Truyện cổ tích, “Sự tích trầu cau”







Ngày xưa có hai anh em gia đình họ Cao, người anh tên là Tân, người em tên là Lang. Tuy không phải là hai anh em sinh đôi, nhưng hai người giống nhau như hai giọt nước. Bố mẹ chết sớm, hai anh em không rời nhau nửa bước, cùng nhau chia ngọt, sẻ bùi.

Trong làng có người nhà giàu họ Lưu đem lòng quý mến và đưa về nuôi, coi như con.

Nhà này có một người con gái, khi đến tuổi cập kê gia đình có ý gầy dựng hôn nhân cho nàng với một chàng trai họ Cao, bởi hai anh em người nào trông cũng sáng sủa, hiền hậu, lại chăm chỉ, siêng năng.

Theo tục thời bấy giờ, anh bao giờ cũng cưới vợ trước em. Để giữ tập tục và cũng muốn để thử tài con gái, một hôm cụ Lưu bảo con:

- Đôi khi cha cũng chẳng nhận ra giữa hai cậu ấy ai là anh ai là em. Ngày mai, con chỉ cho cha chàng trai nào là anh, cha sẽ cho con kết hôn với người ấy.

Mặc dù đã từ lâu vẫn dành những tình cảm đằm thắm, sâu đậm cho hai anh em, nhưng cô gái vẫn không thể giữ lòng mình khỏi xao xuyến khi nghe cha nói đến chuyện hôn nhân. Nàng thao thức, nghĩ ngợi thâu đêm, chưa kịp chợp mắt thì gà đã gáy sáng. Cô gái họ Lưu vội vàng xuống bếp nhen lửa nấu cháo cho bữa mai.

Biết rằng theo tập tục, người dưới bao giờ cũng kính nhường người trên, hôm ấy, cô gái dọn lên cho hai anh em chỉ một tô cháo và một đôi đũa. Quay vào sau rèm, cô dừng lại nhìn và thấy Lang nhường cho Tân ăn trước. Cô gái vào thưa cho cha biết chính Tân là anh. Chẳng bao lâu sau cô gái họ Lưu và Tân nên duyên chồng vợ.

*

Sau đám cưới, Lang vẫn sống chung trong một mái nhà với anh và chị dâu của mình. Tình cảm yêu thương của hai anh em vẫn không hề phai nhạt. Nhưng cũng không tránh khỏi những lúc đôi vợ chồng trẻ mải chuyện riêng mà không để ý đến tâm trạng của em.

Một buổi chiều đang làm ngoài đồng, Lang cảm thấy quá mệt mỏi nên bỏ về sớm. Vừa về đến thềm, người chị dâu chạy ra, nhầm Lang là chồng, vội nắm tay Lang, định nói điều gì. Họ nhận ra ngay, nhưng cả hai không khỏi ngượng ngùng áy náy. Tân cũng về ngay sau Lang. Chàng nhìn thấy vợ và em nắm tay nhau ở bậc cửa. Tuy chẳng nói gì, nhưng tự nhiên một thoáng nghi ngờ cứ lởn vởn trong tâm trí Tân. Chàng đâm ra có phần kín đáo hơn với em.

Lang càng ngày càng cảm thấy cô đơn. Mỗi khi nhớ lại những năm tháng anh chưa có vợ, hai anh em quấn quít bên nhau, Lang lại càng thấy buồn tủi. Nỗi buồn tủi thầm lặng tích tụ lâu ngày đến độ Lang thấy không thể chịu đựng được nữa. Và rồi một buổi sáng, Lang thức dậy sớm, lủi thủi bỏ nhà ra đi.

Chàng lang thang suốt ngày đêm như muốn trốn chạy nỗi buồn đang đè nặng trong lòng. Cho đến một ngày kia, một con sông rộng chắn ngang đường buộc chàng phải dừng chân. Mệt mỏi và đói khát, chàng ngủ vùi bên bờ sông. Và nỗi buồn chán cùng với sự mỏi mệt đã không cho chàng thức dậy nữa. Chàng nằm chết, thi thể biến thành một tảng đá vôi nằm lẻ loi bên bờ sông, vào những đêm trăng sáng trông lấp lánh như một nấm mồ.

Khi biết em đã đi khỏi, Tân hết sức ân hận. Chàng ra đi tìm em khắp nơi, khắp chốn. Cuối cùng Tân đi đến dòng sông rộng không thể nào vượt qua ấy. Chàng chỉ còn biết đứng trên hòn đá để ngóng trông em. Nhưng bờ bên kia chỉ là rừng cây xanh ngắt, nào thấy bóng em đâu. Chàng chết lặng với nỗi buồn tuyệt vọng. Người chàng gắn chặt xuống đất, biến thành một cây cao bên hòn đá với những chiếc lá dài xơ xác trông như mái tóc của một người lữ hành trên đường dài gió bụi.

Nửa tháng trôi qua, không thấy chồng về, vợ Tân ở nhà lo lắng, đứng ngồi không yên. Chị nghĩ đến những bất trắc dọc đường và nóng lòng muốn làm sao sớm tìm gặp chồng để cùng san sẻ với chàng. Thế là chị lại một mình bắt đầu một cuộc hành trình gian truân. Và cuối cùng, chị đến bên con sông ấy, ngồi nghỉ chân trên tảng đá, tựa người vào gốc cây có những tàu lá dài xác xơ kia. Chị thiếp đi và mơ màng nhận ra thân cây ấy là hóa thân của chồng mình, còn chị thì biến thành một loài dây leo âu yếm quấn quanh. Và đó cũng là giấc mơ cuối cùng trong đời người con gái họ Lưu.

Một đêm, cụ Lưu nằm ngủ bỗng thấy ba người về báo mộng. Theo lời kể của họ, cụ tìm đến bờ sông nọ nơi có hòn đá và thân cây kia. Cụ cho xây một miếu thờ cạnh đó để tưởng nhớ hai anh em họ Cao và người con gái yêu quý của mình.

Năm ấy, có hạn hán lớn. Cây cối trong vùng khô héo, nhưng cây cao và dây leo bên ngôi miếu vẫn xanh tốt. Mọi người nghĩ đó là loài cây thiêng. Có một người trong làng leo lên hái quả cây nhai với lá, nước miếng rơi xuống hòn đá vôi dưới chân tự nhiên biến thành màu đỏ như son.

*

Loài cây đó sau này được gọi là cây cau và dây trầu. Cũng từ đó người Việt có tục ăn trầu. Mãi đến ngày nay, trầu cau vẫn còn thấy được dùng để bày cúng trên bàn thờ trong nhiều nghi lễ. Và trong giao tiếp, người ta mời nhau ăn trầu để tỏ lòng hiếu khách (...)


(Theo
Hợp tuyển thơ văn Việt Nam, tập I)