Đỗ Chu, “Ráng đỏ” (5)




Em kể cho tôi nghe về vùng quê của mình. Ấy là một vùng đồng chiêm nước ngập quanh làng, có cây gáo đánh dấu bờ mọc rải rác ngoài ruộng, có chú bói cá đứng trầm ngâm trên chiếc que vè của người thợ cày cắm dưới bùn sâu và những con cua đồng bò lôm côm trong lòng những chiếc thuyền nan nông hoẻn. Ðàn trâu mệt mỏi bơi ra các gò cao giữa đồng xa tìm cỏ, những đứa trẻ lên năm lên bảy đã phải tập gồng gánh và đội thúng trên đầu.

Mẹ đã sinh ra em ở một nơi như thế. Ðêm em ra đời là một đêm mùa đông, mẹ nằm trong một căn nhà tranh tốc mái từ lâu mà chưa có ai lợp hộ, quanh giường là những người đàn bà cùng xóm, kẻ đứng người ngồi, những đứa trẻ con bi bô nghịch ở ngoài thềm. Tiếng súng đánh nhau ở ngoài đường cái vọng về nghe rõ mồn một, ánh lửa đốt đồn sáng rực một góc trời. Tảng sáng, cha lội qua đồng trở về. Cứ để nguyên cả súng và tấm chăn chiên trên vai, cha chạy ào vào ngồi với hai mẹ con một lát rồi lại phải đi ngay. Mãi về sau này, khi em đã lớn, mẹ vẫn còn nhắc: "Cái đêm ấy sao mà mày ra chậm thế, bố mày chỉ kịp đảo về loáng một cái, xem mặt xong là đi liền. Năm ấy mới rét chứ, cửa ngoài đã che một cái nong nhưng gió cứ thổi tốc từ trên mái xuống." Hai mẹ con quấn quýt với nhau chờ cái ngày cha đánh giặc trở về. Với mẹ, em vừa là con mà cũng vừa là bạn tâm tình, em trở thành một đứa con gái sớm biết quán xuyến việc nhà và giữ lại cho mình không biết bao nhiêu chuyện đời xưa của mẹ.

Có lần đi trong rừng, nhìn ráng chiều đang hiện lên đỏ ối ở chân trời, em đã đứng lại hỏi tôi: "Anh biết câu chuyện về cái ráng đỏ kia chứ, hồi ở nhà mẹ em vẫn thường bảo: Chuyên ơi, mày nhìn kìa, có thấy cái ráng đỏ đấy không, thế là sắp hết chiều rồi. Mé đằng ấy trông tưởng vậy mà còn sáng lắm, ông giáo Quyên bảo có khi ở ta tối rồi mà nơi ấy vẫn còn đang ban ngày như thường, cơ màu này một là nắng to hai là mưa lớn chẳng có sai đâu. Mày trẻ con không biết chứ cái ráng kia là thiêng lắm, các ngài đang hiện đấy, đừng có dại dột mà chỉ trỏ lung tung." Rồi em giấu mặt vào sau một thân cây mà cười. Tôi biết em đang nhớ đến mẹ. Tôi nói với em rằng tôi chưa bao giờ được ai kể cho nghe một câu chuyện cổ tích nào. Mẹ tôi chết vào năm tôi còn nhỏ, trong một buổi chạy càn trên vùng Vĩnh Yên, cái trận càn ấy Tây nó gọi là trận càn "Chim Dẽ Giun". Cha thuê người chôn mẹ rồi mang tôi trở về Hà Nội, xin một chân xén cỏ trong các vườn hoa. Tuổi thơ của tôi là một chuỗi dài những ngày lêu lổng, ầm ĩ mà trống trải, bên một người cha ít lời và hay dùng cán hái đánh con. Em hứa sau này khi đã về ở với nhau, nếu tôi muốn, em sẽ kể cho tôi nghe mỗi ngày một câu chuyện cổ tích. Em khoe rằng em có vô khối những chuyện hay, không bao giờ có thể kể hết được. Em bảo tôi hãy chờ, cả cái việc muốn nghe kể chuyện em cũng cấm không được giục. Ở bên em, tôi thấy mình trở nên thuần nhã và vui với một niềm vui hết sức trẻ trung. Còn em, đối với tôi, em vừa là bé bỏng lại vừa là khôn lớn, vừa biết nghe lời, lại vừa quyền biến bảo ban, rất dễ thương mà cũng rất bướng bỉnh.

