Đi chơi chùa Hương sớm, lâu rồi, Nguyễn Xuân Sanh có đi: “Đò đi ngược suối cuối đông / Lòng anh những muốn tìm xuân trước ngày... / Vắng em. Không thể cầm tay / Đường đi vẫn thấy đó đây hai mình / Sáng trời. Hương Tích gió hanh / Nắng thơm bến suối, thung xanh vào mùa / Xuân chưa về, núi chưa mưa / Nhưng bên ta khắp rừng mơ nở rồi / Khăn tơ xuân trải thung dài / Anh nghe xuân đến: bên đồi, bước em... / Đại già còn trắng sương đêm / Chờ ai hò hẹn bên thềm mùa xuân / Lối đi mây đá chất chồng / Vắt ngang núi cũ xuân hồng ngày nay / Chân ta bước, mắt ta say / Hoa mơ dặm thẳm, hương lay bạt ngàn” (12-1962).

Chúng tôi cũng đã có dịp viếng cảnh Hương Tích tháng chạp, nên khi đọc lại bài thơ trên lấy làm rất cảm, đến nỗi thử “làm bài khác”: Hương xinh nào phải đợi mùa / rừng hiu núi quạnh vẻ chùa càng hay / hoa đông trắng một trời đây / tiếc em xa, chẳng cùng say với mình…

Nhưng mơ nào chỉ là hoa. Để biết thêm về mơ, ta nên đọc Nguyễn Hà.
(Thu Tứ)



Nguyễn Hà, “Mơ Hương Tích”








Những người ham đi chơi chùa Hương thường không chỉ đợi Giêng, Hai. Bởi (nếu) cái thú đi (...) chùa Hương là để vãng cảnh (...) thì những người sành (...) đến từ lúc rừng mai nở hoa lần thứ nhất kia. Ðó là sau tiết Tiểu hàn, khoảng đầu tháng Chạp ta (...) Ngàn mai Hương Tích chính là loài “nhị độ mai” ấy, loài hoa mai nở hai lần.

Vào cữ cuối tháng Mười âm lịch, trong lúc các loài cây khác còn đang “thức”, thì ở đây cây mai đã âm thầm đi ngủ sớm. “Mai ngủ” nghĩa là cây trút đi hết lá, chỉ còn trở lại những gốc cành. Ðợt tích sức ấy, là để chống chọi với sương giá rét buốt của mùa đông xứ Bắc. Thử tưởng tượng, đúng vào cái thời điểm khắc nghiệt nhất ấy của một năm, hằng trăm thứ cây rừng thiêm thiếp hết đi, duy nhất chỉ ngàn mai trổ nụ, bừng hoa, trải dài suốt một triền núi đá vôi hút tầm con mắt - những gốc cây già sù sì, nứt nẻ - nhưng khi nở hoa là những nàng thiếu nữ phơi phới tuổi dậy thì, thì dẫu chẳng là khách văn nhân thi sĩ cũng động tình thơ...

Người ta bảo, mai là loài hoa thức sớm để đón mùa xuân, lại còn chăm chỉ nở đến hai lần. Sau khi nở lần thứ nhất, cây dồn sức lại làm nụ, để đến tiết Ðại hàn lại nở tiếp lần thứ hai, dân gian gọi là đợt “nở bù”. Bù cho ai? Cho những tục khách còn mải nợ trần không đến kịp chăng? (...)

Người trẩy hội chùa Hương (...) không được thưởng thức mùa hoa (...) (nhưng có thể) mua mấy trăm trái mơ (về làm quà). Món quà ấy không chỉ mang ý nghĩa là chút “thời trân kỷ niệm” của cuộc viễn hành; nó còn là “lộc Phật” ở nơi danh thắng “Nam thiên đệ nhất động” (...)

Riêng về trái mơ, dẫu miền Bắc nhiều nơi có, tựu trung vẫn chỉ có hai dòng: mơ đồng bằng và mơ núi đá vôi (...) mơ đồng bằng hình dáng to mập, bầu bĩnh, song chất lượng kém, hạt to, thịt mỏng, ít độ chua. Còn mơ núi đá vôi, nhất là mơ Hương Tích, thì hình thon, dáng chắc, cùi dày hạt nhỏ, không những chua hơn mà còn có mùi thơm (...) đang khát chỉ cần ăn một trái thôi là khỏi khát liền tức khắc (...)

Tuy nhiên (...) mơ Hương Tích cũng có những chủng loại khác nhau. Cây mơ mọc ở giữa thung, trái thưa và có vị hơi đăng đắng. Còn những cây mọc ở sườn và cật núi, trái vừa sai, vừa nhỏ chắc, lại giòn. Người trồng mơ vùng Hương Tích thường phân biệt (...) Mơ chấm đỏ, trái có nhiều chấm đỏ như son (...) sai trái, ăn rất thơm. Mơ chấm đen, trái chín da có nhiều chấm màu thẫm (...) chất lượng kém, màu cũng không đẹp (...) Mơ đào, hình mẩy to, giống trái đào, chất cũng khá. Mơ trắng, loại này lúc chín da bóng lộn màu vàng sáng, ít chua hơn một chút, nhưng nhiều thịt, cũng nhiều người thích (...)

Hàng năm đến vụ mơ. Nếu mỗi gia đình ngâm được một bình mơ với đường, nhất là loại mơ Hương Tích (...) (thì) đến mùa hè (...) (sẽ có) một loại nước giải khát tuyệt vời. Chưa kể, nếu ta cố tình bỏ quên bình nước “cốt mơ” ấy đến năm sau, thì dám chắc (...) chẳng có thứ rượu vang nào sánh kịp (...)

Uống một ly rượu ấy vào một bữa trời chiều lộng gió nào đấy, dù không phải là thi sĩ Nguyễn Bính, bạn vẫn có thừa tưởng tượng để hình dung ở phía trước mặt mình, đang... “thấp thoáng rừng mơ, cô hái mơ”...


Hà Nội, 4-1996

(Nguyễn Hà,
Hà thành hương và vị, nxb. Văn Hóa - Thông Tin, 1999)