Bình Nguyên Lộc ưa đi lang thang trên những hè phố Sài Gòn.(1) Chuyện xảy ra ở trên hè, ông rành. Mà chuyện xảy ra ở dưới hè, ông cũng rành.

Trước khi đọc bài sau đây, ngay người Sài Gòn chắc ít ai ngờ...

Bình Nguyên Lộc có cả một tập truyện về những cái chết thương tâm.(2) Lòng nhân ái là một nét rõ trong chân dung nhà văn Nam bộ đa dạng này.
(Thu Tứ)

(1) BNL có tác phẩm tên
Những bước lang thang trên hè phố của gã Bình Nguyên Lộc.
(2) Tức tập
Thầm lặng.




Bình Nguyên Lộc, “Người chuột cống”




Ðã sáu giờ sáng rồi mà đường còn vắng lạ, vì hôm đó trời mưa. Những hột mưa nhỏ rít, rơi như hột bụi trong gió, làm lạnh thấm lòng.

Ba bóng người lầm lũi như bóng ma, đi co ro dưới làn mưa bụi, tiến đến góc đường Nancy. Họ vừa dừng bước thì ánh đèn điện nơi đó cũng vừa tắt.

Người đờn ông và anh con trai mặc áo thun, quần đùi vải đen. Người đàn bà mặc áo khỉ vải đen. Trừ người đàn bà này ra, thì họ đều có xách mỗi người một cái thùng thiếc và cầm nơi tay một vật như là cây đèn pin. Họ dáo dác nhìn khắp bốn phía, rồi cùng cúi xuống mặt đất một lượt. Họ hè hụi nắm quai sắt của cái nắp ống cống mà giở lên. Nhưng họ không giở tốc ra, chỉ đẩy trịch nó qua một bên, thành ra miệng cống chỉ hở nửa chừng.

Bấy giờ người đàn ông ngó trước xem sau một lần nữa, đoạn lượm thùng và đèn, rồi bước xuống hang. Anh ta lần theo nấc của chiếc thang sắt mà leo xuống.

Ở xa mà nhìn, thì người ta có ấn tượng rằng anh bị một con quái vật nuốt lần lần. Khi cái đầu anh ta đã hụp mất rồi, thì người con trai lại xuống tiếp liền theo. Cả hai cùng xuống hết. Người đàn bà một mình, kéo cái nắp cho đậy trám miệng hang lại. Chị ta kéo cực nhọc lắm mà cái nắp bê-tông nặng trĩu chỉ chịu xích tới từng chút thôi. Nhưng rốt cuộc rồi cũng được. Hai người đờn ông đã xuống tới đáy giếng. Anh con trai vừa thọc cẳng xuống nước vội giựt lên. Anh nghe cái lạnh chạy từ gang bàn chơn lên tới ót. Nên chi anh ngại không muốn rời nấc thang sắt cuối cùng. Người đờn ông lớn tuổi bấm đèn pin rọi sáng xung quanh, rồi nạt:

- Bước đại xuống coi nà!

Nơi đó là một ngã tư đường cống. Bốn ống cống giáp nhau nơi miệng ấy, nên nước chảy mạnh ồ ạt. Trong ánh đèn pin, người con trai nhìn dòng nước đen như nước thuốc bắc mà ái ngại. Anh ta bịt mũi để bớt thở vô cái mùi hôi thúi nặc nồng trong hang.

Anh vừa quả quyết bước xuống thì bỗng nghe một cái đùng, nên giựt nẩy mình, bước lên một nấc.

- Cá lớn! Người có tuổi kêu lên như vậy.

Ham quá, anh con trai bước đại xuống. Nhưng chất bùn nhờn nhờn dưới đáy cống làm anh ta nhồn nhột ở bàn chơn.

Anh nhìn lại bốn cái cống: nó thấp cỡ tới cổ người lớn. Nước chỉ lên tới nửa ống quyển thôi.

- Chun vô ống này. Người đờn ông lớn tuổi bảo như vậy.

- Ba quen, ba chun trước đi.

Suy nghĩ điều gì giây lâu, người cha rọi đèn vào ống cống bên mặt, rồi khom lưng mà chun vô.

Ði xa miệng cống chừng nào càng ngộp chừng nấy.

Người con trai bấy giờ không khó chịu vì mùi hôi thúi nữa, mà chỉ khổ vì thiếu không khí. Anh ta ước ao được thở hơi thúi ở miệng cống cũng còn sướng hơn không khí ở đây nhiều.

Nhưng cá nhiều quá, những con cá lóc to bằng bắp chuối cứ lội đụng chơn họ hoài. Mảng ham chụp cá, hứng cá, mà anh con trai quên tất cả mọi nỗi khó chịu.

- Những bữa trời mưa như vầy mà đi thì cực thiệt, nhưng lại “trúng”.

- Còn mưa lớn, hay nắng, có cá hôn ba?

- Mưa lớn làm gì dám xuống. Còn trời nắng thì cá ít lắm. Cái hồi tao mới tập đi lần đầu như mầy bây giờ, ông nội mầy dẫn tao xuống lúc trời tạnh mưa. Ôi thôi! Lúc trời tạnh mưa, cá chỉ có hốt mới là hết, chớ không cần bắt nữa.

Họ đã quẹo qua nhiều ngả, đã gặp nhiều miệng cống, và thùng của hai người đã nghe nặng lắm rồi.

- Mầy có để ý gì không?

