Đỗ Chu, “Ráng đỏ” (4)




Mùa mưa, vẫn con đường ấy mà cứ tưởng như đang bị lạc vào một khung cảnh hoàn toàn mới lạ. Suốt mấy tháng trước đây, ngày cũng như đêm, bầu trời lúc nào cũng rộng rãi và tràn ngập ánh sáng của mặt trời và của sao. Nhưng giờ thay vào đấy là một vòm trời khác, nặng và thấp. Những đám mây sũng nước bị gió đánh tơi tả, trôi giạt khắp nơi. Những đoạn đường vắt qua các suối ngày nào xe chúng tôi lăn qua còn vang lên tiếng các phiến đá nghiến vào nhau nghe khô xạo, giờ nước cũng đã tràn lên lênh láng. Từng khối đá trên vách núi đổ ụp xuống mặt đường, bùn non ngập ngụa. Người ta chặt những cây gỗ còn tươi nguyên mang rải lên những đoạn đường quá lầy, có khi rải liền hàng cây số. Những chiếc xe tải vất vả bò trên đó, tiếng máy gầm gừ khó nhọc, bánh xe đè nghiến lên từng khúc đường, đôi khi dừng lại quay tít trên một thân cây bị trơ mất vỏ và thế là tất cả lại hò nhau xúm vào, phải một phen đẩy mệt tướt bơ mới qua được.

Và những cơn mưa rừng ập đến trút nước ào ào trên các vách núi, những cánh rừng xa gần đều bị che phủ bởi những bức thành nước trắng xóa. Ðây đó dưới các thung sâu, một bãi cỏ xanh vẫn hiện ra lấp lánh trong vệt nắng cuối cùng còn sót lại, để rồi sau đó nó sẽ là nơi phải chịu nhiều dầm dãi nhất.

Vào một đêm mưa rừng như thế, trong ánh chớp chạy ngùng ngoằng và những tiếng nổ rền vang của sấm, đoàn xe chúng tôi về tới núi Khỉ. Gần tới chỗ rẽ vào kho, tôi nhìn thấy phía trước có một ánh đèn pin đang quay tròn. Có chuyện gì thế nhỉ? Tôi cho xe chạy chậm hơn.

- Dừng lại, dừng lại đã!

Mặc dù bị tiếng mưa át đi, tôi vẫn nhận ra đó là tiếng một người con gái, nhẹ nhàng nhưng cứng cỏi. Tôi vội phanh xe, thò đầu ra ngoài cửa:

- Sao thế?

Bước đến gần tôi là một cô gái vừa ở đâu ra tôi không biết, dáng đi thanh thoát, từ đầu đến chân trùm kín trong một tấm vải nhựa rộng thùng thình. Cô hỏi tôi với cái giọng của một người đang có trách nhiệm ở đây:

- Xe anh về sau cùng phải không?

- Xe tôi đi cuối, anh em đã vào kho cả chưa đồng chí?

- Ðang trả hàng cả rồi đấy.

- Có gì lạ không mà hôm nay lại phải đặt người đón, hay là sợ chúng tôi quên đường!

- Sợ các anh quen đường cứ vào kho cũ, từ nay sẽ trả hàng ở ngoài rừng, trong núi để chật lắm rồi. Anh cho em lên với.

Cô chạy vòng qua đầu xe. Tôi nhoài qua mở cửa cho cô rồi vội vã thu bộ quần áo lót phơi trên chiếc dây sau ghế về phía mình, đợi cô sập chặt cửa rồi mới cho xe chạy.

- Anh cứ đi thẳng - Cô vừa vuốt tóc vừa nói - Sang suối rồi sẽ rẽ bên phải.

- Cô mới về nhận công tác ở đây phải không?

- Vâng, bọn em mới chuyển từ thanh niên xung phong sang, mấy tuần nay toàn phải vào rừng chặt nứa cất kho, sắp tới hàng các anh về nhiều càng bận lắm đấy. Eo ơi - Bỗng cô nhào về phía tôi, kêu thét lên - Con gì nó nhảy vào em?