Những ngày đi trên đường, vào lúc chạng vạng, khi đoàn xe chúng tôi rời khỏi những cánh rừng trú quân nối đuôi nhau chạy ra, nhìn về chân trời, tôi thường thấy một dải mây đang nhuộm đỏ trong ráng chiều và tôi lại nghĩ tới em, tới những câu chuyện mà em chưa kể, tới một khuôn mặt hừng sáng mỗi khi cười. Tôi tưởng như có em đang đứng gọi ở phía trước, dưới những áng mây huyền bí và rực rỡ, ở một vùng em tin là không bao giờ có đêm tối.

*

Con đường được mở rộng không ngừng. Ðều đặn cứ một tháng hai lần chúng tôi đưa hàng về Khe Cạn. Chỉ có một lần tôi đi hơi lâu, đấy là chuyến tôi được chọn cùng với mấy đồng chí nữa mang một số hàng đặc biệt vào sâu trong kia. Một mùa mưa nữa lại đến. Ðó là mùa mưa thứ hai của tôi ở Trường Sơn. Cũng như bất cứ một sự chuyển tiếp thay đổi nào, thoạt đầu thần mưa chỉ mới tung từ trong đôi cánh của mình ra những cơn mưa nhỏ, chạy thoảng qua, còn có phần dè dặt và nể nang nữa là đằng khác. Nhưng cũng chẳng được lâu, đây chỉ là một sự thăm dò vờ vịt, người ta sẽ thấy nhỡn tiền là chỉ bằng một cơn dông chớp nhoáng thế là đủ để cho mùa khô bị dìm ngập trong nước.

Những ngày ấy anh em lái xe gặp thêm rất nhiều khó khăn, nhưng công việc vẫn là công việc, không thể nào chậm trễ được. Không một ai có quyền lùi bước, không một ai dám quên cái điều đơn giản là quân thù vẫn còn đang lấp ló ở trước mặt. Ðêm đêm chúng tôi đều nhận ra tiếng bom và đại bác ngoài mặt trận dội về, lúc to lúc nhỏ và ai nấy sẵn sàng xuyên qua mưa bão lên đường bất chấp tất cả.

Vào cuối tháng mười, một việc lạ lùng đã xảy ra ở Khe Cạn, khi chúng tôi vừa đi một chuyến về chưa được bao lâu. Ngay từ những cơn mưa lũ đầu tiên, nước ở con suối lớn đã dềnh lên đầy ứ, nước trong suối bắt đầu tràn rộng ra hai bên bờ. Hãy tưởng tượng bao nhiêu nước từ các cánh rừng quanh đây đều dồn về Khe Cạn thì mới thấy hết được mối đe dọa đối với chúng tôi lúc đó như thế nào. Ban đầu con suối đưa nước ồ ạt tràn vào những chỗ đất trũng trong lòng khe, sau đó men theo chân các vách đá, chúng len lỏi chảy vào tất cả những chỗ nào chúng có thể chảy lên được. Chỉ vài ngày con đường chạy trong khe đã bị nước cắt ra thành từng khúc, trong chẳng khác nào một con rắn dài uốn mình bơi trong nước. Cái kho mới, đặt ở ngoài rừng cũng đang ở trong tình trạng báo động, còn các bãi xe của chúng tôi thì đã thực sự là một nơi bị nước tấn công. Chúng tôi được lệnh cho xe vượt ra ngoài vòng của nước, bằng mọi cách phải đưa xe lên những cánh rừng gần kho. Mưa sùi sụt suốt ngày, chỉ trừ một khoảng ngắn giữa trưa là chịu ngớt. Nhưng nền trời vẫn nhờ nhờ một màu chì, nom tối bưng. Anh em chúng tôi giấu xong xe thì được bổ sung vào đội quân đi cứu kho. Cần phải chuẩn bị trường hợp nước trong suối còn bị ứ hơn nữa. Chúng tôi tổ chức thành từng tiểu đội, thu những chân hàng ở ngoài rừng gọn lại rồi đắp lá cọ và những tấm bạt lên, dọi lại những mái lán bị dột và đưa hàng vào cất trong những chỗ đất cao kể cả ở khu nhà ở. Một buổi chiều tất cả đảng viên đều được gọi đến họp trong một chái bếp, nơi duy nhất chưa được chất hàng vào. Ở cuộc họp bất thường đó chúng tôi bàn cãi với nhau về những vấn đề cấp thiết quanh việc chống lụt, cũng có vài ý kiến găng nhau.

