Những đặc tính của sân khấu chèo (1)




Như chúng ta đã biết (nghĩa là như tác giả đã lập thuyết), phát triển trên một căn bản ca vũ mang tính cách tế lễ, tuy thô sơ nhưng đơn thuần dân tộc, chèo dần dần trở thành một hình thức nghệ thuật sân khấu đích thực. Vì quá trình hình thành lâu dài đó luôn luôn diễn ra ở nông thôn, chèo tất nhiên chịu ảnh hưởng nơi môi sinh cố hữu của nó và bắt buộc diễn biến phù hợp với cảm quan thưởng ngoạn của khán giả của nó là giới nông dân (...)

Bản chất

(...) nông dân (...) chỉ để ý đến những chuyện xảy ra trong cái khung cảnh quen thuộc của họ là nông thôn. Suốt ngày sống giữa thiên nhiên rộng rãi, họ ưa hát múa cười đùa. Cuộc sống lao động của họ lại mang tính cách tập thể nên họ ưa nói chuyện và thích nghe chuyện. Nhưng vì tính tình bình dị và chất phác của họ không thích hợp với những lý luận cao xa (nghĩa là lý luận rắc rối) và những cách thức kể chuyện quá cầu kỳ nên nội dung câu chuyện và nhất là cách thức kể chuyện cũng phải chất phác và (...) bình dị (...) Và bởi nghề nghiệp bị chi phối chặt chẽ bởi thời tiết đổi thay theo một nhịp chuyển vần nhất định hàng năm, nên họ tin vững ở lẽ tuần hoàn tối thượng và một nền công lý tối cao và tối hậu thưởng phạt công minh và trong cuộc sống hàng ngày họ có thể nhẫn nhục, kiên nhẫn chịu đựng, an phận thủ thường, và chỉ trong những trường hợp đặc biệt, mới lấy tiếng cười giễu cợt làm một thứ khí giới tiêu cực để châm biếm những người - nhất là những nhân vật tiêu biểu cho uy quyền thống trị - đã gây ra những bất công và tệ đoan trong cái xã hội nhỏ bé của họ. Căn cứ vào những nét lớn nơi tâm hồn, và đồng thời cũng là cảm quan thưởng ngoạn của đám đông khán giả sân khấu chèo, chúng ta có thể tìm ra những đặc tính về bản chất của sân khấu này.

Ðặc tính đầu tiên và rõ nhất là đặc tính tự sự. Tự sự là thuật việc, kể chuyện. Thật ra thì đây là đặc tính chung của kịch nghệ cổ truyền Á Ðông, khác hẳn với kịch nghệ Âu châu chịu ảnh hưởng sâu đậm quan niệm của Aristote.

Thật vậy, trong khi sân khấu Âu châu nhằm trình diễn một câu chuyện như đang thực sự xảy ra thì sân khấu cổ truyền Á Ðông, tuy căn bản cũng nhằm trình diễn một câu chuyện nhưng cách thức trình diễn thì lại mang tính cách kể lại câu chuyện. Tính cách này hình thành do những nguyên nhân vừa nêu ở trên, đã được nhận diện rõ nhất ở sân khấu chèo. Ðặc tính tự sự (...) được nhận thấy qua những điểm dưới đây.

Ðiểm thứ nhất là vai trò của người giáo đầu (thường là do người đứng đầu gánh chèo phụ trách). Trước khi diễn, người giáo đầu xuất hiện, trước là để chúc tụng khán giả, sau là để giới thiệu và tóm tắt tích truyện sẽ diễn. Mở màn vở Lưu Bình Dương Lễ, người giáo đầu kể:

“Tôi nhớ xưa tích cũ
Có hai chàng Dương Lễ Lưu Bình”.


Và mở màn vở Quan Âm Thị Kính ta cũng thấy người giáo đầu xuất hiện. Hắn nhập đề:

“Ai ơi giữ lấy đạo hiền
Giồng cây lấy đức, xây nền lấy nhân”.


Hắn chúc tụng:

“Ðôi chữ Di Ðà
Gái trai khỏe mạnh trẻ già bình an
Lòng thành thắp một tuần nhang
Mô Phật! Tứ đường siêu khổ hải
Ngũ phúc chiếu thiền lâm”.
(1)

Rồi giới thiệu và tóm tắt tích truyện:

“Mở Phật kinh thấy tích Quan Âm
Nhà họ Mãng ở Cao Ly quốc
Nhân duyên sớm kết
Sánh họ Sùng vừa được ba thu
Vì cắt râu nên nổi sóng Ngân Hà
Trốn cha mẹ lên tu chùa Vân Tự
Thay xiêm áo trá hình nam tử
Ả Thị Mầu đơm đặt chuyện vu oan
Ẵm con thơ ra mái tam quan
Nương bóng Phật giải oan thanh kết”
.(2)

Ðiểm thứ nhì là diễn viên khi xuất hiện lần đầu thường giới thiệu nhân vật mà mình thủ vai với khán giả. Sự giới thiệu đi vào chi tiết tên họ quê quán, gia cảnh, nghề nghiệp, đôi khi cả tính nết nữa.

Như Sùng Thiện Sĩ, chồng của Thị Kính trong vở Quan Âm Thị Kính:

“Quê tôi nay vốn ở Lũng Tài
Tên vốn đặt là Sùng Thiện Sĩ
Ơn cha mẹ theo bề kinh sử
Chưa có người nội trợ tề gia”.


Lúc này diễn viên không còn là Thiện Sĩ nữa. Hắn giới thiệu Thiện Sĩ, một nhân vật ở tận Lũng Tài, nước Cao Ly, tuy vẫn nhân danh Thiện Sĩ. Hắn như “tách rời” khỏi nhân vật để kể rõ những chi tiết về nhân vật cho khán giả biết, trước khi nhập vào nhân vật để diễn tích truyện.

Ðặc tính tự sự ảnh hưởng rõ rệt đến cách kết cấu của vở chèo. Vở chèo kể một câu chuyện bắt đầu từ chỗ bắt đầu và phải kể cho đến khi câu chuyện thực sự kết thúc. Vở Lưu Bình Dương Lễ bắt đầu từ chỗ xưng danh - Lưu quê ở Bắc Ninh, Dương quê Sơn Tây - rồi hai người kết bạn đồng song, Dương rủ Lưu tìm thầy học tập để đi thi. Vở Quan Âm Thị Kính đóng màn ở chỗ tiểu Kính Tâm lên tòa sen trở thành đức Phật Quan Âm. Do vậy một vở chèo cổ thường không phân hồi phân cảnh rõ ràng như một vở thoại kịch. Và cũng vì đặc tính này mà những qui tắc trong lý thuyết kịch nghệ Âu châu - nhất là cổ điển - không thể đem ra làm tiêu chuẩn để xác định giá trị của một vở chèo.

_____________
(1) Bốn phụ mẫu (chồng và vợ) vượt bể khổ. Năm phúc chiếu cảnh chùa.
(2) Thanh kết: gỡ xong những nút kết lại.


(Vũ Khắc Khoan,
Tìm hiểu sân khấu chèo, nxb. Lửa Thiêng, Sài Gòn, 1974, tr. 129-133)