Vỡ nhẽ, tôi dừng xe lại, không nhịn được cười:

- Tôi xin lỗi, quên không nói trước, một chú khỉ con đấy mà.

Tôi túm lấy con Láu đang nép ở góc đệm phía sau cô gái, kéo nó về ngồi ở bên trái tôi.

- Nó làm em chết khiếp, anh nuôi làm gì cái của nợ ấy cơ chứ!

- Cô đừng sợ, nó rất dễ bảo.

Cô gái ngồi nhích ra sát cửa. Còn con Láu, nó tỏ ra rất tức tối vì có người vào nhà nó và làm nó mất tự do. Mấy lần nó loay hoay toan đứng dậy nhưng tôi đã kịp thời lấy khuỷu tay ấn nó xuống.

Trong buồng lái lúc này tối quá. Ước gì tôi được phép bật một ngọn đèn nhỏ cho "căn nhà" sáng lên, dù chỉ là một phút. Ánh dạ quang tỏa ra mờ ảo trên mặt mấy chiếc đồng hồ xe chẳng giúp được tôi nhìn rõ mặt cô gái. Sang đến bên kia suối, tôi tìm cách hỏi dò:

- Cô chuyển vào bộ đội có thấy vui hơn không?

- Chúng em cũng như các anh thôi, đâu cần thì xin có mặt, ở đâu thì cũng vui cả. Hồi bọn em ở thanh niên xung phong, phải sống chết giành nhau với chúng nó từng đoạn đường ấy chứ!

- Nào tôi có dám bảo gì đâu...

Tôi biết mình lỡ lời, vội cười xuê xoa.

- Chỗ này có một cái cây đổ đấy - Cô hốt hoảng quay sang nói với tôi - Ðến cửa rừng rồi, để em xuống dẫn xe cho.

Trong ánh đèn gầm tỏa nhập nhoạng, tôi chợt nhìn thấy rất rõ ràng, một khuôn mặt trùm trong tấm vải nhựa màu lá cây, một khuôn mặt trái xoan, hiền hậu lắm. Tôi bàng hoàng cả người, hai tay nắm chặt lấy vòng lái, ngồi lặng đi mặc cho chiếc xe vẫn đang nổ máy và cô ta thì vừa đi giật lùi vừa vẫy tay ra hiệu cho tôi tiến lên. Thế là tôi đã tìm thấy cô ta rồi, tôi đã gặp lại người mà trong thời gian qua mỗi lần nghĩ đến là ruột gan tôi lại như lửa đốt. Tôi sung sướng cho xe chạy thẳng lên, qua những lùm cây ướt đầm, qua những khoảng đêm mù mịt hơi mưa, với quầng ánh sáng nơi đầu xe cứ lướt đi soi rọi một đôi chân lấm bùn đang bước.

