần từ vô thủy
đều tạo dựng nên những hình thái hiện hữu
và mọi hình thái hiện hữu
đều chỉ có một mùi vị: khổ đau...
dù là khổ khổ, hoại khổ, hành khổ
vẫn chỉ là một mùi vị khổ đau...
tất cả đều là do những tập khí vọng tưởng
xoay vần miên viên từ vô thủy
và các ông chưa thông suốt được những cửa ngõ diệt tận
để tận diệt những vọng tưởng điêu linh
những người Bà La Môn các ông chẳng phải thật Bà La Môn
và Sa Môn các ông chẳng phải thật Sa Môn
vì Bà La Môn các ông chỉ là những kẻ thủ từ ngồi thu oản chuối
và Sa Môn các ông chỉ biết mơ tưởng thiên cung,
đắm chìm trong những cơn tam muội nông cạn đảo điên
thì làm sao siêu xuất được tam giới?...
ngay đến vị thần Shiva của các ông
cũng chưa phải là cao cả tối thượng
chỉ là một vị vua trời vào mức Ly Cấu Nhị Ðịa,
mà cũng chẳng thể tạo dựng nên thế gian này
vì thế gian này chẳng phải tự sanh, chẳng tha sanh, chẳng cộng sanh, cũng chẳng phải không nhân sanh...
vì thế gian này chỉ là một tuồng huyễn mộng, một tuồng huyền hoặc khó nguôi...

hắn chợt nhớ được mấy lời kinh
thấy lòng vui mừng khấp khởi
vội vã rời thành Kashi
đi xe lôi để vào Sarnath...
tới nơi chỉ thấy tàng cây xanh um bát ngát
và mấy con dê thơ thẩn giữa đường...
sực nhớ đây là vườn Lộc Uyển
nên hắn mua nải chuối
cúng dường mấy con dê lang bạt...
lại cũng sực nhớ đây là nơi
mà bọn năm người của ngài Kiều Trần Như
Từng rớt tóc rụng râu và trút phiền não
nên hắn nhờ một ông thợ cạo ngồi xổm lề đường
xén cụt mái tóc phong sương
và phải trả mất bốn rupias...

rồi khoa chân lãng đãng
bước vào một ngôi chùa gần đó
thấy một bầy chim màu hoa lý xào xạc rúc rích trong tàng cây
lại thấy một ông sư già mặt nhăn nheo như quả táo tàu,
đương ngồi xoạc cẳng gõ thanh la, lớn tiếng niệm kinh...
hắn chẳng hiểu gì về lời kinh chữ nghĩa lạ hoắc
nhưng cũng đoán mò đó chỉ có thể là Ðại Bi và Bát Nhã
vì chẳng thể nào khác được...
nên hắn đến gần vị sư,
cúi xuống lấy tay sờ vào bàn chân khô như que củi
rồi đặt tay lên đầu mình...
và bồi hồi tự nhủ:
thôi! thôi!... hãy về bứt trái tim hồng
bóp tim nhỏ máu trên dòng Hoa Nghiêm...