- Không.

- Dường như nước cao hơn, với lại nước chảy mạnh hơn.

- Ờ phải.

- Có lẽ trời mưa. Lạ. Những buổi sáng trời mưa tro như vầy, thì trời không mưa lớn được. Nên tao mới dám xuống. Mà sao...

Hai cha con đứng yên, nghe nước chảy ngày càng ồ ạt. Mực nước cao lên trông thấy. Bây giờ nó đã ngập tới đầu gối hai người.

- Mau trở lên, mưa lớn rồi.

Người cha ra lịnh như vậy, rồi cả hai đều xây lưng. Thành ra người con dẫn đầu chớ không phải người cha nữa.

Ðối với những khúc quanh đầu, trên đường về, họ không do dự, như đã thuộc nẻo đi lắm.

Nhưng đến một ngả ba kia, hai cha con đứng lại nhắm hướng.

- Hồi nảy mình nhắm hướng nam mà đi ra, bây giờ quẹo vô thì trúng, người cha nói như vậy.

- Nhưng mình nào phải chỉ đi ra từ hướng này. Mình có quẹo xuống hướng bờ sông kia mà.

Người cha lướt tới vẹt một bên rồi rọi đèn pin lên nóc đường hầm rồi quả quyết quẹo qua tay trái.

Bấy giờ nước đã lên tới bụng họ rồi. Họ chạy, chớ không đi nữa, vì tiếng nước đổ ồ ồ cứ mạnh thêm lần. Tiếng nước vang dội trong hầm cống, nghe như là tiếng thiên binh vạn mã tràn tới.

Nước đã lên khỏi rún họ!

Ðến một ngã tư miệng cống hai cha con bị nước trên đường đổ xuống như thác, làm hai mắt không thấy đường nữa.

- Leo lên! Không cần kiếm miệng cống cũ nữa. Miễn khỏi chết đuối thời thôi.

Họ leo thang trong khi nước cứ đổ xối xả xuống. Khi tới nắp hầm, ông cha một tay nắm nấc thang, một tay nâng thử nắp cống.

Bỗng ông hốt hoảng la lên:

- Thôi chết rồi!

- Gì đó ba?

- Mình trúng nắp cống có trét xi-măng.

Không bảo nhau, hai cha con lại tuột xuống, con trước, cha sau.

Tới đáy giếng họ thấy ống cống bị ngập quá nửa và nước đã lên gần tới ngực họ.

Hai cha con vô cùng kinh khủng và lại đi nữa trong đường hầm. Họ mong gặp một ngã tư miệng cống khác, nhưng đi mãi cũng cứ gặp độc đạo.

- Oái!

Ðó là một tiếng kêu thất thanh của đứa con đang dẫn đầu.

Người cha cầm đèn pin thì thấy con đang chới với giữa một dòng nước to rộng lắm: họ gặp phải ống cống cái. Nước trong ống này chảy mạnh như nước nguồn lúc mưa lũ đổ. Anh con trai cố lội ngược dòng để trở vô miệng cống nhỏ, nơi cha anh đứng. Nhưng những cố gắng của anh đều vô ích và càng ngày anh càng bị đưa đi xa.

Không biết nghĩ sao, người cha cũng lao mình ra ống cống cái, và sau một giây là hai cha con đã nắm tay nhau.

Bấy giờ họ còn thùng và đèn pin nữa. Hai cha con cố lội ngược. Ðược vài phút họ đuối quá, và thấy cử chỉ của họ là vô lý. Lội ngược để mà đi đâu mới được chớ.

Như phát minh ra điều gì hay, hai người đều mừng rỡ và đầy dẫy hy vọng. Họ thả trôi theo dòng nước, mong nước đẩy họ ra sông. Phải, chỉ còn con đường đó mới mong thoát được.

Họ bị đưa đi lẹ như bè tre xuống thác.

Bỗng người cha nghe kêu một tiếng vang dậy trong đường hầm: “Trời ơi”. Tiếp theo đó là tiếng của một vật cứng chạm vào đá, rồi thôi.

Ông ta vừa kịp nhận ra con mình đã bị dập đầu vào vách hầm, và chưa kịp đau lòng thì ông cũng vừa đưa đầu vào đá và không còn biết gì nữa hết.



Người đờn bà khi sáng, trở về nhà, đợi vài giờ sau, như thường lệ, rồi ra rước chồng, bằng cách phụ đỡ nắp cống trong khi chồng ở dưới nâng lên.

Nhưng sáng hôm đó, bà ta ra trước giờ, cũng vì đám mưa nguy hiểm. Bà ta dầm mưa mà đi.

Chỗ ấy đường vắng, nên ban ngày họ lên xuống như thường, đã mười mấy năm rồi.

Người đờn bà cúi xuống nắp cống đậy hở, kêu: “Ba nó ơi!”, “Con ơi!”. Chỉ nghe tiếng vang dưới cống vọng lên.

Cứ mỗi năm phút bà ta lại kêu một lần.

Và bà ta đợi cho đến tàn đám mưa, qua một đám mưa khác, đợi ngoài nắng đến xế chiều, cũng không thấy tăm dạng chồng con.

Ðến chiều, bà lảo đảo đứng lên, đi mà không biết đi đâu, không khóc được, vì bà đã hết nước mắt khi năm xưa bà khóc ông cha cũng chết vì nghiệp ấy.


(Trong tập
Thầm lặng)