Ý kiến của Chuyên đã mở ra một hướng giải quyết táo bạo làm mọi người đều phải kinh ngạc. Ngồi trên chiếc hòm gỗ đặt cạnh bếp lò, vừa vắt nước từ hai ống quần, cô vừa bàn:

- Chúng ta chỉ mới lo chạy hàng thôi, như thế chưa đủ. Tôi đề nghị lập một đội xung kích đi dọc theo suối xem vì sao nước lại tràn lên to thế. Nhiều đồng chí có mặt ở đây từ lâu cho biết năm ngoái mưa còn to hơn năm nay nhiều thế mà lối đi qua suối cũng chỉ bị tắc từng ngày thôi.

Chúng tôi tán thành ngay ý kiến đó. Sáng hôm sau, một tổ đi điều tra bí mật của con suối đã thành lập, tôi được chỉ định làm tổ trưởng. Trong số ba người cùng đi với tôi có cả Huân. Chúng tôi mang lương khô đủ ăn ba ngày, một ít thuốc cấp cứu thông thường, mấy cuộn dây thừng, tất cả đều được gói gọn trong những tấm vải nhựa, ngoài ra còn mang thêm một khẩu súng trường và một con dao. Lúc sắp đi, Chuyên hiện ra sau một đống hàng cao quá đầu, nhanh nhẹn ghé sát vào vai tôi:

- Huân nó hay bốc lắm, anh phải cẩn thận mới được.

- Anh lo lắm Chuyên ạ - tôi làm ra vẻ buồn rầu - Anh nói thật nhé, anh không biết bơi đâu, ban nãy trước mặt thủ trưởng anh bốc quá nên nhận liều.

- Thôi đừng có vờ, tưởng bịp em dễ lắm đấy!

Tôi toan ôm lấy Chuyên nhưng cô vội so người chạy đi, tiếng cười còn vương mãi sau những đống hàng.

Tổ chúng tôi bàn nhau trước hết phải lội qua suối, đi vòng lên gần núi Khỉ rồi vượt sang phía bên kia Khe Cạn là nơi chúng tôi phỏng đoán con suối sẽ đổ ra. Vừa ra khỏi kho, Huân đã tụt ngay quần dài gói vào vải nhựa, chúng tôi thấy tiện cũng làm theo. Mỗi người chỉ đánh một quần đùi và một mảnh áo lót. Chúng tôi đến gần núi Khỉ thì trời vừa tạnh mưa. Tôi cho mọi người nghỉ ăn cơm để lấy lại sức. Vừa thái những nắm cơm đặt trong miếng vải nhựa, Huân vừa cao giọng nói:

- Hồi tôi còn học ở trường, người ta cũng có đề cập đến một hiện tượng địa chất rất thú vị, danh từ chuyên môn là gì thì cũng không cần nhớ, nhưng quá trình là như thế này, những mạch nước ăn ngầm trong lòng các tầng đá vôi, đời này sang đời khác, thiên niên vạn đại, đến một lúc nào đó nó tạo thành những khoảng trống rất lớn ở bên dưới và thế là gây ra hiện tượng sụt lở, có khi quả núi ta đang đứng bỗng biến đi đâu mất mà sông ngòi thì cạn trơ thổ địa. Chưa biết chừng ở đây vừa xảy ra một hiện tượng tương tự cũng nên.

- Nhưng nước ở đây lại không cạn mà tràn lên đến chân giường cậu cơ mà.