Mùa mưa ấy trôi qua rất nhanh. Tôi tính thời gian bằng những chuyến đi và bằng sự khao khát được gặp lại Chuyên sau mỗi lần về Khe Cạn. Phải thú thực là tôi đã thầm yêu cô và mối tình chưa nói được ấy cứ âm ỉ như một đống rấm, cho tôi thêm sức để vượt qua mọi hiểm nghèo trên đường, cho tôi những niềm vui mới và một tình cảm gắn bó kỳ lạ với Khe Cạn. Tôi là một đứa cũng hay bô lô ba la chẳng giấu được ai chuyện gì bao giờ, thế mà với riêng chuyện này thì tôi lại trở nên dè dặt và hình như còn nhút nhát là đằng khác. Tuyệt nhiên trong đơn vị không một ai đoán được lòng dạ của tôi. Nhưng dần dần tôi cảm thấy không còn đủ sức giữ im lặng nữa, cần phải tìm một người nào để nói chuyện, khi đã yêu, người ta rất thèm có bạn bè. Người đầu tiên ngồi nghe tôi nói những chuyện đó là cậu Huân. Lúc đó, Huân chưa bổ sung về đơn vị tôi, cậu ta đang còn ở cùng một phân kho với cô Chuyên. Ðó là một tay rất linh lợi và tò mò vào loại số một. Nghe nói cậu ta đang học dở lớp trung cấp địa chất thì được gọi đi bộ đội. Xin vào học nghề địa chất cũng vì cậu ta muốn sau này được bay nhảy đây đó. Rời ghế nhà trườnng đi bộ đội, nắm chắc được đi xa, cậu ta lại càng thích. Nhưng khi được phân công làm lính giữ kho, cậu ta hơi buồn. Ở cái tuổi đó, ai cũng dễ thấy cuồng cẳng, muốn được bay bổng như một cánh chim, muốn có mặt ở khắp nơi và tham gia vào những sự kiện sôi nổi nhất. Công việc của một anh lính lái xe đã trở nên đặc biệt hấp dẫn đối với Huân. Trong những ngày chúng tôi bảo quản xe ở ngoài bãi, cậu ta thường lân la hỏi chuyện và tìm cách làm thân. Lái xe có khó lắm không? Cái này gọi là cái gì? Khi nào thì cần đến nó? Tôi thường trả lời cậu ta một cách kẻ cả và khá ỡm ờ, muốn làm cho một cái xe chạy thì chẳng khó gì nhưng muốn thành một người lái giỏi thì đòi hỏi phải có nhiều điều kiện lắm! Nhưng cậu ta đã không nản và còn tỏ ra là một tay học mót có nòi. Ðiều đó khiến tôi nhanh chóng có cảm tình và tôi chẳng tiếc gì mà không nhờ vả một vài việc vặt như quay mấy vòng ma-ni-ven, hoặc cho leo lên xe làm khan một vài động tác cơ bản. Một lần khi mang xe từ kho về bãi giấu, tôi đã có nhã ý dành cho cậu ta cái niềm vui rất lớn là được ngồi cầm lái thử một đoạn, có tôi ngồi kèm ở bên cạnh. Suốt ngày hôm đó chân tay cậu ta sướng múa lên. Trong lúc đôi bên đều vui vẻ, tôi độp hỏi:

- Cậu thấy cô Chuyên thế nào?

- Thế nào là thế nào?

- Liệu cô ấy đã có người yêu chưa, cậu ở gần cô ấy, chắc là rõ quá rồi còn gì?

- Chuyện ấy thì xin chịu, tôi có chui vào bụng cô ấy được đâu mà biết - Bây giờ thì đến lượt cậu ta lên mặt kẻ cả với tôi.

- Cô ấy có nói gì về cánh lái xe chúng tớ không?

- Có chứ, cô ấy vẫn bảo ngán cho các ông lắm, lúc nào gặp cũng sặc những mùi dầu, ăn ngủ thì lang bang đầu bờ, góc bụi.

- Cậu đừng đùa - Tôi làm ra bộ nghiêm chỉnh - Có tin nhau thì mình mới nói với cậu.

- Thôi tôi biết tỏng ra rồi, để tôi bảo với cô ấy cho, ai chứ anh thì may ra có thể được đấy.

Rồi nửa đùa nửa thật, cậu ta cứ cười phá lên, dọa tôi về đủ chuyện. Câu chuyện không cánh mà bay, cuối cùng rồi cũng đến tai Chuyên. Những buổi vào kho trả hàng, gặp nhau tôi để ý và thấy cô ấy tỏ ra không lạnh nhạt mà cũng chẳng vồn vã, không lánh mặt nhưng cũng chẳng đậm đà. Tóm lại nói như cánh lái xe chúng tôi thì đó là một thái độ tỉnh khô. Ðiều đó khiến tôi bối rối và chỉ còn có cách là im như thóc. Ðôi khi tôi cũng liều bắt chuyện.