- Anh dở lắm, cứ gì phải cạn đi, chẳng hạn có một trái núi bị sụt xuống chắn con suối lại thì tự khắc nước phải đầy lên chứ sao.

- Chúng tớ chịu cậu, có học cũng có khác. Khi nào vợ chồng tớ dựng nhà mới phải nhờ cậu tìm đất cho mới được.

- Việc đó không thuộc chuyên môn của tớ.

- Thế chuyên môn của cậu là gì?

- Tìm mỏ và nếu có thể thì tốt nhất là lái xe.

- Thôi đủ rồi - Tôi đứng dậy - Bây giờ thì xin mời các tướng lo cái việc trước mắt kia đi đã.

Chúng tôi bám nhau vượt qua vách đá. Ðêm đó chúng tôi chui vào một cái hang hẹp, cởi quần áo vắt kiệt nước rồi trải vải nhựa ra mà nằm ôm nhau ngủ; tờ mờ sáng gọi nhau dậy, ăn qua loa rồi lại đi, sang chiều thứ ba thì tìm thấy điều bí mật kia của con suối. Hóa ra cậu Huân đoán cũng đúng một phần nào. Con suối len lỏi qua các cánh rừng và thung lũng, cuối cùng đã chui vào một cửa hẹp giữa hai vách đá để thoát ra khỏi vùng Khe Cạn. Ở chính cái cửa đó, sau vài lần bị máy bay địch đi xăm kho ném bom và bắn tên lửa, từng khối đá lớn đã sụt xuống lấp kín. Dòng suối bị chặn đứng lại, sùi bọt ở trước cửa khe tạo thành những xoáy nước trông rợn đến chóng mặt.

- Thế này thì bí là phải, cứ thả vào đấy vài chục cân bộc phá khắc xong tất.

Một cậu vừa ngó xuống lòng khe vừa thủng thẳng bàn. Tôi cử Huân về nhà báo cáo tình hình, xin thêm thức ăn và thuốc nổ. Tôi dồn một phần lương khô của tổ cho cậu ta mang ăn đường, còn bao nhiêu tôi trao cho một cậu khác giữ. Ai cũng phải ăn uống dè sẻn lắm mới ổn được. Bữa trước chia tay riêng Huân được ăn no, còn ba chúng tôi thì tự giác nhịn. Nhưng bọn chúng tôi đứa nào cũng vui vì chuyến đi của mình đã có kết quả, vả lại vào những ngày mưa ở đây gặp đói là chuyện thường.

Suốt từ hôm Huân đi, chúng tôi hằng ngày ngồi trên mỏm đá, tựa lưng vào nhau mà chờ cậu ta mỏi mắt. Buổi chiều hôm ấy bụng anh nào anh ấy sủi óc ách vì đói, miếng lương khô cuối cùng đã bẻ chia cho nhau, cái bi-đông nước suối có pha thuốc khử trùng vứt lăn lóc bên cạnh vì trong bụng đã đầy ắp nước. Chợt có tiếng súng trường nổ vang ở bên kia cánh rừng.

- Ðúng thằng Huân rồi, bắn trả lời nó, anh Hàm.

Tôi lắp đạn, ghếch súng lên bắn liền hai phát. Nửa giờ sau Huân đến, nhưng cậu ta không đi một mình, cùng đi với cậu ta là Chuyên. Chúng tôi chạy như lao xuống chân núi đỡ lấy ba-lô trên vai họ.

- Vừa ăn vừa nói chuyện! - Tôi tuyên bố.

Chuyên cười giễu tôi:

- Anh thì chỉ thế là không ai bằng!

Chuyên nhanh nhẹn lục ba-lô lấy ra mấy nắm cơm và một ít muối lạc, bày tất cả lên một phiến đá nhẵn. Cô đứng bên cạnh nhìn chúng tôi ăn, ra dáng bằng lòng lắm.

- Em lên đây làm gì, sợ bọn anh không làm nổi hay sao?

- Anh nói hay nhỉ, đơn vị cử em lên chứ có phải em tự tiện đi đâu. Các đồng chí ấy bảo cần một người có kinh nghiệm đánh bộc phá, em thấy mình cũng đã làm việc ấy thì em xin đi.