- Chuyên hồi này khỏe chứ?

- Em vẫn khỏe, dạo này anh cứ đi luôn nhỉ.

Cô thản nhiên trả lời tôi rồi lại quay vào cùng mọi người khuân hàng. Như vậy đó, giá đừng để cô ấy biết vội thì có phải những buổi gặp nhau thế này sẽ vui vẻ hơn bao nhiêu không. Tôi cảm thấy tiếc những buổi gặp gỡ trước kia, dễ chịu và đầm ấm quá, những câu chuyện tay đôi hết sức thoải mái, gặp gì nói nấy, những câu chuyện chẳng ăn nhập gì với nhau và len vào đó thường có những lúc hai đứa cùng bật cười, vì những cớ cũng chẳng đâu vào đâu.

Nhưng tình yêu cũng giống như thời tiết, có mưa và có nắng. Cái hạnh phúc mà tôi mong đợi rồi cũng đến. Nó đến như một cơn dông khiến tôi choáng váng vì quá bất ngờ. Buổi trưa hôm đó, tôi vào kho tìm cậu Huân. Vừa ở trong rừng ló ra ngoài bãi trống thì bắt gặp hai chiếc phản lực Mỹ đi xăm kho. Chúng bắn loạn một phát đạn khói chỉ điểm xuống gần chỗ tôi. Tôi vùng chạy vào cánh rừng trước mặt nhưng không kịp nữa, hai tên giặc đã quay lại và đang theo nhau lao xuống. Xung quanh không có hầm hố gì cả, tôi vội nằm ép xuống đất, ngay lúc đó tôi nghe thấy tiếng Chuyên gọi:

- Lại đây anh Hàm, mau lên!

Tôi lao về phía đó, một loạt đạn hai mươi ly nổ phầm phập ở phía sau. Chuyên nấp sau một gốc cây lớn, vừa ngó nhìn đường bay của địch vừa ra lệnh cho tôi:

- Cứ làm theo em nhé, nó quay lại đấy.

Hai tên địch đang lấy cao độ để bổ nhào, tiếng động cơ gầm rú nghe xiết mang tai. Bất thần, Chuyên nắm chặt lấy tay tôi thét lên:

- Vòng sang bên kia!

Chúng tôi đổi chỗ nấp tránh một loạt đạn mới của địch. Ðất cát tung lên, bụi mù quanh gốc cây.

- Nó bắn tên lửa đấy anh nhé.

Quả nhiên, một phát tên lửa nổ tung ngay trước mặt chúng tôi, mảnh vung lên cây ràn rạt. Hai tên giặc lượn thêm một vòng nữa rồi bỏ đi.

- Nó cút rồi!

Tôi nói và để ý thấy mặt Chuyên cũng đang tái mét. Cô vẫn nắm tay tôi, rồi với một vẻ quả quyết không ai ngờ, cô gục đầu vào vai tôi, thì thầm:

- Anh làm em sợ hết hồn, đi đâu mà lại chỉ có một mình.

Chúng tôi đứng tựa lưng vào thân cây mà nói chuyện. Một dòng nhựa còn tươi nguyên màu sữa từ trên cành cao rơi xuống áo hai đứa. Tôi còn nhớ đó là một ngày cuối mùa mưa, có nắng hoe vàng trên đỉnh núi và mây bông cuộn đầy trong các lèn đá; con diều hâu uy nghiêm bay trên khoảng ánh sáng thanh xuân của mặt trời; những đàn vẹt cườm xanh đang gọi nhau về rừng tìm trái ngọt. Bàn tay em bẽn lẽn đặt trong bàn tay khô ráp của tôi, cả hai đều cảm thấy tức thở vì một hạnh phúc quá lớn và bỗng cùng hiểu ra tất cả những gì từng đã làm cho nhau e ngại và đau khổ bấy lâu nay cũng đều là hạnh phúc cả mà thôi.

*