Tôi đành đấu dịu lái sang chuyện mở khe núi. Chuyên leo lên một mỏm đá trên cao, quan sát địa thế xung quanh rất lâu, rồi với một thái độ lạnh lùng làm tôi rất lo ngại, cô nói:

- Lối xuống khe hơi khó, trời lại tối rồi, tôi đề nghị với các đồng chí sớm mai sẽ bắt đầu.

Chúng tôi nằm dưới chân vách đá có hờm rộng, mưa lắc rắc suốt đêm. Nằm trên một phiến đá dài ở trong cùng, Chuyên không ngủ được, cô nhỏm dậy ngồi thu lu trong bóng tối vừa tết tóc vừa nói với tôi:

- Anh ạ, hồi ở đèo Ông Phật em đốt mìn đã quen lắm rồi, mai anh cho em xuống khe nhé!

- Không được đâu, xuống rồi còn phải lên chứ. Vẫn biết là em thạo công việc ấy hơn bọn anh, nhưng cái khe này khó leo lắm, hôm qua anh đã xuống dưới đó, lúc lên chỉ suýt nữa thì sẩy chân đấy.

- Em thì không thể ngã được đâu, em đã xem kỹ rồi, có một chỗ lên rất dễ. Em bàn với anh thế này, lúc leo lên chỉ leo đến ngang vách thì chui vào ngay sau cái bướu đá ấy, chỗ đó chắc đủ an toàn. Chứ cố leo một hơi thì sợ ngòi không đủ dài, mìn nổ trước khi...

- Ðể mai xem thế nào, bây giờ em cố ngủ lấy một lúc đi đã.

- Thế anh có ngủ đâu?

- Anh cũng ngủ đây, ai ngủ được thì mai sẽ xuống đặt mìn.

- Nói dối, anh không ngủ đâu, em chẳng còn lạ!

Cô bé này sao hôm nay lắm lời quá, tôi nghĩ bụng. Việc mở khe cứ tưởng dễ, tính toán kỹ thì lại thấy rất khó, mọi chuyện cứ rối bòng bong trong óc tôi thế mà cô ấy vẫn không để cho tôi được yên.

- Hồi ở đèo Ông Phật - Lại vẫn chuyện ở đèo Ông Phật của cô ấy - Có lần chúng em đã phải phá một vách núi, một vách núi đất, thế mới khó, không phá nó thì sẽ có lúc nó đổ sập xuống mặt cầu, hỏng bét tất cả. Mà vào phá thì không có chỗ chạy, lối ra là miệng vực rồi. Các đồng chí buộc em vào một sợi dây, ròng xuống chân vách, đốt ngòi xong thì giật dây cho người ở trên biết mà kéo lên.

- Em kể lại thật kỹ cho anh nghe nào, treo mình trên vách, nhưng người ở trên kia đứng ở đâu mới được cơ chứ?

- Ðứng ở vách bên kia, em buộc sợi dây vào ngang người rồi vòng thêm một lượt chéo hai vai nữa...

- Thôi, anh rõ rồi.

Tôi bắt buộc phải ngắt lời Chuyên. Một cách giải quyết vụt đến với tôi. Tôi nằm mà mường tượng ra từng động tác, tuần tự từ lúc xuống khe cho đến lúc lên và tôi tưởng như thấy được cả lúc mìn nổ cảnh vật xung quanh sẽ thế nào.

Sáng hôm sau tôi cho cả tổ họp một lần nữa, khẩu hiệu là phải thật an toàn và chắc thắng. Cuối cùng đi đến một kế hoạch chi tiết là sẽ có hai người cùng mang thuốc nổ xuống khe tìm chỗ đặt, rồi một người leo lên trước. Ngòi mìn phải đủ dài để đảm bảo người còn lại đã được kéo lên qua vách rồi mìn mới nổ. Chúng tôi quyết định để cho Chuyên đốt mìn, sau khi tôi đã cùng xuống khe kiểm tra chu đáo. Cô ấy người nhẹ lại đã quen với việc này. Công việc kéo dây ở bên trên cần phải có những người thật khỏe.